Lớp tiếng Anh miễn phí của những bà giáo đã về hưu
2016.02.19
Ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành , tỉnh Bến Tre, có lớp dạy tiếng Anh miễn phí, học trò không trả tiền nhưng giáo viên thì dạy có lương hàng tháng.
Chưa được một năm, lớp Anh ngữ có hơn 30 người đủ mọi thành phần, từ học sinh, sinh viên, cô lái đò, nhân viên du lịch địa phương, công nhân, nông dân... tham gia. Chương trình học gồm Khóa Vỡ lòng 6 tháng, Khóa Đàm Thoại 3 tháng, đều đặn một tuần 3 ngày Hai, Tư và Sáu.
Người đặc biệt cảm nhận được sự tiến bộ về trình độ Anh ngữ của mình khi theo học lớp Anh ngữ đàm thoại ở nhà bà Năm là cô Ngọc Thu, nhân viên một nhà hàng ở Tân Thạch thường đón khách ngoại quốc ghé qua:
Sinh viên cũng có, học sinh phổ thông cũng có, rồi những cô lái đò đưa khách là khách du lịch nước ngoài ...cho nên tụi em phải cần biết thêm tiếng Anh. Nói chung tiếp xúc với khách nước ngoài hàng ngày thì cũng hiểu nhưng học thêm vừa lý thuyết vừa thực hành cũng lợi ích cho mình lắm. Cũng không phải đóng học phí hay tiền nọ tiền kia nên tụi em ai cũng thích học hết.
Đứng ra mở lớp Anh văn ở Ấp 3 là bà Đặng Thanh Hương, mà mọi người quen gọi là bà Năm. Là giáo viên môn Văn, năm 1960 bà Năm dạy học tại trung học Kiến Hòa,tên gọi tỉnh Bến Tre bây giờ, năm 1965 đổi về trường nữ trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, đến 1975 thì nghĩ luôn tới giờ.
Về lý do thành lập lớp dạy Anh ngữ miễn phí, bà giáo làng nghĩ hưu đã lâu và có thói quen tính ngày tháng theo âm lịch, bà Năm giải thích như một người thức thời với mục đích là phải học làm sao cho có kết quả:
Bây giờ tiếng Anh rất là cần, đi làm cái gì cũng phải có tiếng Anh hết. Dù là công nhân các khu công nghiệp mà xếp của nó là người nước ngoài thành phải nói tiếng Anh. Mà tỉnh Bến Tre, khu tui ở đây, là khu du lịch nữa, rất cần tiếng Anh.
Lý do thứ hai là sự khó khăn giới hạn của người địa phương khi muốn đi học tiếng Anh:
Ở Ấp 3, xã Tân Thạch mà muốn đi học tiếng Anh thì phải qua tuốt Bến Tre hoặc là qua bên Tiền Giang. Những người đi làm ở mấy khu công nghiệp ở gần đây hay khu du lịch phải đi xa lắm mà tốn tiền lắm, họ không có khả năng. Thành ra mình nghĩ thì thôi muốn phục vụ xã hội, cái gì trong tầm tay làm được thì mình làm.
Tôi muốn phục vụ xã hội mà muốn phục vụ trong khả năng tôi có, chứ giờ già rồi đâu làm gì nổi nữa.
Điều bà Năm vừa nói cũng là lý do chính đáng thứ ba, tức phải là người đủ khả năng và điều kiện đứng lớp để dạy tiếng Anh cho tất cả học viên đủ mọi trình độ:
Có đứa em đứng lớp giùm rồi dạy luôn nữa, rồi lớp đàm thoại cũng là cháu bà con đang dạy Cấp 3 trường Trần Văn Ơn, cũng sư phạm tiếng Anh.
Hai người được nói tới ở đây, cô Dương Thị Thảnh, giáo viên đã nghĩ hưu, và cô Đặng Thị Thanh Hương, là người nhà mà bà Năm thuê dạy có trả lương trong lớp tiếng Anh của bà:
Gia đình tôi bên ngành giáo dục cũng nhiều. Cô Thảnh là giáo viên Cấp Ba tiếng Anh, có bằng cấp sư phạm tiếng Anh mới được đứng lớp và cô dạy rất giỏi. Cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, chủ tịch tỉnh, bí thư gì cũng phải học tiếng Anh hết. Người ta mời cô dạy thêm bị vì cô dạy giỏi, còn tôi thì ở trông nhà. Mình phải thù lao nhưng mà người đứng lớp là người nhà, như làm việc gia đình rồi. Mấy đứa em đứa cháu tui bên Mỹ tài trợ cho tôi để trả lương cô Thảnh với cô Đặng Thị Thanh Hương.
Hai cô này đều giỏi hết, nói rất chuẩn, phát âm rất chuẩn. Những người học ở đây thường là tiếp viên du lịch, những cô lái đò của du lịch, tiếp viên của nhà hàng. Có mấy cô sư phạm ra rồi mà mấy cô vô học thêm.
Lớp Anh văn miễn phí hấp dẫn người trẻ địa phương là nhờ lối học đàm thoại thực hành và phương pháp luyện giọng rất chuẩn:
Bây giờ tiếng Anh rất là cần, đi làm cái gì cũng phải có tiếng Anh hết. Dù là công nhân các khu công nghiệp mà xếp của nó là người nước ngoài thành phải nói tiếng Anh.
- Bà Năm
Học trò thì ai muốn học vô ghi tên vậy thôi, không đóng đồng nào hết trơn. Tới chừng dạy một thời gian mới hay nó là sinh viên đại học Tiền Giang. Tôi đâu có biết sinh viên mà cũng vô học nữa, đông lắm. Lớp đàm thoại một khóa ba tháng thì có đại học nhiều, có nhiều cô giáo vô học nữa. Nhiều đứa hồi nhỏ muốn học mà học không được, bây giờ lớn rồi vừa làm vừa học. Mình thấy mình cũng vui, nghe nói mấy đứa về nhà nó nói um sùm ở trong nhà vậy đó. Má hỏi thì nó nói là nói cho quen, thấy thương lắm.
Cô giáo Dương Thị Thảnh, người đứng mũi chịu sào cho lớp Anh văn miễn phí của Ấp 3 xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, từng là thanh tra trình độ Anh văn toàn tỉnh Bến Tre, chia sẻ rằng cô yêu thích tiếng Anh từ nhỏ và luôn quyết tâm phải trở thành cô giáo Anh văn chuyên nghiệp:
Đúng. Hồi còn dạy Cấp Ba mình vừa là tổ trưởng chuyên môn vừa kiêm nhiệm thanh tra Sở Giáo Dục, tức là toàn tỉnh luôn, đi dự giờ toàn tỉnh Bến Tre. Giờ giấc hay giọng đọc của người ta làm sao thì mình đóng góp, mình sửa cho người ta tiến bộ hơn. người ta dạy học sinh có kết quả hơn.
Vì thế, cô Thảnh nói tiếp, những lúc đứng lớp Anh văn miễn phí của bà Năm thì cô không bao giờ quên nhấn mạnh về tầm quan trọng của tiếng Anh :
Tiếng Anh là tiếng phổ biến thế giới mà. Trước khi nhận một lớp mình cũng nói về tầm quan trọng của tiếng Anh hiện nay đặng cho nó thấy cái mục đích, mục tiêu nó đi tới. Ví dụ giờ vô siêu thị, cửa hàng hay shop nào cũng ghi tiếng Anh nhiều, phải biết tiếng Anh để ứng dụng trong cuộc sống của mình.
Tiếng là một khu du lịch của Bến Tre với nhiều khách nước ngoài vãng lai, tham quan xứ dừa này, cô Thảnh nói tiếp, nhưng Ấp 3 xã Tân Thạch, Huyện Châu Thành vẫn còn là vùng nghèo, nghèo về trình độ Anh ngữ và nghèo cả phương tiện học ngoại ngữ:
Quê mình người dân còn nghèo mà mấy đứa nhỏ ham học lắm. Thật ra cũng không phải vùng sâu vùng xa nhưng mà nửa quê nửa tỉnh, mấy trung tâm ngoại ngữ thì xa, muốn học thêm tiếng Anh phải qua đò, qua giang, qua bên kia Mỹ Tho hay qua tới trung tâm thành phố Bến Tre, xa xôi lằm mà không có tiền để đi nữa. Đó là cái thúc đẩy tôi đến với lớp này.
Vậy giảng dạy sao cho đạt hiệu quả, bà giáo Dương Thị Thảnh chia sẻ, là phải luyện cho các em chịu nói, biết đàm thoại và phát âm đúng giọng:
Học phổ thông đâu có đáp ứng được nhu cầu khi tụi nó ra đời, có thì giờ đâu mà luyện nói cho mấy em được nhiều. Thí dụ một bài 8 tiết hay 10 tiết thì chỉ có 1 tiết nói thôi, chủ đề bài học thì không sát thực tế. Trong khi đó mình dạy như vầy thì mình cung cấp những từ thí dụ như sông nước, cây dầm, cái xuồng....
Để tập cho học sinh dạn nói Anh ngữ, cô giáo Thảnh cho 3 em đóng vai ba đối tượng cần giao tiếp đối thoại để hiểu nhau, trong lúc cô uốn nắn sữa giọng cho từng em:
Bài vở, từ ngữ rồi câu cú đàng hoàng xong là bắt đầu cho tụi nó nói. Cho lên cảnh là quán nước đi thì cô Thu bán nước và 3 em đóng vai du khách. Vô lớp nói râm ran như vậy ra đường ứng dụng được thì nó thích dữ lắm.
Đến lớp đều đặn vậy cũng làm cho quá trình học tập tốt. Thấy mấy em nó nói hồi xưa giờ con sợ học tiếng Anh lằm cô, mà giờ qua khóa học này con hiểu giờ con thích tiếng Anh dữ lắm. Nó nói câu đó mình thấy hài lòng ghê, mình thấy vậy là mình thành công rồi.
Với sự đồng ý của bà giáo Năm, bà giáo Dương Thị Thảnh cho biết tiếp, khi một Khóa Vỡ Lòng Anh ngữ 6 tháng chấm dứt thì kế hoạch tiếp là luyện thêm về ngữ pháp cho học viên trong hai tháng nữa.
Và ước gì, bà giáo Dương Thị Thảnh nói, ước gì những em học sinh làng quê đều khả dĩ có thể hiểu và nói tiếng Anh để trò chuyện giao tiếp với du khách ngoại quốc:
Thấy mấy em nó nói hồi xưa giờ con sợ học tiếng Anh lằm cô, mà giờ qua khóa học này con hiểu giờ con thích tiếng Anh dữ lắm. Nó nói câu đó mình thấy hài lòng ghê, mình thấy vậy là mình thành công rồi.
- Cô giáo Thảnh
Mình yêu tiếng Anh từ hồi nhỏ thành ra mới đeo cái nghề này lên tới đây. Bây giờ về hưu rồi, không có dịp đứng lớp phổ thông nữa thì mình làm du lịch, mình tiếp xúc với khách nước ngoài nhiều. Khi mà tôi thấy mình chỉ giới thiệu mình là một người dân thường ở miền quê thôi mà trao đổi với họ bằng tiếng Anh họ khoái lắm, họ nhìn mình với ánh mắt thiện cảm lắm. Còn nếu mình nói mình xuất thân là cô giáo tiếng Anh thì họ không có quí dữ.
Thì bây giờ thí dụ mấy em học sinh trong nước thấy người nước ngoài nó không ngại ngùng mà nó xáp vô nó nói chuyện thì đó là cái thành công của người dạy học rồi.
Lớp Anh văn miễn phí mà bà Năm mở ra cho Ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, sở dĩ thành hình cũng nhờ sự tài trợ phần lớn của người cháu ruột của bà, anh Đặng Thành Tâm, sinh sống ở Hoa Kỳ nhưng thường xuyên về Sài Gòn để trông coi một trường dạy Anh ngữ do anh lập ra.
Và một trong những người trong nước, đã tích cực yểm trợ cho lớp tiếng Anh miễn phí của bà Năm là anh Trần Thiện Tùng, người chủ trương nhóm Không Gian Đọc mà Thanh Trúc từng có lần giới thiệu đến quí vị:
Qua báo chí tôi được biết lớp học tiếng Anh miễn phí do bà Năm tổ chức, tôi có liên lạc và tặng ít sách báo gồm tự điển tiếng Anh, sách song ngữ Anh Việt, sách về du lịch và một số báo chí khác.
Khu vực huyện Châu Thành cũng là bến phà Rạch Miễu cũ ở bên bờ Bến Tre mà đối diện bên kia là khu du lịch nổi tiếng vùng cù lao. Tôi nghĩ lớp học tiếng Anh này sẽ tạo cơ hội rất lớn cho học sinh và người dân bình thường, là bước đầu nâng cao khả năng giao tiếp suôn sẻ với khách du lịch nước ngoài. Hy vọng các nơi khác có thể triển khai lớp học như lớp tiếng Anh miễn phí của bà Năm.
Lớp tiếng Anh miễn phí Ấp 3 xã Tân Thạch huyện Châu Thành là điểm nhấn đối với ngành du lịch sinh thái tại địa phương vốn đang khá bị hạn chế về nhiều mặt. Đó là nhận định của ông Đnh Minh Nghĩa, bí thư Xã Tân Thạch:
Vì hiện nay địa phương cũng đang phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn, chủ yếu là các điểm du lịch xanh, đối với Tân Thạch hiện nay là gần 20 điểm du lịch sinh thái . Hàng ngày lượng khách du lịch rất nhiều, chủ yếu thông qua mạng lưới hướng dẫn viên là nhiều mà sự ứng xử tiếp xúc với người nước ngoài vẫn còn hạn chế.
Chỗ cô Năm này, thông qua chỗ anh Đặng Thành Tâm, rồi chỗ cô giáo Thảnh dạy Anh cho nên có điều kiện phối hợp mở được cái điểm này. Có anh Đặng Thành Tâm về hỗ trợ mới được chứ cái này cũng khó lắm, thời gian vừa qua thấy cũng có kết quả .
Nói chung là sắp tới chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để có thể nới rộng thêm. Sắp tới kể cả cán bộ nhân viên là tôi cũng đưa xuống để học hỏi tiếng Anh thêm. Trình độ nói thì thấy được nhưng mà thực tế về giao tiếp rất khó nên phải đào tạo. Kể cả người dân khi mua bán tiếp xúc người nước ngoài cũng có thể học lớp này. Muốn địa phương phát triển thì phải đào tạo bồi dưỡng thêm.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org