Chuyện kể từ người giúp đỡ công nhân Việt tại Malaysia
2012.04.26
Phải ký giấy nợ
Gần mười nghìn người khác trong diện bỏ trốn ra ngoài kiếm việc khác hoặc ở lì chứ không trở về nước khi visa hết hạn. Chính vì thế có một số người Việt bị bắt và bị giam trong những trại tù ở Malaysia vì tội cư trú và lao động bất hợp pháp.
Lần trước, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi trình bày câu chuyện kể từ một nhà hoạt động dấn thân ở Malaysia mà ông xin được giấu tên, nói về những thiếu nữ trong nước hoặc tự nguyện hoặc bị buôn qua đây hành nghề mãi dâm. Câu chuyện kỳ này là cuộc sống và tâm tư người lao động Việt tại Malaysia, vẫn qua lời kể của nhà hoạt động này khi trở về thăm nhà ở Hoa Kỳ:
"Căn bản trên dưới một trăm ngàn là có, và cũng có lúc lên đến một trăm ba mươi nghìn nữa. Vấn đề xuất khẩu lao động có lợi hay không có lợi như thế nào mình phải ở trong cuộc mới biết được. Về phương diện của công nhân thì tùy thuộc vào chuyện họ được gởi đến công ty nào. Trước khi đi họ phải có một số tiền để chi trả cho dịch vụ giấy tờ, họ tốn tiền cho môi giới ở nhà và cả môi giới ở Malaysia nữa. Hầu hết công nhân bất cứ quốc tịch nào khi đến Malaysia đều có một số nợ và phải ký giấy nợ.
Ở Malaysia có rất nhiều công ty khác nhau. Có một số công ty tư nhân tự lo, nhưng có một số sub-contract từ nơi các đại công ty nước ngoài, thí dụ những hãng may quần áo hoặc những hãng giày dép như Nike, Adidas, hãng điện tử như Dell cũng có.
Nếu công ty đó là một sub-contract của một tập đoàn lớn của thế giới, họ bắt buộc phải có những chương trình bảo vệ lao động cho công nhân của họ giống tại các nước tân tiến. Dù muốn dù không họ phải theo một số tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn công nhân sẽ được ở chung cư, tiền lương phải khẳng định là bao nhiêu. Do vậy đời sống công nhân sẽ được tốt hơn dù có thể tiền lương ổn định chứ không cao, bù lại công nhân không bị ức hiếp không bị bạc đãi."
Ngược lại, Malaysia cũng có nhiều công ty tư nhân do một hay nhiều người thành lập mà điều kiện lao động không bảo đảm:
"Tại vì trong xã hội Malaysia Luật Lao Động không chặt chẽ lắm, vẫn còn vấn đề trong nội bộ địa phương, đa số họ không chăm sóc công nhân. Chẳng hạn về vấn đề ăn ở, công nhân được thả vào một vùng đất để làm việc, vùng đất đó không có chung cư gì cả, công nhân phải tự tìm vật liệu, tự xoay sở cho mình một chỗ ở cho tươm tất. Cả hệ thống vệ sinh, cầu tiêu cầu tiểu cũng không có mà phải tự giải quyết.
Điều đó là có trên đất nước Malaysia, những công ty riêng tư như vậy thì không có vấn đề bảo hộ lao động. Chẳng may có tai nạn mà nếu gặp ông chủ tốt thì họ còn chăm sóc và đưa đi bác sĩ. Còn đối với chủ mà bóc lột sức lao động thì nếu công nhân gặp tai nạn và không còn sức làm việc thì họ sẽ gởi mấy công nhân đó về.
Trước khi đi họ phải có một số tiền để chi trả cho dịch vụ giấy tờ, họ tốn tiền cho môi giới ở nhà và cả môi giới ở Malaysia nữa. Hầu hết công nhân bất cứ quốc tịch nào khi đến Malaysia đều có một số nợ và phải ký giấy nợ.
Một nhà hoạt động ở Malaysia
Cho nên không chỉ riêng công nhân Việt Nam mà cả công nhân người Nepal hay người Indonesia cũng gặp trường hợp như vậy. Thật sự những anh chị em đó có cuộc sống khó khăn bên Việt Nam, khi chấp nhận đi Malaysia làm việc họ hy vọng có cuộc sống khá hơn. Qua đây rồi họ mới thấy mọi sự không như ước mơ, nhưng mà ít nhiều gì họ cũng có việc làm và kiếm được tiền, họ trả giá cho sự khổ cực bằng việc giúp đỡ gia đình, họ đành phải chấp nhận điều kiện lao động thấp ở Malaysia.
Ở đây tôi chỉ đặt vấn đề là ở Malaysia những công ty tốt nghĩa là có ký hợp đồng với những công ty nước ngoài thì không có bao nhiêu, trong khi những công ty không tốt do tư nhân làm chủ thì rất là nhiều. Ví dụ một công nhân qua làm mới hai tháng, nợ thì vẫn còn tại vì tính ra phải trả trong vòng một năm, mà chẳng may mới hai tháng đã bị tai nạn không làm được nữa. Bị công ty trả về thì như vậy là còn mười tháng nợ. Đó là cái thiệt thòi của công nhân Việt Nam hoặc công nhân một số nước khác."
Bị bóc lột, ngược đãi
Trước giờ vì là thị trường nhập khẩu lao động tiềm năng và hứa hẹn của Việt Nam, Malaysia đã ký với Việt Nam nhiều văn bản liên quan đến cư trú, bảo hộ lao động, tiền lương cũng như điều kiện sinh sống của công nhân Việt sang Malaysia. Trong tư cách người tự nguyện làm việc để giúp đỡ công nhân Việt Nam ở Malaysia, nhà hoạt động trong bài này phân tích:
"Vấn đề ký kết thì trên Internet và trên báo chí đều có, nhưng khi thực hiện thì nảy sinh những điều rất tế nhị. Chẳng hạn ngay công ty mà người Malaysia làm chủ thì họ không muốn bị thiệt thòi, họ không bảo vệ lao động, không mua bảo hiểm, không theo đúng thể lệ lao động thì họ càng giấu nhẹm vấn đề bạc đãi. Chính họ cố tình giấu rồi cộng thêm kiến thức của công nhân nữa, mà đa số là người miền núi miền xa, không biết cách liên hệ khi xảy ra chuyện, tâm lý của họ là chịu đựng, nhỡ như tai nạn xảy ra thì họ gọi là không may và họ chấp nhận.
Vì cái tâm lý an phận và chấp nhận đó mà chủ nhân càng lạm dụng và sự việc càng bị che dấu. Những trường hợp hiểu được, liên hệ được với người giúp để nhờ lên tiếng thì rất là hiếm."
Ông cho biết Malaysia có những tổ chức NGO và một số luật sư có lương tâm đã tìm cách bênh vực cho các công nhân nước ngoài bị bóc lột bị ngược đãi, trong đó có công nhân Việt Nam:
"Nhưng cũng chỉ được phần nào thôi, khi giúp thì phải liên hệ với cơ quan hữu trách hai bên để đưa những trường hợp đó ra mà thường phải kéo dài cả mấy năm mới giải quyết được.
Cho nên vấn đề không phải sự giải quyết của hai quốc gia như thế nào mà vấn đề đầu tiên là chủ và công nhân có cách nhìn khác nhau. Công nhân thì kiến thức không đủ mà lại có quan niệm chấp nhận, còn chủ thì lợi dụng sự suy nghĩ đó để áp bức công nhân. Nên là dù ký kết trên văn bản mà thực tế áp dụng không tới đâu.
Đó là chưa kể tình trạng tham những trong hệ thống di trú của Malaysia. Những trường hợp vi phạm lao động đối với người nước ngoài chỉ được báo cáo lòng vòng trong nội bộ, không giải quyết được chuyện thì công nhân hết hạn và phải đi về. Có thể nói điều mà chủ sử dụng lao động Malaysia và tòa án bản xứ lạm dụng được là vấn đề nhân chứng. Sau ba năm công nhân được coi là nhân chứng hết hợp đồng và phải đi về, trong lúc toà án kéo dài hơn ba năm mà chưa tuyên xử gì hết và nhân chứng không còn ở đó nữa. Không có nhân chứng thì hồ sơ đó coi như đóng. Chính vì thế chủ nhân vẫn áp bức công nhân mà không ngại vì ra toà không được bao nhiêu trường hợp."
Nếu đã vậy thì bản thân nhà hoạt động này có thể làm được gì cho những công nhân Việt Nam ở Malaysia mà ông biết đến:
Công nhân thì kiến thức không đủ mà lại có quan niệm chấp nhận, còn chủ thì lợi dụng sự suy nghĩ đó để áp bức công nhân.
Một nhà hoạt động ở Malaysia
"Khả năng đến mức độ nào thì cố gắng làm tới mức độ đó. Đại đa số công nhân Việt đến Malaysia gặp trở ngại về ngôn ngữ, không hiểu rõ Luật Lao Động, không biết đòi hỏi quyền lợi khi đau ốm. Tôi cố tiếp cận với họ, giải thích cho họ hiểu quyền lợi của mình và tìm cách giúp đỡ họ thông qua luật pháp cũng như các tổ chức ngoài chính phủ ở đó.
Xa hơn nữa, tôi đến với những người công nhân bỏ ra ngoài kiếm việc bất hợp pháp, giúp hợp thức hoá tình trạng lao động của họ, giúp họ trở về nước an toàn. Tôi cũng thường được cảnh sát bản xứ nhờ thông dịch cho những công nhân Việt bị bắt và hiện đang bị giam trong các trại tù vì tội cư trú bất hợp pháp. Cũng như người các nước quanh đó qua Malaysia lao động, công nhân Việt Nam làm việc trái phép cũng là vấn đề phức tạp ở xứ này."
Mà nói gần nói xa chẳng qua nên nói thẳng, tại sao phải chú trọng đến đội ngũ đông đảo công nhân Việt ở Malaysia mà câu chuyện hôm nay đề cập tới? Câu hỏi được nhà hoạt động nêu lên để hướng đến câu trả lời cho lý do vì sao.
Ước mong đổi đời
Theo ông, trước giờ người ta thường quan niệm trí thức là vốn quí của xã hội mà quên rằng lực lượng lao động trẻ đi ra ngoài, trong vai trò tinh tế của nó, cũng là vốn liếng không thể thiếu cho tương lai:
"Đa số công nhân Việt ra nước ngoài là thanh niên vùng quê, tuổi còn trẻ, lần đầu tiên bước vào đời. Đi làm việc xa nhà, thiếu sự dẫn dắt, không kể một số trường hợp tiêu cực như rượu chè, bài bạc…còn lại tôi nhận thấy điểm tích cực là đa số ít nhiều nhìn ra được, so sánh được và nhận thức được nền khoa học kỹ thuật tân tiến cũng như cách đối xử giữa người với người ở Malaysia, họ ít nhiều học được nếp sống văn minh mà trước đây trong làng quê nghèo họ không biết.
Tôi nói đơn giản cái văn minh tối thiểu trong đời sống con người, lời cảm ơn khi được ai làm cho mình việc gì đó, lời xin lỗi khi mình lỡ làm hỏng một việc gì. Ở đây họ học được lời cảm ơn lời xin lỗi trong đời sống hàng ngày. Điều đó tạo nếp văn minh mới cho bản thân cho làng mạc mà không phải bỏ sức ra để xây dựng.
Chẳng hạn cao hơn nữa là lời hứa, lời nói và sự tín nhiệm, điều mà trước đây khi còn ở quê nhà các bạn trẻ đó không để ý tới, nay khi tiếp xúc tiếp cận với người nước ngoài, Malaysia dù sao cũng là một quốc gia trên đường phát triển, người công nhân Việt cũng học được rằng lời nói của mình phải đáng tin cậy phải được tôn trọng, từ đó tạo sự tín nhiệm. Về kỹ thuật họ học được, về ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng bản xứ , họ cũng học được, quyền lợi lao động họ cũng học được.
Những điều đó là mang lại cho bản thân và gia đình họ một hình ảnh mới mà thường ở nhà phải mất bao năm mới đào tạo được. Cá nhân họ sẽ lớn lên sẽ trưởng thành hơn. Tôi thực sự nghĩ rằng người lao động Việt đi các nước chứ không riêng Malaysia, nếu gặp môi trường tốt, nếp sống lành mạnh và phát triển tốt thì những công nhân đó khi về sẽ có suy nghĩ cao hơn so với lúc ra đi. Tôi nghĩ nếu đồng hương Việt Nam ở các nước lưu tâm, chú ý và giúp đỡ các bạn trẻ này thì không chừng đây là cách gián tiếp để xây dựng một đội ngũ lao động lành mạnh trong tương lai cho đất nước Viêt Nam. Chính những bân trẻ đó sau này sẽ đóng góp rất nhiều cho đất nước Việt Nam một cách thiết thực hơn.
Sự ân cần quan tâm của người ở bên ngoài sẽ giúp những anh chị em đó trưởng thành hơn, sống có tình người hơn để sau này mang những tư tưởng tân tiến lành mạnh vào cho xã hội và đất nước Việt Nam."
Một nhà hoạt động ở Malaysia
Có nhiều người ở ngoài này hỏi rằng tại sao công nhân Việt Nam biết đi nước ngoài lao động là phiêu lưu là cực khổ mà vẫn đi, nếu khờ dại hoặc nếu đã quyết định vậy thì ráng chịu đi. Tôi thường đắn đó khi trả lời câu hỏi này. Thực sự các anh chị em đó không khờ dại và chẳng bao giờ muốn bị áp bức bị bóc lột như vậy. Trên căn bản khi ra đi họ không biết gì hết. Ở nhà ngoài đồng ruộng họ không có việc làm, họ ước mơ ra đi và đổi đời.
Tôi chỉ mong người Việt ở ngoài nhìn lao động Việt Nam qua Malaysia, Singapore, Đài Loan, ngay cả các quốc gia Trung Đông qua hình ảnh tích cực hơn. Thay vì xa cách và không giúp đỡ họ, sự ân cần quan tâm của người ở bên ngoài sẽ góp phần giúp những anh chị em đó trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, sống có tình người hơn để sau này mang về những tư tưởng tân tiến lành mạnh vào cho xã hội và đất nước Việt Nam."
Câu chuyện về công nhân Việt xuất khẩu lao động qua Malaysia đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.