Xuất phát điểm ngày 3/11 giá vàng vượt qua ngưỡng 24 triệu đồng một lượng do ảnh hưởng giá vàng thế giới. Thế nhưng ở đỉnh điểm sáng 11/11 giá vàng đạt 29 triệu 300 ngàn một lượng đã vượt khá xa mức giá quốc tế tương ứng. Ở các cửa hàng nhỏ ở Hà Nội có nơi đã đẩy giá lên 30 triệu đồng. Giá vàng nhảy múa cao hơn giá thế giới từ 4 đến 5 triệu đồng thậm chí có lúc 7 triệu đồng một lượng.
Tuy nhiên bong bóng vàng đã vỡ vào sáng 12/11, một ngày sau tin Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng trở lại. Nếu những ngày trước giá vàng không ngừng đi lên, thì đến chiều 11/11 và trong ngày 12/11 là một sự tụt áp hoàn toàn ngược chiều. Cũng một dòng người trước các tiệm vàng nhưng là để bán chứ không phải tranh mua như những ngày trước đó.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định với PV Đỗ Hiếu đài chúng tôi: "Vàng hôm nay hạ mạnh đấy. Theo tôi là vì bởi thông tin từ Thống Đốc Nguyễn Văn Giàu, nhà nước cho phép nhập vàng. Như vậy tâm lý đầu cơ, tâm lý e ngại là thiếu vàng không còn nữa dẫn tới giá vàng hạ xuống".
Ai cần mua vàng?
Không có thống kê về lượng vàng miếng mua vào bán ra trong một tuần đầy biến động, nhưng chắc chắn là có kẻ khóc người cười trong những ngày ấy. Kể từ khi Việt Nam hướng theo kinh tế thị trường hội nhập thế giới, chữ nghĩa cũng thay đổi nhiều. Thời bao cấp Hà Nội gọi những người mua vào bán ra hưởng chênh lệch giá là ‘con phe’, kẻ đầu cơ; ngày nay những người tham gia vào cơn sốt vàng được gọi một cách trân trọng là các nhà đầu tư. Đầu tư đúng thì kiếm lời, quyết định sai thì chịu lỗ. Có những người hôm trước mua vàng với giá 29 triệu hôm sau nếu muốn bán ra thì chỉ còn 24 triệu.
Họ phải tìm nơi khu trú tiền chứ! Tiền in ra nhiều quá, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân, vàng để mua nhà, vàng để trả nợ kể cả vàng để tích trữ. Có nhiều ông bà dư nhiều tiền mặt lắm, để tiền ở ngân hàng thì sợ phải kê khai tài sản nên mua vàng cất cho êm.
Một người dân TPHCM
Người dân TPHCM, những người không có khả năng tài chánh để bị cuốn hút vào cơn sốt vàng nhìn vấn đề theo cách của mình:
“Họ phải tìm nơi khu trú tiền chứ! Tiền in ra nhiều quá, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân, vàng để mua nhà, vàng để trả nợ kể cả vàng để tích trữ. Có nhiều ông bà dư nhiều tiền mặt lắm, để tiền ở ngân hàng thì sợ phải kê khai tài sản nên mua vàng cất cho êm. Tin đồn chỉ là một phần thôi. Theo tôi nghĩ vấn đề cung cầu thực chất của xã hội, nền kinh tế tài chánh của VN nó đưa tới như vậy, nếu mình có tiền thì cũng sẽ nghĩ như những người đi mua vàng kia thôi.”
Cơn sốt vàng được giải mã với nhiều luồng ý kiến khác biệt. Theo VnEconomy, Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu phủ nhận vấn đề thị trường mất cân đối cung cầu. Ông Giàu qui trách nhiệm cho giới đầu cơ đã đẩy giá vàng trong nước lên cao và được tiếp tay bởi tâm lý số đông đổ xô đi mua vàng.
Người cười
Thống đốc Giàu đưa ra số liệu nhập khẩu vàng, năm 2005 nhập khẩu 48 tấn, 2006 là 91 tấn, 2007 nhập 51 tấn và năm 2008 nhập khẩu tới 91 tấn. Năm 2009 cấm nhập khẩu vàng mà chỉ cho xuất khẩu khoảng 27 tấn. Ông Giàu muốn minh chứng rằng thị trường không thiếu vàng.
Tuy vậy TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia lại có nhận định khác:
“Có thể là có vấn đề do lâu nay cấm nhập khẩu vàng nên nguồn cung thiếu.”
Khi nhận định về việc ai được lợi trong đợt biến động giá vàng vừa qua, ông Trần Thanh Hải TGĐ Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN nói với Tuổi Trẻ Online rằng, giới kinh doanh vàng chỉ đứng hàng thứ hai. Được lợi nhất vẫn là những người kinh doanh USD tiền mặt tại thị trường tự do. Theo ông Hải, giới kinh doanh USD thường có thói quen đầu cơ. Họ trữ rất nhiều USD, khi có cơ hội họ kích giá vàng lên, sau đó đẩy giá USD tiền mặt tăng mạnh và tung ra bán cho giới nhập lậu vàng. Chỉ cần giá USD tiền mặt tăng từ 18.700đ lên 19.500đ/USD thì mỗi tờ 100USD lãi 70.000 đồng. Trong khi đó giới kinh doanh vàng không lời nhiều bởi vì họ không đầu cơ như giới buôn đô la. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, họ luôn cân đối tiền đồng-đô la-vàng và thực hiện mua bán theo nguyên tắc mua ngay bán ngay, đặc biệt không đầu cơ vàng. Họ chỉ giữ số vàng là vốn của họ. Nếu có bán họ cũng lập tức mua lại, vì khi giá tăng họ sẽ bị lỗ, không bảo toàn được vốn. Do nhập vàng theo giá USD chợ đen đã tăng cao, vì thế khi vàng về đến Việt Nam giá cũng cao nên giới buôn vàng không còn lời nhiều. Ngoài ra được lợi phải kể đến những người dân đã bán vàng trong đợt vừa qua.
Kẻ khóc
Những người bị thiệt trong cơn sốt vàng là những người phải đi mua để trả nợ và cả những người vì sốt ruột vì tâm lý số đông đi mua vàng. Ngoài ra theo ông Trần Thanh Hải, những người bị thiệt còn có một số đông những người mạo hiểm mà ông gọi là lướt sóng trên sàn vàng. Ngay cả đơn vị kinh doanh vàng cũng bị lỗ vì đã bán với giá 25 triệu đồng/lượng chưa kịp mua vào thì giá tăng lên 28 triệu rồi 29 triệu đồng/lượng. Ông Trần Thanh Hải nêu nghi vấn về việc các quĩ đầu tư với nguồn lực lớn có thể kích hoạt thị trường nhằm thu lợi lớn, do việc cấm nhập khẩu vàng. Theo lời ông, cách nay mười năm chỉ cần 5.000 lượng là đã có thể bán và mua để đẩy giá vàng lên. Còn hiện nay, qui mô thị trường đã lớn phải có khoảng 1.000 tỷ đồng để tung ra mua bán 50.000 lượng vàng mỗi lần thì mới có thể làm giá.
Phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp ít thôi, để cho thị trường tự điều tiết và tự thiết lập cân bằng cung cầu thì sẽ ổn định hơn.
TS Lê Xuân Nghĩa
Tuy vậy, khi trả lời đài chúng tôi, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia đã loại trừ khả năng sốt giá vàng vì đầu cơ:
“Theo tôi chuyện đầu cơ không phải là yếu tố chủ chốt, cái chính là vì không cho nhập khẩu vàng. Như vậy nguồn cung bị lệ thuộc rất nhiều vào các nguồn nhập khẩu không chính thức nên vàng dễ bị biến động bất ngờ.”
Trở lại bài báo Tuổi Trẻ Online, TGĐ Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN Trần Thanh Hải cho rằng, thị trường vàng cần được liên thông với thế giới theo cả hai chiều là có xuất có nhập. Trước đây VN đã xuất hàng tỷ đô la vàng nhưng sau đó lại không cho nhập khẩu trở lại. Từ đó gây méo mó thị trường.
Trong cơn sốt vàng, đô la chợ đen cũng tăng nhanh và giảm nhanh, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định về một chính sách hối đoái thích hợp để ngăn chặn những cơn sốt trong tương lai:
“Phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp ít thôi, để cho thị trường tự điều tiết và tự thiết lập cân bằng cung cầu thì sẽ ổn định hơn.”
Ngày 13/11, giá vàng có thêm 1 ngày ổn định ở mức quanh 25 triệu đồng/lượng. Theo Vn Express thị trường vàng đã cân bằng với quốc tế, xóa sổ mọi nỗ lực thổi giá trong 7 ngày vừa qua.