Những ngày này trên các trang blog của các bloggers đa số đều có những bài viết về Tết hoặc những suy nghĩ đầu năm về đất nước, dân tộc, gia đình, hiện tại và tương lai…Đọc blog để thấy người Việt ở khắp nơi trên trái đất nghĩ gì, cảm nhận gì khi một năm lại qua đi, Tết về cùng năm mới…
Hoài niệm về Tết xưa
Tết là dịp để nhớ lại, để hoài niệm. Như nhớ về những người thân đã khuất. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bài tùy bút " Đêm giao thừa nhớ mẹ" thật cảm động đăng trên blog Quê choa của nhà văn Trần Quang Lập, " Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ, để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi.
Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ, để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Ôi những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời, mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như tiếng đồng tiếng sắt.
Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ chạy.". Cả bài tùy bút là niềm thương nhớ xót xa day dứt hình ảnh người mẹmột đời lam lũ vất vả, chưa hề có được một ngày hạnh phúc nay đã đi về cõi vô cùng để tác giả "Tóc bạc rồi tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi".
Blogger Trần Kỳ Trung lại nhớ về những cái Tết đã qua.
Từ thời thơ ấu ở thị trấn Quốc Oai (tình Sơn Tây cũ) cho đến những cái Tết trong chiến tranh, trong quân đội, rồi những năm đầu khốn khó sau khi hòa bình… đều là những cái Tết đơn giản, đạm bạc, sơ sài nhưng lại cứ làm cho tác giả không quên được. " Nghĩ đi, nghĩ lại có nhữngTết khổ mình lại nhớ lâu. Miếng dưa hành mẹ muối, miếng thịt lợn ướp nước mắm để dành ăn sau tết...vẫn thấy ngon lạ, hương vị nó còn đọng rất sâu trong ký ức.
Còn bây giờ, rõ ràng tết đến đồ ăn thực uống nhiều hơn, thậm chí có khi nhìn như thấy thừa mứa rồi khung cảnh nữa, hoa nhiều vô kể, người ăn mặc đẹp hơn, nhưng sao cảm thấy những cái tết gần đây hầu như không để cho mình chút dư âm nào, kể cả niềm vui, lẫn nỗi buồn. Tất cả bình lặng, người nghèo thì quá nghèo không sắm nổi một cái tết ra hồn.
Nghĩ đi, nghĩ lại có nhữngTết khổ mình lại nhớ lâu. Miếng dưa hành mẹ muối, miếng thịt lợn ướp nước mắm để dành ăn sau tết...vẫn thấy ngon lạ, hương vị nó còn đọng rất sâu trong ký ức.
Blogger Trần Kỳ Trung
Còn người giàu thì quá giàu sắm quà tết vô hạn độ, họ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua những chai rượu ngoại, cho đến những tập tiền chục triệu cho những chuyến du hí nước ngoài trong dịp tết... Còn nhiều cảnh tương phản nữa, nói ra bằng thừa, vì thực tế cứ đập thẳng vào mắt từng người.

Rõ ràng, cái gọi là “ xóa bỏ giàu nghèo, cải thiện đời sống, ai cũng có cơm ăn áo mặc” có lẽ còn rất lâu mới có thể thực hiện được, nhất là trong điều kiện của đất nước ta hiện nay”
Cũng nhớ về những cái Tết cũ, đọng lại trong ký ức nhà văn Trang Hạ lại là gói mứt thập cẩm rẻ tiền "Túi hàng Tết thời bao cấp, mang từ cửa hàng mậu dịch của khu phố về thực sự là một điều kỳ diệu, một thứ được cả gia đình khao khát. Đã hai mươi mấy năm trôi qua, lùi lại ký ức, tôi chỉ còn láng máng nhớ trong đó có một miếng bóng bì lớn, cong queo đầy lông lợn và xấp bánh đa mỏng để gói nem, và hộp mứt Tết thập cẩm sặc sỡ in hình hoa đào sáu góc gần như một phép màu". Gói mứt với riêng nhà văn đã trở thành biểu tượng của hạnh phúc nhỏ bé mỗi khi Tết về "Có cậu bé nghèo hèn khi nhỏ thèm món đồ chơi xe lửa chạy trên đường ray của bạn, lúc lớn lên thành triệu phú, đã mua cho mình một món đồ chơi xe lửa, rồi đôi khi ngồi giữa để món đồ chơi tuổi thiếu nhi chạy quanh mình, nhìn nó ngẫm nghĩ.
Không phải họ bị thần kinh hoặc họ bị ám ảnh, mà cỗ xe trở thành biểu tượng của một giấc mơ, một niềm hạnh phúc. Họ không nâng niu một món đồ chơi mà đang nâng niu chính cảm xúc của bản thân mình. Nói một cách khác, dù nghèo khổ hay giàu sang, dù đau buồn hay hạnh phúc, nếu sống không để lại cảm xúc và hồi ức, thì có phải là bạn đã sống nhạt nhẽo không? Nếu thời gian sống không để lại cho bạn điều gì nhiều hơn tuổi tác, bạn chỉ càng sống càng già đi mà thôi, thi có phải đã sống ích kỷ không?
Mùa Xuân nào, tôi cũng ngập ngừng trước những gói mứt Tết thập cẩm bọc giấy bóng đỏ ửng lên rẻ tiền. Bây giờ tôi có thể mua cả ngàn hộp, hiểu biết cũng mách bảo tôi rằng nó không đảm bảo chất lượng vệ sinh, tôi không bao giờ cho gia đình tôi ăn loại mứt ấy.Nhưng cảm giác có được nó, nhìn ngắm nó, thấy nó chưa biến mất mỗi dịp Tết đến, cảm thấy còn một điều làm mình cảm động từ trong sâu thẳm
Nhà văn Trang Hạ
Cho nên mùa Xuân nào, tôi cũng ngập ngừng trước những gói mứt Tết thập cẩm bọc giấy bóng đỏ ửng lên rẻ tiền. Bây giờ tôi có thể mua cả ngàn hộp, hiểu biết cũng mách bảo tôi rằng nó không đảm bảo chất lượng vệ sinh, tôi không bao giờ cho gia đình tôi ăn loại mứt ấy. Nhưng tôi lại rất muốn mua nó cho chính mình.
Cho dù nó là biểu tượng hạnh phúc của tôi, cũng không có nghĩa rằng nếu tôi ăn sạch hộp mứt rẻ tiền này, tôi sẽ mãn nguyện hài lòng. Nhưng cảm giác có được nó, nhìn ngắm nó, thấy nó chưa biến mất mỗi dịp Tết đến, cảm thấy còn một điều làm mình cảm động từ trong sâu thẳm, từ trong xa xưa thì quan trọng lắm.”
Ký ức về những cái Tết thời thơ ấu với blogger Phạm Tường Vân có vẻ là những mảng màu tươi sáng hơn, đó là "những cái Tết thập niên 1980, xê dịch giữa nội và ngoại, giữa phố thị và tỉnh lẻ, giữa cầu kỳ và đơn giản, nhưng lúc nào cũng đầy âm thanh, ngập hương vị và rộn ràng màu sắc.", những cái Tết với đầy đủ phong tục cổ truyền, ấm áp không khí gia đình chòm xóm láng giềng gắn với Hà nội và Hải Dương, những cái Tết "Khiến người ta muốn ôm Xuân vào lòng, quên hết nhọc nhằn của những ngày gian khó…
Người Việt ở nước ngoài cũng đón Tết. Ở trên đất Mỹ cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, các blogger Bùi Văn Phú, Bảo Lương kể chuyện về cái Tết ở Mỹ, đặc biệt ở khu quận Cam thì chẳng khác gì đang ăn Tết ở nhà, đầy đủ bánh mứt truyền thống, các loại bún phở chè cháo, hội chợ Tết có bàn thờ quốc tổ, bô lão lên đọc bài văn văn khấn "Bảo toàn đất tổ", có pháo nổ rền vang, đồng hương hồ hởi tham quan hội chợ, ăn uống, nghe nhạc…Trong khi đó, blogger Hiệu Minh lại trở về quê nhà ở Hoa Lư đón Tết. Gặp lại những người làng có người thành đạt, nhưng có người như người bạn vong niên "mái tranh nghèo không hề thay đổi mấy chục năm nay, vẫn sàn nhà đất, bếp rách nát, ao tù nước đọng. Cuộc đời người bạn vong niên kia không hề khác xưa, dù anh từng đi chiến trường, vào sinh ra tử, đất nước hòa bình 30 năm có lẻ."và nhận thấy Tết bây giờ đã khác nhiều so với ngày xưa: "Bây giờ ít người gói bánh chưng, không nghe thấy tiếng lợn kêu, chả còn ký kếch tiếng chầy. Ra chợ làm một "thúng" Tết, bệ lên bàn thờ, thế là xong."
Bây giờ ít người gói bánh chưng, không nghe thấy tiếng lợn kêu, chả còn ký kếch tiếng chầy. Ra chợ làm một “thúng” Tết, bệ lên bàn thờ, thế là xong.
Blogger Hiệu Minh
Ưu tư về thời hiện tại
Tết, không chỉ là dịp để hoài niệm về quá khứ, mà cũng là lúc con người hay trăn trở ưu tư về bức tranh xã hội thời hiện tại. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên suy tư quanh khái niệm "Tết giàu hay nghèo?"của những cái Tết bây giờ.
Có vẻ như Tết bây giờ người Việt đa số đã giàu có hơn, ví dụ như "Xưa chỉ quanh quẩn trong làng ngoài xã. Nay đi Nam đi Bắc, đi ra nước ngoài" nhưng lại nghèo cái khác, và bức tranh xã hội cũng nhiều điều đáng phải suy nghĩ hơn: "Tết là dịp hòa đồng, nhưng cũng là lúc phơi bày những trái ngược, mâu thuẫn. No ba ngày tết, nhưng có cái no dồn cả năm lại, có cái no quanh năm tết đến chẳng muốn ăn. Người mong tết đến vui xuân. Người lo tết về thiếu thốn đủ bề."

Nhà báo Phạm Viết Đào " Mong năm 2010: lý trí, pháp quyền chế ngự sức mạnh của "hổ quyền"bởi : " Năm 2010, là năm con hổ, cầm tinh sức mạnh, sự bạo hành, sự lấn lướt đơn phương, sức mạnh của bạo quyền, của kẻ ăn trên ngồi trốc như trong quan niệm dân gian..."
Tết là dịp hòa đồng, nhưng cũng là lúc phơi bày những trái ngược, mâu thuẫn. No ba ngày tết, nhưng có cái no dồn cả năm lại, có cái no quanh năm tết đến chẳng muốn ăn. Người mong tết đến vui xuân. Người lo tết về thiếu thốn đủ bề
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên
Đọc thông điệp năm 2010 của Thù tướng nước Việt Nam, tác giả nghĩ ngợi về vấn nạn phổ biến "nói một đằng làm một nẻo, lời nói không đi đôi với việc làm" trong bộ máy hành chính nhà nước từ trên xuống dưới, và mong mỏi "bước sang năm 2010, Chính phủ sẽ có các giải pháp thiết thưc và hành động quyết liệt" để thay đổi được tình trạng này, bên cạnh đó là nỗi băn khoăn khi chính người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã nhận thức đúng:" Không một cơ chế, chính sách nào có thể bao quát mọi hiện tượng kinh tế - xã hội." nhưng khi ứng xử với thực tế khách quan, bình thường đó, đã chọn giải pháp, thái độ:"Quan trọng nhất là khi đã quyết định, phải tập trung mọi nỗ lực để thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu đã xác định..." Vậy câu hỏi đặt ra là
” Nếu một chủ trương, một chính sách nào đó của Chính phủ do nóng vội, chưa hội đủ thông tin nên chưa bao quát mọi hiện tượng kinh tế-xã hội như trong quá khứ từng xảy ra và cũng là chuyện bình thường như Thủ tướng đã nhận thức đúng, nhưng do Chính phủ đã quyết định nên Thủ tướng cứ dùng quyền lực hành chính để tập trung mọi nỗ lực để thực hiện ???
Vậy thì hậu quả của nó rồi sẽ đến đâu và ai chịu trách nhiệm và có cách gì hạn chế để ít xảy ra trương hợp tương tự ?" Một vấn đề nữa là sự minh bạch thông tin. Tác giả viết: "Từ cổ chí kim bất cứ một chính thể nào muốn ban hành được quyết sách đúng phải dựa trên những dữ liệu thông tin khách quan và trung thực. Lĩnh vực thông tin là một lĩnh vực đặc thù: muốn cập nhật được thông tin chính xác khách quan đòi hỏi phải tạo cơ chế cho thông tin nhiều chiều, để trên cơ sở đó mới có cơ sở để sàng lọc, kiểm chứng." Vậy vấn đề là Đảng và bộ máy hành chính Nhà nước có cần kiểm chứng và kịp thời điều chỉnh lại những thông tin do mình ban hành ra không hay vẫn cứ quyết "tạo ra nhận thức đúng đắn và sự đồng thuận xã hội cao, hành động theo cùng một hướng..." khi mà biết đâu trong một chủ trương, chính sách nào đó vẫn còn có chỗ bất cập ?
Còn biết bao nhiêu người đấu tranh đang đón mùa xuân trong bốn bức tường , tôi chợt nhớ đến câu: “Mỗi người dân Việt Nam là một người tù hờ
Luật sư Lê Trần Luật
Với luật sư Lê Trần Luật, mùa xuân lại là lúc tác giả chạnh lòng nghĩ về những người quen biết bị tù vì lên tiếng đòi tự do dân chủ, tự do ngôn luận,
" Có những người đón mùa xuân trong tâm trạng ngập tràn niềm vui. Có những người đón mùa xuân trong nổi cô đơn buồn tủi. Có những người không biết mùa xuân đến từ bao giờ.
Không biết có ai nghĩ về những người dấn thân cho công lý đang đón mùa xuân ở trong chốn lao tù hay không. Họ đã hy sinh nhiều mùa xuân của mình để hy vọng dân tộc thực sự có một Mùa Xuân.
Tôi đã nghĩ về họ theo trật tự thời gian trong những trải nghiệm của mình." Đó là blogger Điếu Cày, ký giả Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Bá Hải, dân oan Lương Văn Sinh, người tù đặc biệt Phan Văn Sào, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Trần Huỳnh Duy Thức, linh mục Nguyễn Văn Lý… Tác giả tự hỏi: "Còn biết bao nhiêu người đấu tranh đang đón mùa xuân trong bốn bức tường , tôi chợt nhớ đến câu: "Mỗi người dân Việt Nam là một người tù hờ".
Tâm trạng của các bloggers có lẽ cũng đã phản ánh những tâm tư tình cảm khác nhau của người dân Việt Nam. Cứ mỗi dịp xuân về Tết đến, mọi người lại nhớ về những năm tháng đã qua, trăn trở với hiện tại còn quá nhiều vấn đề của đất nước, và dù mỗi năm qua đi bức tranh xã hội ấy dường như càng thêm nhiều mảng tối, người ta vẫn không nguôi hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn cho dân tộc…