Giảm diện tích lúa ĐBSCL: Tuy xa mà gần

Một vùng đất phì nhiêu, hình ảnh những cánh đồng ngập nước phù sa trong bộ phim Mùa Len Trâu có lẽ sau này chỉ còn là dĩ vãng.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.08.22
china-mekong-305.jpg Việc Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn sông Mêkong có thể gây nhiều tác hại cho vùng hạ lưu. Hình: sông Mekong đoạn chảy qua Miến Điện.
AFP photo

Nếu tình trạng trái đất ấm dần lên, sự biến đổi khí hậu làm nước biển tràn vào một phần đồng bằng sông Cửu Long còn là một dự báo của vài chục năm sắp tới. Thế nhưng tình trạng xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt ở Trung Quốc, khiến đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị thiếu nước ngọt cũng như nguồn phù sa màu mỡ.

Đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng này các nhà khoa học, giới chuyên gia đặt vấn đề giảm diện tích trồng lúa nước để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.

Nguy cơ sụt giảm

Hàng loạt bài viết trên các báo điện tử cho thấy tình hình khá nghiêm trọng. Thời Báo Kinh Tế Saigon ngày 13/8 có bài ‘Giảm diện tích lúa - điều tất yếu phải làm’.

Trước đó Vietnam Net từ cuối tháng 6 tới giữa tháng 8 đã có những bài phân tích khá cặn kẽ như ‘TQ khai thác sông Mekong và nguy cơ giết chết ĐBSCL’ hoặc bài ‘Thủy Điện Lan Thương, nắn dòng Mekong: nguy cơ báo trước’. Ở thượng nguồn sông Mekong, bên TQ gọi là sông Lan Thương, trên hệ thống dòng chảy từ Tây Tạng về Vân Nam, chính phủ TQ có kế hoạch xây dựng tới 15 đập thủy điện, một nửa các con đập đã hoàn thành.

Không những vậy TQ còn nắn dòng Lan Thương thiết lập một tuyến đường thủy từ Vân Nam ra Nam Hải tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam. Thủy lộ này dài tới 2.500 km. Tất cả những dự án công trình vừa nói của TQ từng được LHQ cảnh báo là mối đe dọa lớn cho tương lai Đông Nam Á.

Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì ở vị trí cuối cùng của khu vực hạ du hệ thống sông Mekong, tính ngược lên là Campuchia, Thái Lan, Lào và Miến Điện.

Mất đất đặc biệt là đất trồng lúa đang gây khó khăn, diện tích giảm dân số tăng, tới một lúc nào đó chuyện dư gạo để xuất khẩu có khả năng không còn nữa. Vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ bị đe dọa.

TS Lê Văn Bảnh

Thời Báo Kinh Tế Saigon cùng ngày 13/8 đưa lên mạng ba bài viết liên quan đến giải pháp giảm diện tích trồng lúa để đối phó với thảm họa sắp tới. Trước khi trở lại các bài báo này, mời quí thính giả nghe ý kiến của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSL về vấn đề liên quan qua trao đổi nhanh với Nam Nguyên:

TS Lê Văn Bảnh: Hiện nay vấn đề nước của sông Mekong là một phần rất quan trọng, định hướng của các nước trong khu vực là hợp tác với nhau, đó chuyện lâu dài.

Còn chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu nước biển dâng đất ngập mặn cũng là một thực tế. Chúng tôi đã chọn một số giống lúa canh tác cho phù hợp, tất nhiên về lâu dài tới 2020-2030 sẽ có nhiều khó khăn, các nhà khoa học đang nghiên cứu giải pháp về giống và kỹ thuật canh tác thích hợp.

Nam Nguyên: Ở bên Trung Quốc rồi các nước khác nữa, họ đều xây dựng đập thủy điện, làm giảm lượng nước về ĐBSCL, vấn đề giảm diện tích trồng lúa liệu có khả thi, nói chuyện này có là sớm hay không?

TS Lê Văn Bảnh: Theo tình hình, triển vọng sắp tới không sáng sủa lắm, ảnh hưởng thay đổi khí hậu rồi nước sông Mekong, vấn đề nước rất quan trọng. Do vậy đang có nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại chuyện người ta làm ách tắc dòng sông, chuyện nước biển dâng.

Chúng tôi cố gắng làm cách nào để giảm thiểu tác hại thôi, chứ còn nghiên cứu để khống chế chống chọi được cái đó thì khó. Hy vọng là Việt Nam có thể thống nhất với các nước cùng sử dụng nguồn nước sông Mekong hợp tác liên hoàn với nhau, thỏa thuận hợp tác quốc tế, chứ mạnh ai nấy làm thì tất cả đều bị thiệt hại mà đồng bằng song Cửu Long sẽ bị thiệt hại nhiều.

Mất đất sản xuất ở Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn do vấn đề công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mất đất đặc biệt là đất trồng lúa đang gây khó khăn, diện tích giảm dân số tăng, tới một lúc nào đó chuyện dư gạo để xuất khẩu có khả năng không còn nữa. Vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ bị đe dọa.

Do vậy không nên gỉảm diện tích trồng lúa mà nên tìm giải pháp tiết kiệm nước, đủ nước canh tác, tìm giống chịu khô hạn hoặc giống chịu ngập mặn để thực hiện, kèm theo đó còn giải pháp dung giống lúa khô như trên vùng cao hoặc tăng cường khoai củ, hoặc lương thực khác để bảo đảm nhu cầu cho bà con, đấy là những giải pháp.

Chuyện này nói là nghĩ sớm thì thực chất không sớm vì nó diễn ra trước mắt, nói là trễ thì cũng không phải vì rõ ràng thực hiện những giải pháp cấp thời rất là khó.

Vừa rồi là nhận định của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa vùng ĐBSCL với đài chúng tôi.

Chịu nhiều tác động

Thời Báo Kinh Tế Saigon trong bài viết ngày 13/8 trích lời ông Nguyễn Văn Lập thuộc Viện Địa Lý Tài Nguyên TPHCM nói rằng, khi Trung Quốc hoàn thành đập thủy điện Manwan vào năm 1993 và Dachaoshan vào năm 2003, quá trình vận chuyển phù sa về hạ lưu sông Mekong đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Số liệu đo đạc từ năm 1993-2000 tại Chiang Saen bắc Thái Lan cho thấy, hàm lượng phù sa vận chuyển giảm 56%. Còn tại vùng ĐBSCL, lượng phù sa có thể giảm từ 70-80% do tác động của các đập thủy điện phía Trung Quốc...

Vẫn theo TBKTSG, gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tính toán chuyện giảm diện tích lúa ở ĐBSCL, khả năng từ nay đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 150.000 héc ta. Nhưng theo một số chuyên gia, không dễ để kiềm chế việc giảm diện tích ở mức ấy.

Tất cả những dự án công trình vừa nói của TQ từng được LHQ cảnh báo là mối đe dọa lớn cho tương lai Đông Nam Á. Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì ở vị trí cuối cùng của khu vực hạ du hệ thống sông Mekong.

Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển tăng 1 mét, nhiệt độ tăng lên 2 độ C, vùng ĐBSCL sẽ có tới 1,5-2 triệu héc ta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể canh tác.

TBKTSG trích lời ông Nguyễn Minh Thông, nguyên Giám Đốc Sở Khoa Học và Công Nghệ Cần Thơ phát biểu rằng, nếu hơn 10 năm trước, nói vùng ĐBSCL sẽ thiếu nước, có thể bị cho là hoang tưởng.

Nhưng bây giờ, thiếu nước là chuyện đang đến gần. Nền kinh tế quá lệ thuộc vào nước, nhưng lại thiếu sự phối hợp giữa các ngành, thậm chí các địa phương lại cạnh tranh với nhau về diện tích chứ không chịu hợp tác Theo ông Thông, những tác động của biến đổi khí hậu, nhiều cán bộ lãnh đạo thấy, nhưng chưa có những đối phó cụ thể, cũng có thể vì hậu quả đến đời con cháu mới gánh chịu.

Trong số những nhà khoa học ủng hộ giải pháp giảm diện tích trồng lúa Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang được TBKTSG trích lời nói rằng, nếu Nhà nước không tổ chức lại sản xuất, nông dân sẽ tiếp tục khổ sở. Theo GS, Campuchia, Lào... cũng đang muốn tăng diện tích lúa trong mùa khô, đồng nghĩa lượng nước càng bị chia sớt nhiều từ phía thượng nguồn.

Do đó, nên xem lại vấn đề khai thác nước ở mức độ nào là hợp lý để khỏi ảnh hưởng các tỉnh ven biển vì lượng nước đổ ra biển giảm, đồng nghĩa xâm nhập ngập mặn sẽ gia tăng. Cần có nghiên cứu sâu và chi tiết về tác động từ phía thượng nguồn, biến đổi khí hậu... để xác định mức độ ảnh hưởng, qua đó xác định lại những vùng lúa có thể bị ảnh hưởng nặng để lên kế hoạch chuyển đổi.

Trong bài của TBKTSG, GS Võ Tòng Xuân Xuân nhấn mạnh rằng, do nông dân không biết tiết kiệm nước, nên hiện nay một héc ta đất trồng lúa bình quân sử dụng đến hơn 20.000 mét khối nước mỗi vụ. ĐBSCL hiện xuống giống đến 3,8 triệu héc ta/năm, tức mất hơn 76 tỉ mét khối nước/năm, một con số khổng lồ!

Trong khi đó, lượng nước sông Mekong đổ qua ĐBSCL hiện vào khoảng 460 tỉ mét khối/năm, tức một phần sáu trong số đó chỉ dành để phục vụ cây lúa.

Có thể tất cả những lý do được viện dẫn là khá thuyết phục, TBKTSG dẫn lời ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nói rằng, phải nhìn vào sự thật để giảm diện tích lúa.

Theo cách nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Võ Hùng Dũng nhận định là nếu chủ động, sẽ có khả năng tập trung nguồn lực đầu tư cho phần diện tích còn lại tốt hơn. Ông Dũng kết luận rằng dù không khuyến cáo giảm diện tích lúa, nhưng xu thế tất yếu cũng phải giảm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.