
Tuần lễ đầu tháng Tư, cùng lúc xảy ra đình công ở Đồng Nai, Đà Nẵng và Cần Thơ. Quan trọng nhất, vụ đình công kéo dài ở công ty Pouchen Biên Hòa Đồng Nai qui tụ tới 18.000 công nhân, theo tường thuật của báo Lao Động và Người Lao Động, còn Tuổi Trẻ Online đưa ra con số khoảng 10 ngàn người.
Công nhân ngừng việc từ 1 tháng 4 đến chiều 6 tháng 4 vẫn chưa giải quyết xong. Vào ngày 5/4 cuộc đình công có lúc trở nên nguy hiểm, khi hàng chục ngàn công nhân tràn ra quốc lộ 1 K, gây tắc nghẽn giao thông nhiều giờ liền. Theo báo Tuổi Trẻ, lúc 9g30, một thanh niên trong đám đông đã bị cảnh sát bắt giữ, người này được cho là có hành động quá khích đã tham gia tấn công cảnh sát. Do đó công nhân đã tràn lên chợ Hóa An bao vây cảnh sát và yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ thả ra. Vẫn theo báo Tuổi Trẻ Online, sau đó hàng ngàn công nhân quay lại trụ sở công ty, tiếp tục đứng tràn ra quốc lộ và kéo băng-rôn “Công nhân đại đoàn kết”.
Tối hậu thư gởi công đoàn
Điểm đáng chú ý, trước khi đình công, công nhân có viết thư cho công đoàn nói rõ là trong vòng 3 ngày, nếu ban giám đốc Pouchen không giải quyết nguyện vọng thì công nhân sẽ đình công. Một nữ công nhân đã cho đài chúng tôi biết lý do tại sao chị tham gia đình công:
“Bởi lương ‘bèo’, trong khi làm bị áp lực, ăn uống không đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Công nhân mới vào làm có mức lương cao hơn công nhân làm lâu năm, mới vào lương 1.338.000 đồng, trong khi đó công nhân làm hai ba năm chỉ 1.200.030 thôi. Các chế độ khác như tiền đi lại, tiền chuyên cần, tiền sinh hoạt cũng thấp hơn các công ty khác.”
Pouchen VN là công ty 100% vốn Đài Loan nhà máy tọa lạc ở xã Hóa An, thành phố Biên Hòa Tỉnh Đồng Nai. Công ty này chuyên gia công giày cho hãng Nike, từ ngày thành lập đến nay ít nhất có ba vụ đình công lớn xảy ra ở Pouchen, nguyên nhân đều bắt nguồn từ tiền lương thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Bởi lương 'bèo', trong khi làm bị áp lực, ăn uống không đảm bảo sức khỏe cho công nhân... Các chế độ khác như tiền đi lại, tiền chuyên cần, tiền sinh hoạt cũng thấp hơn các công ty khác.
Một nữ công nhân Pouchen
Làm việc ở Pouchen VN, công nhân dù tăng ca hết mức nhưng lương bình quân chưa đến 2 triệu đồng/người/tháng. Theo phản ánh của công nhân, mỗi xuất ăn chỉ có 4 ngàn đồng nên quá nghèo nàn theo thời giá hiện nay. Ngoài ra công ty đề ra định mức lao động quá cao, công nhân khó hoàn thành nên luôn bị người quản lý la mắng.
Cũng có những kiểu vận dụng qui định một cách khác thường, khi đại diện công ty Pouchen VN trưng dẫn bản qui chế nâng lương 2 năm một lần, có đóng dấu đỏ của Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội tỉnh Đồng Nai. Pouchen VN lý giải rằng đã làm theo đúng sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương.
Vẫn theo Người Lao Động Online, đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, cơ quan này chỉ xác nhận việc đăng ký thang bảng lương; còn công ty Pouchen VN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý của những qui định do công ty đặt ra.
Cơ quan chức năng TP Biên Hòa giải quyết tranh chấp ở Pouchen VN suốt 5 ngày không đạt kết quả. Ban giám đốc công ty chỉ đồng ý tăng 1 bậc lương cho những công nhân làm việc từ 1 năm trở lên, trong khi Chủ tịch Liên đoàn Lao động Biên Hòa Đoàn Văn Đây đồng thuận với công nhân là những người làm việc lâu năm phải được tăng 2 bậc lương.
Can thiệp trái thẩm quyền
Một điểm đáng chú ý, theo Người Lao Động Online, Ủy Ban Nhân Dân TP Biên Hòa đã làm trái thẩm quyền. Theo đó, ngày 6/4 ông Trần Văn Hiến, Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP Biên Hòa, có thông báo đề nghị công nhân chấm dứt đình công…Nếu công nhân nào không trở lại làm việc coi như tự ý nghỉ việc và công ty sẽ xử lý theo Nội Qui Lao Động và Bộ Luật Lao Động. Việc làm này của Ủy Ban Nhân Dân TP Biên Hòa là trái thẩm quyền bởi việc hoãn hoặc dừng cuộc đình công theo qui định hiện hành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ khi Việt Nam từ giã chế độ kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, câu chuyện đình công không còn là mới mẻ. Theo số liệu chính thức từ năm 1995 đến năm 2006 tại Việt Nam xảy ra 1.250 cuộc đình công. Theo chi tiết, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 67% với 838 cuộc đình công; khu vực doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ lệ 26% với 325 cuộc đình công. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ 7% với 87 cuộc đình công. Gần phân nửa các cuộc đình công diễn ra ở TP.HCM, kế tiếp là Bình Dương, Đồng Nai. Các tỉnh thành khác có tỷ lệ đình công thấp chiếm gần 17%. 4 năm gần đây chưa có các số liệu tổng hợp chính thức, nhưng riêng năm 2009 được cho là suy thoái kinh tế, đình công giảm so với 2008 nhưng cũng xảy ra 216 cuộc đình công.
Trong thời gian dài Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế nhân công giá rẻ. Tuy nhiên tình trạng đình công đòi quyền lợi ngày một nghiêm trọng, gây e ngại cho các nhà đầu tư. Tiền lương thấp là tiền đề dẫn đến quan hệ lao động bất ổn, theo một bài viết của Tiền Phong Online mức lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực 40%. Trả lời đài ACTD, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế nguyên thành viên nhóm tư vấn cho Thủ tướng chính phủ đưa ra nhận định:
Nói chung thì đối với những người lao động ở Việt Nam, còn có rất nhiều điều cần phải cải thiện cho vị thế làm việc của họ trong quan hệ với giới chủ. <br/>
Bà Phạm Chi Lan<br/>
“Nói chung thì đối với những người lao động ở Việt Nam, còn có rất nhiều điều cần phải cải thiện cho vị thế làm việc của họ trong quan hệ với giới chủ. Đối với giới chủ, cũng có những việc mà luật pháp phải xem xét để đảm bảo lợi ích của họ tốt hơn, từ đó động viên họ quan tâm một cách thực tế đối với người lao động.
Nói cho cùng thì những chủ doanh nghiệp là người tạo ra việc làm cho người lao động, đóng góp rất nhiều cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, cho nên nếu Việt Nam có hệ thống luật pháp tốt, khuyến khích được doanh nghiệp thì không những họ mở mang thêm công việc mà còn có thể tuyển dụng thêm người lao động, tạo thêm việc làm cho xã hội, và việc đối xử với lao động cũng sẽ tốt hơn.”
Báo Lao Động điện tử ngày 6/4 đặt vấn đề “Lương tối thiểu ít nhất phải đủ sống”. Tờ báo trích lời Bà Phạm Lan Hương thuộc Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương nhận định là “Chính sách tiền lương chưa hoàn thiện”. Mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng 60-65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Theo lời bà Hương, ai cũng có thể thấy rõ mức lương này không bảo đảm cho người lao động bù đắp sức lao động giản đơn, chứ chưa nói đến tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng. Chuyên gia kinh tế này phân tích, chính mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp, đã là một trong những tồn đọng dẫn đến nghịch lý là trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn khá cao thì nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tuyển đủ lao động phổ thông.
Nguyên nhân gây tình trạng bất ổn trong quan hệ lao động đã thấy rõ, nhiều giải pháp được nói tới. Nhưng xét cho cùng, chỉ có phát triển kinh tế bền vững tốt đẹp hơn, thì mới có thể cải thiện đời sống của mọi người, trong đó có người làm công ăn lương.
Theo dòng thời sự:
- Đình công – thực trạng và hướng giải quyết
- Mức lương ở Việt Nam thấp hơn các nước 40%
- Hàng ngàn công nhân ở Biên Hòa đình công
- 10.000 công nhân đình công gây tắc nghẽn quốc lộ
- Hàng ngàn công nhân đình công tại Đồng Nai
- Vấn đề phát triển kinh tế và bất bình đẳng tại VN
- Nghệ An: Hàng trăm nhân viên và tài xế xe buýt đình công
- 1.000 công nhân đình công tại TPHCM
- Tăng lương cán bộ, viên chức nhà nước
- Công nhân lo âu về tiền thưởng Tết