Xuất Khẩu Gạo: sai một li đi một dặm

Gạo có thể trở lại mức giá kỷ lục hơn 1 ngàn USD/tấn như trong cơn sốt giá đầu năm 2008. Từ đầu năm đến ngày 20/11 Việt Nam đã xuất khẩu gần 5 triệu 600 ngàn tấn gạo trị giá 2 tỷ 256 triệu USD, dự kiến đến hết năm 2009 tổng lượng gạo xuất khẩu có thể đạt 6 triệu 200 ngàn tấn tới 6 triệu 400 ngàn tấn.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.11.28
RiceExport_SaigonPort-305.jpg Công nhân đưa gạo xuất khẩu xuống cảng Sài Gòn.
AFP PHOTO


Một vài hợp đồng ký trong tháng 11 đạt giá cao, nhưng các chuyên gia thị trường lại tỏ ra đắn đo. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích nhận định trên SGTT điện tử rằng, các quyết định xuất khẩu gạo vào lúc này có lẽ là ở vào thời điểm sai một li đi một dặm.

Cơn sốt giá gạo

Hôm 25/11/2009 Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế IRRI trụ sở ở Philippines cảnh báo tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ tái diễn nếu thế giới không đầu tư để gia tăng sản lượng. Cùng ngày Hiệp Hội Xuất Khẩu Gạo Thái Lan báo giá gạo trắng 100% loại B là 590 USD/tấn tăng 12% so với mức giá 525 USD/tấn hồi tháng 10. Trong khi đó gạo Việt Nam cũng tăng nhanh, theo mạng Rice Online ngày 26/11 doanh nghiệp VN báo giá gạo 5% 480 USD/tấn, gạo 10% tấm 470 USD/tấn gạo 25% tấm 430 USD/tấn. Đây là giá theo điều kiện FOB giao hàng tại cảng TPHCM không bao gồm cước tàu và bảo hiểm.

Giá gạo thế giới tăng cao do Philippines liên tiếp mở thầu nhập khẩu gạo để bù thiệt hại mùa màng vì bão lũ. Từ nay tới tháng 5/2010 Philippines có thể nhập từ 2 triệu rưởi tới 3 triệu tấn gạo. 3 đợt mở thầu trong tháng 11 và 12/2009 sớm hơn thông lệ, do Manila e ngại giá gạo ngày càng tăng thêm.

Sau những thông tin thăm dò cho rằng Ấn Độ có thể nhập khẩu tới 3 triệu tấn gạo trong năm 2010, gần đây giới chức New Delhi lại phủ nhận chuyện thiếu lương thực. Ấn Độ nói sẽ mở kho gạo dự trữ và sử dụng lúa mì làm lương thực thay thế.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Trong trường hợp này, cơn sốt giá gạo thế giới mới vừa chớm lên sẽ hạ nhiệt, nói như chuyên gia Nguyễn Đình Bích trong bài viết trên báo SGTT điện tử. Là chuyên gia nghiên cứu của Bộ Công Thương, ông Bích cho rằng nên tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu một khối lượng lớn gạo phẩm cấp thấp với giá vẫn còn rất cạnh tranh hiện nay là bước đi đáng được khích lệ.

Tôi nghĩ tình hình đó thuận lợi cho ngành xuất khẩu gạo của VN, yêu cầu đặc biệt của Philippines phù hợp với tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

TS Phạm Văn Dư

Philippines gia tăng mua gạo và chú ý tới giá gạo rẻ là một thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. TS Phạm Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng Trọt tham dự hội thảo gạo Quốc Tế hồi cuối tháng 10 ở Cebu Philippines xác nhận điều này qua trao đổi với chúng tôi, ông nói:

TS Phạm Văn Dư: Trong hội nghị nói rất rõ về tình hình khó khăn về lúa gạo của Châu Á đặc biệt là Philippines và Ấn Độ. Tôi nghĩ tình hình đó thuận lợi cho ngành xuất khẩu gạo của VN, yêu cầu đặc biệt của Philippines phù hợp với tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho những thiếu hụt đó nếu có yêu cầu, tôi nghĩ việc này đã và đang xảy ra.

Nam Nguyên: Trong chiều hướng giá gạo thế giới tăng cao kỷ lục, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nên đón đầu như thế nào để gia tăng lợi nhuận?

TS Phạm Văn Dư: Vụ đông xuân sẽ diễn ra bình thường, chúng tôi khuyến cáo bà con xuống giống trong khoảng tháng 11 và tháng 12 để bảo đảm thu hoạch chính vụ vào tháng 2 và tháng 3 sang năm. Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ thu đông, vụ mùa và kế đó vụ đông xuân sớm chừng vài trăm ngàn hectare. Bà con sẽ có một lượng gạo để xuất khẩu, tôi nghĩ rằng thu nhập của bà con năm nay được cải thiện hơn kể cả vụ đông xuân 2009-2010 và cả năm 2010. Nói chung tình hình sản xuất rất tốt.

Rút tỉa kinh nghiệm

Nam Nguyên: Những năm trước thí dụ 2008 giá gạo thế giới cũng cao nhưng nông dân không hưởng lợi, năm nay có dự báo tốt cho nông dân, theo ông đã có những thay đổi đặc biệt gì?

TS Phạm Văn Dư: Tôi nghĩ những năm trước chúng tôi lo lắng nhiều về an ninh lương thực nên dẫn tới tình trạng như thế. Năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu được hướng dẫn chung đã có chủ động thu mua dự trữ. Những thay đổi như thế rất kịp thời, trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp đã làm tốt hơn, trong tương lai cũng sẽ vậy. Trước đây nông dân làm ra lúa, nhưng doanh nghiệp chỉ mua sau khi đã ký được hợp đồng, bây giờ họ chủ động mua trước nên lúa của dân không bị ứ đọng. Ngoài ra lúa hè thu ở VN thường bị ẩm ướt, năm nay công tác phơi sấy tốt hơn nên chất lượng gạo cũng từng bước được nâng lên. Đặc biệt phải nói tới sự chủ động của doanh nghiệp trong vấn đề này. Nhìn chung ở những vùng khó khăn nay bà con nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật canh tác để tăng năng suất do vậy sản lượng gạo cũng tăng lên.

Tôi nghĩ những năm trước chúng tôi lo lắng nhiều về an ninh lương thực nên dẫn tới tình trạng như thế. Năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu được hướng dẫn chung đã có chủ động thu mua dự trữ.

TS Phạm Văn Dư

Nam Nguyên: Dự thảo Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo chưa đề cập tới vấn đề doanh nghiệp phải tạo vùng lúa nguyên liệu, ý kiến ông thế nào?

TS Phạm Văn Dư: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo từng bước nâng chất lượng gạo mà theo tôi không có cách nào khác là phải hợp tác với nông dân xây dựng vùng lúa nguyên liệu và đặt thương hiệu cho gạo xuất khẩu, cái này phải có đầu tư giống như xây dựng làng nghề. Điều này không phải sự chuyển biến trong vài tháng, hay một năm mà là chuyển biến lâu dài. Điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu được trồng lúa như thế nào để có hạt lúa tốt phải như thế nào, trước đây họ không quan tâm nhưng gần đây nhờ ý kiến của cộng đồng mà họ hiểu ra được điều đó.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Phạm Văn Dư về thời gian của ông.

Theo báo Tuổi Trẻ Online, đồng bằng sông Cửu Long khởi sự thu hoạch lúa thu đông, lúa mùa. Giá lúa lên cao chưa từng thấy, giá lúa ngày 24/11 tại An Giang đạt mức 5.600đ/kg và theo đánh giá của Sở NN-PTNT nhiều khả năng lúa thu đông leo thang lên 6.000đ/kg. Bản tin không nói rõ đó là loại lúa tròn hay lúa dài, tuy nhiên với mức giá này thì nông dân rất phấn khởi, theo tính toán chi phí lúa thu đông khoảng 3.200đ/kg.

Tờ báo trích lời ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Lương Thực VN tiên đoán các vụ thu đông, lúa mùa và cả đông xuân sắp tới, nông dân sẽ bán được lúa với giá tốt theo mặt bằng giá hiện nay. Trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới tăng cao, Hiệp Hội Lương Thực VN và Cục Trồng Trọt Bộ NN-PTNT đều khẳng định bảo đảm an ninh luơng thực. Tính đến ngày 20/11, gạo tồn kho của VN khoảng 1 triệu 800 ngàn tấn.

Theo các chuyên gia, tính chung các vụ thu đông, lúa mùa, đông xuân sớm và đông xuân chính vụ từ nay đến tháng 3/2010 vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ cung cấp hơn 11 triệu tấn lúa. Câu chuyện nông dân bán được lúa với giá tốt hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu và quyết định sáng suốt của những người có trách nhiệm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
06/12/2009 01:44

voi gia lua gao co xu huong tang nhu vay, lieu nguoi nong dan co ban duoc lua theo xu huong tang gia cua thi truong? hay chi nhu nam 2008

Anonymous
29/11/2009 16:51

Xuat khau gao gia cao vay ma sao nong dan Viet Nam van ngheo vay nhi? Ai da la nguoi an het phan cua nong dan Viet nam?
Xin moi nguoi ai co cau tra loi tra loi cho minh lekimdong1905@yahoo.com

Anonymous
10/12/2009 16:46

theo y kien toi nha nuoc phai than tra kiem tra su ly nguoi mua lua cua nong dan tai huyen tai xa khong cao nhu gia cua nha nuoc dat ra cac doanh nguyep xuat khau xin tang gia lua cao hon so voi gia vang qua cao so voi nam 2007 tien viet nam rat thap so voi dola va gia hang khac nguoi nong dan cac tinh soc trang tra vinh vinh long can tho bac lieu con rat kho khan vu viec ban lua rat thap so voi gia thy truong xuat nhap khau vao nuoc ngaoi toi that cam on