Mái nhà cố định cho người khuyết tật trong Trung tâm Nghị Lực Sống

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.03.10
thao-van-622.jpg Cô Thảo Vân trong một lần tập huấn cho các bạn khuyết tật.
Hình do Cô Thảo Vân cung cấp

Một nghị lực phi thường

Năm 2003, một người khuyết tật với sức khỏe mong manh yếu ớt nhưng với một nghị lực phi thường, anh Nguyễn Công Hùng, đã mở lớp dạy vi tính miễn phí cho người cùng cảnh ngộ tại tại xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An.

Lớp học có tên là Trung tâm Nghị Lực Sống, mở ngay trong nhà mà thoạt đầu chỉ 3 người đến trọ học, về sau tăng dần thành 30 người. Sau một năm, khoảng 80 người khuyết tật biết sử dụng thành thạo máy vi tính.

Năm 2005, tạp chí e-CHIP của báo mạng Vietnam Net phong tặng anh Nguyễn Công Hùng một giải thưởng, gọi anh là Hiệp Sĩ Công Nghệ Thông Tin.

Năm 2008, Trung tâm Nghị Lực Sống chuyển hẳn ra Hà Nội, tiếp tục công việc dạy vi tính cho người khuyết tật., cũng là khởi đầu những ngày tháng đi thuê mướn từ nhà này sang nhà khác vì không có cơ sở cố định.

Những người bị tình trạng giống anh Hùng và em thì khoảng tầm 18, 20 tuổi thường là người ta mất rồi. Để sống đến cái tuổi như em và anh Hùng thì khoa học nói rằng đó là sự cố gắng vượt bực.
-Thảo Vân

Năm 2012, anh Nguyễn Công Hùng qua đời ở tuổi 31. Tiếp nối công việc của người anh vắn số, cô em Thảo Vân, cũng bị tàn tật như anh mình, đứng ra điều hành Trung tâm Nghị Lực Sống. Niềm ao ước của Trung tâm Nghị Lực Sống lúc này là một ngôi nhà khang trang với mọi phương tiện cần thiết cho người tàn tật, sẽ được xây năm nay nếu đủ khả năng tài chánh.

Từ nhỏ, anh Nguyễn Công Hùng và Thảo Vân đều bị chứng bệnh tạm gọi là khuyết tật vận động do cơ bắp không phát triển, tay chân không cử động được như người bình thường, phải di chuyển bằng xe lăn. So ra thì Thảo Vân may mắn có giọng nói rõ ràng và sức khỏe tương đối khá hơn người anh Nguyễn Công Hùng của cô:

“Em có thể gõ bàn phím được, di chuyển được, lau mặt hay là đánh răng được, còn anh Hùng thì yếu hơn, anh chỉ có thể cầm thìa thôi, sử dụng chuột để click nhè nhẹ thôi. Em năm nay 29 tuổi, rất là yếu. Nói chung là trong 3 năm nay, từ khi anh Hùng mất sức khỏe của em xuống rất nhanh.

Những người bị tình trạng giống anh Hùng và em thì khoảng tầm 18, 20 tuổi thường là người ta mất rồi. Để sống đến cái tuổi như em và anh Hùng thì khoa học nói rằng đó là sự cố gắng vượt bực.”

Là học viên từ năm 2005 khi Trung tâm Nghị Lực Sống còn ở Nghệ An, cô Nguyễn Thị Xuân, bị khuyết tật và cũng ngồi xe lăn hệt như anh em Nguyễn Công Hùng và Thảo Vân, hiện là nhân viên công ty Esoftflow của Đan Mạch tại Hà Nội. Nhắc đến Trung tâm Nghị Lực Sống, Nguyễn Thị Xuân nói cảm tưởng không bao giờ phai nhạt trong cô là:

Cô Thảo Vân trong lần ký hợp đồng đào tạo nhân viên là người khuyết tật với Cty Esoftflow - Đan Mạch. Hình do Cô Thảo Vân cung cấp.
Cô Thảo Vân trong lần ký hợp đồng đào tạo nhân viên là người khuyết tật với Cty Esoftflow - Đan Mạch. Hình do Cô Thảo Vân cung cấp.

“Kính trọng và biết ơn, vì em thấy cuộc sống của em bây giờ rất tuyệt vời. Khi tham gia Trung tâm Nghị Lực Sống thì em được định hướng công việc và quan trọng hơn là có sự tự lập. Hiện tại em làm kiểm tra chất lượng cho một công ty đồ họa của Đan Mạch, công ty Esoftflow ở Hà Nội.”

Từ 2008, khi Trung tâm Nghị Lực Sống chuyển ra hoạt động tại Hà Nội, vì bị phụ thuộc phần lớn vào việc đi thuê nhà, đổi nhà cũng như tổ chức lớp học nên số học viên không bao giờ vượt quá 20 người. Cô Thảo Vân:

“Nhưng cho đến giai đoạn bây giờ thì học viên có thể rơi vào khoảng tầm 30 cho đến 40 em. Giai đoạn hiện tại, ngay bây giờ có 36 học viên. Em đang tổ chức mỗi một lần đào tạo như vậy là 2 đến 3 lớp chạy cùng một lúc luôn. Sau 14 năm hoạt động thì việc kêu gọi tình nguyện viên đào tạo cũng dễ dàng hơn, rồi nhu cầu học cũng lớn hơn.

Rất nhiều người gửi hồ sơ vào xin học, có những em phải đợi mất một năm mới được nhập học. Đợi lâu thì tội nghiệp cho các em, nhiều người mất cơ hội người ta nản cho nên buộc phải làm sao tìm cách để đào tạo liên tục. Còn bây giờ các em phải đợi lâu nhất là 6 tháng thôi.”

Cũng như trong quê, học viên đến Trung tâm Nghị Lực Sống ở Hà Nội không phải trả học phí mà chỉ lo phần ăn uống sinh hoạt của riêng mình. Học viên nào có hoàn cảnh quá khó khăn thì Trung tâm Nghị Lực Sống gần như hỗ trợ toàn phần cho người đó:

Đến với Trung tâm Nghị Lực Sống phần đông là người bị khuyết tật vận động, kế đó là câm, điếc hoặc bị dị dạng ở mặt. Khuyết tật vận động có nhiều dạng như ngồi xe lăn, cụt tay cụt chân, chân tay lập cập run rẩy hoặc bị liệt một nửa người. Yêu cầu duy nhất của Trung tâm Nghị Lực Sống là có thể đọc và viết, có thể tự chăm sóc vệ sinh cá nhân. Tính từ 2008 đến giờ, Trung tâm Nghị Lực Sống đã đào tạo được khoảng 400 học viên có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin:

“Trong đó thì 80% kiếm được việc làm. Thường là em liên lạc với nhà tuyển dụng trước, xem các yêu cầu và kế hoạch tuyển dụng của người ta trong năm đó xong thì bên em sẽ đào tạo theo nhu cầu của nhà tuyển dụng. Cho nên số lượng kiểm soát được sau khi đào tạo xong khá là chính xác, được 80%.”

Một người đang ở Hoa Kỳ, tiến sĩ Đoàn Liên Phùng, thường tài trợ cho các tổ chức thiện nguyên ở Việt Nam nhằm mục đích khuyến khích những tổ chức đó làm việc sao cho hợp lý và có hiệu quả, nhận xét về con người Thảo Vân mà ông biết:

“Cô Thảo Vân tài lắm, nói tiếng Anh giỏi, ngoại giao giỏi, có nhiều bạn trong các sứ quán ở Hà Nội, nhiều người ngoại quốc tới Hà Nội cũng ghé vào Trung tâm Nghị Lực Sống để giúp dạy Anh văn và dạy IT cho học sinh.

Tôi biết Thảo Vân là mẫu người gọi là làm gương cho người khác. Thảo Vân không bị ám ảnh không mặc cảm về khuyết tật của mình mà nghĩ rằng mình có thể đóng góp cho xã hội bằng cách giúp đỡ cho những người khuyết tật khác, dám lên TV để nói tôi khuyết tật nhưng tôi cũng đẹp, mặt mũi của tôi sáng sủa, lại còn tổ chức lễ hội thời trang cho những người khuyết tật nữa.

Tôi biết Thảo Vân là mẫu người gọi là làm gương cho người khác. Thảo Vân không bị ám ảnh không mặc cảm về khuyết tật của mình mà nghĩ rằng mình có thể đóng góp cho xã hội bằng cách giúp đỡ cho những người khuyết tật khác.
-TS Đoàn Liên Phùng

Ngồi trên xe lăn mà làm được những chuyện như vậy thì tôi nghĩ đó là một lãnh đạo quan trọng lắm cho những người khuyết tật ở Việt Nam.”

Được việc đào tạo nhưng lại không được việc ổn định về cơ sở sinh hoạt và lâu dài cho trung tâm cũng như cho học viên. Thảo Vân bày tỏ:

“Thực sự có những cái rất khó cho người đi thuê và người cho thuê. Những nơi mà em thuê là chung cư, người ta chỉ cho ở tối đa là 6 người thôi, mình không thể nào mà thuê cứ mỗi phòng như thế 6 em rồi lại mở một lớp học được. Còn nếu mình thuê một căn nhà mấy tầng để tất cả ở trong đó thì những em ngồi xe lăn không thể nào leo lên cầu thang. Thuê một căn nhà có thang máy thì mình không đủ tài chính để trả.

Ở chung cư thì nhiều người vẫn có định kiến là có người khuyết tật ở trong nhà thì không may mắn nên người ta cũng ngại cho thuê, rồi một nơi ở mà tập trung quá nhiều người khuyết tật thì chung quanh người ta cũng ái ngại.”

Có những năm Trung tâm Nghị Lực Sống phải dọn nhà đến 6 lần, và cứ tình trung bình thì một năm dọn nhà 3 lần, chuyện quá sức đối với các học viên tàn tật nơi này:

“Bởi vì không phải chỉ chuyển đi người và quần áo là xong mà còn báo gồm máy vi tính, giường tầng, nệm, tủ quần áo,bao nhiêu là đồ đạc và các thứ đi kèm khác, thực sự là kinh khủng. Cho nên em sợ chuyển nhà lắm, cứ nghĩ hết hợp đồng và phải chuyển nhà thì em cảm thấy rất là nản. Việc đó thực sự là kinh khủng.”

Mong sự giúp đỡ

Cách đây 5 năm, khi anh ruột cô Thảo Vân còn sống, Hiệp Sĩ Công Nghệ Thông Tin Nguyễn Công Hùng đã phát động chương trình “Viên Gạch Của Bạn, Ngôi Nhà Của Nghị Lực Sống” với ước mơ xây được một ngôi nhà làm nơi đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật giống như anh em của anh.

Cô Thảo Vân trong lần được mời lên chia sẻ ở diễn đàn TedxBadinh. Hình do Cô Thảo Vân cung cấp.
Cô Thảo Vân trong lần được mời lên chia sẻ ở diễn đàn TedxBadinh. Hình do Cô Thảo Vân cung cấp.

Sau chương trình gây quĩ đó, anh Hùng chỉ đủ tiền mua được một căn hộ nhỏ, quá nhỏ so với ba mươi mấy gần 40 học viên, chưa kể những người trợ giúp trong đó.

Căn hộ sau này được cô Thảo Vân vận động bán đi, cộng thêm với 45.000 đô la vay không lãi suất từ dự án Thriive ở Hà Nội, Thảo Vân mua được một mảnh đất 250m2 gần khu Ecopark. Ước muốn của mọi người trong Trung tâm Nghị Lực Sống là làm sao có đủ tiền để xây một cơ sở riêng và mới cho người khuyết tật:

“Dự trù với 250 m2 như vậy em muốn xây lên 3 tầng để có đủ chỗ cho khoảng 40 người ăn ở và sinh hoạt. Không có cầu thang máy nhưng sẽ thiết kế để có thể đẩy được xe lăn lên đến tầng ba. Em biết một kiến trúc sư đang dạy ở đại học Sydney, bác ấy thiết kế cho em miễn phí tòa nhà đó, đảm bảo nó tiếp cận chuẩn quốc tế.”

Phí tổn để xây mới căn nhà vào khoảng 3 tỷ đồng Việt Nam, nhưng số tiền hiện quyên góp được hãy còn quá ít. Tháng Hai vừa rồi, tiến sĩ Đoàn Liên Phùng với chương trình Thách Đố Và Cộng Hưởng báo cho biết ông đồng ý giúp một phần vào việc xây dựng Trung tâm Nghị Lực Sống vì nhận thấy sự quả cảm, nghị lực và khả năng nơi những người tận tuy với trung tâm, đặc biệt cô giám đốc Thảo Vân:

“Năm 2014 chương trình Thách Đố Và Cộng Hưởng của tôi giúp cho cô ấy một số tiền và cô ấy làm được tất cả những điều mà cô ấy hứa, đặc biệt là nhận thêm được học sinh khuyết tật và tìm được việc cho học sinh khuyết tật về ngành IT và tiếng Anh.

Năm 2015 tôi lại tiếp tục giúp cho cô và cô có một chương trình là phải kiếm một trụ sở bởi vì cứ bị đuổi luôn. Có năm bị đuổi tới 6 lần bởi không ai dám cho cô thuê lâu dài vì sợ đen đủi, sợ khó coi đối với hàng xóm láng giềng. Chính vì thế cho nên cô Thảo Vân muốn xây một trung tâm cho người khuyết tật là một ý nghĩ rất đúng.

Một tòa nhà 3 tầng sẽ xây dựng được ngay nếu có vào khoảng ba bốn chục ngàn đô la. Tôi là một cá nhân đã về hưu nhưng tôi nói nếu người khác giúp vào thì tôi sẽ đóng góp 1 Đồng cho tới 1 Đồng, nghĩa là nếu ông X đóng 1 đô la thì tôi đóng thêm 1 đô la nữa, và cả 2 đô la đó đều dưới tên ông X chứ không cần phải dưới tên tôi. Tôi hy vọng nhiều người trong nước cũng như ngoại quốc sẽ đóng góp, nhỏ thì 100, 200 đô la, lớn thì 1.000, 2.000 đô la, để cô Thảo Vân có được ba bốn chục ngàn đô la trong năm nay để xây nhà cho Trung tâm Nghị Lực Sống.”

Về lý do vì sao nên góp một bàn tay với Trung tâm Nghị Lực Sống của Thảo Vân, tiến sĩ Đoàn Liên Phùng nói:

“Người lành lặn ra mở trường dạy cho người khuyết tật tương đối dễ hơn một người tàn tật như Thảo Vân. Tôi có giúp cho trường Đại Học Kinh Bắc ở tỉnh Bắc Ninh, họ cũng có một chương trình dạy người khuyết tật. Tôi cũng thách đố họ có chương trình đặc biệt về IT để dạy người khuyết tật, có chương trình đặc biệt về các ngành chuyên môn như hội họa,như kiến trúc cho người khuyết tật sau này học xong thì ra trường có việc làm. Quan trọng nhất là có việc làm chứ không phải học ra để lấy bằng cử nhân hay thạc sĩ gì đó.

Họ cũng đã làm rồi nhưng theo tôi nó không cho thực tế bằng chương trình của Thảo Vân. Ba mươi người khuyết tật trong số ba bốn ngàn học sinh thì họ chỉ có thể đủ sức với tầm của họ thôi chứ không có hoàn toàn 100% như chương trình Nghị Lực Sống của Thảo Vân. Sự thực thì Thảo Vân sức khỏe yếu lắm, ông anh của Thảo Vân qua đời lúc mới 30 tuổi thì Thảo Vân sống bao nhiêu lâu rất khó mà biết. Nhưng xây được trung tâm khuyết tật, đào tạo một đội ngũ và một chương trình dài hạn thì trung tâm đó sẽ đứng vững rất lâu và sẽ giúp được cả ngàn người khuyết tật. Đó là sự đóng góp rất lớn cho tương lai của Việt Nam.”

Vừa rồi là câu chuyện về Trung tâm Nghị Lực Sống, nơi đào tạo kiến thức, lòng tự tin, sự vui sống và trên hết là công ăn việc làm cho những người chẳng may mắc phải căn bệnh khuyết tật vận động từ nhỏ với một cơ thể bất toàn và một vóc dáng không lành lặn, không bình thường.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây, Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị thứ Năm tuần tới.

Liên lạc và góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.