Nhiều dự án CDM
Việt Nam là quốc gia đang phát triển không bị ràng buộc thi hành Nghị Định Thư Kyoto; tuy nhiên trong thời gian qua, cơ quan chức năng trong nước cũng cho khởi sự CDM thông qua một số chương trình.
Theo định nghĩa của Bách khoa Toàn thư mở trên mạng, Wikipedia, Cơ chế Phát triển Sạch - CDM, được thiết lập trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Cơ chế này mang tính toàn cầu cho các bước khởi đầu nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính, với các mục tiêu đặt ra cho các nước phát triển nhằm giúp họ thực hiện những dự án thân thiện môi trường, nhằm phát triển bền vững.
CDM là cơ chế đầu tư, tín dụng toàn cầu đem lại ưu đãi về tài chính để những quốc gia như Việt Nam xây dựng một nền kinh tế ít carbon.
Đại diện tổ chức SNV
Một trong những cơ quan nước ngoài đang tham gia giúp Việt Nam trong lĩnh vực thực hiện cơ chế phát triển sạch, là Tổ chức Phát Triển Hà Lan SNV. Đại diện tổ chức này trình bày lại cơ chế CDM như sau:
“CDM là cơ chế đầu tư, tín dụng toàn cầu đem lại ưu đãi về tài chính để những quốc gia như Việt Nam xây dựng một nền kinh tế ít carbon.
Bắt đầu từ năm 2006 đến tháng 11 năm 2009, đã có 1184 dự án CDM được đăng ký với số lượng tín chỉ CER( carbon emission reduction) dự kiến đạt 1,6 tỷ CER trong năm nay.”
Riêng tại Việt Nam thì Tổ chức Phát Triển Hà Lan, SNV, đang có những chương trình gì? Đại diện của tổ chức trình bày tiếp:
“Ở Việt Nam hiện có 11 dự án CDM đã được đăng ký, dự kiến đem lại lượng tín chỉ trung bình hằng năm chừng 1.016 triệu CER, chiếm khoảng 0,3% số lượng tín chỉ CER toàn cầu. Với mức giá hiện tại 19,5 US dollar/CER. Mỗi năm Việt Nam có thể thu được chừng hơn 19 triệu USD.
Với qui mô kinh tế của Việt Nam thì số lượng đó khá thấp cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc khai thác thị trường carbon thế giới. Vào năm 2020 dự đoán việc mua bán tín chỉ carbon toàn cầu có thể lên đến hai nghìn tỉ đô la.

Nhiệm vụ của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV nhằm giúp mang lại lợi ích cho người nghèo thông qua hoạt động xóa đói giảm nghèo. SNV nhận thấy thị trường carbon là thị trường tiềm năng giúp thu nhập cho người nghèo ở nông thôn Việt Nam.
Cụ thể SNV tiến hành chương trình khí sinh học (biogas) tại Việt Nam. Chủ dự án là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ năm 2003 đến năm 2008 xây dựng được 55 ngàn công trình, đào tạo 500 kỹ thuật viên, 700 đội thợ xây hầm biogas. Hiện nay có 99 hầm khí sinh học hoạt động hết công suất.
Đối tượng hưởng lợi của chương trình chủ yếu là phụ nữ nông thôn. Họ giảm bớt được khối lượng công việc đun nấu. Các gia đình có công trình khí sinh học tiết kiệm được chừng 65% chi phí năng lượng.
Theo tính toán của SNV thì một công trình khí sinh học giúp giảm chừng một tấn khí carbon mỗi năm. Như vậy ước tính đến năm 2008, có 55 ngàn công trình xây dựng, đã có được 55 ngàn chứng chỉ CER. Con số này tương đương 1 triệu USD doanh thu, và ước tính sẽ đạt được 3,2 triệu USD vào năm 2012. Năm 2006, chương trình khí sinh học Việt Nam được trao giải thưởng Energy Global Award. SNV cũng hợp tác với Bộ Lâm Nghiệp trong công tác giảm phát thải liên quan rừng.”
Hỗ trợ thực hiện
Đối với khối doanh nghiệp sản xuất, hoạt động sản xuất sạch hơn được cơ quan Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam hỗ trợ trong hoạt động góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải các loại khí độc hại.
Đại diện tổ chức SNV
Bà Ngô thị Nga, giám đốc điều hành Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam cho biết thông tin liên quan Cơ chế Phát triển Sạch cho giới sản xuất trong nước lâu nay: "Sản xuất sạch hơn cần phải giảm sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, giảm năng lượng đưa vào sử dụng.
Giảm than, khí tự nhiên, gas, dầu … trong các doanh nghiệp. Từ đó giảm được khí CO2, các loại khí tương đương gây hiệu ứng nhà kính. Rồi giảm tiêu thụ điện năng cũng giúp giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện. Hiện nay ở Việt Nam cũng có thực hiện CDM.”
Gia Minh: Vấn đề áp dụng đại trà những biện pháp sản xuất sạch như thế đối với các doanh nghiệp có trở ngại gì không?
Bà Ngô thị Nga: "Cũng có một số doanh nghiệp áp dụng rồi. Theo chương trình dự án thì có vài trăm doanh nghiệp áp dụng sau khi được nâng cao nhận thức."
Gia Minh: Vấn đề trao đổi tín chỉ phát thải áp dụng được đến đâu rồi?
Bà Ngô thị Nga: "Việc áp dụng chứng chỉ carbon (carbon credit) thì còn hạn chế.
Trong ngành thủy điện có được một số chứng chỉ CDM. Còn các doanh nghiệp hiện nay chỉ mới có ba doanh nghiệp được thôi. Đơn cử như nhà máy tinh bột sắn, họ tận dụng chất thải để tạo ra biogas, sản xuất điện giúp giảm tiêu thụ năng lượng từ đó có thể tham gia CDM. Tuy vậy số này chưa được nhiều vì phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên lượng tiết kiệm để tính ra giảm CO2 ứng theo tiêu chuẩn Kyoto vẫn còn hạn chế.”

Gia Minh: Kế hoạch lớn nhất của Trung tâm trong thời gian tới liên quan lĩnh vực này là gì?
Bà Ngô thị Nga: "Trung tâm tiếp tục triển khai hoạt động với giới doanh nghiệp, thực hiện các dự án do quốc tế tài trợ. Ngoài hoạt động liên quan sản xuất sạch, chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường. Chúng tôi tiếp tục hoạt động liên quan việc sử dụng tài nguyên hiệu quả. Tất cả theo hướng chương trình của Liên hiệp quốc."
Gia Minh: Các doanh nghiệp được hỗ trợ ra sao?
Bà Ngô thị Nga: "Trước hết sẽ có tư vấn. Tuy nhiên tùy thuộc vào nguồn kinh phí cấp Nhà nước sẽ có hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp. Trước hết chúng tôi hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp liên quan quản lý, sau đó đầu tư cao hơn vào công nghệ."
Gia Minh: Sự phối hợp các đơn vị trong lĩnh vực này ra sao?
Bà Ngô thị Nga: "Chúng tôi giới thiệu chương trình sản xuất sạch với các trường đại học. Nay có chừng 20 trường đã có chương trình giảng dạy về chương trình sản xuất sạch hơn, với một hay hai tín chỉ cho sinh viên. Nay có một số công ty tư vấn tư nhân trong lĩnh vực này và nhân sự là những người được đào tạo trong hơn chục năm qua."
Ngoài hoạt động liên quan sản xuất sạch, chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường.
Bà Ngô Thị Nga
Nghị định thư Kyoto đến năm 2012 tới đây sẽ hết hạn hiệu lực, và thế giới đang tích cực thống nhất một thỏa thuận thay thế cho nghị định thư này trong việc bảo vệ trái đất trước tình trạng ấm nóng lên do các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên cơ chế sản xuất sạch hẳn vẫn còn có tác dụng, và đây là xu hướng mà Việt Nam tiếp tục tích cực thực hiện.