Bauxitevietnam không đơn độc
2010.01.25

Phản ứng của dư luận
Tất cả những sự việc
này ngay lập tức được thông tin trên hàng loạt báo, đài như BBC, RFA, RFI, VOA,
AFP, AP, Reuters…thậm chí theo sát diễn biến từng ngày đi làm việc với an ninh
của các nhân vật nói trên cho thấy phản ứng của công luận. Và trên các trang
blog, nhiều nhà báo tự do, văn nghệ sĩ, trí thức cũng bày tỏ những suy nghĩ, cảm
xúc của mình xung quanh sự việc.
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức đăng lại bài viết của hãng thông tấn DPA về việc công
an vào lục soát nhà giáo sư Nguyễn Huệ Chi với một câu hỏi ngắn, gọn, bộc trực:
“Những tay Thái thú Ba Đình giở trò gì đây với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi?”
Buồn, băn khoăn trước sự việc xảy ra là tâm trạng của tác giả Hà Văn Thịnh
trong bài viết dành riêng cho nhà giáo Phạm Toàn “Cảm ơn thầy Phạm Toàn”-tác giả
cảm ơn người đã có thể làm dịu đi những day dứt và trăn trở trong cuộc sống của
mình giữa một thời đại…đồ đểu, nói theo ngôn ngữ của giáo sư Trần Quốc Vượng,
cũng là cảm ơn những bài viết của ông mà theo tác giả “giống như là những liều
thuốc bổ thâm thuý, đặc hiệu giúp cho tôi có thể mỉm cười và có niềm tin để vui
sống”.
Trong khi đó luật sư Cù Huy Hà Vũ, người bảo hộ về mặt luật pháp cho trang
bauxitevietnam khi trả lời phỏng vấn BBC đã nói ngay “Việc lục soát nhà giáo sư
Chi là trái phép”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đồng quan điểm như vậy: “…Tôi
thấy hơi lạ vì trang Web BauxiteVietNam.info hoạt động đã gần 1 năm rồi mà
không thấy cơ quan quản lý nào nhắc nhở về giấy phép. Bỗng đùng một cái khám
nhà "mượn" ổ cứng và "làm việc" về chuyện đó. Việc này khiến
tôi nghĩ đến công an giao thông. Công an sinh ra để nhắc dân chấp hành luật
pháp chứ đâu phải bẫy dân phạm luật để phạt lấy thành tích hoặc nhận tiền mãi lộ.
Vậy mà Công an giao thông của ta đã được dân phong danh hiệu "Anh hùng
núp" từ bao giờ không biết, nghĩa là núp vào chỗ kín để mai phục bắt người
đi đường phạm luật!!!
Ai là kẻ chủ mưu và làm cách nào để diệt trừ tận gốc những hành vi bỉ ổi và để tiện ấy?
LS Cù Huy Hà Vũ.
Trong chuyện "mượn" ổ cứng và "mời" GS Chi lên xe đưa đón đến
CA "làm việc" mấy ngày liền một cách đột ngột vậy có gì giống mấy
"anh hùng núp" giao thông không?” Và: “Xâm nhập công khai vào ổ cứng của một người chưa xác định là có tội,
cũng giống như xâm nhập vào buồng ngủ của họ. Việc đó theo tôi là phải hết sức
thận trọng.”
Trong một bài viết khác “Bauxitevietnam quyết sống!”, sau khi phân tích lý
do vì sao trang bauxitevietnam cũng như việc làm của nhóm điều hành lại tạo ra
sự lo ngại ở những thế lực nào đó khiến cho trang mạng phải bị đánh sập và nhóm
điều hành thì bị chính quyền làm khó dễ, luật sư Cù Huy Hà Vũ đặt ra câu hỏi
“Ai là kẻ chủ mưu và làm cách nào để diệt trừ tận gốc những hành vi bỉ ổi và để
tiện ấy?”. Và trả lời: “Tất cả những ý kiến
mà tôi nghe được cho đến nay đều cho rằng hỏi tức trả lời: Chính Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã chỉ đạo “xóa” Bauxite Việt Nam bởi run sợ trước ảnh hưởng xã hội
ngày một lớn mà trang mạng có được bằng những phản biện quyết liệt mà rất khoa
học và đúng pháp luật đối với quyết định cho phép khai thác bauxite tại Tây
Nguyên và các quyết định trái pháp luật khác của Chính phủ và Thủ tướng, bằng
những phanh phui không khoan nhượng những bất cập, tha hóa và phản dân chủ của
hệ thống chính trị hiện hành, cốt lành mạnh hóa hệ thống”.
Bịt miệng Trí thức yêu nước
Không những thế “ việc đánh phá Bauxite Việt Nam và những người chủ trương
trang mạng dứt khoát không phải là hành vi đơn lẻ hay nhất thời của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nhằm vô hiệu hóa những kẻ dám “chọc gậy bánh xe dự án bauxite”
đang quay tít mà ngược lại, nằm trong cả một chiến dịch quy mô do Chính phủ tiến
hành nhằm bóp nghẹt mọi phản ứng xã hội trước những “chủ trương lớn của Đảng và
Nhà nước” làm lén Quốc Dân Đại hội nói riêng, bịt miệng giới Trí thức Yêu nước
chuộng Công lý và Dân chủ nói chung để “giữ vững ổn định chính trị”, tức giữ
statuquo – nguyên trạng “chế độ xã hội chủ nghĩa”, nhất là trong bối cảnh Đại hội
XI của Đảng đã cận kề…”
Tác giả kết thúc bài viết với câu nói của giáo sư Nguyễn Huệ Chi: “Quyết sống!”,
đó là câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi gửi cá nhân tôi ngay khi Bauxite
Việt Nam bị đánh sập. Không nghi ngờ gì nữa, đó cũng là lời tuyên thệ long trọng
của những người khởi xướng trang mạng, tiếp nối lời thề “Quyết Tử cho Tổ quốc
quyết Sinh” của những bậc Anh hùng nước Việt Mùa Đông năm 1946. Hậu sinh Cù Huy
Hà Vũ này chỉ có thể nghiêng mình và noi theo trước khí phách của các Ông – những
Chu Văn An của “Thất trảm sớ” thời nay – với niềm tin chắc nịch rằng những Nguyễn
Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng cùng hàng ngàn Nghĩa sĩ của Phong trào Kiến
nghị 2009 đã và đang làm nên Lịch sử!”.
Tác giả Lữ Tống trong bài viết “Tiếng chuông Bắc Hà” đăng trên Nguoiviet online
thì gọi những kẻ tấn công trang mạng bauxitevietnam và phong trào phản biện của
trí thức Việt Nam là những “Trọng Thủy thời nay”:“Trọng Thủy thời nay có quốc tịch
gốc là Việt Nam và không hề mơ tưởng tới việc trộm nỏ thần. Mục đích của họ lớn
hơn thế nhiều. Thời nay, việc xâm lược một quốc gia khác không còn giản đơn như
xưa. Hơn nữa, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới từng cho Trung Quốc khá
nhiều bài học xâm lăng. Những bài học cay đắng này Bắc Kinh không hề quên, bằng
chứng là trên tờ “Trung Hoa Võng” không những đã đăng nhiều nhận xét về các thất
bại lịch sử mà còn cay đắng thừa nhận rằng đánh Việt Nam không bao giờ là vấn đề
dễ dàng ngay cả lúc này, lúc mà tiềm năng quân sự của Bắc Kinh như mang hia bảy
dặm.
Vậy chờ gì mà không sử dụng 'Trọng Thủy' trong vai trò nội gián?”
“Xóa” Bauxite Việt Nam bởi run sợ trước ảnh hưởng xã hội ngày một lớn mà trang mạng có được bằng những phản biện quyết liệt mà rất khoa học và đúng pháp luật.
LS Cù Huy Hà Vũ.
Nhận định vể việc trang mạng bauxitevietnam bị đánh sập, tác giả viết:
“Người theo dõi câu chuyện ngay từ lúc đầu cho rằng, mãi đến bây giờ mới có biện
pháp với bauxite.vn.info là đã hơi muộn. Muộn vì tiếng nói của nó đã đi quá xa
và quá mạnh. Hơn thế, nó đã trở thành khuôn mặt trong sáng của một bộ phận trí
thức Việt Nam đang góp phần chuyển ngọn lửa can đảm vào sâu trong cộng đồng. Tiếng
nói của GS Huệ Chi và đồng sự của ông có thể bị dập tắt cách này cách khác
nhưng tiếng vọng của nó thì không một thế lực nào có thể hủy diệt.
Người trí thức Việt trong nước đang tự thấy mình nhỏ lại nếu không chia sẻ với
đại cuộc mà nhóm GS. Huệ Chi là điển hình. Những người trẻ tuổi hôm nay có thêm
niềm tin vào người đi trước, và một cách tiệm tiến, họ đang hòa mình vào dòng
sông của dân tộc để thấy rằng mối lo 'Trọng Thủy' là có thật và họ sẽ biết cách
đối phó sau này như tiền nhân nhiều thế kỷ trước tự dưng biết đối phó với họa
phương Bắc”
Một tiếng nói khác
Trong khi nhiều tiếng nói đứng về phía trang mạng bauxitevietnam, bất bình
trước việc trang mạng này bị đánh phá và bản thân những người điều hành bị làm
khó dễ, cũng có tiếng khác hẳn của blogger Beo-nghe đâu là cùa nhà báo Hồ Thu Hồng-cựu
Phó Tổng biên tập tờ Thể thao văn hóa. Với giọng văn khá là suồng sã, mang nội
dung đả kích gs Huệ Chi và trang mạng bauxitevietnam theo chiều hướng của những
người đánh phá, blogger này viết: “Mới hơn trong mạch này là vụ bác zai
Huệ Chi, chủ tịch hội đồng quản trị mạng Bô Việt, bị mời lên làm việc chiều
qua.
Tớ gán cho bác Chi cái chức ấy là bởi mạng này không phờzi, không vô tư đấu
tranh cho dân zàu nước mạnh xã hội công bằng rân trủ văn minh. Chuyện làm kách
mệnh hay phản biện vì tiền tớ lảm nhảm nhiều quá trên blog này rồi, kể cả chuyện
nhận tiền của ai từ đâu tớ cũng biên rồi, không nhắc lại nữa. Nếu có thêm
thắt tớ chỉ nhắc các đĩ tý về cách vén váy: việc nhận tiền từ các tổ chức ngoài
cõi Việt ta luôn luôn bị đóng một cái triện đen phản động cho nên, nếu không muốn
bị đánh đồng phản biện với phản động thì đừng nhận tiền, và quan trọng đừng nhận
nhiều đến thế. Sau nữa, đừng chối quá nhanh khi gặp công an để rồi phải
thộn ra mất cả đẹp zai khi họ sẵn có hàng cặp chữ ký choe choét của
bác phản chối rồi.
Một blogger có nichname Tqvn2004 đã viết bài phản bác lại blogger Beo trên
trang Dân luận“Sao chị Beo vội vã kết tội người ta thế?” Sau khi phân tích hàng
loạt điểm trong bài viết của blogger Beo khiến cho bản thân mình phải bất ngờ
vì cả cách viết, ngôn từ lẫn thái độ của blogger Beo, tác giả kết luận: “Trong
khi quyền tự do cá nhân, quyền phản biện của một công dân đang bị vi phạm
nghiêm trọng, thì lại có những trí thức như chị Beo tỏ thái độ tán đồng hành vi
đó, không cần đặt những câu hỏi nghi vấn về vụ việc. Thiện - ác, đúng - sai cứ
hòa cả làng như thế, trách sao Việt Nam không tiến bộ, không dân chủ”. Blogger
Beo còn viết một bài khác, cũng với ngôn từ suồng sã ngay từ cái tựa “ Nhà giáo
dục trong bô hay là chuyện thuộc về bản chất” cho đến nội dung, khẳng định việc
chia rẽ nội bộ, dính líu đến tiền bạc của nhóm điểu hành trang mạng
bauxitevietnam là thật.
Nhưng những tiếng nói như vậy có lẽ chỉ là số ít, rất ít, và chuyện có những tiếng
nói như thế cũng là dễ hiểu thôi! Còn nhìn chung tâm trạng của giới bloggers,
các trí thức văn nghệ sĩ có lẽ cũng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
“Khi viết những dòng này tôi thấy buồn. Một nỗi buồn khó tả. Nhưng không thế
không viết, vì có nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. 30 năm trước tôi đã viết
một câu thơ được nhiều người nhắc tới:
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi.
Câu trả lời thật không dễ dàng chi.
Đến thời đổi mới, nhiều câu hỏi đã được trả lời.
Nhưng vẫn còn nhiều điều phải trăn trở tiếp, tôi lại viết:
Có câu trả lời biến thành câu hỏi.
Đấy là khát vọng của tôi hướng tới một xã hội tràn đầy Sự Thật, bởi tôi tin vào
Sự Thật. Một người cầm bút không dám tin vào Sự Thật thì không thể viết vì dân
vì nước đươc. Câu thơ tôi cũng đã tuyên ngôn điều đó: "Tôi không thể không
tin gì mà viết" dù ai đó "Tin thì tin không tin thì thôi".
Trở lại câu chuyện GS Nguyễn Huệ Chi, tôi hy vọng chúng ta sẽ rút ra được bài học
khác, bài học hãy thận trọng với con người, và hãy trân trọng con người hơn nữa”
Cùng với hàng loạt những vụ bắt bớ các blogger biểu tình phản đối Trung Quốc
xâm lược Hoàng Sa Trường Sa trước đây hoặc mời lên làm việc với an ninh, buộc
thôi việc… các nhà báo có những bài viết xoay quanh những vấn đề “nhạy cảm”
trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Trung, ngăn chặn facebook, đánh phá các
trang mạng là những tiếng nói xuất phát từ tấm lòng thiết tha với tiền đồ của
dân tộc vả đất nước của giới trí thức như bauxitevietnam hay talawas, một lần nữa
cách hành sử của chính quyền lại khiến cho người dân phải đặt vấn đề là, liệu
nhà nước VN có đang thực sự đứng về phía tổ quốc và dân tộc không ?