Trong thực tế các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện công tác trong lĩnh vực vừa nêu được đến đâu?
Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Năng lượng tái tạo
Giới khoa học trong nước tính toán Việt Nam có từ 2000 đến 2500 giờ nắng mỗi năm, với lượng bức xạ mặt trời 150 Cal/cm2/năm. Còn gió tại các khu vực hải đảo và miền Trung Việt Nam ở tốc độ 4m/s tại độ cao 12 mét có thể giúp lắp đặt các tourbine gió.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, khả năng đáp ứng của những nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời đến năm 2020 chỉ chừng vài phần trăm tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Ô. Nguyễn Đình Xuân.
Ông Phạm Khánh Toàn, một viên chức về năng lượng của Việt Nam cho biết hoạt động còn ở giai đoạn khởi đầu trong công tác phát triển khai thác năng lượng tái tạo:
Đã có làm kế hoạch báo cáo về kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Hiện đang chờ thủ tướng phê duyệt. Tuy vậy, vẫn có phát triển trong lĩnh vực này nhưng chưa theo chương trình quốc gia.
Hiện có một dự án về phong điện ở Bình Thuận, với 5 tổ máy đã lắp với công suất mỗi tổ máy 1,5 megawatt. Đây là dự án lớn nhất; tuy vậy lắp xong vẫn chưa đưa vào vận hành. Theo kế hoạch nhà máy này sẽ phát triển với 20 tổ máy. Dự án này do Công ty Năng lượng Tái tạo Việt Nam làm chủ đầu tư. Máy móc nhập từ Đức.
Ở Việt Nam còn có một số nơi khác cũng có gió để làm phong điện, như ở Lý Sơn… nhưng tại địa điểm ở Bình Thuận là tốt nhất. Ngoài ra đất tại nơi làm nhà máy không phải đất trồng cấy, không trồng được loại cây gì. Tại Lý Sơn cần phải kết hợp dự án điện gió với loại gì; để khi gió lặng có thể chạy được như diesel chẳng hạn. Ở đảo Phú Quốc chưa đo kỹ tốc độ gió tại đó, tuy nhiên ở Phú Quốc cũng không phải cao.
Hiện hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo từ phía Nhà Nước vẫn chưa cụ thể. Công ty đang thực hiện dự án tại Bình Thuận vừa làm vừa xin hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu thuộc Ủy ban Khoa học của Quốc hội Việt Nam, có một số đánh giá về năng lượng tái tạo của Việt Nam, cũng như trình bày về kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam:

Chúng tôi làm việc với các chuyên gia của Bộ Công Thương và được cho biết Việt Nam cũng có tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng không quá nhiều như chúng ta nghĩ. Duy nhất nguồn năng lượng tái tạo không thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng của Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Công Thương, khả năng đáp ứng của những nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời đến năm 2020 chỉ chừng vài phần trăm tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Giá cả là một trở ngại lớn nữa của năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tôi cũng vừa đọc được một tin cho biết là chi phí sản xuất phong điện nay giảm phân nửa rồi. Nếu tin này thực thì đây là cơ hội để phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam. Điện mặt trời ở Việt Nam vẫn còn cao. Một khi công nghệ phát triển, giá thành thấp đi, hai loại năng lượng gió và điện sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng nguồn năng lượng của Việt Nam. Tôi ủng hộ dự án đang thực hiện: sử dụng năng lượng mặt trời thay điện để đun nước. Bên Trung Quốc, người ta làm tốt việc này mặc dù nguồn năng lượng điện mặt trời của họ không tốt bằng Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang thảo luận dự án luật sử dụng năng lượng tiết kiệm. Trong đó xem năng lượng tái tạo là nguồn giúp tiết kiệm các loại năng lượng truyền thống.
Đối với điện hạt nhân, quốc hội Việt Nam đã xem xét kỹ các thông tin phản biện từ Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật, của các nhà khoa học. Chúng tôi nhận được nhiều luồng thông tin khác nhau, và phải thừa nhận điện hạt nhân chứa chất nhiều rủi ro, giá thành cao, vận hành khó khăn. Nhưng cũng phải thừa nhận hiện có trên 30 quốc gia đang dùng điện hạt nhân. Mặc dù ở Hoa Kỳ trong 30 năm qua không xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân nào, nhưng nay đang xem xét lại một số dự án trong lĩnh vực này.
Tôi là chuyên gia trong ngành điện hạt nhân nên có ý kiến Việt Nam không nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Lý do chỉ tốn tiền và sau này con cháu phải trả nợ.
Ô. Phùng Liên Đoàn.
Hiện nay nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho nguồn năng lượng nhiệt điện của chúng ta phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và than đá. Hai nguồn nhiên liệu này đang khá cạn kiệt. Từ đó chúng ta phải trông chờ vào các nguồn năng lượng khác. Trong số những nguồn đó điện hạt nhân là một ‘gợi ý’ rất hay. Quốc hội cơ bản tán thành chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng bước đi cụ thể có thận trọng. Ý kiến của tôi trước Quốc Hội là xây dựng một nhà máy điện hạt nhân để vừa thử nghiệm vừa đánh giả khả năng, giá cả thực tế ra sao. Sau khi đưa vào sử dụng, tình hình thuận lợi, có thể xây dựng đội ngũ quản lý, sẽ triển khai nhà máy thứ hai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi thông qua nghị quyết có ghi nhận điều này với câu cụ thể “ủng hộ phê duyệt chủ trương xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó nhà máy đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014; còn nhà máy thứ hai khi nào Chính phủ thấy thuận lợi sẽ báo cáo Quốc hội”. Theo tôi từ nay đến đó còn thời gian để thảo luận.
Điện hạt nhân
Đối với kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này ở ngoại quốc đều có ý kiến Việt Nam không nên đầu tư khai thác loại hình điện này. Một trong những người từng lên tiếng phản biện về kế hoạch xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam là chuyên gia Phùng Liên Đoàn, một Việt kiều tại Hoa Kỳ. Ông có ý kiến như sau:
Tôi là chuyên gia trong ngành điện hạt nhân nên có ý kiến Việt Nam không nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Lý do chỉ tốn tiền và sau này con cháu phải trả nợ. Theo kinh nghiệm, chúng tôi nói với phía Việt Nam rằng điện nào cũng là điện, nếu làm được điện rẻ tiền và nhanh chóng sẽ tốt cho người dân hơn. Bên cạnh đó đừng phung phí điện nhiều. Điện hạt nhân chỉ phù hợp cho những quốc gia giàu có, tân tiến.

Đối với Việt Nam nên sử dụng tài nguyên, trí tuệ của chính Việt nam để sản xuất ra điện phục vụ nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Việt Nam không nên vay nợ để làm những nhà máy điện hạt nhân đắt tiền như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.
Làm thế nào để tận dụng được tất cả những nguồn năng lượng để phục vụ cuộc sống một cách tốt nhất, không gây hại cho con người và môi trường, giúp tiến trình phát triển được vững bền là trách nhiệm quan trọng của nhà nước và các cơ quan khoa học. Hướng khai thác các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, sinh khối được giới khoa học cho là đúng đắn, và cơ quan chức năng Việt Nam từ lâu đã đề ra mục tiêu vào năm nay- 2010, năng lượng tái tạo sẽ chiếm chừng 3% tổng công suất điện thương mại và trong vòng 10 năm tới sẽ tăng lên 5%. Tuy nhiên đến nay mức được cho là khiêm tốn đó vẫn là mục tiêu chưa thể đạt được.
Mục Khoa học-Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.