Nghịch lý nông nghiệp Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.06.28
000_Hkg3834100-622 Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây.
AFP

 

Xuất khẩu gạo mỗi năm của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD trong khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, lúa mì, đậu nành, bột cá…lên tới hơn 3 tỷ USD. Đây là một nghịch lý của nông nghiệp Việt Nam. Nhất là trong  bối cảnh gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới người trồng lúa không có lãi, còn ngành chăn nuôi thì bên bờ vực phá sản vì giá thành sản xuất cao hơn giá thị trường chấp nhận.

Cần quy định cụ thể

Theo báo mạng Saigon Tiếp Thị, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam vừa kiến nghị dùng gạo làm nguyên liệu để tiết kiệm ngoại tệ. Được biết sản lượng thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay khoảng 14 triệu tấn/ năm. Trong số này phần nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm 3,3 triệu tấn khô dầu đậu nành (đậu tương), 1,6 triệu tấn bắp (ngô); 2,4 triệu tấn lúa mì, 426.000 tấn bột xương, bột cá… giá trị nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm trị giá hơn 3 tỷ USD.

Trả lời chúng tôi, ông Lê Bá Lịch chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam nói là gạo lức thuộc nhóm cung năng lượng, nên có thể thay thế lúa mì, hay bắp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi:

Có khả năng, tôi có thể khẳng định là việc đưa gạo lức vào thay một phần ngô làm thức ăn cho heo gà là được.
-Lê Bá Lịch

“Có khả năng, tôi có thể khẳng định là việc đưa gạo lức vào thay một phần ngô làm thức ăn cho heo gà là được. Bởi vì các công thức phải cân bằng amino acid, cân bằng năng lượng, cân bằng đạm, khoáng thì hoàn toàn có thể sử dụng được.”

Ông Lê Bá Lịch phân tích với giá gạo lức hiện nay 6.600đ-6.700đ/kg  thì rẻ hơn khá nhiều so với lúa mì và bắp nhập khẩu, chỉ riêng hai loại nguyên liệu này trị giá nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD. Ông Lịch không trả lời câu hỏi của chúng tôi là, các công ty nước ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam sẽ chịu sử dụng nguyên liệu nội địa hay không, khi chính họ cũng là nhà cung cấp nguyên liệu từ công ty mẹ ở chính quốc. Tuy vậy ông Lịch nói đã có một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa sử dụng gạo lức. Ông nói:

“Hiện nay chưa có qui định nào để bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu nội địa. Nhưng mà Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam khuyến khích các nhà sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa để khuyến khích sản xuất nông nghiệp trong nước.”

Nông dân Việt Nam thu hoạch lúa mùa. AFP photo
Nông dân Việt Nam thu hoạch lúa mùa. AFP photo
AFP photo

Theo VietnamNet, cả nước hiện có 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 58 nhà máy thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng họ chiếm lĩnh tới 50% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Riêng công ty CP Thái Lan, vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa tổ chức chăn nuôi, chiếm 18% thị phần thức ăn chăn nuôi và 30% thịt gà, 30% trứng gà và 7% thịt heo.

Nhận định về tình trạng ngành chăn nuôi bế tắc, người nuôi bỏ nghề vì lỗ vốn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội phát biểu:

“Về chăn nuôi thì Nhà nước đã để cho các nhà đầu tư nước ngoài khống chế thị trường về thức ăn chăn nuôi và từ đó tạo nên nhiều sức ép đối với người nông dân, cũng như bản thân họ tổ chức chăn nuôi ở Việt Nam biến nông dân thành những người làm gia công cho họ và đặt mức giá rất thấp. Tất cả những việc đó nó gây thiệt hại cho người nông dân, ngành chăn nuôi bây giờ đang thực sự sống dở chết dở và tương lai hết sức đáng lo ngại.”

Mối liên hệ chăn nuôi - trồng trọt

Ngoài chuyện kiến nghị sử dụng gạo lức làm nguyên liệu thay thế bắp và lúa mì, báo điện tử Saigon Giải phóng ngày 25/6 trích lời ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định, chăn nuôi và trồng trọt  có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. 2 năm nay, xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn về thị trường và giá cả, vậy tại sao nhà Nước không mạnh dạn  tính tới chuyện chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng cây nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi mà cũng là cách để nâng cao thu nhập cho người dân.

Phần lớn tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam xuất xứ từ đồng bằng sông Cửu Long, việc khu vực này chuyển đổi cây trồng như bắp, đậu nành để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi có mang tính khả thi hay không. Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam từ Saigon nhận định:

Cũng rất khó chứ không dễ, tại vì đồng bằng sông Cửu Long trở ngại lớn nhất là thủy lợi, kế hoạch bố trí thủy lợi chỉ cho trồng lúa thôi.
-GS Bùi Chí Bửu

“Cũng rất khó chứ không dễ, tại vì đồng bằng sông Cửu Long trở ngại lớn nhất là thủy lợi, kế hoạch bố trí thủy lợi chỉ cho trồng lúa thôi. Nếu muốn trồng bắp thì phải có một vùng rất lớn qui hoạch trồng bắp chứ không có lúa được. Nếu xen bắp-lúa thì nước tràn qua lại năng suất cây bắp lai rất thấp, hiện nay chỉ được hơn 4 tấn/ha thay vì 8 tấn đến 9 tấn, đấy là điều trở ngại. Thứ hai về đậu nành nhu cầu rất lớn, cả nước phấn đấu hết sức cũng chỉ được 300.000 héc-ta là hết mức. Trong khi sản xuất đậu nành ở  Brazil, Mỹ, Argentina thì trung bình 30 triệu héc-ta, nói chung ở các  nước đó lượng đậu nành hàng hóa lớn lắm.”

Theo lời Giáo sư Bùi Chí Bửu nói với chúng tôi, đồng bằng sông Cửu Long tối đa chỉ có thể phát triển 100.000 héc-ta đậu nành. Ông cho biết đã tính toán là có thể bỏ vụ lúa xuân hè, dùng một giống đậu nành bên Mỹ nghiên cứu chịu được ngập chân rễ thì mới trồng được. Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long có 10.000 héc-ta đậu nành, có tăng gấp 10 lần thì cũng chỉ đạt 100.000 héc-ta, vẫn không đáng kể so với nhu cầu. Việt Nam phải có 1 triệu héc-ta đậu nành thì mới có thể khỏi phải nhập, hiện nay mỗi năm nhập hơn 2 triệu tấn khô dầu đậu nành và 200.000 tấn đậu nành nguyên hạt để chế biến thực phẩm, ép lấy dầu ăn và tận dụng khô dầu.

Giáo sư Bùi Chí Bửu phân tích, đậu nành ở Mỹ, Brazil hay Argentina có thể được chính phủ nước họ ngầm trợ giá, mặc dù không công khai và thứ hai là năng suất của họ rất cao, trung bình 4 tấn/ha. Ngoài ra có những vùng ở Mỹ đạt 6 tấn/ha thời gian một vụ dài tới 4 tháng. Trong khi đậu nành Việt Nam trồng xen canh trên đất trồng lúa cho nên yêu cầu của sản xuất là 80 ngày thôi.  Năng suất cao nhất của cây đậu nành ở Việt Nam là 3,5 tấn/ha còn năng suất trung bình toàn quốc  khoảng 1,4 tấn/ha. Riêng đồng bằng sông Cửu Long năng suất trung bình 2 tấn/ha cao nhất cả nước trong điều kiện sinh trưởng 80 ngày.

Tuy vậy, Giáo sư Bùi Chí Bửu nhấn mạnh là đậu nành Việt Nam hiện nay và trong tương lai không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm nhập khẩu. Ông nói:

“Giá thành là giá đầu vào chia cho năng suất, nếu năng suất cao lên thì giá thành mới thấp và năng suất thấp thì không thể cạnh tranh với người ta. Cho nên hiện nay các doanh nghiệp họ nhập có lãi hơn là mình làm trong nước.”

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, bắp là nông sản có nhiều khả năng nhất để nâng cao tỷ lệ nguyên liệu nội địa trong công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sản lượng bắp hiện nay của Việt Nam vào khoảng 4,8 triệu tấn/năm với tổng diện tích canh tác khoảng 1,2 triệu hec-ta. Hai vùng trồng bắp nhiều nhất là Tây nguyên và các tỉnh Bắc Bộ. Theo trang mạng Bạn Nhà Nông, tại Việt Nam bắp là nguyên liệu chính để làm thức ăn chăn nuôi cho chăn nuôi nhỏ của hộ nông dân và cả trong sản xuất thương mại, làm thực phẩm cũng như cung cấp cho công nghiệp sản xuất rượu bia, dệt và dược phẩm. Sản xuất bắp trong nước không theo kịp tốc độ phát triển chăn nuôi. Lượng bắp nhập khẩu tùy thuộc vào cạnh tranh về giá với nguồn nguyên liệu khác như lúa mì, tấm và bột khoai mì.

Nghịch lý trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian mới thay đổi được. Tình trạng xuất khẩu 3,4 tỷ đô la gạo nhưng nhập khẩu 3 tỷ đô la lúa mì, bắp, đậu nành, bột cá với kết quả nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo, cho thấy có những lổ hổng về chính sách và việc thực hiện nó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.