Năm mới đầy thách thức
2010.01.02
Đọc báo điện tử trong nước những ngày đầu năm, chúng tôi ghi nhận thông tin liên quan được các báo tải lên mạng như Tuổi Trẻ, Đầu Tư, Saigon Times Online, Saigon Tiếp Thị…
Chủ quyền quốc gia
Trong bài viết đầu năm dương lịch phổ biến cho báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận chặng đường đầy khó khăn mà chính phủ và người dân Việt Nam đã vượt qua trong hai năm 2008-2009. Những bài học và kinh nghiệm rút tỉa được người đứng đầu chính phủ gút lại trong 5 điểm, trong đó nổi bật điều kiện phát triển bền vững là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh. Ông Nguyễn Tấn Dũng thể hiện nhận thức về việc bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trong khi tập trung ứng phó với các thách thức khó khăn về kinh tế xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không xác định sự đe dọa chủ quyền quốc gia đến từ đâu, tuy nhiên vấn đề Biển Đông cùng tham vọng bá quyền của người láng giềng khổng lồ phương Bắc, được báo chí Việt Nam đề cập khá nhiều thời gian gần đây, sau giai đoạn bị cấm đoán cho đến giữa năm 2009.
Kinh tế, xã hội
Trong dự báo hồi phục mong manh của kinh tế toàn cầu, ông Nguyễn Tấn Dũng nhận định về hoàn cảnh Việt Nam, theo đó “với nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và còn phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố bên ngoài thì độ rủi ro và tính bất định sẽ còn rất lớn.”
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn và một thách thức lớn.
TS Lê Đăng Doanh
Đối với kế hoạch năm nay 2010, thủ tướng Việt Nam đề cập rất chi tiết. Tuy nhiên có thể thấy rõ 5 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế; Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; Nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị.
Trong dịp trả lời Đài chúng tôi, khi nhận định về triển vọng năm 2010, kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội đã phát biểu:
“Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn và một thách thức lớn. Cơ hội lớn là nếu cải tổ nền kinh tế Việt Nam có thể tiến lên vượt bực là, nếu cải tổ và phát triển được lãnh vực giáo dục đào tạo thì người lao động Việt Nam sẽ có tay nghề cao hơn. Nền kinh tế Việt Nam có thể dịch chuyển vào những nấc thang phát triển cao hơn như là chế biến chế tác được sâu hơn và với công nghệ cao hơn có thể có giá trị gia tăng cao hơn.
Các lãnh vực khác như y tế thì chính phủ đã họp và thừa nhận rằng tình trạng quá tải về y tế chứng tỏ mức đầu tư về y tế của Việt Nam không theo kịp mức gia tăng dân số và mức đô thị hóa. Các yếu tố khác cũng đòi hỏi nỗ lực vượt bực như kết cấu hạ tầng, đường xá, điện năng, và còn đòi hỏi nhiều nỗ lực khác nữa để cho kinh tế và đời sống của người dân được tốt hơn.”
Vốn vay ODA
Sự thành công của Việt Nam trong những năm vừa qua cũng đưa tới thách thức lớn. Đất nước 86 triệu dân bước vào 2010 với vị thế quốc gia có thu nhập trung bình. Với sự xác định này, Việt Nam mất nhiều ưu đãi từ nguồn vốn viện trợ phát triển, tuy có nhiều kênh vay tiền hơn nhưng lãi suất có thể chỉ kém vay thương mại một ít. Những ngày cuối năm báo chí Việt Nam trích phát biểu của ông James Adams, Phó Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, tán dương sự kiện “ trong vòng chưa đến bảy năm, Việt Nam chuyển dịch từ một quốc gia nghèo nợ nhiều sang vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình”. Đánh giá này được đưa ra nhân dịp Việt Nam nhận được khoản vay lần đầu tiên trị giá 500 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển thuộc hệ thống Ngân hàng Thế giới. Tín dụng vừa nói nhằm giúp Việt Nam cải cách đầu tư công.
Báo Saigon Tiếp Thị điện tử gọi đây là những khoản vay mới với áp lực mới. Trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, với GDP đầu người dự kiến đạt 1.200 USD trong năm nay (2010), Việt Nam có thể tiếp cận hàng loạt các kênh tín dụng của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, các quĩ phát triển của Pháp, Đức, Nhật. Tuy nhiên các khoản vay ODA này sẽ có điều kiện gần với điều kiện vay thương mại. Từ 1993 tới nay các khoản vay viện trợ phát triển nước ngoài mà Việt Nam nhận được không chịu lãi hoặc lãi suất ưu đãi rất thấp, thời hạn vay rất dài kèm ân hạn.
Vẫn theo SGTT điện tử, năm nay ngân sách nhà nước sẽ chi hơn 70.000 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc và lãi riêng cho các khoản vay ODA. trong 5 năm từ 2011 đến 2015 Việt Nam sẽ phải trả nợ nước ngoài hơn 6 tỷ USD. Bộ Kế Hoạch Đầu Tư dự kiến nợ nước ngoài của Việt Nam từ 31 tỷ USD năm 2010 sẽ gia tăng lên 57 tỷ USD vào năm 2015.
Các lãnh vực khác như y tế thì chính phủ đã họp và thừa nhận rằng tình trạng quá tải về y tế chứng tỏ mức đầu tư về y tế của Việt Nam không theo kịp mức gia tăng dân số và mức đô thị hóa.
TS Lê Đăng Doanh
Bài viết trên SGTT điện tử, trưng dẫn những con số tỷ đô la để cảnh báo áp lực trả nợ ngày càng gia tăng, cùng với cơ chế cho vay mới theo lãi suất thị trường, sau khi Việt Nam thăng hạng trở thành nước có thu nhập trung bình. Tờ báo kêu gọi thay đổi nhận thức về các dự án từ vốn vay ODA, nợ phải trả, không ai khác, chính là người dân.
Căn bệnh nhập siêu
Bước vào năm mới căn bệnh nhập siêu cũng được đề cập khá nhiều. Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi “Liệu có cân đối được xuất nhập khẩu?”, câu trả lời còn ở phía trước và quả là khó khăn để xác định. Theo tờ báo, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam bắt đầu mất cân đối từ năm 2005 nhập khẩu năm đó cao hơn xuất khẩu chưa tới 3 tỷ USD, nhập siêu năm sau cao hơn năm trước, tới năm 2008 nhập siêu lên tới 18 tỷ USD. Đi vào chi tiết, những con số khô khan thể hiện nhiều sự thật khó ngờ. Việt Nam xuất siêu với hầu hết các nước tư bản như Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, tuy vậy với nước bạn Trung Quốc mức nhập siêu của Việt Nam đầy lo ngại. Mức nhập siêu với Trung Quốc gia tăng đều đặn từ 2003 đến nay, riêng 2008 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá hơn 4 tỷ 500 triệu USD và nhập khẩu lên tới 15 tỷ 600 triệu USD nhập siêu khoảng 11 tỷ USD.
Tại sao cán cân thương mại Việt Trung lại mất cân đối nghiêm trọng như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc theo kiểu thuận mua vừa bán hay là vì còn có những yếu tố khác chi phối.
Kết thúc mục đọc báo điện tử đầu năm, chúng tôi xin trích lời TS Lê Đăng Doanh để tuyên dương người nông dân Việt Nam đã đưa hai vai đỡ gánh nặng suy thoái cho đất nước:
“Năm 2009 đã đi qua đối với Việt Nam với những thành tựu về mặt kinh tế nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn những dự báo ban đầu về tác động của cuộc khủng hoảng, đó là nền kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng, đến các quí cuối năm lao động đã có việc làm thêm và chỉ số giá cả chỉ dừng lại ở mức khoảng 7%. Đấy là những tín hiệu đáng mừng, có được những thành tựu đó là nhờ các nỗ lực chịu khó chịu khổ và năng động của người nông dân đã bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp vào xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo, cũng như là thủy sản và các sản phẩm khác.”
Trang điện tử Việt Báo đưa tin, Bộ NN-PTNT loan báo kim ngạch xuất khẩu nông sản 2009 đạt 15 tỷ 400 triệu USD, vượt qua mục tiêu 14 tỷ USD do chính phủ ấn định. Đây là lãnh vực duy nhất của cả nền kinh tế có thành quả cao hơn trông đợi. Theo Đầu Tư Online tổng thể bức tranh xuất khẩu nông sản 2009 là sự đan xen giữa các gam màu sáng tối, bên cạnh sự vượt trội về lượng của một số mặt hàng như gạo, là sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch của nhóm hàng nông sản chủ lực.