1992-Chuyến đi Việt Nam của Brian Hjort
Năm 1986, nhiều trẻ lai từ Việt Nam sang Hoa Kỳ theo đạo luật Trở Về Nhà Amerasian Home Coming Act, mang theo ước muốn thầm kín nhưng cháy bỏng là đi tìm nguồn cội, tìm người cựu chiến binh Mỹ đã sinh thành ra mình.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay trình bày những mẫu chuyện cảm động về cuộc sum họp giữa người cha Mỹ cùng đứa con mang hai giòng máu Mỹ Việt của mình.
Đứng sau những câu chuyện này là một người Đan Mạch, Brian Hjort, người sáng lập tổ chức thiện nguyện Father Founded, mà thông tin có thể truy cập trên website qua địa chỉ Fatherfounded .org. Đây cũng là trang nhà mà Brian Hjort lập ra để tưởng nhớ ông Clint Haines, một cựu chiến binh Mỹ vừa từ trần năm ngoái, từng bỏ nhiều thời gian và công sức cùng Brian đi tìm cha cho những anh chị em lai Việt Nam.
Tháng Mười năm nay, Brian Hjort sẽ đến thành phố Memphis, tiêu bang Tennessee, dự một buổi họp mặt của Gia Đình Mỹ Việt để trình bày công việc của anh với các thành viên con lai trong gia đình Mỹ Việt ở đó. Cô Oanh Nguyễn, một người trong ban tổ chức, cho biết:
Em tên Oanh, định cư ở Oklahoma năm 1990, em cũng biết Brian qua sự giới thiệu của các anh chị em lai khác, biết ông đã thành công tìm được cha cho một số anh chị em lai tại Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam. Em cũng có tiếp chuyện với mấy anh em đó bên Việt Nam thì họ cũng nhìn nhận ông Brian đã giúp họ tìm được cha nên em đã nhờ Brian tìm cha cho em với người bạn thân của ba má em hồi lúc đó. Ông Brian đã tìm được người bạn thân của ba em, ông tên là Rory Ernest. Tuần trước em đã nói chuyện với ông, ông nói ông muốn nói chuyện với má em để tìm hiểu thêm trước khi ông giúp tìm ba của em. Má của em hiện đang về Việt Nam thăm gia đình, ngày 15 tháng Tám mới về lại Mỹ thì má em sẽ nói chuyện với ông Rory. Trong thời gian này em cũng rất hồi hộp, mong là ông Rory cũng giúp để cho em với má em gặp được ba em.
Có lẽ tới đây thì quí vị hiểu phần nào việc làm của Brian Hjort khi đi truy tìm nguồn gốc người cha của những anh chị em lai ở đây hay ở bên nhà. Điều gì lôi kéo Brian đến với công việc này? Hãy nghe anh tâm sự:
Tôi đến Việt Nam hồi 1992 như một “Tây Ba Lô”, khi lang thang ở trung tâm Saigon tôi gặp một số bạn trẻ trạc tuổi. Tôi nhìn họ không hoàn toàn giống Việt Nam. Có bạn da trắng mắt xanh tóc vàng hoe, có bạn da đậm màu và tóc xoăn tít như người Châu Phi. Nói chung đủ màu da màu mắt và màu tóc.
Brian Hjort
Tôi đến Việt Nam hồi 1992 như một “Tây Ba Lô”, khi lang thang ở trung tâm Saigon tôi gặp một số bạn trẻ trạc tuổi. Tôi nhìn họ không hoàn toàn giống Việt Nam. Có bạn da trắng mắt xanh tóc vàng hoe, có bạn da đậm màu và tóc xoăn tít như người Châu Phi. Nói chung đủ màu da màu mắt và màu tóc. Trông họ thật lam lũ nghèo nàn. Hỏi ra tôi mới biết các bạn là con lai cha Mỹ mẹ Việt, không được đối xử tử tế ở đây và họ muốn sang Mỹ để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thế là tôi đánh bạn với họ, hỏi xem tôi có thể làm gì để giúp đỡ. Thú thật tôi cảm thấy giận và thương xót những bạn trẻ đó quá. Một số sống ở Saigon, một số khác đến từ vùng quê và kiếm sống trên đường phố. Một số nữa thì đang ở một nơi gọi là Amerasian Transit Center, Trung Tâm Chuyển Giao Con Lai Mỹ, gọi tắt là ATC, gần khu giải trí Đầm Sen.
Rồi các bạn ấy đưa tôi về Trung Tâm Chuyển Giao Con Lai Mỹ, giới thiệu tôi với thêm nhiều người nữa. Dần dà khi hiểu ra có nhiều anh chị em lai, vì hoàn cảnh thúc bách đưa đẩy mà đã có những hành động không tốt, thì tôi lại càng muốn giúp đỡ những người con lai chưa từng được thấy mặt cha của họ trong đời. Một lần, một cô gái lai Mỹ từ vùng quê lên bày tỏ với tôi rằng cô rất ước muốn được gặp người cha của cô. Tôi cứ loay hoay không biết làm sao nhưng tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể khi trở lại Việt Nam
Năm 1995, Brian Hjort trở lại Việt Nam , biết được một số người trong Trung Tâm Chuyển Giao Con Lai đã lên đường sang Mỹ. Anh tìm cách liên lạc trở lại và thu thập thêm nhiều thông tin về lai lịch các bạn ấy:
Nhiều người có thông tin rất tốt, những cũng nhiều người không có gì cả Bản thân tôi vì có sự liên lạc quen biết với các cựu chiến binh trong quân đội Mỹ, những gì tôi cần là tên họ, cấp bậc, số quân, nơi đóng quân và đơn vị phục vụ của người cha Mỹ, rồi tên của người mẹ Việt, thời gian chung sống. Từ những thông tin ấy, bằng vào sự quen biết với những người trong quân đội, chúng tôi xin lục lại hồ sơ, lên Internet để tìm tòi, chúng tôi đã có thể tìm ra tung tích người cha và nếu ông còn sống thì báo cho người con biết để tự họ tìm cách liên lạc với nhau.
Mọi chuyện không dể dàng, có trường hợp phải mất tới mười lăm năm, có trường hợp chỉ mười lăm tiếng đồng hồ. Vấn đề càng khó khi thông tin ít ỏi, thời gian càng lâu thì những người liên hệ hay chính bạn đồng ngũ của họ ngày càng già đi và có thể đã chết. Hơn nữa, trong lúc kinh tế khó khăn ở Châu Âu và Mỹ

Châu như hiện tại, mà công việc của tôi thì tùy thuộc vào sự đóng góp của nhiều người, đến lúc này tôi e là khó có thể tiếp tục vì thiếu tài chính. Xin nhớ là anh chị em lai còn kẹt bên Việt Nam rất nghèo, khi tôi tìm cha giúp cho họ thì tôi không muốn họ phải tốn phí đồng nào.
Một lần, một cô gái lai Mỹ từ vùng quê lên bày tỏ với tôi rằng cô rất ước muốn được gặp người cha của cô. Tôi cứ loay hoay không biết làm sao nhưng tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể khi trở lại Việt Nam
Brian Hjort
Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu người tôi đã giúp tìm được cha, chỉ có thể nói nhiều trường hợp thành công mà cũng có nhiều trường hợp thất bại, có những cuộc sum vầy hạnh phúc cảm động nhưng cũng có những cuộc trùng phùng không bao giờ xảy ra vì bị người cha phủ nhận.
Cuộc chiến vì trái tim
Đó là Brian Hjort, một người Đan Mạch, đã đến với những người con lai mà anh gọi là bạn, bằng công việc mà anh gọi là sự chiến đấu vì trái tim và đầu óc.
Lina Noe là cô gái mang hai giòng máu, qua Mỹ theo diện con lai năm 1994 , định cư ở North Carolina:
Cái họ Noe này là em mới tìm được ba của em gần một năm nay thì em mới có họ này. Trước em mang họ Tăng là họ cha nuôi của em ở bên Việt Nam. Ông Brian giúp em tìm được cha của em. Theo như em biết ở đây có thêm một ông người Mỹ nữa có liên hệ với ông Brian này.
Người Mỹ được Lina Noe nhắc đến chính là ông cựu chiến binh Clint Haines ở tiểu bang Oregon mà Brian Hjort cùng làm việc khi ông còn sống:
Ba em hồi xưa đóng quân ở Nha Trang, mẹ em hiện ở Saigon. Em mới đưa số quân của ba em, tên của ba em, ba em đi lính ở Việt Nam. Em biết những tin tức đó từ má của em, em cho ông người Mỹ ở đây biết rồi ông mới liên hệ với ông Brian.
May mắn chỉ khoảng ba tuần thì Lina nhận được thông tin về ông Steven Noe đang ở Tennessee, người có nhiều khả năng là cha của cô. Vì không thạo tiếng Anh, Lina nhờ người bạn gọi điện thoại xuống Tennessee, hỏi ông Noe có còn giữ hình một người đàn bà tên Võ Thị Hoa hay không. Khi nghe ông Steven Noe xác nhận còn giữ, người bạn của Lina yêu cầu ông gởi mấy tấm ảnh đó xuống cho Lina:
Cái họ Noe này là em mới tìm được ba của em gần một năm nay thì em mới có họ này. Trước em mang họ Tăng là họ cha nuôi của em ở bên Việt Nam. Ông Brian giúp em tìm được cha của em.
cô Lina Noe
Thì khi ba em gởi xuống em nhìn ra đó là hình của mẹ em thì em chắc ăn em là con của ba em rồi.
Đầu tháng Tám 2010, cựu chiến binh Steven Noe tự lái xe từ Tennessee lên North Carolina gặp con gái:
Ba em chỉ ôm em khóc thôi, cả ba em với em đều khóc. Ba em không nói gì nhiều, chỉ xin lỗi em thôi, tại khi ba rời Việt Nam thì má em đã mang bầu được năm hay sáu tháng mà ba em không biết. Khi ba về Mỹ rồi và muốn trở lại Việt Nam để tìm mẹ của em thì không có đi được nữa. Kế tiếp mẹ sinh em ra rồi em lớn lên cho tới bây giờ ba không nghĩ là có em ở bên Việt Nam thành ra ba chỉ biết xin lỗi em thôi.
Theo lời ông Steven Noe kể với con gái, trước khi qua Việt Nam ông đã có vợ và có một con gái. Khi trở về thì ông ta có thêm đứa con gái thứ hai tức là Lina mà đến giờ ông mới được gặp. Sau lần thăm viếng thứ ba, ông Steven Noe giàn xếp để Lina được gặp người chị Mỹ cùng cha khác mẹ của mình:
Lần thứ ba là ba em đã sắp xếp cho em gặp chị em rồi. Em có nét giống chị em với ba em nhiều lắm.
Cho tới lúc này, Lina vẫn nghĩ mình có phước vì đã tìm được cha ruột. Ông Steven Noe thường xuyên lái xe đi thăm con gái mỗi tháng và rất yêu quí hai đứa con của Lina:
Em không nghĩ tụi nó có ông ngoại nhưng mà bây giờ tụi nó có rồi. Bên đây em cũng có nhiều bạn lai lắm nhưng tụi nó đều không có ba mà mẹ tụi nó cũng không có biết tin tức gì của ba nó hết. Em thì được cái phước đó là má em còn nhớ những chi tiết về ba của em. Ba em cũng rất quí mến em, nói chung em là đứa bất hạnh tại mẹ em đã cho em từ hồi nhỏ. Em sống với cha mẹ nuôi của em, sống với người ta thì cũng có nhiều cái bất hạnh.
Câu chuyện trùng phùng với người cha tìm thấy của anh Trọng, đang ở Virginia, cũng hạnh phúc và có hậu không kém. Mẹ của Trọng gặp bố anh, ông Carlos Buchanan, năm 1969. Lúc đó ông Buchanan đóng ở Saigon, kế tới là Long Biên, Phú Lợi, Củ Chi. Khi ông Buchanan về nước thì Trọng ra đời. Người mẹ lấy chồng khác và đi Mỹ năm 1970. Năm 1985 bà bảo lãnh anh Trọng qua Mỹ nhưng không tiết lộ cho biết ai là người cha của anh.
Năm 2010, bà mẹ liên lạc và cung cấp mọi dữ liệu chi tiết về số quân, cấp bậc, đơn vị đóng quân của ông Carlos Buchanan cho Brian Hjort:
Thật là hạnh phúc, thật vui khi gặp con trai và thấy nó rất giống tôi. Đúng là ngoài sức tưởng tượng. Cả gia đình đón tiếp cháu bằng cánh tay rộng mở, cháu là thành viên trong nhà kể từ ngày ấy.
ông Carlos Buchanan
Tôi không kiếm tại vì ông đã có vợ thành thử tôi để Brian làm. Nhưng mà Brian biết chổ ở rồi và chưa làm gì hết thì Trọng đã tự kiếm rồi. Tại vì chuyện cũng đã bốn mươi mấy năm rồi, thời gian cũng dài quá rồi.
Và chính Trọng đã lên Internet để trong muôn vàn tên Buchanan mà kiếm ra người cha ruột Carlos Buchanan của mình. Tháng Tám năm 2010, khi bắt được liên lạc của Trọng qua điện thoại, ông Buchanan, một bác sĩ tâm thần ở Texas, đã báo cho đài truyền hình và báo chí địa phương biết về cuộc gặp mặt hi hữu bốn mươi mốt năm sau với đứa con lai của ông:
Thật là hạnh phúc, thật vui khi gặp con trai và thấy nó rất giống tôi. Đúng là ngoài sức tưởng tượng. Cả gia đình đón tiếp cháu bằng cánh tay rộng mở, cháu là thành viên trong nhà kể từ ngày ấy. Cha con chúng tôi vẫn liên lạc và trò chuyện với nhau rất thường.
Trọng cũng chia sẻ cảm tưởng khi gặp người cha ruột mà anh chưa từng biết trước đó:
Lần đầu tiên thấy được cha thì em nổi da gà..không biết nói gì hết, tại vì em và cha rất là giống nhau. Với lại lần đầu tiên trong đời, bốn chục tuổi rồi, lần đầu tiên được kêu một tiếng “cha”, cái cảm giác đó rất đặc biệt, khó diển tả lắm. Nó ríu rít trong lòng nó mừng mà nói không nên lời.
Trọng không khóc nhưng cha thì khóc và xúc động muốn ngất đi:
Cha rất cảm động, lúc gặp em cha kêu “son” rồi nước mắt… cái bắt đầu cha ôm em, hai cha con ôm nhau rất lâu, rồi cha hôn em. Lúc đó cha cảm xúc quá cha ngồi xuống thì có vẻ như cha bị xỉu.
Hôm đón em thì có vợ của cha, em kêu bằng mammy, mấy đứa em nhỏ. Sau đó về tới nhà, sang hôm sau là một buổi tiệc rất linh đình, toàn bộ những anh em ở Texas về hết. Ngày đầu tiên em không nhớ ai là ai, bữa đó em cười mà cái miệng em rất là mỏi, nói chuyện cũng khó tại vì quá vui. Thậm chí mammy rất là vui vẻ, mammy sắp xếp mọi việc để em được thoải mái. Em rất hãnh diện gặp người vợ của cha như vậy, em đối xử với mammy cũng giống như mẹ ruột, chỉ mammy cách nấu đồ ăn Việt Nam, rất là vui.
Không chỉ riêng những anh chị em lai sang Mỹ khát khao và hy vọng tìm cha ruột mà cũng có trường hợp cựu chiến binh Hoa Kỳ muốn tìm đứa con bỏ lại Việt Nam thưở trước. Đây là tâm sự của ông James Copeland, trước đóng quân ở Biên Hoà:
Tôi chỉ muốn mọi người hiểu tôi coi trọng công việc tìm cha cho những anh chị em lai vì càng muộn thì càng khó, nhiều cựu chiến binh sẽ chết trước khi con họ tìm được họ, nhiều anh chị em lai khi tìm được tung tích cha thì cha đã qua đời.
Brian Hjort
Hồi ở Việt Nam tôi gặp cô ấy và chúng tôi trở nên thân thiết với nhau. Ngày tôi về nước, đoạn đường cô ấy tiễn chân tôi chỉ đến được phi trường mà thôi. Chúng tôi vẫn viết thư cho nhau và sau đó cô ấy báo cho tôi biết cô đã mang thai đứa con của tôi.
Tôi đã không thể trở lại, tên tôi không có trên danh sách trở qua Việt Nam và điều đó khiến tôi ray rứt mãi.
Thời gian trôi qua, cựu chiến binh James Copeland lập gia đình, sống với vợ và những đứa con riêng của bà:
Tôi cố gắng quên nàng và đứa con gái nhỏ mà không thể nào và không bao giờ quên được. Tôi cũng không rõ lắm chuyện sau này Hoa Kỳ nối lại bang giao với Việt Nam. Mãi đến khi biết được tôi mới gọi cho ông nghị sĩ tiểu bang nhờ can thiệp, rồi tôi cũng gọi cho Clint Haines ở Oregon đang giúp con lai nữa. Khi đó thì ông bạn Haines bệnh nặng lắm rồi và Brian đã thay ông trả lời tôi. Tôi đã nhờ Brian giúp tìm con tôi từ đấy
Tôi đã đưa cho Brian tên của người đàn bà đó, số quân của tôi, tên đơn vị tôi phục vụ và nơi tôi đóng quân, tất cả những gì tôi đang cất giữ.
Tôi thực sự mong mỏi gặp con của tôi quá! Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm bất kể vợ tôi ủng hộ hay chống lại. Tôi và cô ấy gặp nhau ở Việt Nam lúc tôi còn độc thân kia mà, người vợ sau này là tôi cưới khi về nước, tôi không có con với bà này. Tìm đứa con ruột là một việc vô cùng quan trọng đối với tôi. Có thể năm nay nó khoảng bốn mươi rồi, tôi đã không có mặt lúc nó ra đời, đó là chuyện ngoài ý muốn.
Bạn không thể nào gạt bỏ một kỷ niệm thân yêu ra khỏi tâm trí được đâu, tôi muốn gặp con gái để làm điều gì bù đắp cho nó.
Trở lại với Brian Hjort, vẫn đi về Việt Nam nếu có dịp để gặp lại những người bạn tức những anh chị em lai còn kẹt bên nhà, điều duy nhất anh muốn thở lộ lúc này là:
Tôi chỉ muốn mọi người hiểu tôi coi trọng công việc tìm cha cho những anh chị em lai vì càng muộn thì càng khó, nhiều cựu chiến binh sẽ chết trước khi con họ tìm được họ, nhiều anh chị em lai khi tìm được tung tích cha thì cha đã qua đời. Những chuyện như thế phi lý quá phải không. Muốn làm cho nhanh thì phải có tiền, tôi muốn nói với các bạn con lai là đừng chần chờ đừng do dự một khi các bạn có thể giúp vào việc này. Tôi cần sự hỗ trợ của các bạn vô cùng. Hiện tại tôi còn nhiều hồ sơ cần giúp lắm.
Đó là những mẫu chuyện tản mạn về con lai Mỹ đi tìm cha ruột ở Hoa Kỳ mà quí vị vừa nghe xong. Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào và hẹn trở lại tối thứ Năm tuần tới.