Cô gái Việt trở lại Nam Cực

Hoàng Thị Minh Hồng từng được nhiều nguời biết đến khi trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, trong chuyến thám hiểm dành cho thanh niên thế giới hồi năm 1997.

MoiTruong
Việc bảo vệ môi trường song song với sử dụng đất hữu hiệu là một trong những quan tâm môi trường Connect2earth muốn chuyển tải trên mạng giao lưu Việt Nam. AFP PHOTO.

Vừa qua, cô cũng được mời tham dự chuyến thám hiểm kỷ niệm 50 năm ký “Hiệp ước quốc tế về Nam Cực’.

Việc từng có mặt trong đoàn thám hiểm Nam cực cách đây hơn chục năm và sắp tới đối với cô Hoàng thị Minh Hồng giúp cô những gì trong hoạt động bảo vệ môi trường?

Mời quí thính giả cùng nghe cuộc nói chuyện giữa Gia Minh với cô Hoàng Thị Minh Hồng về những vấn đề liên quan trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Người Việt đầu tiên

Gia Minh: Trước hết xin chúc mừng cô lại tiếp tục được chọn, và lần này là trong số 15 cựu thành viên ưu tú trong số 5 trăm người từng tham gia các đoàn thám hiểm Nam Cực từ trước đến nay. Xin cô cho biết đang chuẩn bị những gì cho chuyến thám hiểm lần này?

Hoàng thị Minh Hồng: Đầu tiên thì phải chuẩn bị sức khỏe vì so với lần đầu tiên thì nay cũng già hơn 12 năm rồi; mấy hôm nay phải chuẩn bị sức khỏe rất nhiệt tình. Ngoài ra thì việc quan trọng là bây giờ phải kiếm một vài đại diện mới của Việt Nam để tham gia đợt thám hiểm lần này; thành ra cũng đang tổ chức cuộc thi ở Việt Nam và kêu gọi người dân tham gia.

Khi mà các bạn mới được lựa chọn thì phải làm việc với các bạn ấy bởi phải thành lập một ‘team’; và đội- đoàn Việt Nam phải hoạt động để có một dấu ấn gì đó nhằm đóng góp thành công cho chuyến thám hiểm và sau khi trở về Việt Nam thì đoàn làm những việc gì để nối tiếp những việc đã diễn ra cũng như đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung.

Gia Minh: Như cô nói là đang giúp cho ban tổ chức tìm chọn một hoặc hai đại diện khác nữa của Việt Nam cùng tham gia vào chuyến thám hiểm Hiệp ước Nam Cực' năm 2009, vậy xin cô cho biết những tiêu chuẩn đề ra cho người được tuyển chọn là gì?

Hoàng Thị Minh Hồng: Tiêu chuẩn rất là đơn giản vì thực ra ai cũng có thể tham gia bảo vệ môi trường. Mọi người cứ nghĩ phải là người làm việc ở tổ chức NGO bảo vệ môi trường hoặc là những người làm cho cơ quan nhà nước, Sở Môi trường… mới được chọn.

Thật ra thì không phải mà thành phần lần này mở ra cho mọi đối tượng là công dân Việt Nam từ 18 đến 60 tuổi, bất cứ ai có sức khỏe đủ tốt để tham gia một chuyến thám hiểm như thế này; ngoài ra tiếng Anh cũng là quan trọng bởi vì cả đoàn hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngoài ta còn có một điều kiện hơi khó một chút bời thời gian gấp vì Việt Nam là đoàn được xác nhận chọn tham gia là muộn nhất.

Gia Minh: Khi có thành viên mới tham già thì cô có thể chia xẻ những kinh nghiệm có được qua chuyến tham hiểm trước đây hồi năm 1997 với họ?

Hoàng Thị Minh Hồng: Sẽ chia xẻ rất nhiều. Trước hết là kinh nghiệm sống ở Nam Cực thế nào; bởi vì Việt Nam là một đất nước rất nóng mà để hình dung có thể sống tại một vùng khí hậu lạnh giá khốc liệt như thế thì phải có chuẩn bị. Ngoài ra điều phải chuẩn bị hơn nữa là làm thế nào để sống trong một tập thể lớn gồm những người đến từ nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác nhau; làm thế nào sống, làm việc với họ trong tinh thần 'teamwork' nhằm đóng góp cho thành công.

Một vấn đề nữa mà các ứng viên phải có trong đầu là đây không phải một chuyến đi chơi đến một vùng đất tuyệt vời; không phải một thành tích to lớn mà sau này có thể mang ra để khoe; đây cũng không phải một chuyến đi vì được tài trợ, vì nói được tiếng Anh mà phải có sẵn trong đầu suy nghĩ là khi về thì phải nhân rộng những điều được nhìn thấy, nhân rộng những kinh nghiệm, những thay đổi về nhận thức của mình với những người xung quanh. Vì công việc bảo vệ môi trường là việc làm không thể làm một mình.

Chuyến thám hiểm Nam cực mang tên là ‘Inspire Antartic Expeditions’. Những người đi được ‘inspire’ bởi chuyến đi, bởi ông Robert Swan, bởi sự hung vĩ của thế giới này, bởi nhận thức về thế giới mà họ có được; nhưng về thì họ ‘inspire’ những người khác, và những người khác ‘inspire’ những người khác nữa.

Ý thức bảo vệ môi trường

Gia Minh: Thì trong suốt 12 năm qua chính cô đã truyền những điều đó như thế nào?

Hoàng Thị Minh Hồng: Từ khi đi về tôi đã nói chuyện rất nhiều ở các cơ quan, trường học, ở các câu lạc bộ thanh niên để kể về chuyến thám hiểm, nói về những vấn đề bảo vệ môi trường, những điều đã được chứng kiến và nhận thức được; từ đó kêu gọi mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Sau đó thì tôi có được cơ hội rất tốt là làm việc cho Tổ chức WWF là Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên bảy năm trời tại phòng truyền thông với nhiệm vụ đi tuyên truyền bảo vệ môi trường nên con số không dừng lại ở hằng trăm mà là hằng nghìn người đã đến dự các buổi nói chuyện. Từ đó đến hằng vạn hằng triệu người vì chúng tôi có những chiến dịch trên toàn quốc kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, nổi bật là chiến dịch Giờ Trái đất hồi tháng ba năm nay.

Hằng triệu người dân Việt nam cùng tham gia với hằng tỷ nguòi trên thế giới tham gia giờ tắt đèn nhằm đưa ra thông điệp là bất cứ cá nhân nào cũng đều có thể tham gia vào sự nghiệp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, một việc mà từ trước đến giờ ai cũng nghĩ là không phải việc của mình và không thể làm được nhưng chiến dịch đó cho thấy ai cũng làm được với việc thật đơn giản là tắt đi một ngọn điện.

Gia Minh: Là một người làm việc cho tổ chức Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới, WWF, trong những năm qua, cô có những nhận xét gì trong công tác bảo vệ đời sống hoang dã nói riêng và bảo vệ môi sinh nói chung tại Việt Nam?

Hoàng Thị Minh Hồng: Người Việt Nam gần đây có ý thức bảo vệ môi trường cao hơn nhiều nhờ vào những chiến dịch tuyên truyền rất là rộng của chính quyền; ngoài ra còn có một yếu tố rất là quan trọng: nhờ vào Internet thế giới trở nên phẳng ra , các bạn trẻ có thể truy cập vào bất cứ thông tin nào trên thế giới này từ đó ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ trên thế giới đã lan đến Việt Nam. Sinh viên Việt Nam hiện nay nhiều người cũng đi du học nước ngoài nên họ cũng học được nhiều điều của quốc tế.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần những người tâm huyết trẻ có thể xây dựng cho mình những hoạt động chứ không phải cứ ngồi chờ có dự án mới làm. Tôi mong ngày càng có nhiều người Việt Nam như tôi. Đó cũng là mục đích của chuyến thám hiểm lần này là mong có nhiều người Việt Nam tham gia để truyền cảm hứng cho những người xung quanh và mọi người cùng bảo vệ môi trường.

Gia Minh: Bối cảnh hiện nay khác với năm 1997 khi cô tham gia cuộc thám hiểm lần thứ nhất, vậy những mục tiêu được ban tổ chức nêu ra đặc biệt cho lần này là gì?

Hoàng thị Minh Hồng: Thực ra thì ban tổ chức luôn đề ra một mục tiêu duy nhất đó là thay đổi nhận thức của những người tham gia thám hiểm. Thay đổi nhận thức không chỉ là vấn đề môi trường liên quan đến Nam Cực.

Thường mọi người cứ nghĩ là chỉ chú ý đến Nam Cực thôi; nhưng cả thế giới mọi người đều đang chung nhau một khoảng băng rất rộng lớn đó,nếu chúng ta không chung tay bảo vệ nó thì băng tan ra sẽ gây lũ lụt và nhiều tác động tiêu cực khác.

Tất nhiên mục tiêu của 2041 còn nhắm làm cho các nhà lãnh đạo trên thế giới quan tâm và có những hành động cần thiết để cho việc bảo vệ môi trường, bên cạnh nhắm đến người dân bình thường và gửi thông điệp đến cho bạn bè quốc tế.

Tôi cũng buồn là suốt 11 năm qua, không có một đại diện nào của Việt Nam được mời tham gia đoàn thám hiểm; năm nay khi nhận được tin vui tham gia lần nữa thì tôi đã đề đạt với ban tổ chức là đến lúc nên mời các quốc gia đang phát triển tham gia nhiều hơn nữa, và tôi hy vọng từ này thì Việt Nam và những quốc gia đang phát triển sẽ được tham gia nhiều hơn vào những hoạt động mang tính quốc tế như thế này.

Gia Minh: Cám ơn cô về những thông tin mà cô chia xẻ trong cuộc nói chuyện vừa rồi, và chúc cô một chuyến thám hiểm mới gặt hái nhiều thành công.

***

Tổ chức 2041 do nhà thám hiểm Robert Swan sáng lập. Ông này cống hiến cuộc đời cho hoạt động bảo vệ Nam Cực thông qua các chương trình cổ xúy việc tái chế, phát triển năng lượng tái tạo, cũng như phát triển bền vững để chống lại những tác hại do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.

(video: Ca sĩ Mỹ Linh vận động bảo vệ môi trường)

Lý do ông Robert Swan chọn tên gọi 2041 đặt cho tổ chức mà ông sáng lập nên, đó là vào năm 2041 Nghị định thư Bảo vệ Môi trường thuộc Hiệp ước Quốc Tế Bảo vệ Nam Cực có khả năng bị sửa đổi, bổ sung. Mục tiêu được tổ chức nêu rõ là phải tiếp tục hoạt động để bảo vệ cho hiệp ước giúp bảo vệ không để khai thác vùng tự nhiên rộng lớn nhất thế giới là Nam Cực.

Chuyến thám hiểm Nam Cực năm 2009 do tổ chức 2041 thực hiện sẽ kéo dài từ ngày 16 tháng 11 đến ngày 30 tháng 11.