Có những năm doanh nghiệp than lỗ vì hợp đồng lỡ ký với giá thấp, khi gom gạo thì lúa lên giá cao hơn giá xuất khẩu. Vụ hè thu năm ngoái lúa đầy bồ, gạo tràn kho nhưng không có đầu ra, vì trước đó 4 tháng đã có quyết định ngừng ký hợp đồng xuất khẩu, do quan ngại an ninh lương thực. Năm nay vụ đông xuân trúng mùa, gạo xuất khẩu đang chạy đều nhưng Hiệp Hội Lương Thực lại hãm phanh bằng một số biện pháp hành chánh. Vụ Hiệp Hội Lương Thực không cho Công ty Du Lịch Thương Mại (DLTM) Kiên Giang xuất khẩu gạo theo hợp đồng đã ký, cuối cùng phải có mệnh lệnh của Thủ tướng mới giải quyết được.
Sáng 24/4 theo giờ VN, ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám Đốc Công ty DLTM Kiên Giang xác nhận với chúng tôi là mọi việc đã giải quyết xong, lô hàng 53 ngàn tấn của công ty ông xuất khẩu sang Đông Timor và Nam Phi đã được Hiệp Hội Lương Thực giải tỏa. Ông Linh cũng mong không còn xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai. Ông nói:
“Đã giải quyết xong ngày 22/4. Tôi thấy điều hành xuất khẩu gạo trước khi dừng phải công khai, cần một thời gian nhất định để các doanh nghiệp người ta chủ động được trong ký kết, chứ không phải dừng ngang thực thi hiệu lực ngay, điều này kẹt cho doanh nghiệp. Trong lúc doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng chưa đăng ký được, mà ngừng ngang thì doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn trong ký kết giữa các doanh nghiệp và các nước mua gạo Việt Nam.”
Hiệp Hội Lương Thực không cho phép
Diễn biến câu chuyện được Thời Báo Kinh Tế VN đưa lên mạng, Đến nay thì lô hàng 53 ngàn tấn gạo được gấp rút chuyển lên tàu cho kịp hạn chót 30/4. Nhưng trước đó, 10 con tàu vào chờ ăn hàng tại cảng Mỹ Thới tỉnh An Giang và Cảng TPHCM, đã rời bến mà không đem theo hạt gạo nào đến cho bạn hàng ở Đông Timor và Châu Phi. Những tàu hàng này đã neo đậu nhiều ngày và không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Và chắc chắn nhà xuất khẩu là Công Ty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang (Công ty DLTM Kiên Giang) phải chịu phạt vì neo tàu trễ hạn, chưa kể việc mất uy tín với đối tác làm ăn.
Trong lúc doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng chưa đăng ký được, mà ngừng ngang thì doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn trong ký kết giữa các doanh nghiệp và các nước mua gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Hùng Linh, TGĐ Cty DLTM Kiên Giang
Thời Báo Kinh Tế VN trích lời lãnh đạo Công ty DLTM Kiên Giang cho biết, vào đầu tháng 2/2009 công ty đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng tổng cộng 130 ngàn tấn. Trong đó số gạo 54 ngàn tấn được ký với 3 công ty nước ngoài, hơn 10 ngàn tấn giao hàng tại cảng Mỹ Thới An Giang, phần còn lại được giao lên tàu ở cảng TPHCM. Các hợp đồng này có thời hạn giao hàng trong tháng 3 và 4/2009. Theo thủ tục ấn định, Công ty DLTM Kiên Giang đăng ký các lô hàng xuất khẩu với Hiệp Hội Lương Thực vào ngày 23/2 nhưng bị từ chối. Hiệp Hội cho biết là ba ngày trước đã thông báo, kể từ 21/2 chỉ cho đăng ký xuất khẩu gạo nếu có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9/2009. Ngày 15/4 Hiệp Hội thông báo cho Công ty DLTM Kiên Giang được xuất khẩu 10 ngàn tấn gạo thuộc 1 hợp đồng, còn lại gần 43.500 tấn muốn được đăng ký thì phải chuyển sang giao hàng trong 6 tháng cuối năm 2009.
Mệnh lệnh Thủ tướng
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, hôm 16/4 tức một ngày sau, Hiệp Hội thông báo là cho phép Công ty DLTM Kiên Giang giải quyết tiếp các hợp đồng còn lại gồm 43.500 tấn với các điều kiện ràng buộc như sau, Công Ty DLTM Kiên Giang phải ủy thác 30% số lượng hợp đồng cho các đơn vị ở các tỉnh có sản xuất lúa gạo tham dự. Hiệp Hội còn đặt điều kiện là Công Ty DLTM Kiên Giang phải có văn bản cam kết những hợp đồng vừa nói được xếp hàng tại cảng Saigon, TPHCM và không dỡ hàng ở cảng của Malaysia, để tránh cạnh tranh phá giá, ảnh hưởng đến giao dịch và ký kết hợp đồng tập trung của chính phủ với đối tác Malaysia.
Vẫn theo Thời Báo Kinh Tế VN, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp Hội Lương Thực VN giải thích thêm rằng, việc yêu cầu không dỡ hàng ở cảng Malaysia xuất phát từ việc mỗi năm lượng gạo bán cho quốc gia này theo hợp đồng chính phủ lên tới 400 ngàn tấn và do Tổng công Ty Lương Thực Miền Nam làm đầu mối, còn việc chia sớt 30% lượng gạo xuất là để hài hòa với các đơn vị ở các tỉnh có nhiều lúa gạo. Nhất là đảm bảo an ninh lương thực.
Lý do không thuyết phục
Theo Thời Báo Kinh Tế VN, những lý do mà Hiệp Hội Lương Thực đưa ra thông qua các văn bản chính thức và lý giải cụ thể hơn của ông Tổng thư Ký thực sự chưa thuyết phục được Công Ty DLTM Kiên Giang và những người am tường chuyện điều hành xuất khẩu gạo.
Tờ báo còn trích dẫn ý kiến các chuyên gia pháp lý dẫn các qui định của pháp luật VN, luật pháp thương mại quốc tế. Theo đó Công Ty DLTM Kiên Giang ký hợp đồng bán gạo với các thương nhân Singapore trên cơ sở giá FOB, tức là giao hàng qua lan can tàu tại cảng xếp hàng ở VN, là hết trách nhiệm. Còn nghĩa vụ thuê tàu và vận chuyển hàng đến cảng nào, nước nào là quyền và nghĩa vụ người mua hàng. Công ty DLTM Kiên Giang không có trách nhiệm về vấn đề này. Vì vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Hiệp Hội Lương Thực lại ra điều kiện bắt buộc Công ty DLTM Kiên Giang phải có văn bản cam kết là không dỡ hàng tại cảng Malaysia. Ngoài ra cho đến nay cũng không hề có bất kỳ một văn bản nào của chính phủ, các Bộ ngành hay của Hiệp Hội Lương Thực cấm dỡ hàng xuất khẩu gạo tại cảng Malaysia.
Vẫn theo Thời Báo Kinh Tế VN, điều không hợp lý nữa là tại sao phải buộc Công ty DLTM Kiên Giang phải chia 30% số lượng hợp đồng gần 44 ngàn tấn gạo cho các đơn vị khác? Bởi thực tế ngay sau khi ký hợp đồng bán gạo, Công ty DLTM Kiên Giang đã phải tiến hành việc triển khai tổ chức mua lúa gạo của nông dân, đảm bảo chân hàng xuất khẩu với số lượng mà hợp đồng đã ký. Công ty tất nhiên cũng phải chuẩn bị dệt may bao bì, đóng gói giao hàng ra cảng. Tất cả những chi phí này không phải là nhỏ.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, hôm 16/4 tức một ngày sau, Hiệp Hội thông báo là cho phép Công ty DLTM Kiên Giang giải quyết tiếp các hợp đồng còn lại gồm 43.500 tấn với các điều kiện ràng buộc …
Trong những ngày qua nhiều sự kiện được báo chí đưa ra công khai liên quan đến vụ rắc rối xuất khẩu gạo. Tuy nhiên Hiệp Hội Lương Thực VN cuối cùng đã nhượng bộ, Tuổi Trẻ Online, trích lời ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng giám đốc Công ty DLTM Kiên Giang cho biết, lúc 16g ngày 21/4 Hiệp Hội Lương Thực đã đồng ý giao hợp đồng cho phép Công ty DLTM KG xuất khẩu lô hàng gần 54 ngàn tấn gạo sang Nam Phi và Đông Timor. Ngày 22/4 bốn chiếc tàu đầu tiên chở hơn 10 ngàn tấn gạo rời cảng Saigon và cảng Mỹ Thới An Giang. Phần hơn 43 ngàn tấn còn lại, do đã gần hết tháng 4, thời hạn chót để giao hàng công ty sẽ yêu cầu các Cảng giúp đỡ tăng cường bốc dỡ cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng. Cũng theo ông Nguyễn Hùng Linh, công ty của ông chưa thể thực hiện ngay việc ủy thác xuất khẩu 13 ngàn tấn gạo cho 7 doanh nghiệp khác, theo yêu cầu của Hiệp Hội Lương Thực VN. Tuy nhiên công ty sẽ thực hiện việc này trong số trên 60 ngàn tấn mà công ty đã ký hợp đồng.
Giải thích của Hiệp Hội Lương Thực
Do sức ép của công luận, trên báo Tuổi Trẻ ngày 22/4, ông Trương Thanh Phong, Chủ Tịch Hiệp Hội Lương Thực VN, đã lên tiếng giải thích vụ rắc rối với Công ty DLTM Kiên Giang. Doanh nghiệp lúa gạo đều biết ông Phong đồng thời cũng là lãnh đạo của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam, đơn vị độc quyền tham gia các hợp đồng chính phủ khu vực Đông Nam Á và Châu Phi. Ông Phong lý giải rằng, Hiệp Hội quyết định không cho đăng ký xuất khẩu gạo từ 21/2, nếu giao hàng trong 6 tháng đầu năm 2009, là việc chẳng đặng đừng. Theo ông Phong đến thời điểm 20/2/2009 lượng gạo đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp Hội đã lên tới 3 triệu 600 ngàn tấn, nếu tiếp tục cho đăng ký trong nửa đầu năm nay, khả năng không đủ hàng để giao có thể xảy ra, điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nếu các doanh nghiệp vét hết hàng trong nước để xuất. Ông Phong còn tiết lộ thêm là sau ngày 20/2 vừa qua, Hiệp Hội còn tiếp tục nhận được thêm nhiều hợp đồng đăng ký khác với số lượng khá lớn, tổng cộng 345 ngàn tấn, và đều giao trong hạn đến tháng 6/2009. Nếu cho đăng ký hết thì 6 tháng đầu năm 2009, sẽ xuất khẩu tới 4 triệu tấn gạo vượt xa khả năng vụ mùa trong nước.
Theo lời ông Trương Thanh Phong trả lời báo Tuổi Trẻ Online, tại cuộc họp tổ điều hành xuất khẩu gạo gồm đại diện các bộ ngành hôm 13/4 vừa qua, Hiệp Hội Lương Thực xin ý kiến, nhưng không một thành viên nào dám quyết định bổ sung 345 ngàn tấn gạo đăng ký sau ngày 20/2 vào danh sách số lượng được phép xuất khẩu tới tháng 6/2009.