Câu chuyện giá thành nông sản
2010.03.27
Hiện nay, VFA Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam đưa ra giá sàn mua lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long 4.000đ/kg, dựa trên tính toán mức giá thành 1kg lúa thấp nhất 2.500đ và cao nhất 2.800đ. Báo chí phản ánh quan điểm của nông dân và chuyên gia đặt dấu hỏi phải chăng VFA tính giá lúa quá thấp. Đây là đề tài đọc báo trên mạng tuần này.
Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch hơn 2/3 vụ lúa đông xuân tính đến cuối tháng Ba, năng suất bình quân từ 6,2 tới 6,5 tấn/ha. Tổng diện tích vụ này gần 1,6 triệu ha hứa hẹn sản lượng toàn vụ 10 triệu tấn lúa. Báo điện tử Vneconomy mô tả, lại thêm một vụ lúa trúng mùa, nhưng nông dân vẫn không thấy phấn khởi do giá lúa trên thị trường khá thấp. Tờ báo đưa ra mức giá lúa 4.000đ/kg với lúa thường và 4.200đ-4.300đ/kg đối với lúa hạt dài. Ghi nhận của chúng tôi giá lúa đông xuân năm nay giảm 20% so với cùng thời gian năm ngoái.
Lãi 30% hay lấy công làm lời
Nếu tính đúng và tính đủ thì giá thành hạt lúa phải là 3.930 đồng/kg, chứ không phải lời 11triệu đồng/ha.
Theo Vneconomy, nếu VFA dựa vào giá thành 1kg lúa trong khoảng từ 2.500đ tới 2.800đ thì dù nông dân bán lúa khô với giá 3.800đ/kg đã có lãi từ 30% tới 40%. Tờ báo trích lời nông dân Lâm Văn Bốn ở xã Long Khánh, Huyện Hồng Ngự Tỉnh Đồng Tháp thắc mắc về cách tính giá thành của VFA. Người nông dân này cho biết, chi phí sản xuất một ha lúa vụ đông xuân gồm: dọn sạch rơm rạ, đắp bờ, xới, ‘trục chạt’ cho mặt đất bằng phẳng gieo sạ hết 1,5 triệu đồng/ha. Bơm nước vào ruộng suốt vụ 1 triệu đồng/ha, tiền mua giống khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Thuốc diệt cỏ, cấy dặm, khử cỏ 1,5 triệu đồng/ha. Phân bón, thuốc trừ sâu mất 8 triệu đồng/ha. Cắt, suốt vận chuyển lúa đến nơi bán được cho thương lái 3,5 triệu đồng/ha. Tổng chi phí từ khi xuống giống đến thu hoạch xong hết 17 triệu đồng/ha, nếu nông dân canh tác giỏi đạt năng suất lúa 7 tấn/ha, bán với giá 4.000 đồng/kg, nông dân thu về được 28 triệu đồng/ha, lãi 11 triệu đồng/ha.
Theo tờ báo mạng, cách tính vừa rồi vẫn chưa sát với thực tế, vì trong đó chưa tính tiền thuê đất và phí quản lý của chủ đất vào giá thành lúa như cách mà bấy lâu nay các ngành chức năng vẫn làm. Nếu tính đúng và tính đủ thì giá thành hạt lúa phải là 3.930 đồng/kg, chứ không phải lời 11triệu đồng/ha.
Chúng tôi hỏi chuyện một người làm lúa ở tỉnh Kiên Giang, người nông dân này cũng đưa ra giá thành và tiền lời cho vụ đông xuân theo cách của mình và có kết quả xê xích chút ít.
“Cũng có lãi nhưng ít thôi, mỗi công tầm nhỏ lãi chừng 1 triệu tới 1 triệu 200 ngàn đồng. Năm nay sạ đồng loạt máy cắt lên giá. Lúc trước cắt một công hai trăm ngàn, năm nay nó ăn năm trăm, sáu trăm ngàn, có chỗ ăn bảy trăm ngàn luôn. Bây giờ nếu anh không kêu máy thì lúa sẽ sập nằm hết. Trước đây không sạ đồng loạt với tỉnh An Giang, chỗ xã tôi làm trước khoảng một tháng, thì tất cả máy gặt đập liên hợp đổ dồn về đây thành thử giá rẻ. Năm nay sạ đồng loạt nên máy nào ở địa phương đó để người ta làm, lượng máy không đáp ứng được, nhân công cắt tay thì không còn nữa họ đi tứ tán hết rồi, thành thử phải mướn giá cao. Nếu một công tầm nhỏ làm được 700kg lúa đi thì còn đỡ, có những người làm thất lắm, mà mướn máy giá cao thì đâu có lời. (1 ha bằng 10 công).”
Những câu chuyện vừa nêu
cho thấy nông dân chân chất đâu tính tới tiền thuê đất hay chi phí quản lý của
chính mình. Trên Vneconomy, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An
Giang phân tích, từ trước tới nay khi tính giá thành hạt lúa người ta thường chỉ
tính đến ‘nước, phân, cần, giống’. Trong khi giá thành còn thiếu hai phần quan
trọng là công quản lý của chủ đất và tiền thuê đất. Trong quản lý sản xuất,
nông dân trực canh từ 1 ha trở lên là chủ trang trại, tạm so sánh với quản lý
công nghiệp như là quản đốc, nếu làm 10 ha trở lên là giám đốc xí nghiệp. Vậy
mà khi tính giá thành lúa lại không tính lương và các loại bảo hiểm, chi phí
giao dịch như giám đốc xí nghiệp.
Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang đặt câu hỏi: Vậy giá sàn mua lúa bảo đảm có lãi 30% là tính trên cái nền nào.
Ông Nhị cho rằng, là chủ gia đình, người nông dân phải chi tiêu, phải nuôi con cái hoặc cha mẹ không còn sức lao động. Còn giá thuê đất hiện nay, tùy loại đất từ 1 triệu tới 2,5 triệu đồng một công ruộng mỗi năm. Nếu là mua, bình quân từ 40-60 triệu đồng một công. Vậy có tính tiền thuê đất và lãi vay tiền mua đất cho họ không? Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang đặt câu hỏi: Vậy giá sàn mua lúa bảo đảm có lãi 30% là tính trên cái nền nào.
Rõ ràng cơ sở để tính giá thành sản xuất là thiếu sót không chỉ cho lúa gạo mà gần đây là cà phê. Tuy vậy hành động tự ấn định giá thành sản xuất lúa đông xuân của VFA và đưa ra giá sàn mua lúa 4.000đ/kg, được cho là có tác dụng chặn đà sụt giá lúa giữa khi vụ đông xuân thu hoạch rộ. Nếu VFA chờ liên bộ Tài Chính, Công Thương và Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn tính toán và công bố giá thành sản xuất lúa và giá thu mua có lời 30% thì hậu quả khôn lường. Cho đến ngày 25/3 các Bộ liên quan chưa loan báo thông tin nào về vấn đề này. Đặc biệt ngày 12/3 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có văn bản chỉ đạo là từ nay về sau UBND các tỉnh, thành phố phải công bố giá mua lúa bảo đảm lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất. Mức giá nói trên phải được công bố ngay từ đầu vụ sản xuất. Chính phủ giao Bộ Tài Chính cùng Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn ban hành qui định và hướng dẫn phương pháp xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa cho các tỉnh thành. Không hiểu phương pháp tính toán giá sản xuất lúa sắp tới có bao gồm chi phí thuê đất hay chi phí quản lý của chủ nông hộ hay không.
Lúa, cà phê chung một nỗi buồn
Không chỉ có lúa là nông sản duy nhất cần ước tính giá thành sản xuất hợp lý từ đó có giá sàn bảo đảm mức lãi tối thiểu cho nông dân, đối với hạt điều hay cà phê cũng vậy. Gần đây việc mua tạm trữ cà phê để chặn đà sụt giảm giá cũng đầy hỏa mù đặc biệt về đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng vốn vay ưu đãi và giá sàn thu mua bảo đảm người trồng cà phê có lãi 30%. Khi giá sàn thu mua cà phê nhân robusta được công bố 23 ngàn đồng/kg, những người liên quan tới hạt cà phê xuất khẩu như ông Nguyễn Công Thịnh ở Tây Nguyên phản ứng khá bất bình:
Hiệp Hội Vicofa nói giá thành 1kg cà phê 16.200 ngàn đồng, nhưng mấy ông đó có ai đi làm cà phê đâu mà biết, đi thực tế thấy mọi người đều kêu ca phải 22 ngàn tới 23 ngàn mới huề vốn 1kg cà phê.
Ô. Nguyễn Công Thịnh
“Hiệp Hội Vicofa nói giá thành 1kg cà phê 16.200 ngàn đồng, nhưng mấy ông đó có ai đi làm cà phê đâu mà biết, đi thực tế thấy mọi người đều kêu ca phải 22 ngàn tới 23 ngàn mới huề vốn 1kg cà phê. Ước lượng dựa theo kinh nghiệm thôi, cũng chưa có cách tính nào khoa học, tùy theo mỗi vùng, ngay trong một vùng thôi tùy theo cách tưới nhiều hay thế nào đó thì mỗi nơi lại một khác. Rồi công cán thuê mướn cũng khác, thí dụ nhà ông này con cái nhiều nó khác với nhà ông kia mọi thứ đều phải thuê. Nếu mọi thứ đều tính ra tiền hết thì 1kg nhân cà phê phải chi phí 23 ngàn/kg. Đầu tiên phải tính tới phân bón, công hái, vặt cành vặt lá, làm cỏ tất cả phải thuê, tưới cũng phải thuê xăng dầu bây giờ một lít gần 20 ngàn, một nhà làm chừng 4 ha chi phí tưới 500 ngàn đồng/ngày.”
Trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa 10 đã có nghị quyết Tam Nông từ năm 2008, hứa hẹn đầu tư đúng mức cho nông nghiệp nông thôn, chăm lo quyền lợi nâng cao đời sống người nông dân. Đã hai năm trôi qua, chính sách Tam Nông chưa có chuyển biến, người nông dân dù làm lúa, trồng cà phê, nuôi cá vẫn là tầng lớp thụ hưởng ít nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Câu chuyện giá thành nông sản mà chúng tôi ghi nhận, chỉ là một phần trong toàn bộ những bất hợp lý mà người nông dân cam chịu.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam sẽ mua trữ 500 ngàn tấn gạo
- Nông dân vội vã bán lúa
- Giá lúa tại ĐBSCL đã ngừng sụt giảm
- Thủ tướng yêu cầu thu mua hết lúa của nông dân
- Mua tạm trữ cà phê quá nhiều dấu hỏi
- Nông dân không có lợi trong kế hoạch mua trữ cà phê
- Các cty Việt Nam sẽ trữ khoảng 200.000 tấn cà phê
- Cà phê ở Việt Nam mất giá, tồn đọng lớn