Vương Giả Chi Hoa, bạc triệu khó tìm
Có một loài hoa không chóng tàn, vẫn tươi nhuận vẫn đắm thắm với người khi những ngày Tết đang qua.
Đó là hoa lan, được người đời xưng tụng là “Vương Giả Chi Hoa”, bởi nét trang đài trên từng cánh, rực rỡ trong từng màu và yêu kiều như mùa xuân đương độ.

Cao nguyên miền Trung, thành phố Đà lạt, là cái nôi thủy thổ của những loài hoa vương giả đó. Có một thời Mạc Lan, một loại địa lan rất thơm của Việt Nam, gần như chiếm lĩnh tên tuổi các loại hoa lan Đà lạt.
Sau này, với những phòng cấy mô theo phương pháp khoa học, thêm những giống lan nhập từ bên ngoài, nhiều vườn lan nhiều trại lan mọc lên trong thành phố, nhưng vẫn không thể thiếu vằng những cánh lan rừng, phần lớn là địa lan, mà màu sắc và hương thơm được mọi người yêu chuộng.
Mười bông mười lăm bông thì một chậu mười mấy hai chục triệu rồi. Không có mà bán.
anh Hiếu, nhà trồng lan<br/>
Kỹ thuật trồng lan những lúc sau này cũng khác trước, như lời anh Hiếu, chủ nhân một vườn lan ở Đà lạt. Anh nói đến có những loại địa lan trồng trong nhà kính của anh, chỉ nghe tên mà tưởng có thể nhìn ra màu sắc thắm tươi độc đáo:
“Cam Lửa, Vàng Mít, Vàng Cà Sa, FX 75, Vầng Trăng, nói chung toàn bộ địa lan, những giống mắc tiền và quí nhập từ bên Nhật về, nó đa dạng và nhiều giống mới lắm. Làm nhà kiếng, chung quanh là khung sắt, ở trên kéo lưới đen phủ che ánh sáng khoảng 50% để giảm độ ánh sáng xuống cây lan”
Những loại lan mà anh Hiếu nêu tên, như Cam Lửa chẳng hạn, thì ngày thường hay ngày Tết cũng không phổ biến như các loại hoa thường:
"Chỉ những người giàu có người ta mới chơi những loại lan này vì rất đắt. Thay vì một bình bông năm chục ngàn hay ba chục ngàn, thì cái này lên tới vài triệu. Cam Lửa bữa nay giá ở Việt Nam gần một triệu rưỡi một đơn vị rồi, nghĩa là một bông thôi đó. Mười bông mười lăm bông thì một chậu mười mấy hai chục triệu rồi. Không có mà bán. Đóng hàng ra Hà Nội rồi qua nước ngoài . Năm ngoái có đóng qua Đài Loan nữa mà"
Cả một nghệ thuật
Chủ nhân một vườn lan khác trong thành phố, anh Phước, cho biết Đà lạt có rất nhiều vườn lan, những loại đắt tiền cũng nhiều mà loại vừa túi tiền người thưởng ngoạn cũng nhiều. Theo anh, trồng lan chăm bón lan là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều công sức:
“Cũng có nhiều tay như anh Quỳnh ở Vạn Kiếp, rồi Minh Thành ở Đa Phú, đó là những giàn lan lớn của Đà lạt. Mấy giàn đó thuộc dạng đại gia rồi. Trước tiên mình phải có sự đam mê rồi phải chăm sóc hàng ngày chứ đâu có bỏ được, vào vườn là vừa làm vừa ngắm”
Thế còn lan rừng, tức loại lan thuần tuý của núi rừng Đà lạt, hoặc phong lan hoặc địa lan, mà màu sắc và độ bền không kém phần rực rỡ tươi thắm, thường do người Thượng từ các buôn làng gùi ra bán cho người thành phố:
“Lan rừng thì chỉ có một số ít thôi, Delta, Miltonia, Thuỷ Tiên, móc quanh giàn chơi vậy thôi. Tình hình kinh tế năm rồi cũng khó khăn, lượng khách yếu hơn mấy năm nhiều, mua biếu xén cũng yếu hơn”
Hà Nội “mê” lan Đà lạt

Năm nay, có nhiều loại lan ra hoa kịp cho ngày Tết, nhưng cũng có một số đã không kịp hẹn:
Hà Nội mê hoa lan Đà lạt đứng đầu luôn. Hà Nội không tiếc tiền
anh Hiếu<br/>
“Những loại không trổ bông kịp là Tím Hột, Xanh Thơm, Vàng Ba Na. Ra Tết mình chỉ bán hàng cắt cành thôi, bán Lễ Tình Nhân hay Tám Tháng Ba đó, ra Tết không xuất được hàng chậu.
Hàng chậu đi Hà Nội, Sàigon, Nha Trang và các tỉnh thành. Hà Nội rất chuộng hoa lan Đà lạt, phải nói Hà Nội mê hoa lan Đà lạt đứng đầu luôn. Hà Nội không tiếc tiền, miễn hàng đẹp thì cỡ nào giá bao nhiêu cũng chơi được hết”
Cam Lửa cũng là một thí dụ về lan cao cấp mà anh Phước trình bày:
“Nói chung Cam Lửa đặc điểm bây giờ trên thị trường là mấy xếp lớn rất chuộng. Độ bền thì cũng giống như những loại lan kia thôi, nhưng màu sắc thì Cam Lửa đứng đầu nên giá trị của nó cao. Cam Lửa trung bình một tháng rưỡi hai tháng mới tàn
Tết này cũng có bán một số, cao cấp cũng có, bình thường cũng có. Chỉ khách “víp” khách “sĩ quan” mới chơi được hàng cao cấp. Từ Xanh Thơm, Vầng Trăng, FX75, Vàng Mít, Cam Lửa là hàng cao cấp rồi, người bình dân tiền đâu mà chơi những loại đó. Họ chơi hàng thường như Vàng Ba Na, Vàng Hải, Vàng Bơ, Ba Râu, Tím Hột, Vàng Mỹ. Đó là mấy loại thường”
Hoa trễ hẹn… vì Trời!
Nhưng nhìn chung thì Tết Nhâm Thìn này Đà lạt không có nhiều lan cao cấp để bán. Chị Loan, trại lan Vĩnh Mai ở Định An trên đường vào thành phố Đà lạt, giải thích :
một chậu địa lan mình phải trồng bốn năm mới có được một cành bông, thì mình đã phải gối đầu
chị Lan, trại lan Vĩnh Mai<br/>
"Tại vì thời tiết lạnh quá nên có một số lan không ra kịp đúng Tết như mình mong. Thí dụ trên một ngàn chậu thì cũng bị đứng lại hết hai ba trăm chậu chứ không như mọi năm là nở hết. Có một lượng địa lan hoặc những loại lan rừng, ví dụ Kim Điệp hay Long Tu, đều bị đứng lại.
Hầu như cái này là mình làm quanh năm và làm gối đầu. Để có được một chậu địa lan mình phải trồng bốn năm mới có được một cành bông, thì mình đã phải gối đầu thí dụ năm nay xuất ra một lượng thì đã phải vô lại một lượng cây con để chuẩn bị cho những năm sau rồi.
Lan rừng thì mua từ người dân tộc, họ đem ra rồi mình kết mình nuôi. Khi nó sinh sản được rồi thì mới lấy những phần sinh sản đó bán, và mình giữ lại cái nguồn gốc"
Những loại lan của vườn Vĩnh Mai, nở rộ hoa trong dịp Tết này, là Địa Lan, Hồ Điệp, Vũ Nữ, Denrô Thái và một số lan rừng khác của Việt Nam:
Điều may mắn là ra Tết thì Kim Điệp hay Long Tu vẫn bán được giá bởi đó là những loại lan được ưa chuộng quanh năm chứ không riêng Tết:
"Bây giờ vận chuyển cũng tiện lắm, chỉ có giá cước hơi cao một chút nhưng cũng không có gì khó. Còn qui cách đóng bì của mình thì càng ngày càng tiến bộ, di chuyển cành lan về dưới đó còn y nguyên chứ không phải như hồi xưa. Lúc mới làm mình hay làm bằng chậu đất thì di chuyển hay bị bể, còn bây giờ di chuyển rất ổn.
Catlya hay Hồ Điệp thì vẫn để trong chậu nhựa, còn những loại lan rừng thì mình đóng những cái bảng lớn, bây giờ có loại dương xỉ nước hoặc là những cái bành dừa người ta đan lại, rồi kết lên những gốc cây thí dụ cây trà hay cây vú sửa mà người ta đào gốc lên rồi thì kết lên những cây đó. Đại loại là nó đa dạng mà vẫn ổn định cho người mua về không sợ bị gãy cây"
Vàng thau lẫn lộn, ôi Trung Quốc!
Đà lạt, vốn nổi tiếng là thành phố hoa, vì thế cùng với bao hoa ngàn cỏ nội khác, chưa kể rau cải tươi, hoa lan là sản phẩm chính yếu.
Hàng năm, đặc biệt vào dịp lễ Tết, những số lượng lớn lan cành lan chậu từ những vườn lan trại lan chuyên nghiệp trong thành phố được chuyển đi khắp nước và ra nước ngoài. Nhưng theo chủ nhân của trại Vĩnh Mai, nếu mọi chuyện cứ đều đặn như thế thì chẳng có gì phải nói:
"Năm nay thị trường của Đà lạt mình cũng bị lấn át bởi lượng hàng Trung Quốc. Thiệt ra khi mà nghe hàng Trung Quốc thì người ta rất sợ, nhưng vì nó dán mác New Zealand thành ra đôi khi người ta không biết, và nó ảnh hưởng tới một số mặt hàng của Việt Nam mình.
Ví dụ như Hồ Điệp đa số mình nuôi ở đây hay hai nữa coi như hàng Đài Loan nhập về, thì giá rất cao vì hàng Đài Loan là hàng chất lượng cao. Nhưng khi hàng Trung Quốc đưa về thì coi như vàng thau lẫn lộn, người chơi thoạt nhìn không biết, hàng Trung Quốc dễ tàn dễ hư hơn là hàng Đài Loan. Tất cả các mặt hàng hoa bây giờ bị Trung Quốc cạnh tranh rất nhiều, giá của nó rất rẻ"
Tại sao lại có hiện tượng hoa lan Trung Quốc lấn át hoa lan Việt Nam? Chị Loan của trại lan Vĩnh Mai giải thích:

"Có thể do nhà nước của Trung Quốc có những chương trình bảo hộ của người ta, còn Việt Nam mình thì tự phát, cho nên nhà vườn mình cũng có nhiều khó khăn.
Phát triển thì do bây giờ người chơi người ta rất chuộng, người ta có thể bỏ năm bảy triệu để mua một chậu lan, rõ ràng là xa xỉ nhưng mà bây giờ người ta có thể chơi. Có những chậu lan tới năm sáu chục triệu,cái đó ít người dám chơi nhưng vẫn có người mua"
Nhà nước ơi ời!
Rõ ra việc kinh doanh lan Tết Nhâm Thìn không bằng mọi năm. Trong lúc anh Hiếu hay anh Phước của vườn lan tư nhân đứng ngồi không yên vì đã 27 Tết mà nhiều cành lan không trụ bông kịp, thì chủ nhân trại lan Vĩnh Mai cũng chung tâm trạng băn khoăn vì số người mua lan làm quà biếu Tết có phần ít đi:
Xuất một chậu lan đi không đơn giản với thủ tục hiện hành của mình.
chị Loan, chủ nhận trại Vĩnh Mai
"Không bằng mọi năm. Nói chung ra vườn em có những mối cố định, coi như cũng tạm ổn, chứ còn nhiều vườn gặp khó khăn vì kinh tế ảnh hưởng tới lan là một, thứ hai nữa là giờ này chưa thấy có lương của công nhân của các doanh nghiệp, tất nhiên người ta chưa có tiền. Ngày mai là ngày 27 Tết mà bây giờ các công nhân chưa có lương, ai cũng trong tình trạng thấp thỏm.
Thí dụ mọi năm thường cái lệ biếu xén người ta rất là thong thả, một chậu lan ba triệu hay hai triệu người ta mua một cách bình thường, còn bây giờ người ta phải đắn do từng năm chục một trăm ngàn"
Đã vậy việc xuất khẩu lan năm nay cũng không bằng năm ngoái :
"Năm ngoái em vẫn có những hợp đồng của mấy người bên Singapore qua, nhưng cái “test” của bên mình rất khó. Xuất một chậu lan đi không đơn giản với thủ tục hiện hành của mình. Nếu nhà nước thoáng hơn trong xuất khẩu thì ngành địa lan hoặc ngành lan của mình sẽ rất ổn"
Được biết để có thể xuất khẩu ra nước ngoài, điều đầu tiên những người trồng lan phải gia nhập Hiệp Hội Hoa Lan Đà lạt, được ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy chứng nhận và phải cam kết nộp thuế đầy đủ.
Ngoài những vườn lan những trại lan của tư nhân, Đà lạt còn có H-Farm, một công ty nước ngoài chuyên trồng tỉa hoa lan và những loại hoa tươi khác của Đà lạt để xuất khẩu ra nước ngoài như Hà Lan chẳng hạn.
Thanh Trúc mong sẽ được trình bày với quý vị về công ty xanh H-Farm ở Đà lạt cùng những hoạt động đa dạng của nó trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ tới.