Kịch bản nào cho vật giá sau hạn 30/6

Tất cả các báo điện tử của Việt Nam đều đưa tin, lạm phát tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái lên tới 25%, theo tính toán của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam.

Con số này chưa dừng lại ở đây vì tới 30/6 là thời gian chính phủ có thể dỡ bỏ lệnh cấm tăng giá 10 nhóm hàng thiết yếu, hoặc lựa chọn các mặt hàng nào tăng, mặt hàng nào còn trợ giá.

Những mặt hàng thiết yếu bị cấm điều chỉnh giá trong mấy tháng qua, nổi bật có xăng dầu, điện nước, phân bón, xi măng, sắt thép, tân dược, dù rằng trên thực tế nhiều mặt hàng tuy không chính thức tăng giá, nhưng lại trở nên khan hiếm, người tiêu dùng muốn mua phải bấm bụng trả giá cao gấp rưỡi nhiều khi gấp đôi.

Hậu quả của việc kìm giá

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia có quá trình hoạt động lâu năm ở Việt Nam. Trước khi trở thành nhà nghiên cứu độc lập, thành viên Viện Nghiên Cứu Phát Triển tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng có thời gian là Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, chức vụ sau cùng của ông trong chính phủ là cố vấn cao cấp của Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư. Mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn:

Nam Nguyên: Thưa, chúng tôi xin đặt câu hỏi, sau tháng 6 chính phủ tiếp tục trợ giá xăng dầu, chưa cho tăng giá điện để kềm lạm phát, nhưng như vậy có thể tiếp tục gây bội chi ngân sách, bao cấp cả Đông Dương khuyến khích nạn buôn lậu ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Cho đến nay chưa thấy thông tin gì về những đối sách của chính phủ sau ngày 30/6. Và gần đây một số quan chức Bộ Tài Chính có đưa ra hàm ý là, không phải sau 30/6 là đã cho phép tăng giá ngay. Việc kìm giá không cho tăng giá bằng biện pháp hành chính có thể đã đóng góp một phần nhất định đối việc làm chậm lại tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Song nó cũng dẫn đến một loạt các hiện tượng méo mó trong hoạt động thị trường: một là hiện tượng buôn lậu như ông vừa nêu.

Nghiêm trọng hơn là tâm lý không tin tưởng hay phấp phỏng của người buôn bán cũng như người tiêu dùng tức là người ta bắt đầu tích trữ.

<b>Tiến sĩ Lê Đăng Doanh</b>

Thứ hai là hiện tượng đi xuất ngược trở lại các sản phẩm mà đã nhập trước đây vào thời kỳ giá rẻ, nay thấy giá thị trường thế giới tăng lên thì lại xuất ngược lại thí dụ như phôi thép, phân bón.

Nghiêm trọng hơn là tâm lý không tin tưởng hay phấp phỏng của người buôn bán cũng như người tiêu dùng tức là người ta bắt đầu tích trữ. Sau việc nâng giá gạo một cách đột biến, nay giá gạo đã trở về bình thường tuy là không phải đạt được mức như trước khi nâng giá, nhưng đã tương đối bình thường, thì hiện tượng người tiêu dùng tích trữ gạo bắt đầu lan rộng ra một số các mặt hàng khác. Thí dụ chúng ta có thể thấy như mặt hàng xi măng và một số mặt hàng khác.

Tình hình này làm cho cung cầu trên thị trường bị bóp méo và sức ép đối với nhập siêu lại càng tăng lên. Tôi thấy đấy là những biện pháp cần phải xem xét, bởi vì chúng ta kéo dài các biện pháp kìm hãm về hành chính, thì sẽ dẫn đến các méo mó thị trường và những hiệu ứng phụ mà chúng ta không mong muốn.

Nam Nguyên: Thưa như là vụ trần lãi suất vừa được sửa sai, còn các vấn đề khác cũng là tương tự ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Vâng, những vấn đề khác cũng là tương tự. Thí dụ bây giờ kìm giá điện thì chúng ta lại không kìm được giá gas. Giá gas trên thị trường thế giới tăng và ở Việt Nam giá gas cũng tăng rất cao, thế thì có rất nhiều hộ tiêu dùng bây giờ chuyển từ dùng gas qua dùng điện.

Họ tính toán là dùng điện đỡ tốn kém hơn đối với họ, thậm chí một số nhà máy luyện thép bớt dùng gas chuyển sang dùng điện. Như vậy lại càng làm tăng thêm sự mất cân đối cung cầu trên thị trường điện, cũng như làm phức tạp thêm tình hình quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng thiết yếu như vậy.

Vai trò của nhà nước

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, giả dụ bây giờ cứ để thị trường quyết định ngay về giá xăng dầu, giá điện, thì điều gì sẽ xẩy ra. Theo ông là tốt hay xấu?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì cần có vai trò của Nhà nước, nhưng mà Nhà nước phải có cách tiếp cận mềm dẻo thân thiện với thị trường hơn. Thí dụ vừa qua chúng ta thấy là Nhà nước Indonesia đột ngột nâng giá xăng 28,7% dẫn tới biểu tình khá đông đảo của người dân Indonesia trên đường phố. Đây cũng là điều rất đáng chú ý.

Theo tôi thì cần có vai trò của Nhà nước, nhưng mà Nhà nước phải có cách tiếp cận mềm dẻo thân thiện với thị trường hơn.

<b>Tiến sĩ Lê Đăng Doanh </b>

Nếu chúng ta kìm giá xăng lâu quá, giá xăng ở trong nước có khoảng cách ngày càng xa so với giá xăng trên thị trường thế giới, hoặc so với Cambodia chẳng hạn. Như vậy khoảng cách về giá là một động lực ghê gớm thúc đẩy buôn lậu, mà biên giới giữa Việt Nam và Cambodia thì quá dễ dàng cho việc buôn lậu đó, nhất là vào mùa nước nổi cho nên tình hình sẽ trở nên phức tạp.

Tôi nghĩ là Nhà nước nên tiếp tục có bàn tay điều tiết của mình, song cách tốt hơn là nên điều chỉnh từng bước nhỏ dần dần, để cho người tiêu dùng và người sản xuất chịu được tín hiệu thị trường, chấp nhận tín hiệu của thị trường, chịu cái áp lực đó để có thể thích nghi.

Ngay cả người tiêu dùng ở Hoa Kỳ bây giờ cũng thay đổi, tức là do giá xăng cao quá họ cũng không thể nào dùng ô tô như trước đây, họ cũng chuyển sang các loại xe nhỏ. Các hãng như Toyota, Honda, Nissan bây giờ chuyển sang sản xuất xe nhỏ nhiều hơn là xe bự, như vậy cũng là một tín hiệu thích nghi với tình hình giá cả tăng lên trên thị trường thế giới.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, nhưng khi để thị trường điều tiết gái cả, thì lợi tức của người có thu nhập nhất định cũng phải được thay đổi thì họ mới có thể chịu đựng được.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Vâng, tình hình này nó không phải là một giải pháp hòan hảo và cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Vì vậy mỗi người đều phải chấp nhận sự thay đổi của thị trường bằng cách thích nghi, bằng cách tiết kiệm hợp lý hoá tiêu dùng.

Vâng, tình hình này nó không phải là một giải pháp hòan hảo và cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Vì vậy mỗi người đều phải chấp nhận sự thay đổi của thị trường bằng cách thích nghi, bằng cách tiết kiệm hợp lý hoá tiêu dùng.<br/>

<b>Tiến sĩ Lê Đăng Doanh</b>

Tốt nhất là bằng cách vận dụng khoa học công nghệ tìm ra những nguồn năng lượng và cách xử lý thay thế như là khí sinh học biogas hay là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng khác, mà các nhà khoa học đang nghiên cứu và nỗ lực để vận dụng.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về các nhận định của ông.

Thưa quí thính giả các chuyên gia nước ngoài dự báo lạm phát có thể leo lên mức 30%, nếu sau 30/6 Việt Nam ngừng kềm giá tòan bộ các mặt hàng thiết yếu. Vì thế những kịch bản đối phó với tăng giá sau tháng 6 của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được mô tả là sẽ có nhiều điều chỉnh, một số mặt hàng có thể sẽ được tiếp tục trợ giá, một số mặt hàng khác có thể bị bung giá sớm hơn hạn kỳ 30/6.

Điều này được nhiều đại biểu chuyên trách của quốc hội khuyến cáo, trong đó có mặt hàng xăng dầu hiện đang bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng, hoặc giá điện nước có thể tăng nhanh.

Câu chuyện lò xo kềm giá sẽ được điều chỉnh như thế nào là điều các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng đang chờ đợi. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các quĩ đầu tư và lượng giá của nước ngoái, đồng loạt bầy tỏ sự e ngại rằng, Việt Nam có thể lâm vào cuộc khủng hoảng tài chánh như xảy ra ở Thái Lan năm 1997, kéo theo khủng hoảng kinh tế châu Á. Việt Nam thời kỳ ấy, chưa hội nhập sâu với thế giới, nên đã không chịu hiệu ứng domino như nhiều nước khác trong khu vực.

Đọc báo trong nước trên mạng Internet hôm nay kết thúc ở đây, Nam Nguyên thân chào quí vị và các bạn nghe đài.