Người Việt và Hiệp hội các phòng thương mại và doanh nhân gốc Á Châu TBD

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013.11.07
Trong buổi tiệc tiếp nhận giải thưởng của ACE Hiệp Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân gốc Á Châu Thái Bình Dương. Trong buổi tiệc tiếp nhận giải thưởng của ACE Hiệp Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân gốc Á Châu Thái Bình Dương.
RFA

Nghe bài này

Tuần lễ cuối tháng qua, ACE tức Hiệp Hội Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân Gốc Á Châu Thái Bình Dương, tổ chức một diễn đàn qui tụ nhiều doanh nghiệp và doanh gia, phần lớn là người trẻ, gốc Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có một số ít người Việt hoặc là thành viên hoặc là tham dự viên.

Người Việt trong ACE

Sự cần thiết của tổ chức như ACE , sự tham dự của doanh gia Mỹ gốc Việt vào thương trường Hoa Kỳ như thế nào, là đề tài của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay với buổi thảo luận bàn tròn giữa bốn vị khách mời. Đây là những khuôn mặt tích cực trong khả năng chuyên môn nói riêng và trong sinh hoạt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ nói chung. Đó là ông Nguyễn Thân:

Tôi, Nguyễn Thân, giám đốc điều hành công ty NRG Power, tôi là người sáng lập và thành viên của Hiệp Hội Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân Gốc Châu Á Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ.

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, từng là thành viên trong Ủy Ban Khởi Xướng Các Vấn Đề Châu Á Thái Bình Dương thời tổng thống George W. Bush, một trong những diễn giả của diễn đàn ACE vừa qua.:

Tôi là Nguyễn Hoàng Dũng, cư ngụ tại Quận Cam, California.

Điều có thể thấy là từ 5 năm trở lại đây, khi sức sống và sự lớn mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á càng ngày càng rõ nét, thì sự đóng góp của cộng đồng Mỹ gốc Việt vào nền kinh tế của giòng chính ngày càng tích cực hơn

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng

Hai người khác trong số các tham dự viên gồm bác sĩ Nguyễn Bích Liên người đi tiên phong trong hoạt động giúp đỡ và ngăn ngừa căn bệnh ung thư ở Nam California, và tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, cựu ủy viên giáo dục học khu Garden Grove, California, hiện là giám đốc Văn Phòng Giáo Dục Quốc Tế Và Các Ngoại Ngữ trực thuộc Bộ Giáo Dục Liên Bang, văn phòng tại Washington DC.

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng: Hiệp Hội Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân gốc Á Châu Thái Bình Dương là một tổ chức bất vụ lợi, mục đích là gom lại tiếng nói của tất cả các phòng thương mại Á Châu Thái Bình Dương và các doanh nhân trên nước Mỹ để có tiếng nói mạnh hơn đối với quốc gia Mỹ cũng như thị trường quốc tế. Là một tổ chức bất vụ lợi thành ra việc làm của hiệp hội không nắm vào lợi ích cá nhân của những người sáng lập cũng như những thành viên của hiệp hội, mà nhằm vào lợi ích chung của tất cả các doanh nhân và các doanh nghiệp gốc Châu Á Thái Bình Dương.

Điều có thể thấy là từ 5 năm trở lại đây, khi sức sống và sự lớn mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á càng ngày càng rõ nét, thì sự đóng góp của cộng đồng Mỹ gốc Việt vào nền kinh tế của giòng chính ngày càng tích cực hơn. Tuy đã có những tổ chức như Phòng Thương Mại Việt Mỹ ở nhiều tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ, nhưng phải tới 2012 mới có một ACE Hiệp Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân gốc Á Châu Thái Bình Dương.

Các diễn giả đang phát biểu tại diễn đàn ACE. RFA
Các diễn giả đang phát biểu tại diễn đàn ACE. RFA
RFA

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng: Nói riêng về cộng đồng Việt Nam mình thì đúng ra còn rất non trẻ, ba mươi sáu ba mươi bảy năm đối với đời sống một con người là khá dài, nhưng mà quá trình hình thành một công đồng thì cũng còn ngắn lắm. Nhất là trong thời gian đầu phần lớn chúng ta đều là di dân, sang Mỹ không chuẩn bị một hành trang về tài chánh, không chuẩn bị một hành trang về tinh thần. Phần lớn nghĩ tới đi học và tự đào tạo cho mình một công việc văn phòng hay là làm bác sĩ kỹ sư các thứ là đủ chứ không quan trọng về thương mại mấy. Khi lớn mạnh lên một tí chúng at mới bắt đầu nghĩ đến chuyện thương mại. Và để kết hợp với nhau, nhiều tổ chức doanh nhân hợp lại trong một cộng đồng, giống như Phòng Thương Mại Việt Mỹ từng vùng, chúng ta cũng chỉ mới có vài tổ chức trên cả nước Mỹ, huống hồ một tổ chức kết hợp tất cả các sắc dân khác . Vậy thì ACE phải nói là tổ chức đầu tiên kết hợp tát cả các sắc dân lại. Ngày hôm qua buổi hội thảo có thể nói là lịch sử, có hơn 16 nơi trên nước Mỹ, 16 tiểu bang, cử người đại diện các phòng thương mại của Mỹ đến tham dự chương trình này.

Đây là một quá trình phức tạp và khó khăn để có thể kết hợp lại rất nhiều các phòng thương mại gốc Á Châu từ nhiều nơi. Nội chuyện tổ chức đã là khó rồi, thời gian làm sao để thuận tiện cho tất cả mọi người sang đây, mỗi người một ý kiến khác nhau, mỗi một tổ chức mỗi một sắc dân đều có nguyện vọng và nhu cầu khác nhau.

Doanh nhân Nguyễn Thân: Với tư cách thành viên Hội Đồng Quản Trị, chúng tôi chỉ mong tất cả những doanh nhân Việt Nam và các phòng thương mại Việt Nam ở Hoa Kỳ tham dự với chúng tôi, cùng nhau tạo tiếng nói mạnh tại Washington DC.

Một trong những lợi ích đầu tiên là khi tham gia những tổ chức như vậy chúng ta có cơ hội networking, liên lạc trực tiếp để học hỏi để trao đổi để có sự hỗ trợ lẫn nhau với những người mà đã thành công rồi, với những người mà đã tạo được chỗ đứng, có tiếng nói trong các công ty lớn ở Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh: Đây là lần thứ nhì tôi thấy luật sư Nguyễn Hoàng Dũng có mặt và phát biểu tại những buổi hội nghị có tầm vóc quốc gia như thế này. Anh đã đưa được một số những vấn đề hiện tại trong cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Một điều mà chúng tôi thấy rõ là đa số các công ty lớn của Hoa Kỳ, một khi những đóng góp của người Mỹ gốc Á thành công rồi và có tiếng nói rồi, thì họ giúp cho các công ty lớn đó xoay về phục vụ hoặc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng gốc Á. Đây không phải là việc làm từ thiện mà việc làm mang đến lợi ích cho các công ty này. Cộng đồng Á Châu sau khi vượt qua thử thách và phấn đấu trong vấn đề tìm chỗ đứng trong xã hội, đa số có mức thành công khá khả quan, do đó họ là những targeted consumers, là những người tiêu thụ mà các công ty muốn nhắm tới. Và đế nhắm tới thì họ phải hiểu văn hóa của mình, phải đưa được những cái message tới cho cộng đồng mình. Tổ chức này tôi nghĩ họ thấy rõ vấn đề , họ đứng ra tổ chức những buổi hội thảo cũng như phát triển khả năng lãnh đạo của những người Mỹ gốc Á làm việc cho các công ty lớn.

Tờ chương trình tiếp nhận giải thưởng của ACE tại Washington
Tờ chương trình tiếp nhận giải thưởng của ACE tại Washington
RFA

Có điều hơi buồn là thành phần người Mỹ gốc Việt hơi ít. Trong những tổ chức như vậy nếu mình không có tiếng nói thì mình không đem hữu ích về cho cộng đồng mình đủ. Một trong những lợi ích đầu tiên là khi tham gia những tổ chức như vậy chúng ta có cơ hội networking, liên lạc trực tiếp để học hỏi để trao đổi để có sự hỗ trợ lẫn nhau với những người mà đã thành công rồi, với những người mà đã tạo được chỗ đứng, có tiếng nói trong các công ty lớn ở Hoa Kỳ.

Cái lợi khi tham gia ACE

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Tôi thấy người Việt Nam mình là một cộng đồng nhỏ trong cộng đồng Á Châu lớn. Trong một cộng đồng lớn mà tiếng nói của người Việt Nam mình rất nhỏ nhoi. Bởi vì mình ít người quá nên tiếng nói của mình nó lọt thỏm và không ai biết tới mình hết. Ngay cả cộng đồng Á Châu Thái Bình Dương từ trước tới giờ thì tiếng nói của mình vẫn không mạnh. Nhưng khi người ta làm những cuộc nghiên cứu thì thấy mình chỉ là 6% của tổng số dân nước Mỹ nhưng mãi lực của mình rất cao mà trong khi đó tiếng nói của mình lại đi vào khoảng không.

Thành ra mục tiêu của ACE này có nghĩa là mình góp tiếng nói với nhau để tạo ra sức mạnh và sẽ được nhiều người lắng nghe hơn. Trước giờ, thí dụ Phòng Thương Mại Việt Nam mà lên Washington thì đâu có ai thèm tiếp. Ngay cả Phòng Thương Mại Nhật Bản hay Trung Hoa họ còn mạnh hơn mình nhiều nhưng khi họ tới nói chuyện đâu có ai thèm nghe. Nhưng với ACE khi chúng tôi đến thì trước tiên là chúng tôi được vô quốc hội, nói chuyện bên Dân Chủ xong là đi sang nói chuyện bên Cộng Hòa . Sau đó là được bên Tòa Bạch Ốc mời tới để tham dự buổi nói chuyện của tổng thống Obama. Tức là ngay từ đầu tiếng nói mình đã mạnh hơn là vì đoàn kết gây sức mạnh.

Cái điều này rất thực tế, có người họ nói về thí dụ họ được cái contract (hợp đồng) với một hãng lớn hơn, một hãng của người Mỹ chẳng hạn, tiền cần tới việc thì họ đưa cho mình quá ít, mình thấp cổ bé miệng mình cũng không nói được. Khi tham dự vào hiệp hội này thì tiếng nói mình mạnh hơn, họ không ăn hiếp mình được, họ sẽ phải lắng nghe, đó là cái quan trọng.

Trước giờ, thí dụ Phòng Thương Mại VN mà lên Washington thì đâu có ai thèm tiếp. Ngay cả Phòng Thương Mại Nhật Bản hay Trung Hoa họ còn mạnh hơn mình nhiều nhưng khi họ tới nói chuyện đâu có ai thèm nghe. Nhưng với ACE khi chúng tôi đến thì trước tiên là chúng tôi được vô quốc hội, nói chuyện bên Dân Chủ xong là đi sang nói chuyện bên Cộng Hòa . Sau đó là được bên Tòa Bạch Ốc mời tới...

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên

ACE là nơi để chúng ta lên tiếng nói và cũng là một cách huấn luyện. Tại sao người Á Châu học rất giỏi, ai cũng nói con tôi học giỏi hết, nhưng khi vào những công ty lớn thì mình chỉ lên tới tầng lầu số 10 thôi mà không lên tới được tầng lầu số 20 là tại vì mình không có tiếng nói, không có được sự huấn luyện để mình lên được tới top.

Ông Nguyễn Thân: Mục đích họ không phải là đào tạo ra những người làm chính trị mà mục đích là đào tạo người lãnh đạo doanh nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Ngay cả thí dụ làm luật sư, bác sĩ hay kỹ sư, nếu mình có tài lãnh đạo thì mình vẫn lên được tới tầng cao nhất chứ mình không chỉ có phải lẹt đẹt ở những tầng thấp mà thôi. Cái tài thì mình có nhưng cái sự huấn luyện mình không có, thành ra đây là cơ hội mà tôi nghĩ người Việt Nam mình nên chú tâm và nên chộp lấy cơ hội này.

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh: Một diển giả khác, Mark Keam, gốc Hàn quốc nhưng sanh ra ở Việt Nam, cho tới 9 tuổi thì qua Hoa Kỳ. Mark Keam là nhân viên cao cấp của hãng Verizon, đồng thời là dân biểu tiểu bang Virginia. Anh Mark Keam này đã hướng dẫn và đứng vai trò role model (gương mẫu) cho một người Việt Nam trẻ tuổi tên Hùng Nguyễn, hiện đang tranh cử chức vụ dân biểu tiểu bang Virginia, anh đưa ra những vấn đề rất hay, nói là  không ai dọn cỗ cho mình xơi, mình muốn có tiếng nói thì mình phải tự tranh đấu và tìm cơ hội để có chỗ ở trong bàn họp. Và khi mình có chỗ trong bàn họp rồi và có tiếng nói nhưng tiếng nói đó không phải từ cá nhân mình mà phải từ cộng đồng mình đại diện. Do đó mình phải làm việc sát cánh với cộng đồng để tiếng nói của mình là của tập thể. Có tiếng nói rồi mình còn phải chứng tỏ cho họ thấy mình không chỉ nhận không thôi mà mình còn đóng góp lại cho cộng đồng. Tôi thấy điều đó rất hay, mình phải tranh đấu cho quyền lợi chung chứ không phải cho cá nhân.

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng: Hội nghị có ba buổi nói chuyện, họ muốn đem lại những ý kiến của những người rất nhiều kinh nghiệm trong từng ngành nghề một. Riêng phần chúng tôi nói chuyện là cách thức làm sao để một doanh nghiệp có thể phát triển. Cùng chung một Panel với tôi có những người từ hãng Toyota, hãng McDonald, CocaCola….đều đưa tới những kết luận chung là chúng ta cần phải năng nổ hơn, chúng ta cần phải dấn thân hơn.

Riêng bản thân tôi cũng nghĩ dù có thông minh, có tài giỏi, có khéo léo cách mấy thì cộng đồng Việt Nam chúng ta vẫn là một cộng đồng còn rất non trẻ, chúng ta cần học hỏi từ những người bạn khác, những cộng đồng đã đi trước, để chúng ta có thể học được cái tốt và tránh được cái xấu. Đây là một bước nhỏ trong một quá trình dài mà tất cả cùng học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển, không những cho doanh nghiệp cá nhân mà cho cả cộng đồng.

Và nhất là thế hệ con em, nếu không khéo đào tạo các em ngay bây giờ thì các em sẽ lỡ mất cơ hội, như bác sĩ Bích Liên nói, là để lên tới tầng 20 chứ không còn lẹt đẹt ở tầng thứ 10 nữa.

Quí thính giả vừa theo dõi cuộc thảo luận bàn tròn về ACE Hiệp Hội Các Phòng Thương Mại Và Doanh Nhân Gốc Á Châu Thái Bình Dương, vừa tổ chức một hội nghị có tầm vóc quốc gia tại Washington DC tuần lễ cuối tháng Mười vừa qua, mà một số người Việt có tâm huyết đã tham dự, góp phần và chia sẻ về phương cách phát triển ngành kinh doanh của người Mỹ gốc Việt ngay trên thương trường giòng chính.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.