Hiện tượng tuyết rơi vùng nhiệt đới

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2016.02.02
000_Hkg1024934 Băng tuyết ở Sapa, tỉnh Lào Cai ngày 13 tháng 2 năm 2008.
AFP photo

Một số khu vực tại miền bắc Việt Nam vừa qua chịu một đợt rét đậm với băng tuyết lần đầu tiên xuất hiện ở Ba Vì và trong Nghệ An. Hiện tượng này được cho là bất thường tại một đất nước nhiệt đới như Việt Nam.

Thời tiết lạnh bất thường như thế khiến người dân tại những vùng cao có băng tuyết phải chống chọi với rét buốt; ngoài ra mùa màng và gia súc không quen với khí hậu quá lạnh cũng héo tàn và chết hằng lọat gây thiệt hại nhiều về mặt kinh tế.

Giá rét bất thường?

Trong thời gian qua tại nhiều nơi trên thế giới thời tiết diễn tiến khá bất thường không theo chu kỳ từng xảy ra trong nhiều năm. Giới chuyên gia về thời tiết cho rằng do Trái Đất ấm nóng lên làm cho khí hậu thay đổi.

Mưa bão, hạn hán, giá tuyết… đuợc đánh giá có  tính cực đọan và không thể lường trước mức độ khốc liệt.

Hiện tượng băng tuyết xuất hiện thêm ở một số vùng của Việt Nam cũng đuợc nói nằm trong xu hướng đó.

Đợt rét đậm vừa qua ở khu vực bắc bộ và bắc trung bộ Việt Nam tràn về từ ngày 22 tháng giêng. Vào các đêm 23, sang ngày 24 và 25 tháng giêng, băng giá và mưa tuyết xuất hiện ở những vùng núi cao từ 800 mét trở lên so với mực nước biển.

Mưa tuyết xuất hiện lần đầu tiên tại đỉnh núi Ba Vì, và bản Buộc Mý, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Theo ông Lê Thanh Hải, phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam thì có thể hiện tượng mưa tuyết tại Nghệ An sẽ được ghi nhận là một trong những địa điểm gần xích đạo nhất của Bắc bán cầu có tuyết.

Cũng theo nhận định của ông Lê Thanh Hải thì đợt rét năm nay không kéo dài như hồi năm 2008 và 2011; thế nhưng năm nay xuất hiện giá trị nhiệt độ thấp nhất trong 40 năm qua. Có một số nơi nhiệt độ giảm thấp hơn giá trị được ghi nhận trong chuỗi số liệu quan trắc được.

Theo quan trắc được của chúng tôi trong vòng từ 40-60 năm qua chưa có một đợt rét đậm đến như thế. Đây là điều bất thường, hiếm thấy.
- Ông Hoàng Đức Cường

Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung Tâm Khí tượng Quốc gia Việt Nam, có đánh giá tổng quát về đợt rét đậm- rét hại vừa qua, cũng như đưa ra dự báo về một đợt rét khác nhẹ hơn từ đầu tháng hai cho đến Tết Nguyên Đán như sau:

“Như đã thấy miền bắc và miền Trung Việt Nam vừa trải qua một đợt rét kỷ lục. Theo quan trắc được của chúng tôi trong vòng từ 40-60 năm qua chưa có một đợt rét đậm đến như thế. Đây là điều bất thường, hiếm thấy. Ngay cả những vùng núi cao chừng 1000 mét trở lên như Ba Vì, Tam Đảo, rồi Kỳ Sơn- Nghệ An, Mộc Châu cũng đã xuất hiện băng tuyết.

Đó là điều bất thường trong nền tác động của El Nino; lẽ ra phải nắng nóng và nhiệt độ cao nhưng lại lạnh vào có khi mưa tuyết. Đó là điều rất bất thường của mùa đông năm nay. Đó là sự tác động của biến đổi khí hậu cũng như hiện tượng cực đoan do El Nino đem lại.

Chúng tôi nhận định trong thời gian tới: hiện nay miền bắc Việt Nam đang trong tình trạng có luồng không khí lạnh tương đối mạnh; tuy nhiên đợt  này không gây rét đậm, rét hại như vừa rồi. Chúng tôi hy vọng có thời tiết đẹp trước thềm năm mới.”

Thực tiễn chống chọi

Một người dân sống tại khu vực Tây Bắc cho biết về đợt rét vừa qua so với những năm truớc cũng như biện pháp mà dân thực hiện để giúp gia súc bớt rét:

“Ngày xưa không rét đến thế đâu, không xuống dưới 0 độ đâu, chỉ 1-2 độ thôi. Nhưng ít thôi, không nhiều như thế này đâu. Để chống rét cho trâu, bò thì chúng tôi đắp bao tải, hay chăn chiên cho chúng, lấy dây buộc lại như áo vậy.”

Một người từ miền xuôi lên làm công tác từ thiện cho đồng bào miền núi đúng vào đợt rét đậm vừa qua có trình bày về tình hình thời tiết cũng như cảnh thiếu thốn khó có thể chống chọi lại tình hình giá buốt như vừa qua:

“Mấy năm trước tôi đã từng đi rồi, nhưng năm nay hơi sốc vì do thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết tâm đi. Đường đi nếu không mưa, nắng lên cũng vẫn rất nguy hiểm. Khi đi khảo sát thì trời có ấm lên; nhưng khi kêu gọi thì có tuyết. Nói về tình hình rét thì tôi nghe bà con dân tộc tại đây nói chưa có năm nào rét như năm nay cả. Khi chúng tôi lên thì đợt rét (cao điểm) hết rồi, họ nói chúng tôi may mắn, chứ lên truớc vài hôm thì rét kinh khủng luôn.

Mấy năm trước tôi lên, do đến muộn không thuê đựợc nhà trọ phải ngủ ngoài xe; năm nay cũng ngủ ngoài xe nhưng rét buốt luôn. May tôi có mua được cái áo ấm nên Tây Tạng, đất nước nổi tiếng luôn có băng tuyết giá; thế mà đêm nằm ngủ cũng lạnh thật. Đối với bà con dân tộc thì họ nói rét hơn nhiều. Ngoài ra rét xong, rồi nắng lên thời tiết thay đổi đột ngột nên ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nhiều. Thời tiết thay đổi đột ngột rất khó chịu; nếu tôi ở trên đó vài ba đêm thì không chịu được.”

Thiệt hại

Một người sửa giày trên đường phố Hà Nội hôm 25/1/2016 dưới cái lạnh âm 4 độ C và tuyết rơi ở một số khu vực miền núi. AFP photo
Một người sửa giày trên đường phố Hà Nội hôm 25/1/2016 dưới cái lạnh âm 4 độ C và tuyết rơi ở một số khu vực miền núi. AFP photo
Một người sửa giày trên đường phố Hà Nội hôm 25/1/2016 dưới cái lạnh âm 4 độ C và tuyết rơi ở một số khu vực miền núi. AFP photo

Ngay sau khi đợt rét đậm- rét hại xảy ra, Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đưa ra thống kê cho thấy có hơn 8900 trâu, bò tại các tỉnh miền núi phía bắc và bắc trung bộ chết do lạnh cóng tính đến ngày 28 tháng giêng.

Sơn La là tỉnh có số trâu bò chết nhiều nhất, trên 2700 con.

Lào Cai báo cáo tính đến chiều ngày 28 tháng giêng cũng có hơn 550 gia súc chết vì rét. Hơn 4500 hecta rau màu , 150 hecta cây công nghiệp và hơn 1000 hec ta rừng trồng mới bị tuyết phủ kín. Hai nơi chịu thiệt hại lớn nhất là Sa Pa và Bát xát.

Có thể nói đối với nhiều gia đình nông thôn miền núi thì một con trâu hay con bò là cả một gia tài của họ. Nay trâu, bò chết vì lạnh là họ mất đi một nguồn giúp mang lại thu nhập quan trọng cho gia đình.

Không chỉ gia súc chết lạnh, mà cá nuôi trong ao đầm vì quá lạnh cũng chết hằng lọat. Đây là số cá mà nguời dân nuôi để bán vào dịp tết âm lịch này.

Thống kê đưa ra cho thấy chỉ riêng tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình lượng cá vuợc chết của mỗi hộ nuôi là từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Về hoa màu, Ban Chỉ đạo về Phòng chống Thiên tai cho biết tính đến ngày 27 tháng giêng, có gần 6000 hecta lúa, 81 hec ta mạ và hơn 4600 hecta rau màu bị thiệt hại do thời tiết lạnh giá, băng tuyết. Diện tích rừng bị tuyết phủ trong đợt vừa qua là hơn 80 ngàn hécta.

Phương cách ứng phó trong thời gian tới

Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn sau khi xảy ra đợt rét kỷ lục gây thiệt hại nhiều cho người dân về gia súc, hoa màu đưa ra đề nghị các sở trực thuộc cử đòan công tác đến các vùng chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống đói, rét và di dời vật nuôi đến những nơi trú tránh rét.

Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phuơng chủ động sử dụng ngân sách phục vụ công tác phòng chống rét đậm, rét hại và khắc phục hậu quả sau rét. Một số biện pháp cụ thể là khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ nhằm cung cấp thức ăn cho gia súc trong những ngày rét. Hạn chế chăn nuôi gia súc thả rông. Tiêu độc, khử trùng phòng nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh.

Cục Chăn nuôi cùng yêu cầu các địa phương có kế họach phục hồi chăn nuôi sau khi xảy ra rét đậm, rét hại với kế họach cung cấp con giống, sản xuất, dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, vật tư thú y…

Người phụ nữ làm từ thiện tại vùng cao cho biết kinh nghiệm bản thân về việc khẩn cấp cứu đói cho người dân trước khi triển khai những dự án được cho là ‘cần câu’ giúp dân:

“Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng quê ở Cao Bằng phía trong núi lạnh hơn rất nhiều so với ngoài thung lũng. Tôi cũng từng ở Sơn La ngày trước chưa hiện đại như bây giờ. Bây giờ hiện đại vô cùng. Ngày xưa gia đình tôi không phải thuộc loại nghèo và thấy trẻ con lúc đó không ‘bôi nha, bôi nhếch’ như thế! Trẻ con lúc đó vẫn được đi học. Sau 30 năm tôi trở lại đó dân vẫn nghèo. Trẻ con ở gần đường đi vẫn ‘tồng ngồng’. 30 năm, 40 năm rồi mà dân vẫn khổ, cơm ăn cũng với rau chứ chẳng có gì.

Bốn năm nay tôi đi làm từ thiện ở Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang tôi đưa cá cho những bà già chừng 60 tuổi thì họ khóc nói cả đời chưa bao giờ đuợc ăn cá.

‘Tạo cần câu cơm’ như xóa đói, giảm nghèo, cho bà con vật nuôi - những dự án đó Nhà nước phải làm. Thế nhưng Nhà nước quên một điều thời điểm tết nhất là lúc băng giá mọi thứ chết hết không có cái ăn thì sức đâu mà đi làm các dự án ‘xóa đói, giảm nghèo’ của các nhóm phi chính phủ. Dự án tôi làm chỉ là ngắn thôi, còn dự án ‘cần câu cơm’ là dài hơi phải do chính phủ thực hiện.”

Xin đuợc nhắc lại hôm ngày 24 tháng giêng vừa qua, Sa Pa lần đầu tiên có nhiệt độ trong tháng giêng xuống thấp nhất ở mức -4 độ C theo chuỗi số liệu quan trắc có đuợc. Đèo Pha đin ở tỉnh Điện Biên cũng xuống -4 độ C. Hai nơi này truớc đây chỉ xuống -1 độ C là thấp nhất như ghi nhận tại Sa Pa vào tháng giêng năm 1983, và đèo Pha Đin là vào năm 1975. Mẫu Sơn ở Lạng Sơn vào năm 2011 nhiệt độ thấp nhất ghi nhận đuợc là -3 độ C; tuy nhiên vào ngày 24 tháng giêng năm nay, đo được -5 độ C.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.