Trong khi đó giá USD tự do đã tăng 1.200 đồng trong vòng chỉ có một tháng, đô la thị trường ngoài hiện nay quanh mức 19.000 đồng/USD. Giữa bối cảnh như thế, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều không muốn giữ tiền đồng mà đổ vào vàng hay đô la. Tiền Việt Nam đang thực tế trượt giá, chính thức công bố phá giá hay không chỉ là về mặt quan niệm.
Ngày 12/11 trả lời Nam Nguyên, TS Lê Xuân Nghĩa Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra nhận định:
“Tôi được biết Ngân Hàng Nhà Nước đã có phương án về chính sách hối đoái trong giai đoạn tới đây. Theo tôi thì phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp ít thôi, để cho thị trường tự điều tiết và tự thiết lập cân bằng cung cầu thì sẽ ổn định hơn. Chính sách tỷ giá hối đoái theo tôi phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và phải linh hoạt. Như vậy sẽ tránh được những cú sốc kiểu như thế này, tỷ giá hối đoái cố định khiến cho dân chúng luôn kỳ vọng là sẽ tăng lên trong tương lai.Vì vậy những nhà xuất khẩu có ngoại tệ, người ta cố giữ lại, theo qui định của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam họ được quyền giữ lại 1 tháng. Người ta giữ lại để chờ tỷ giá lên, trong khi các nhà nhập khẩu không có ngoại tệ buộc phải đi mua ngoài thị trường chợ đen. Như vậy tạo ra một thị trường gọi là ‘distortion’(méo mó) bởi chính sách tỷ giá.”
Tiền VN đang mất giá kép
Tiền – Vàng - Đô La “ba cái lăng nhăng nó quấy ta” như lời một nhà báo nói đùa. Theo nhận định của các chuyên gia thì Nhà nước đang bối rối với chính sách tỷ giá. Do tình trạng đô la hóa, kinh tế tài chánh Việt Nam từ lâu lệ thuộc đô la Mỹ và cũng khó thay đổi, trên thực tế tiền Việt Nam đang chịu tình trạng mất giá kép, đô la Mỹ mất giá so với các ngoại tệ khác, đồng thời tiền đồng Việt Nam lại mất giá đối với đồng tiền Mỹ.
…, trên thực tế tiền Việt Nam đang chịu tình trạng mất giá kép, đô la Mỹ mất giá so với các ngoại tệ khác, đồng thời tiền đồng Việt Nam lại mất giá đối với đồng tiền Mỹ.
Trên báo Lao Động điện tử, ông Cao Sỹ Kiêm đại biểu quốc hội nguyên Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước phân tích rằng cơn sốt vàng vừa qua là do lo ngại tiền Việt Nam mất giá. Song hành với giá vàng thế giới tăng cao vì mối lo sợ sự mất giá của đô la Mỹ, giá vàng ở Việt Nam không những tăng mà tăng cao hơn hẳn giá thế giới.
Theo Vn Express, ngày 16/11 trong buổi chất vấn tại Quốc Hội, Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Giàu sau khi không thể né tránh đã tuyên bố: “Trong các tháng tới, chưa thắt chặt mà nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng.” Thống đốc Giàu cho biết chủ trương vừa nói được thực hiện trong bối cảnh diễn biến kinh tế ổn định. Nhưng khi có dấu hiệu biến động lạm phát, biện pháp đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước phải làm là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tức lượng tiền bắt buộc mà các ngân hàng thương mại phải gửi ở Ngân Hàng Nhà Nước sau khi huy động từ dân cư, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, biện pháp tiếp theo là tăng lãi suất. Thống đốc Giàu nói đó là công thức kinh điển, khi tình hình ổn định thì chính sách ổn định.
Trước đó, đại biểu Phạm Thị Loan, vốn là lãnh đạo của một tập đoàn kinh tế tư nhân, bày tỏ sự lo ngại vế vấn đề có thể xảy ra một cú sốc tiền tệ nữa. Đại biểu Phạm Thị Loan nhắc lại năm 2007, tín dụng tăng trưởng nóng lên tới hơn 50% trong khi mục tiêu đề ra chỉ khoảng 25%. Đến cuối 2007 đầu 2008, chính sách tiền tệ bị thắt chặt đột ngột, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng. Vẫn theo VnExpress Đại biểu Phạm Thị Loan nhấn mạnh, cú sốc tiền tệ khiến nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng hoặc thoi thóp chờ thời. Nay tín dụng cũng tăng trưởng cao, dự đoán cả năm phải ở mức 40% trong khi mục tiêu ngành ngân hàng đặt ra là 30%. Theo lời bà Loan, Vấn đề lo ngại ở đây không phải là con số bao nhiêu phần trăm, mà là không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng. Bà Loan cho rằng Ngân Hàng Nhà Nước đang giải quyết bằng biện pháp hành chính. Liệu có giải pháp nào hữu hiệu hơn vừa tránh ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh vừa không tạo tăng trưởng nóng? Liệu có xảy ra cú sốc tiền tệ nữa hay không?
Vẫn theo VnExpress Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã giải bày với Quốc Hội về sự quá khó khăn trong điều hành tỷ giá, để ổn định thì nhanh nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng không tăng, chính sách tài khóa cũng thắt chặt khiến nhập khẩu không tăng. Nhưng làm như thế sẽ không bảo đảm tăng trưởng, Thống đốc Giàu đầy ưu tư “đây là bài toán lớn” thật là khó khi vừa phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa phải lo ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề ổn định tỷ giá.
Gánh nặng nợ nước ngoài
Đúng ra để giải quyết sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ, Việt Nam nên phá giá đồng tiền quốc gia, để tỷ giá hối đoái phản ánh chân thực cung cầu hơn. Tuy nhiên theo Vn Express, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng không thể thực hiện được, một phần nguyên nhân là nợ nước ngoài của Việt Nam hiện rất lớn. Ông không tiết lộ cụ thể con số, mà chỉ đề cập tới phần doanh nghiệp trong nước nợ bằng ngoại tệ đã lên tới 17 tỷ USD, nếu phá giá gánh nặng nợ nần sẽ thêm chồng chất. Ông Giàu xác định năm 2008 Việt Nam nhập siêu 18 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2009 nhập siêu gần 9 tỷ USD. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, cả 4 nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng cho đất nước cùng lúc đều suy giảm. Các nguồn cung cấp đó là xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài và du lịch, tất cả đều giảm mạnh.
Tuy nhiên theo Vn Express, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng không thể thực hiện được, một phần nguyên nhân là nợ nước ngoài của Việt Nam hiện rất lớn.
Ngày 18/11 trả lời Thanh Trúc Đài ACTD, chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành cho rằng cần chấn chỉnh lòng tin đối với đồng tiền Việt Nam. Chuyên gia Việt Kiều này cho rằng, chính phủ VN chưa thực sự giao cho những người có trách nhiệm đủ quyền lực để thực hiện chính sách tiền tệ, đó là chưa nói tới vấn đề năng lực quản lý của các giới chức chuyên môn. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:
"Những vấn đề đó cho thấy Việt Nam như một con tàu mất hướng, không có thuyền trưởng hay thuyền trưởng không biết lái, thì làm sao cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng đánh giá cao chính sách tiền tệ tài chính, từ đó có thể phục hồi sức khỏe của đồng tiền được."
Trong sự kiện liên quan VnExpress và Diễn Đàn Doanh Nghiệp trích nhận định một số chuyên gia đưa ra một giải pháp mà họ cho là có thể chấm dứt căng thẳng ngoại tệ. Theo đó được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giữ đô la để hưởng lợi, khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn không còn nữa, các khoản vay bằng đồng VN của các doanh nghiệp xuất khẩu trở về mức lãi suất thông thường, dự báo hiện tượng găm giữ đô la của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm. Các chuyên gia đưa ra thí dụ, nếu doanh nghiệp giữ đô la và gửi vào tài khoản có kỳ hạn, lợi nhuận trung bình họ thu được tương đương 5,5% và sẽ đạt mức cao hơn nếu USD tiếp tục tăng giá . Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ này có thể làm tài sản đảm bảo để doanh nghiệp vay đồng VN để thực hiện sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi khoảng 5% tới 5.5% một năm. Với các động tác đó, lợi ích về kinh tế của các doanh nghiệp không thay đổi, trong khi đồng tiền họ nắm giữ có giá trị bảo đảm hơn.