Người ta hy vọng và mong mỏi về những đổi thay tốt đẹp cho năm mới khi năm 2010 qua đi. Nhưng rải rác đó đây trong những trang nhật ký trên mạng mấy ngày qua, người ta thấy những bài viết tựa đề như “Năm Mới Có Hy Vọng Gì Mới?”, “Việt Nam Cuối Năm, Đầu Năm Có Gì Lạ?”, “Ngoái Nhìn Năm Cũ Mà… Kinh”… bày tỏ nhiều nỗi bất an và mất tin tưởng về triển vọng cho tương lai quê hương Việt Nam.
Bình mới rượu cũ
Blog Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam ngay ngày đầu Tân Niên 2011 phổ biến một bài thơ của Lê Thánh Thư với những dòng mở đầu như sau:
Năm mới
Chào lời nói dối cũ
Chào nụ cười thịt mỡ
Chào ánh mắt dưa hành
Chào diễn văn nhai lại
Và bài thơ kết luận:
Năm mới
Sắc chàm cũ
Đất trời cũ
Mèo mả cũ
Gà đồng cũ
Người ngợm cũ
Mãi không có gì để mới.
Có lẽ trong năm mới nhưng vì “Người ngợm cũ, mãi không có gì để mới” như nhà thơ Lê Thánh Thư vừa mô tả khiến blogger Sự thật và Công Lý không có hy vọng gì ở sự đổi thay tốt đẹp cho quê hương.
“Tôi không hy vọng gì đối với những người cầm quyền và những người sắp sửa thay thế cầm quyền luân phiên nhau của đảng CSVN. Vì như một nhân vật CS của Liên bang Xô Viết trước kia, nhưng sau đó không còn CS nữa, đã nói một câu rất nổi tiếng, là CS không bao giờ tự thay đổi mà chỉ bị thay đổi thôi.
Nhưng tôi hy vọng vào nhân dân Việt Nam, lớp trẻ Việt Nam và bạn bè thế giới. Tất cả những lực lượng đó mới có thể giúp mang lại đổi thay cho Việt Nam. Chứ đừng bao giờ hy vọng ở những người đang giữ đặc quyền, đặc lợi chịu từ bỏ quyền lợi của người ta.”
Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu, tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người.
Nhà thơ Huy Cận
Qua bài “Năm Mới Có Hy Vọng Gì Mới ?” đăng trên blog Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam, GS Nguyễn Hưng Quốc, từ những diễn tiến khả quan bên xứ Úc, đã liên tưởng và buồn khi nghĩ đến Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc lưu ý đến truyền thống của người Việt Nam mình là bao giờ cũng “gắn liền năm mới với hy vọng mới”, từ cá nhân, gia đình cho đến cả nước đều “khắc khoải với những hy vọng mới” ấy. Nhưng, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, thật khó tìm được tia hy vọng nào đáng kể cho quê hương Việt Nam, vì:
"Về kinh tế, món nợ hơn 4,4 tỉ đô la (tương đương với 4,5% tổng sản lượng nội địa của Việt Nam trong năm 2009!) vẫn treo lơ lửng trên đầu mọi người.
Về giáo dục, không có chút xíu hứa hẹn nào cho thấy tình trạng ngồi nhầm lớp, nạn bằng giả bằng dởm cũng như sự tham nhũng trong học đường sẽ giảm, chất lượng học vấn sẽ tăng.
Về xã hội, trong năm mới, đường xá chắc chắn sẽ tiếp tục bị kẹt; các hố tử thần chắc chắn vẫn còn; cảnh sát giao thông chắc chắn vẫn tiếp tục làm tiền người đi đường; tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giết chết hàng ngàn người mỗi tháng.
Còn về chính trị? Trời, nhìn đâu cũng thấy tối mịt. Bóng dáng tên khổng lồ Trung Quốc án ngữ khắp nơi, không những ở Biển Đông hay các vùng dọc theo biên giới hai nước mà còn ở mọi mặt trận, từ ngoại giao đến kinh tế, từ hình ảnh các bản đồ Trung Quốc bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa xuất hiện nhan nhản khắp nơi trên thế giới đến các loại hàng hóa rẻ tiền, kể cả hàng giả và hàng nhái ngày ngày vượt qua biên giới tràn vào Việt Nam, đầy ngập trên các chợ và quán xá.”

Giữa lúc vận nước đang gặp nhiều trắc trở, nhất là nguy cơ ngày càng lộ liễu từ Phương Bắc nên người dân rất cần tới giới lãnh đạo tài giỏi và cương nghị để lèo lái con thuyền quốc gia, nên, theo nhận xét của GS Nguyễn Hưng Quốc, thì “Hình như, với nhiều người, chút hy vọng chỉ le lói ở một điểm: Đại hội đảng lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 1 sắp tới”. Nhưng trong những ngày qua, nhiều nguồn tin đáng tin cậy, thậm chí từ nơi “cung cấm” ở Hà Nội, tiết lộ về thành phần lãnh đạo mới trong tình trạng - nói theo nhà thơ Huy Cận - “Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu, tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người”.
Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Chủ tịch Quốc Hội, sẽ lên nắm chức Tổng bí thư thay thế Nông Đức Mạnh; ông Trương Tấn Sang sẽ thay Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch nước, ông Phạm Quang Nghị sẽ lên làm Chủ tịch Quốc Hội, và ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhận xét:
"Không có ai trong bốn người ấy có khả năng làm được điều gì mới mẻ. Thứ nhất, họ đều là sản phẩm thuần thành của chế độ hiện tại. Thứ hai, trong suốt sự nghiệp khá dài của họ, chưa bao giờ họ cho thấy bất cứ cách suy nghĩ táo bạo nào cả.
......
Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải là nhân sự mà là cơ chế. Nhân sự, người này có thể sâu sắc hay khả ái hơn người kia một chút; nhưng về ý thức hệ, và cùng với nó, những chính sách căn bản, họ vẫn là một. ... Trong cái gọi là cơ chế vĩ mô ấy, vấn đề quan trọng nhất là mối quan hệ giữa đảng và nhà nước. Cái khẩu hiệu đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng và chỉ dẫn đến những rối ren, bế tắc. Đảng lãnh đạo nhưng vì đảng nằm ngoài luật pháp nên hầu như không phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì cả. Sai cách mấy cũng không phải chịu trách nhiệm.
.....
Nói tóm lại, theo tôi, tình hình Việt Nam chỉ có thể thay đổi nếu, trước hết, cơ chế quyền lực trong cả nước phải thay đổi, trong đó, quan trọng nhất là quyền của đảng và nhà nước phải được phân hóa thật rạch ròi; sau đó, sự minh bạch và tính khả kiểm phải trở thành nguyên tắc chủ đạo trong việc điều hành chính phủ; và cuối cùng, quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận phải được nhìn nhận và phải được tôn trọng.
Thiếu những yếu tố ấy, mọi hứa hẹn đều là những hứa hẹn suông.
Và tương lai vẫn mù mịt."
Qua blog Bauxite Việt Nam, tác giả Hồ Cương Quyết hình dung ra Đại hội 11 của Đảng CSVN vẫn như cũ. Theo ông Hồ Cương Quyết:
“Vài ba ngày nữa, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ chia nhau những vị trí cầm đầu mới của Đảng. Người ta thường nói rằng cái mới bao giờ cũng đến từ cái cũ. Nhưng Lịch sử lại cho thấy rằng cái cũ bao giờ cũng có xu hướng bóp nghẹt cái mới. Giời đất ạ, xét theo góc độ này, sự thay đổi sắp tới không hề là một ngoại lệ của quy tắc chung. “Ván đã đóng thuyền rồi” ...
Tình hình Việt Nam chỉ có thể thay đổi nếu, trước hết, cơ chế quyền lực trong cả nước phải thay đổi, trong đó, quan trọng nhất là quyền của đảng và nhà nước phải được phân hóa thật rạch ròi.
GS Nguyễn Hưng Quốc
Vậy là, hàng triệu người Việt Nam và bè bạn nước ngoài có nguy cơ bị thất vọng khi họ trông chờ cái mới mẻ cho một dân tộc thanh xuân, trông chờ cái nghiêm túc nơi một quốc gia tuổi đời già giặn, trông chờ cái tường minh và trong sạch nơi một xứ sở cởi mở… Nhưng trước thềm Đại hội XI, có một tác nhân càng lúc càng thấy hiện rõ ở mọi lĩnh vực đời sống của Việt Nam, ...Tôi muốn nói đến ông bạn láng giềng to đùng phương Bắc, ông bạn đã nghĩ ra những “4 tốt và 16 chữ vàng". Với ông bạn này, cái Đại hội XI chẳng có gì đáng quan tâm vì cuộc hội họp đó chẳng đe dọa việc tiến hành ngày càng mạnh những tiến công êm ái của nó vào nước Việt Nam.”
"Ngoái nhìn năm cũ mà kinh!”
Còn blogger lão thành Tô Hải, ngay ngày đầu Năm Dương Lịch 2011, đã “Ngoái nhìn năm cũ mà kinh!”. Và tâm trạng này của ông bao gồm những nỗi “kinh ngạc, thất kinh, kinh khiếp, kinh khủng, kinh hoàng, kinh dị và cả kinh tởm !” cho dù báo, đài trong nước tô vẽ một “tình hình vô cùng tươi đẹp và đầy hứa hẹn của tương lai đất nước”. Để minh chứng cho những nổi kinh sợ đó, blogger Tô Hải kể qua những gì mà ông chưa từng chứng kiến trước đây dù tuổi đời ông đã 85. Theo blogger Tô Hải:

“Ở Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XXI, đã có những chuyện lạ kỳ, vô lý, vô tình, vô luật pháp đến thế này đây:
-Vụ đàn chó bẹc-giê của ông Thành, chủ đồn điền cà-phê ở Ban Mê Thuột, xé xác một người phụ nữ nghèo đi mót những hạt cà phê rơi rụng sau khi thu hoạch!
- Vụ các Ban Thanh Tra của Đảng và nhà Nước phanh phui đủ tên tuổi, chức vị của hàng loạt tỉnh uỷ, thị uỷ, huyện uỷ, xã uỷ đã ngang nhiên cướp đất, cướp nhà, cướp cả mồ mả tổ tiên của dân lành, biến sở hữu toàn dân thành sở hữu của riêng mình, đã bị phủi bụi, giơ cao đánh khẽ ra sao? …
- Vụ cả nước bị lừa vì những bằng giả, tiến sỹ giả, thậm chí cả tú tài, cử nhân giả cộng thêm những điều nói không với sự thật, hứa hão giữa học đường làm rung động cả đến nền tảng của một nền giáo dục làm còi cọc não trạng của con người, làm nản lòng những nhà sư phạm có tâm huyết nhất.
- Vụ dịch dây chuyền bạo lực: đánh, giết, đâm, chém, cắt cổ, chặt tay, cắt khúc …
- Và gần đây nhất là vụ 10 quan chức Hà Giang (trong đó có phó chủ tịch Nguyễn Trường Tô) bắt nữ học sinh nộp mạng qua tên hiệu trưởng Sầm Đức Xương, được miễn truy tố”vì không đủ chứng cứ sau gần cả năm trời thu xếp gọi là điều tra. Những chứng cứ do hai cháu Thuý và Hằng cùng các cháu khác khai ra từ địa điểm, nơi phải dâng mình cho các bác, các chú…Tất cả lại là chứng cứ để buộc các cháu vào tội môi giới và bán dâm…Chuyện tầy trời nhưng cuối cùng luật Hà Giang đã biến thành chuyện con muỗi! Thật kinh khủng!”
Qua bài “Việt Nam Cuối Năm, Đầu Năm Có gì Lạ?” được blog Dân Chủ - Nhân Quyền Cho Việt Nam phổ biến hôm đầu tuần này, tác giả Martian Mobile nhận xét:
Sau 35 năm giải phóng miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn có kẻ thù. Thật là ngạc nhiên cho nhiều người đọc. Thật là quá ngạc nhiên cho người viết...
Tác giả Martian Mobile
“Sau 35 năm giải phóng miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn có kẻ thù. Thật là ngạc nhiên cho nhiều người đọc, Thật là quá ngạc nhiên cho người viết...
Lịch sử Việt nói là khởi thủy Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh ra được 100 người con. Âu Cơ là giống tiên nên đem 50 con lên núi. Lạc Long Quân là giống rồng nên đem 50 ngưòi con xuống biển Nam Hải rồi phong cho ngưồi con trưởng lam vua, lấy tên nước là Văn Lang, xưng là Hùng Vương, tục Quốc Tổ của dân tộc Việt ngày nay. Không ai viết tiếp rằng nước Việt có một lịch sử là đã có thời người Việt chia rẽ và mang ngoại xâm về giầy xéo đất nước. Kẻ thắng trận viết lại lịch sử, vẽ rồng vẽ rắn, thần thánh hóa lãnh đạo...
Người thua trận phải bỏ xứ ra đi với lòng căm thù. Thử hỏi những người tự nhận mình là người Việt ngày nay, thì thật là xấu hổ cho…những người thuộc tiểu sử của Karl Marx còn hơn là sự tích vua Hùng Vương, những người tay đều đẫm máu của những anh em ruột thịt hay những người đầy dân Việt vào vòng lao lý để tiếp tục cai trị để rồi dối trá, lấn át lẫn nhau trục lợi....
Nhìn lại 2010 và Nghĩ tới 2011 thì đúng thật là chẳng có gì hứng thú để nghĩ đến Việt Nam.”