Quốc hội khóa 12 của Việt Nam tại kỳ họp thứ ba vừa qua cũng đã thông qua Luật Năng lượng Nguyên tử và cơ quan chức năng cũng cho công bố những dự án xây dựng các nhà máy địên hạt nhân tại Việt Nam.
Giới chuyên gia nói gì về những kế hoạch điện nguyên tử?
Luật sẽ có pháp lý hơn để chuẩn bị nhưng không có nghĩa là có luật thì có điện nguyên tử như Thái Lan có luật từ năm 62 đến nay vẫn chưa có điện nguyên tử, Philippines có luật từ những năm 60 thì điện nguyên tử xây năm 84.<br/> <i>Tiến sĩ Nguyễn Nghị Điền</i>
Truyền thông trong nước cho biết, chính quyền Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở tỉnh Ninh Thuận với công suất 4.000 megawatt. Tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đô la. Viện Năng lượng Nguyên tử đang thực hiện báo cáo để trình hội đồng thẩm định nhà nước.
Tháng tư vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Hữu Hào cho biết thêm chi tiết là hai nhà máy điện hạt nhân sẽ gồm bốn tổ máy. Công tác khởi công sẽ bắt đầu vào năm 2015, và đến năm 2020 sẽ đi vào họat động. Công suất điện từ hai nhà máy đó sẽ chiếm 20% tổng sản lượng điện trên toàn quốc.
Theo kế hoạch thì đến tháng 5-2009 báo cáo đầu tư sẽ được trình quốc hội để thông qua. Vậy việc thông qua Luật Năng lượng Nguyên tử tại kỳ họp thứ 3 quốc hội khóa 12 có ý nghĩa gì?
Tiến sĩ Nguyễn Nghị Điền, Giám đốc Viện Hạt nhân Đà Lạt cho biết về điều đó:
“Luật sẽ có pháp lý hơn để chuẩn bị nhưng không có nghĩa là có luật thì có điện nguyên tử như Thái Lan có luật từ năm 62 đến nay vẫn chưa có điện nguyên tử, Philippines có luật từ những năm 60 thì điện nguyên tử xây năm 84.”
Tính kinh tế của điện hạt nhân
Theo bài báo mang tên “Vietnam sets nuclear pace in Southeast Asia” - tạm dịch là “Việt Nam tạo đà cho hạt nhân tại khu vực Đông Nam Á"- trên mạng asiatimes.com hôm tháng tư vừa rồi của tác giả Andrew Symon, một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng có kế hoạch triển khai điện hạt nhân. Thế nhưng những dự án đó bị dân chúng địa phương phản đối dữ dội gây chậm trễ khá nhiều. Trong khi đó thì tại Việt Nam, cho đến nay hầu như chưa thấy có phản đối nào từ phía công chúng.
Trung Quốc bắt đầu từ năm 1991, mà đến nay thì điện nguyên tử chỉ chiếm 2% thôi, đến 15 năm nữa mới lên 5%. Một nước lớn, mạnh và đông như thế mà chỉ làm đến thế; cho nên tôi góp ý là nếu làm một lúc như thế thì chưa chuẩn bị được về chuyên gia, kinh nghiệm quản lý- tổ chức.<br/> <i> Giáo sư Phạm Duy Hiển</i>
Một người dân cho biết ý kiến khi có nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam:
“Việt Nam đang cần điện quá nên nếu làm tuyệt đối an toàn thì nên làm, chỉ sợ rò rỉ thôi. Thế giới người ta sử dụng nhiều rồi, nhưng điều đầu tiên là không gây ô nhiễm cho môi trường thôi.”
Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên giám đốc Viện Hạt nhân Đà Lạt, trong một bài viết dài đăng trên Tạp Chí Tia Sáng, đưa ra những ý kiến của ông về kế hoạch vừa được công bố và nhất là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng nếu xây đuợc một lò thì tại sao lại không xây luôn một lúc bốn lò luôn thể.
Nguyên văn trong bài viết của giáo sư Phạm Duy Hiển nói về ý kiến đó như sau: “Song là một người đã từng lăn lộn trong nhiều năm xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, quen biết không sót ai trong giới hạt nhân nước nhà, tôi nghe qua thấy 'chóang' ".
Giáo sư Phạm Duy Hiển nêu những quan ngại của ông trước kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà các cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra:
“Tôi lưu ý một việc là kinh nghiệm những nước như Trung Quốc, Ấn Độ thì ngay từ đầu họ không làm một lúc nhiều như thế. Theo tính toán thì Trung Quốc bắt đầu từ năm 1991, mà đến nay thì điện nguyên tử chỉ chiếm 2% thôi, đến 15 năm nữa mới lên 5%. Một nước lớn, mạnh và đông như thế mà chỉ làm đến thế; cho nên tôi góp ý là nếu làm một lúc như thế thì chưa chuẩn bị được về chuyên gia, kinh nghiệm quản lý- tổ chức.
Chủ trương chưa chính thức nhưng đã sẵn sàng; thế nhưng người đã sẵn sàng chưa ?Gần đây có thông báo là giá điện hạt nhân không còn rẻ như khi tính toán trước đây nữa. Ví dụ như Phần Lan đang xây một nhà máy theo công nghệ Pháp công suất 1600MW mà nay lên đến 6 tỷ đô la và chậm tiến độ đến hai năm.”
Quan tâm lớn về an toàn
Ông cũng nói đến an toàn điện hạt nhân:
“Nay phải xem công ty nước ngoài cung cấp lò an toàn nhất; nhưng nếu an toàn nhất thì cũng tốn kém nhất. Đó là nói về lý thuyết nhưng khi đem vào ứng dụng một đất nước cụ thể thì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước đó như cơ sở hạ tầng, tính kỷ luật công nghiệp của người vận hành, rồi quản lý thế nào.
Khi nói về an toàn thì nhiều người rất nhầm. Những vụ xảy ra như vụ Cheknobyl, người ta nói ở đó cũng rất an toàn; thế nhưng vụ việc xảy ra là do con người làm không đúng.
Trong việc này nhiều người nói không đúng, điều đó có thể dẫn đến chủ quan, mà chủ quan ở cấp dưới thì không sao nhưng nếu chủ quan ở cấp trên thì rất nguy hiểm.”
Trong khi đó người đang đứng đầu Viện Nghiên cứu Hạt Nhân, tiến sĩ Nguyễn Nghị Điền thì cho biết những công việc đang tiến hành:
“Nghiên cứu tiền khả thi rồi, chọn địa điểm rồi, chọn một số công nghệ rồi và đang làm rõ một số vấn đề mà chính phủ yêu cầu.”
Giáo sư Phạm Duy Hiển kết luận bài viết của ông trên tạp chí Tia Sáng rằng: "Mong sao trong chuyện hệ trọng này của đất nước, những người trong cuộc có quả tim nóng và cái đầu lạnh".