Trong một chương trình Sáng kiến & Đời sống trước đây, chúng ta có dịp làm quen với người kỹ sư chuyển đổi thành công máy phát điện chạy bằng xăng hoặc dầu diesel sang chạy bằng khí sinh học, đó là kỹ sư trẻ Bùi Hoàng Lang ở thành phố Hồ Chí Minh. Xin mời viếng lại bài lưu trữ phát thanh ngày 14-5-2007 tại:
Vừa qua Đại học Đà Nẵng cũng hoàn thành một dự án tương tự, đồng thời có kế họach phát triển thêm với đề án ứng dụng khí sinh học, biogas, trên động cơ đốt trong cỡ nhỏ. Đề án này đuợc Đại học Osaka Prefecture của Nhật hợp tác thực hiện.
Thêm một thành quả ứng dụng khí sinh học
Hơn một tháng truớc đây, Đại học Đà Nẵng thông tin cho hay Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường của đại học này đã nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công bộ phụ kiện chuyển đổi dành cho động cơ tĩnh tại cỡ nhỏ chạy bằng xăng sang chạy bằng biogas.
Giáo sư Bùi Văn Ga, giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết về nghiên cứu đó:
"Hiện nay chúng tôi đang triển khai ứng dụng cả động cơ xăng và diesel 10kw trở lại, chuyển sang chạy bằng biogas. Xăng thì chuyển hoàn toàn, diesel thì chạy bằng biogas là chính nhưng phải dùng diesel để phun đánh lửa.
Động cơ tĩnh tại chạy bằng biogas phải có bộ điều tốc. Những nghiên cứu trước chỉ dùng bộ ổn áp phía sau động cơ; vì thế điện phát ra phụ thuộc tải bên ngoài nên ảnh hưởng đến các thiết bị.
Hiện nay đang ứng dụng thí điểm và có nhiều người đặt hàng. Ứng dụng này phù hợp với nông dân.
Hiện phong trào xây dựng hầm biogas ở Việt Nam là đều khắp trên cả nước nhưng mà hầm chỉ cỡ nhỏ và trung bình thôi nên chỉ thích hợp với các động cơ nhỏ. Chúng tôi cũng chế tạo hệ thống lọc H2S, sau đó có túi dự trữ gas để chạy ổn định và lâu hơn. Ban đầu, chúng tôi chế phụ liệu rồi chuyển giao kỹ thuật với mẫu chung."
Một người tham gia vào dự án của Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, là ông Trương Gặp, cho biết về nguồn khí sử dụng để chạy các lọai động cơ :
"Thứ nhất là rác thải đưa qua thủy phân, rồi đưa sang yếm khí. Làm hầm riêng, và nay chúng tôi phát triển xây hầm trên khắp lãnh thổ Việt Nam, các nơi như Bình Dương, Lâm Đồng, Đắc Lắc. Nguồn khí ra tùy theo đầu vào, nếu trang trại khỏang 5-7 ngàn con thì gas đưa ra phục vụ cho trang trại và khu dân cư. Còn xử lý rác thải thì chạy máy phát điện, máy bơm nứơc và phục vụ cộng đồng. Còn qui mô gia đình thì nếu chăn nuôi được 30 con trở lên thì trang bị máy phát điện khỏang 1,5 kW để chạy khi cúp điện hay chạy máy phát điện để bơm nước."
Ứng dụng khí sinh học cải tiến, thực dụng thêm hơn
Ông Bùi Hoàng Lang, người kỹ sư được biết đến nhiều nhờ ứng dụng chuyển đổi máy phát điện chạy bằng xăng hoặc diesel sang khí sinh học, có nhận xét về ứng dụng mà Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trừơng của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng mới đưa ra:
"Tôi có nghe thông tin nhưng không phải 100% bằng biogas. Họ đi sau nhưng quan trọng là ứng dụng cho thực tế. Vấn đề là chuyển máy dầu sang biogas, còn chuyển máy xăng thì dễ, chi phí thấp. Bộ ổn định volt thì bản thân máy nào cũng có nên trọng tâm là chuyển nguồn nguyên liệu thôi.
Ứng dụng này thì người ta dùng nhiều, nhưng trở ngại chính là máy diesel, máy phát điện ngày càng tăng giá, gây khó khăn cho bà con sử dụng."
Đối với dự án ứng dụng biogas trên động cơ đốt trong hợp tác với Đại học Osaka Nhật Bản, giáo sư Bùi Văn Ga cho biết lý do phải tìm đến với cộng tác bên ngoài:
"Chúng tôi muốn nén khí biogas để chạy các phương tiện vận tải cơ giới nhưng chúng tôi chưa làm được mà Đại học Osaka làm đựợc kỹ thuật phức tạp đó nên chúng tôi phải hợp tác với họ để được chuyển giao kỹ thuật."
Hiện nay tại nhiều nơi trên cả nuớc đã xây dựng nhiều hầm khí sinh học để tận dụng nguồn khí phát ra đáp ứng phần nào nhu cầu nhiên liệu hằng ngày khi mà xăng dầu cũng như các nguồn chất đốt khác vừa đắt vừa gây ô nhiễm môi trường.
Năm ngoái, "Chương trình Khí Sinh học (biogas) cho Ngành Chăn nuôi Việt Nam" nhận được giải năng lượng và môi trường toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, do từ năm 2003 cho đến thời điểm ứng giải năm 2007 Việt Nam có 27 ngàn công trình hầm khí biogas tại 24 tỉnh thành nằm trong khuôn khổ do dự án của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn và Hòa Lan thực hiện. Bên cạnh đó rất nhiều hầm do các cá nhân ở những địa phương khác xây dựng như lọai hầm mà ông Trương Gặp thiết kết.
Những ứng dụng như của Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trừơng, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, cũng như của kỹ sư Bùi Hoàng Lang, sẽ giúp phát triển nguồn khí sinh học biogas thêm nữa tại Việt Nam.