Nông dân vẫn khổ dù xuất khẩu gạo kỷ lục
2012.12.21
Tuy vậy lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang “chìm theo giá” và nông dân than phiền lợi nhuận 2012 không đủ sống.
Người trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi:
“Thu nhập từ lúa giảm không được bằng năm 2011 vì vật giá tăng, phân bón tăng tất cả các mặt hàng đều tăng hết… năng suất không tăng trong khi giá xuất khẩu gạo quá thấp thành thử người làm lúa chẳng được bao nhiêu… hiện tại lúa hạt dài lúa tươi chỉ được 5.000đ/kg lợi nhuận thấp đi nhiều lắm…những hộ đi thuê ruộng làm lúa đa số bị lỗ may lắm thì huề vốn. Nếu ruộng nhà làm tốt mới được 17 tới 20 triệu một héc-ta.”
Sản xuất càng nhiều càng tốt?
Hiện tại lúa hạt dài lúa tươi chỉ được 5.000đ/kg lợi nhuận thấp đi nhiều lắm…những hộ đi thuê ruộng làm lúa đa số bị lỗ may lắm thì huề vốn.Nông dân ĐBSCL
Có những ý kiến cho rằng chính sách “sản xuất càng nhiều lúa gạo càng tốt” từ thập niên đói kém 1980 bắt đầu gây tác dụng ngược. Đó là tiêu thụ và tồn trữ không đáp ứng mức sản xuất dư thừa, trong khi quá nhiều nông dân tham gia trồng lúa với qui mô nông hộ nhỏ bé trung bình 0,5 héc-ta. Các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp liên tiếp đưa ra nhiều giải pháp để tiến tới sản xuất tập trung, nâng cao sản lượng và bảo đảm phẩm chất hạt gạo. Nhưng quá trình 2 năm vừa qua, đặc biệt năm 2012 thực tế trên đồng ruộng cho thấy các chính sách và giải pháp chưa thực sự ban hành đã sớm phá sản. Một trong những nguyên do lớn nhất là sự bất hợp tác của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thực chất là Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với các thành viên chi phối 70% tổng lượng gạo xuất khẩu là các tổng công ty lương thực nhà nước. Những người chủ đạo kế hoạch xuất khẩu và gần như độc quyền thực hiện các hợp đồng lớn ký kết giữa các chính phủ lại thể hiện mình như những thương nhân cơ hội chỉ mua đi bán lại kiếm lời chứ không tham gia phát triển bền vững sản xuất lúa gạo.
Thời báo Kinh tế Saigon Online hồi thượng tuần tháng 12 đưa tin: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ chối xây dựng vùng lúa nguyên liệu, cũng như thực hiện chủ trương cánh đồng mẫu lớn mà Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đề xuất.
GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An một chuyên gia quốc tế về lúa gạo, nhiều lần phát biểu là nông dân khó giàu lên được nếu Việt nam không hướng đến sản xuất theo vùng nguyên liệu và phân chia lợi nhuận theo chuỗi giá trị ngành hàng. Ông nói:
“Chúng tôi gọi là tư bản đỏ mấy ông công ty bảo vệ thực vật, công ty phân bón rồi mấy công ty xuất khẩu lương thực đều ăn trên đầu trên cổ nông dân hết. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đầu ra không muốn trực tiếp làm ăn với nông dân mà chỉ mua qua thương lái thôi.”
Ông Võ Văn Bảy Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) được Thời báo kinh tế Saigon Online trích lời nói rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt vấn đề đưa tiêu chí xuất khẩu gạo đi kèm với vùng nguyên liệu, tức doanh nghiệp có vùng nguyên liệu thì mới cho xuất khẩu. Tuy vậy VFA cho rằng không nên thực hiện vì sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Nhân vật được xem là người phát ngôn của VFA nhấn mạnh rằng, vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn theo chủ trương của Bộ NN-PTNT thì VFA rất hoan nghênh, tuy nhiên mô hình đang ở giai đoạn làm thí điểm, phải tiếp tục xác định tính khả thi nên việc đưa yêu cầu này vào điều kiện xuất khẩu sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Thời báo kinh tế Saigon Online trích lời ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu là việc làm đúng và cần triển khai áp dụng ngay. Ông Huỳnh Thế Năng từng mô tả với chúng tôi tính ưu việt của mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân mà tỉnh An Giang thực hiện thành công dù mới ở qui mô chục ngàn héc-ta. Ông nói:
“Có thể nói là khái niệm diện tích nhỏ của từng hộ và cánh đồng lớn là của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, còn ở An Giang chúng tôi đang kiên trì một mô hình gọi là cụm dịch vụ lúa gạo xung quanh một cánh đồng sản xuất lúa, có thể nói là vùng nguyên liệu của cụm sản xuất lúa gạo đó. Khâu quan trọng nhất cho tính cách thành bại là sự đề xuất hưởng ứng thành bại của doanh nghiệp trong chủ trương phát triển lúa gạo theo chuỗi giá trị từ ản xuất đến tiêu thụ.”
Nhà nước muốn tạm trữ thì nhà nước trả tiền lưu kho cho doanh nghiệp, khi nào nông dân muốn bán thì bán, cũng là hình thức hỗ trợ việc tạm trữ.Đoàn Ngọc Phả
Nhận định về sự kiện các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam từ chối thực hiện vùng nguyên liệu chuyên canh và thoái thác đầu tư cho cánh đồng mẫu lớn, ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang phát biểu:
“Chính phủ chưa ban hành văn bản chính thức về vấn đề này và vẫn còn đang trong vòng thảo luận, vì vậy cũng phải thực hiện theo quyền tự do đối với người kinh doanh, họ có quyền của mình theo Luật Doanh nghiệp. Do đó nếu Nhà nước muốn có chính sách đó thì phải có cơ chế như thế nào đó để các doanh nghiệp có thể tham gia được.”
Cần tạm trữ chờ giá tốt
Theo Saigon Tiếp Thị Online, Bộ NN-PTNT phát động xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại Cần Thơ vào tháng 3/2011 chủ trương mở ra cánh đồng mẫu lớn 200.000 héc-ta nhưng tới nay chưa rộng như mong muốn. Nông dân và doanh nghiệp chưa liên kết với nhau được vì chưa đồng lòng chia sẻ rủi ro và sức mua giới hạn của doanh nghiệp.
Báo Người Lao Động bản điện tử ngày 16/12 đưa tin về một chủ trương mới, thực hiện ngay từ đầu năm 2013 với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, khi vào vụ cần tạm trữ lúa chờ giá tốt. Thành phần được cấp bù 100% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 3 tháng để tạm trữ lúa gạo được thay đổi. Trước đây Hiệp hội VFA chỉ định doanh nghiệp tạm trữ và bị chỉ trích là chỉ làm lợi cho bản thân mua lúa gạo qua thương nhân, không thực sự giúp nông dân bán lúa bảo đảm có lãi 30% như chủ trương.
Theo tin này, nông dân 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh thực hiện thí điểm tạm trữ lúa gạo tại hộ gia đình, Tổ hợp tác, Trang trại hoặc Hợp tác xã, được hỗ trợ 100% vốn vay ngân hàng tương đương trị giá lúa tạm trữ. Ngoài các thành phần trên, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất lúa hoặc có hợp đồng trực tiếp với nông dân cũng được tham gia chương trình này.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói gì về chủ trương giúp đỡ nông dân tự tạm trữ lúa.
“Chính phủ cho vay tiền 0% lãi suất để nông dân tự tạm trữ lúa tôi sẽ không vay, mặc dù đó tôi làm diện tích khá lớn 10 héc-ta ruộng, lý do là muốn trữ lúa thì phải đầu tư lò sấy chi phí rất cao. Nếu mà tôi trữ sau ba tháng mà giá lúa vẫn bấp bênh thì trữ để làm gì, lò sấy tôi xây thời gian cũng phải hư hao, tôi thấy nó không khả thi chút nào. Trách nhiệm của chính phủ điều động ngành chức năng về lương thực và mua bán xuất khẩu mua tạm trữ, giao cho nông dân là chính phủ khoán trắng cho nông dân tự làm, việc này không làm được. Anh tạm trữ một món hàng mà anh không biết là sau khi trữ giá sẽ tăng bao nhiêu, anh mù tịt và giá bấp bênh thì tạm trữ làm gì, có khi giá còn thấp hơn ai bù lỗ cho mình, chính phủ có bù không.”
Trước đây chưa có chủ trương hỗ trợ tạm trữ đối với vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn hoặc doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với nông dân. Qua những hình thức sản xuất vừa nêu, tính khả thi của việc hỗ trợ tạm trữ trực tiếp giúp đỡ nông dân là rất cao. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang nói với chúng tôi nói về cách làm ở địa phương:
Nếu mà tôi trữ sau ba tháng mà giá lúa vẫn bấp bênh thì trữ để làm gì, lò sấy tôi xây thời gian cũng phải hư hao, tôi thấy nó không khả thi chút nào.Nông dân ĐBSCL
“Cty Bảo vệ thực vật An Giang có nhà máy Vĩnh Bình, họ thực hiện việc sản xuất theo hợp đồng với nông dân, khi thu hoạch nông dân cho nhà máy chở lúa về công ty. Như vậy công ty chịu trách nhiệm sấy lượng lúa tươi đó rồi bỏ vô kho, công ty cho nông dân tạm trữ 30 ngày không tính tiền lưu kho. Hàng ngày công ty niêm yết giá bán, nếu người nông dân muốn bán thì lấy tiền vì phiếu nhập kho đã có rồi. Tất nhiên khi lúa ướt họ đo ẩm độ rồi cân điện tử và qui ra độ ẩm khô theo hợp đồng. Đó cũng là một hình thức tạm trữ và người nông dân có quyền chọn bán trong vòng một tháng đó, giá nào vừa ý thì bán. Sau một tháng thì sẽ tính tiền lưu kho cũng nhẹ thôi, theo tôi đó là hình thức tạm trữ hiệu quả hơn. Sắp tới áp dụng hình thức tạm trữ này, thí dụ quá một tháng thì doanh nghiệp bắt đầu thu tiền mà nhà nước muốn tạm trữ thì nhà nước trả tiền lưu kho cho doanh nghiệp, khi nào nông dân muốn bán thì bán, cũng là hình thức hỗ trợ việc tạm trữ.”
Tại thời điểm tháng 8 vừa qua, Báo chí và Hiệp hội Lương thực Việt Nam từng đặt hy vọng năm 2012 này Việt Nam sẽ thế chỗ Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Tuy nhiên sự kiện này đã không xảy ra, Thái Lan mất vị trí thứ nhất vì trợ cấp giá mua của nông dân, nhưng Ấn Độ đã nhanh chóng qua mặt Việt Nam xếp hạng đầu với hơn 8,7 triệu tấn gạo xuất khẩu so với 7,3 triệu tấn của Việt Nam tính đến ngày 15/12/2012.
Đối với nông dân và các nhà khoa học, vị trí đứng đầu hay thứ nhì, thứ ba thế giới chẳng mang lại lợi ích gì, ngoại trừ để phô trương trong báo cáo hoặc lãnh đạo đọc diễn văn. Điều quan trọng là lợi nhuận và cuộc sống của nông dân như thế nào?
Tình hình sẽ vẫn khó được cải thiện trong năm 2013 khi mà nhiều chủ trương hướng tới phát triển bền vững, như tạo vùng nguyên liệu chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn vẫn chỉ có một hai địa phương thực hiện thành công trên diện tích giới hạn. Hầu hết doanh nghiệp lương thực xuất khẩu gạo không muốn đầu tư và liên kết với nông dân, họ chỉ muốn nắm đằng chuôi có hợp đồng xuất khẩu rồi mới đi mua gạo và mua của nông dân càng rẻ thì càng được lời nhiều.
Theo dòng thời sự:
- Tại sao nông dân sợ hãi “mua tạm trữ”
- Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Lúa gạo bất ổn cả sản xuất lẫn đầu ra
- Thị trường hàng hóa: lời giải được mùa mất giá
- Lại tái diễn được mùa rớt giá
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?