Vì sao Việt Nam mất lợi thế chi phí sản xuất giá rẻ
2015.06.05
Tăng nhiều loại thuế, phí
Áp lực trả nợ công trong tình trạng bội chi ngân sách triền miên khiến chính phủ phải tăng nhiều loại thuế và phí. Tình trạng này đang làm Việt Nam mất dần lợi thế của nền sản xuất chi phí rẻ.
Theo thông tin chính thức từ Bộ Tài Chính, Năm 2015 ngân sách có thể thiếu hụt khoảng 32.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ USD để bù đắp bội chi ngân sách và thực hiện trả nợ. Trang mạng Tầm Nhìn ngày 28/5/2015 trích lời Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh khẳng định, vấn đề chi ngân sách năm 2015 không có cải thiện, vẫn là 70% chi thường xuyên và hơn 30% là chi trả nợ-đầu tư, trong khi tổng nợ phải trả năm nay của Việt Nam chiếm khoảng 31,2% thu ngân sách. Như vậy theo lời TS Lê Đăng Doanh, ngân sách năm nay sẽ không có đồng nào chi cho đầu tư hết, mà toàn bộ chi cho đầu tư là tiền đi vay.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
Nhà nước phải thận trọng hơn nữa về việc sử dụng tiền ngân sách. Tình trạng này ở Việt Nam có việc trên nói dưới không nghe. Không phải bây giờ mà bao nhiêu năm rồi nhà nước muốn giảm chi phí nhưng các bộ các ngành, các cơ quan trực thuộc ở phía dưới người ta không làm.
-Bùi Kiến Thành
“Nhà nước phải thận trọng hơn nữa về việc sử dụng tiền ngân sách. Tình trạng này ở Việt Nam có việc trên nói dưới không nghe. Không phải bây giờ mà bao nhiêu năm rồi nhà nước muốn giảm chi phí nhưng các bộ các ngành, các cơ quan trực thuộc ở phía dưới người ta không làm mà chính phủ trung ương chưa có biện pháp nào để thật sự buộc các đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách của chính phủ.”
Báo chí Việt Nam từng đặt vấn đề giá xăng dầu khó giảm vì phí môi trường cho ngành này tăng 300%. Các bộ ngành và địa phương đồng loạt tăng phí hoặc đặt ra các loại phí mới để phần nào bù đắp tình trạng bội chi. Những khoản phí thu trên các trục lộ giao thông cầu đường vô hình chung làm tăng chi phí sản xuất qua sự vận chuyển hàng hóa. Thí dụ điển hình, các loại xe vận chuyển container loại 40 feet có thể phải trả mức phí 5 triệu đồng/tháng khi lưu thông trên đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình chỉ có chiều dài 20 km. Hoặc xe cộ đi qua cầu Đồng Nai phải mua vé mỗi lượt từ 15.000đ tới 120.000 đồng tùy phương tiện lớn nhỏ.
Theo trang mạng Tầm Nhìn và TS Lê Đăng Doanh, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ mà Việt Nam phải trả đã lên đến 150.000 tỷ đồng tương đương 7,1 tỷ USD. Số nợ này bao gồm nợ trong nước, nợ phát hành trái phiếu chính phủ trước đó, nợ của các quỹ tài chính quốc tế mà Việt Nam vay. Từ nhiều năm nay, ngân sách hầu như không đủ trả nợ, Việt Nam thường phải vay đảo nợ, gia hạn thời gian trả nợ bằng phát hành trái phiếu Chính phủ.
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu của báo The Economist, tại thời điểm ngày 4/6/2015 nợ công của Việt Nam sát gần mức 90 tỷ USD chiếm tỷ lệ 46,5% GDP. Tuy vậy vào cuối tháng 3/2015 vừa qua Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cảnh báo nợ công Việt Nam có thể lên tới 60% GDP vào cuối năm 2016. Chuyên gia của ADB giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, Chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu.
Vấn đề nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong những năm vừa qua, nhưng luôn được trấn an là còn trong giới hạn an toàn 65% GDP, mặc dầu chưa bao gồm các khoản nợ của khu vực kinh tế nhà nước. Phó Giáo sư Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:
“Tại sao nợ công có xu hướng tăng, tại vì nguồn thu ngân sách hạn hẹp luôn luôn bội chi ngân sách. Thứ hai mô hình kinh tế không hiệu quả, năng suất chất lượng không có cho nên làm ăn không hiệu quả, do vậy phải vay nợ mà không có khả năng trả. Vấn đề thứ ba, tham nhũng thất thoát lãng phí còn rất lớn góp phần vào xu hướng nợ công tăng cao. Chính phủ vẫn bảo đảm nợ công không vượt trần đó là lời nói còn như thế nào thì để thực tế trả lời.”
Áp lực trả nợ công
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế từng tham gia tư vấn chính sách cho Thủ tướng Phan Văn Khải, được báo mạng Tầm Nhìn dẫn lời nói rằng, vấn đề nợ công, áp lực trả nợ sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp. Tăng phí, thuế và phụ phí khiến tăng chi phí sản xuất. về lâu về dài Việt Nam sẽ không còn lợi thế của nước có chi phí giá rẻ như thường thấy nữa. Đối với sự kiện tỷ lệ thuế phí/GDP của người Việt cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực ASEAN, bà Phạm Chi Lan nói rằng, Việt Nam cần có sự nhìn nhận lại, bởi vì thuế phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân.
TS Kinh tế Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Sài Gòn nhận định về tình trạng tăng thu để bù đắp bội chi, đang là gánh nặng rất lớn từ nhiều năm qua. Ông nói:
Từ 2014 trở lại đây, bất chấp vấn đề bội chi, ngân sách vẫn tuôn ra ào ạt và cứ mỗi kỳ họp Quốc hội là lại bắt đầu tính vừa bội chi mà vừa cố gắng làm sao thu càng nhiều càng tốt để bù đắp cho bội chi.
-TS Phạm Chí Dũng
“Đầu năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên phải ra điều trần trước Quốc Hội và đề nghị nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3% lúc đó báo chí, giới chuyên gia phản biện độc lập đã ‘la làng’cho là bội chi kinh khủng. Nhưng từ 2014 trở lại đây, bất chấp vấn đề bội chi, ngân sách vẫn tuôn ra ào ạt và cứ mỗi kỳ họp Quốc hội là lại bắt đầu tính vừa bội chi mà vừa cố gắng làm sao thu càng nhiều càng tốt để bù đắp cho bội chi. Cho nên mới sinh ra vấn nạn thu phí hiện nay, phí tràn lan phí chồng phí, thậm chí các đại biểu Quốc hội phải nói là dân đi đánh cá ngoài biển tại sao phải đóng thuế ô nhiễm môi trường…Tình hình sử dụng ngân sách nhà nước quá bừa bãi như vậy, nó liên quan tới những công trình xây dựng trụ sở giá trị ngàn tỷ ở các địa phương như Hà Giang, Khánh Hòa, Phú Yên là tỉnh rất nghèo. Có thể thấy rằng chính phủ gần như buông rơi trách nhiệm của mình.”
Trở lại bài phân tích trên trang mạng Tầm Nhìn, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh là qua sự kiện 60.000-70.000 doanh nghiệp đóng cửa trong một năm, thì sẽ thấy mất đi biết bao người đóng thuế. Khi người lao động bị mất việc làm thì yêu cầu an sinh xã hội sẽ tăng lên, thêm gánh nặng cho nhà nước. Theo bà Phạm Chi Lan, tất cả sẽ thành vòng luẩn quẩn.
Cùng về vấn đề liên quan, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định:
“Năm rồi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong khi mấy trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam chưa xuất khẩu được 30%, trong đó lại còn phần tạm nhập tái xuất nữa. Rõ ràng mình thấy nền kinh tế Việt Nam có vấn đề về sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thay vì nhà nước tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển, giảm phí cho các doanh nghiệp, thì chúng ta lại đặt lên doanh nghiệp thêm loại phí này phí kia, ngoài ra còn có cái phí ở Việt Nam gọi là phí quan hệ tham nhũng nó cũng rất là lớn. Vì vậy đối với việc này nếu Việt Nam không sớm giải quyết vấn đề để cho doanh doanh nghiệp giảm được phí sản xuất thì Việt Nam khó mà cạnh tranh với các nước khác, nhất là những hiệp định thương mại tự do mở ra là mình mở cửa cho nước ngoài vào Việt Nam bán hàng cạnh tranh với mình trong khi mình không thể đem hàng ra nước ngoài cạnh tranh. Như thế không những mất thế cạnh tranh mà còn bị lệ thuộc rất nặng nữa…”
Trong bối cảnh tình hình kinh tế tài chính phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây khủng hoảng nhưng trong phiên thảo luận ngày 4/6/2015 đa số các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Có thể thấy trước là Quốc hội sẽ chính thức thông qua vấn đề này theo kế hoạch dự kiến vào ngày 25/6/2015 sắp tới. Theo báo chí Việt Nam, không những ủng hộ phê duyệt chủ trương đầu tư mà các đại biểu còn tỏ ra nóng lòng là cần sớm có phê duyệt báo cáo khả thi để khởi công xây dựng dự án càng sớm càng tốt. Theo đó nhiều đề nghị nên khởi công giai đoạn 1 ngay sang năm 2016 thay vì 2018- 2019. Bộ Giao thông Vận tải đã giảm qui mô dự án tổng chi phí 3 giai đoạn từ 18,7 tỷ USD còn 15,8 tỷ USD. Chi phí cho giai đoạn 1 cũng giảm khoảng 2 tỷ USD còn hơn 5 tỷ USD.
Tình trạng bội chi ngân sách sẽ càng nặng nề hơn nếu Dự án Long Thành sớm được khởi công thực hiện. Vì chính phủ phải có phần đầu tư ít nhất 40% tổng vốn thì mới có khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư trong ngoài nước. Hiện nay kế hoạch chi ngân sách 2015 không có đồng nào chi cho đầu tư mà chính phủ phải vay nợ để đầu tư.
Thật là một vòng lẩn quẩn chưa thấy lối thoát: đó là kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, bội chi, vay nợ, chi tiêu phung phí, đảo nợ để trả nợ, rồi lại tiếp tục bội chi và vay nợ.