Lợi ích nhóm hay chính sách lúa gạo tồi
2013.03.22
Lúng túng tìm hướng đi
Tờ báo chính thức của Bộ Công thương ngày 21/3 nhìn nhận “Sản xuất-tiêu thụ lúa gạo: Lúng túng tìm hướng đi”. Đây là sự kiện đáng ngạc nhiên vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, tham gia thị trường hơn 20 năm qua. Hơn nữa Bộ Công thương là cơ quan chủ đạo chính sách tiêu thụ xuất khẩu gạo, luôn đồng hành với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ tiêu thụ, tạm trữ tới giá cả và chỉ tiêu xuất khẩu.
Dân Việt trang mạng điện tử của báo Nông thôn Ngày nay đưa tin “Đề nghị xem xét lại chính sách tạm trữ lúa” đây là một đề xuất không có gì mới, sau hàng chục lần được nêu lên tại các hội nghị lúa gạo mà vẫn chưa cải tổ được. Lần đề xuất mới nhất là tại Hội nghị Sơ kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2012-2013, triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông và vụ lúa mùa 2013 ở Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức tại Cần Thơ ngày 19/3 vừa qua.
Trong tất cả các ngành nghề, hình thức lao động ở Việt Nam thì chỉ có nông dân là thu nhập năm sau giảm hơn năm trước. Ông Trương Tâm một người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Vụ lúa đông xuân là chủ lực cho cả năm vì nó quyết định năng suất và đồng lời cao hơn các vụ khác, chi phí cũng thấp hơn. Thành thử nông dân làm vụ đông xuân mà đầu ra bất định thì rất thiệt thòi cho nông dân, phải nói là thiệt thòi đáng kể. Nhiều người không có khả năng trữ lúa lại cũng rất đáng tiếc. Ông Nhà nước lên TV nói hỗ trợ cho nông dân, có thấy ai được hỗ trợ chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mua mà mua chuyện đã rồi không nông dân chẳng được gì. Thành thử mình bức xúc, mơ ước làm sao ông Nhà nước thay đổi chính sách giống như Thái Lan vậy, mua lúa của dân với giá cao để trữ lại thì mới đỡ cho dân, chứ còn kiểu này nông dân một nắng hai sương không có gì phát triển.”
Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố, báo Saigon Giải phóng Online ngày 20/3 đặt tựa lớn “Chưa có lời giải về việc tiêu thụ lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long sau tạm trữ.”
Tường thuật của báo chí về Hội nghị lúa gạo Cần Thơ 19/3 cho thấy, tính đến ngày 19/3, đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 1,15 triệu héc-ta. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, phần diện tích 400.000 héc-ta còn lại sẽ thu hoạch xong từ nay đến cuối tháng 4.
Mình bức xúc, mơ ước làm sao ông Nhà nước thay đổi chính sách giống như Thái Lan vậy, mua lúa của dân với giá cao để trữ lại thì mới đỡ cho dân.
Ông Trương Tâm
Đối với kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện theo lệnh Chính phủ và được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn, các giới chức lãnh đạo ngành nông nghiệp nhìn nhận kế hoạch này có tác động giá lúa nhưng tăng không đáng kể, giá vẫn thấp hơn vụ trước từ 600đ tới 1.000đ/kg. Điều hiển nhiên là kế hoạch mua tạm trữ đã không giúp nông dân có lãi tối thiểu 30% như chính phủ đề ra. Tờ SGGP Online trích lời TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nói rằng, năm nào cũng mua tạm trữ gạo nhưng hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm có lợi ích nhóm.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi thực hiện ngày 20/3, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ nhận định:
“Việc tạm trữ bây giờ thực sự không mang lại lợi ích đáng kể cho nông dân nữa, mà nó có thể đang làm biến dạng giá cả thị trường. Việc tạm trữ này xuất phát từ mười mấy năm trước khi mà nông dân trong chuỗi sản xuất lúa gạo không phải như ngày hôm nay. Bây giờ nông dân sản xuất xong thì có người đến cắt gặt, người ta chở đi các cơ sở sấy xay xát, tới giai đoạn này thì nông dân không còn giữ lúa nữa. Như vậy mua tạm trữ chẳng qua là việc tăng cầu ở trong nước để nâng giá lên, chứ còn cầu ở nước ngoài có tăng lên hay không lại là vấn đề khác. Nếu mà mua ở trong nước như vậy để tăng cầu nhưng ở nước ngoài nhu cầu không gia tăng thì giá cả giảm xuống, lúc đó các công ty mua dự trữ cảm thấy rất lo lắng về việc họ phải mua vào. Để tránh lỗ thì họ áp dụng chiến thuật có thể là khai báo có mua nhưng mà mua vào bán ra ngay chứ không chính thức có trữ khối lượng lớn.”
TS Võ Hùng Dũng nhận định rằng, cho tới nay cũng chưa có cơ chế tạm trữ lúa gạo nào khác được ban hành, dù việc bàn thảo đã diễn ra trong rất nhiều hội nghị hội thảo chuyên đề. Ông tiếp lời:
“Theo tôi thì cũng nên bỏ đi chính sách dự trữ theo cách đang làm hiện nay. Rõ ràng là mua dự trữ trực tiếp từ nông dân thì bây giờ nông dân không trữ lúa nữa, tới thời điểm thu hoạch người mua lúa (thương lái) đến tại chân ruộng lúa đã gặt và chở đi, như vậy nông dân sau thời điểm thu hoạch là đã bán hết. Nếu có tạm trữ để tăng cầu trong nước trong một giai đoạn ngắn hạn thì nên mua ngay từ đầu vụ, đừng có bàn tới bàn lui làm cho người thu hoạch sau thì có lợi một chút, người thu hoạch trước thì thất bát. Tôi không ủng hộ lắm hình thức tạm trữ hiện nay và chưa có cách thức nào khác hơn hình thức hiện nay là nhờ qua các công ty thu mua. Nhưng nếu nhờ các công ty thu mua lúa gạo thì lợi ích nếu có là ở họ, cũng có thể họ tận dụng được để hưởng lãi suất cấp bù chứ cũng không chắc chắn lắm là họ tạm trữ trong kho theo kỳ vọng đâu.”
Tầm nhìn kém
Ngoài chuyện đánh giá việc tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long kết thúc vào ngày 31/3. Thời báo Kinh tế Saigon Online ghi nhận một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là sau đông xuân, triển khai vụ hè thu năm nay đồng bằng sông Cửu Long nên làm lúa chất lượng cao, lúa thơm hay lúa thường hạt tròn 50404.
Cục phó Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm là chính và hạn chế lúa IR50404 đến mức diện tích thấp nhất. Tờ báo trích lời TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng thị trường mới là yếu tố quyết định sản xuất.
Về tình trạng nhiều vụ lúa đã qua, thương lái mua lúa chất lượng cao chỉ hơn giá lúa 50404 khoảng 100đ-200đ/kg, trong khi chi phí cho lúa thơm tốn hơn và năng suất lại kém hơn. Theo Thời báo Kinh tế Saigon Online TS Lê Văn Bảnh góp ý: “Đúng ra doanh nghiệp phải khảo sát thị trường trên thế giới trước, nơi này cần bao nhiêu? Chủng loại gì? Giá cả ra sao?… Biết được như vậy mới quay về khuyến cáo, liên kết với nông dân đầu tư vùng nguyên liệu thành chuỗi ngành hàng. Nếu vậy thì đã không có chuyện khuyến cáo sai.”
Trả lời chúng tôi về vấn đề liên quan, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ nhắc lại, vào năm ngoái khi Hiệp hội Lương thực và chuyên gia Bộ Nông nghiệp khuyến cáo nông dân trồng lúa chất lượng cao thay cho lúa thường, ông đã phản biện rằng chính phủ nên cảm ơn những người nông dân đã không nghe lời Hiệp hội lúa gạo và những chuyên gia này, thay vào đó nông dân trồng lúa chất lượng thấp. TS Dũng cho rằng, những giới chức này đã chỉ căn cứ vào một vài thông tin nào đó và khuyến cáo trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao. Theo TS Dũng, cấu trúc đất đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm làm ba vụ thì không thể trồng lúa chất lượng cao thực sự theo ý nghĩa của nó. Hơn nữa khi sản lượng lúa chất lượng cao, lúa thơm tăng vọt thì thị trường thế giới chắc chắn thay đổi, giảm giá xuống chứ không còn giá kỳ vọng. TS Võ Hùng Dũng tiếp lời:
“Rõ ràng nông dân họ thực tế hơn họ không nghe lời và họ dễ bán hơn. Còn nếu họ nghe lời các chuyên gia đó thì thực sự năm 2012 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ thấp hoặc lỗ lã của nông dân sẽ lớn hơn. Vì bài học này không phải chỉ trong năm 2012 mà đã lập đi lập lại nhiều lần trong lịch sử, lời nói của các chuyên gia thường không đúng, kể cả Hiệp hội luá gạo thường không đúng. Nông dân đã có bài học này rồi và họ thực tế hơn và kết cục thực tế của họ lại thắng chứ không phải mấy nhà xuất khẩu lúa gạo đưa ra khuyến nghị là đúng. Tôi nghĩ rằng tầm nhìn của mấy công ty xuất khẩu lúa gạo này rất kém, phán đoán của họ rất kém, họ không nghĩ thị trường sẽ thay đổi khi sản lượng gia tăng đột ngột như vậy, họ chỉ đưa ra ngắn hạn thôi.
Tôi nghĩ rằng tầm nhìn của mấy công ty xuất khẩu lúa gạo này rất kém, phán đoán của họ rất kém, họ không nghĩ thị trường sẽ thay đổi khi sản lượng gia tăng đột ngột.
TS Võ Hùng Dũng
Đây là một bài học cũng để cho thấy rằng tầm vóc của các công ty xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, dù đã 20 năm xuất khẩu rồi, có năm xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo nhưng vẫn chưa có khả năng đương đầu với những hãng lớn ở nước ngoài. Thua kém của công ty Việt Nam dẫn đến thiệt thòi rất lớn cho nông dân Việt Nam.”
Theo SGGP Online, tại Hội nghị Cần Thơ ngày 19/3, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long một lần nữa lập lại đề xuất mà ông cho là cấp bách, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hình thành vùng nguyên liệu trồng lúa ít nhất 5.000 ha, có thể theo hình thức cánh đồng mẫu lớn. Với 100 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo việc hình thành 500.000 ha sản xuất 3 triệu tấn lúa là trong tầm tay. Thông qua những vùng lúa nguyên liệu này sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu và tạm trữ lúa là cách làm hiệu quả nhất. Nhưng điều quan trọng theo TS Bảnh, phải qui định ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân. Ngoại trừ mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang được mô tả là thành công, nhiều nơi khác doanh nghiệp đã làm điều gọi là “bỏ lúa chạy trốn” làm nông dân mất niềm tin vào chủ trương sản xuất lúa chất lượng đồng nhất theo hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.
Trên thực tế, cho đến nay mô hình cánh đồng mẫu lớn mà nơi tiên phong là An Giang với Công ty Bảo vệ thực vật làm đầu tàu thì cũng mới mở ra được 20.000 ha sau thời gian 3 năm. Về nguyên tắc cánh đồng mẫu lớn sản xuất ra loại lúa có chất lượng đồng nhất, sử dụng vật tư đầu vào và dịch vụ kỹ thuật tiên tiến để giá thành hạ hơn và nông dân hưởng lợi nhiều hơn. Tuy vậy ngay cả ở những mô hình tốt nhất vẫn nảy sinh những mâu thuẫn, vì người nông dân mong muốn lợi nhuận cao nhất, trong khi các loại hợp đồng bao tiêu chưa bao giờ ấn định giá lúa mà chỉ cam kết không thấp hơn giá thị trường.
Việt Nam đã qui định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện, nhưng chỉ đặt ra một số yêu cầu không đến nỗi quá khó, trong đó về kho chứa, máy xay xát là qui mô nhỏ. Đề xuất có thêm điều kiện về vùng nguyên liệu trồng lúa ràng buộc cho doanh nghiệp xuất khẩu là ý tưởng được đánh giá rất cao. Tuy vậy đối với thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo có lời là mục đích chính. Ai sẽ chịu bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp đầy rủi ro, điển hình như các đại gia Nhà nước Vinafood I, Vinafood II tuy chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu gạo 70%, nhưng chẳng màng gì đến cánh đồng mẫu lớn.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã từng phản ánh tình trong lợi ích nhóm trong chính sách tiêu thụ xuất khẩu gạo và tạm trữ, nhưng đã qua nhiều mùa lúa tình hình vẫn chưa có gì đổi mới.