Đánh giá việc thực thi Công ước LHQ về Đa dạng Sinh học

Gần 200 quốc gia hồi trung tuần tháng 10 vừa qua gặp nhau để bàn việc thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Đa dạng Sinh học.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.11.04
000_Del6160397-305.jpg Hội nghị tại thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ diễn ra nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước Liên Hiệp Quốc về Đa dạng Sinh học, ảnh chụp hôm 19-10-2012.
AFP

Sinh hoạt đó có gì đáng chú ý? Song song đó tình hình đa dạng sinh học của Việt Nam có những điều gì đáng nói hiện nay?

Mời quí vị cùng theo dõi những vấn đề vừa nêu trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Cảnh báo

Hội nghị tại thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ diễn ra nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước Liên Hiệp Quốc về Đa dạng Sinh học; cũng như hai năm sau Nghị định thư Nagoya khi mà những quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhất trí với kế hoạch 20 điểm/ nhằm đến năm 2020 giảm bớt một nửa tỷ lệ thu hẹp môi trường sống, mở rộng các khu đất ngập nước được bảo vệ, ngăn chăn đà tuyệt chủng của các loài trong danh sách bị đe dọa, và khôi phục ít nhất 15% hệ sinh thái bị xuống cấp.

Tin cho biết đến nay đã có 92 quốc gia ký Nghị định thư Nagoya nhưng chỉ mới có 6 nước phê chuẩn nghị định thư đó. Trong khi ấy qui định tối thiểu phải có ít nhất 50 quốc gia phê chuẩn thì nghị định thư Nagoya mới có hiệu lực thi hành.

Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo là nhiều loài trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng nếu như không có hành động ngay. Ước tính khoa học cho rằng các loài trên hành tinh trái đất đang mất đi ở mức từ 100 đến 1 ngàn lần trung bình trong lịch sử. Đây là thời kỳ tuyệt chủng lớn nhất trên hành tinh trái đất kể từ khi loài khủng long biến mất khỏi mặt đất cách đây 65 triệu năm.


Nếu chúng ta bỏ đi bước đa dạng sinh học, bỏ đi bước mà không đánh giá tác động của thủy điện đối với đa dạng sinh học thì đây là một điều rất sai lầm.

Ô. Nguyễn Huỳnh Thuật

Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới IUCN cho biết có đến gần phân nửa những loài lưỡng cư, một phần tư các loài động vật có vú, một phần năm các loài cây và 13% các loài chim trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về tình hình an ninh lương thực cho thấy tình trạng đánh bắt cá quá mức đang làm hại cho cơ sở sinh thái của ngành đánh cá toàn cầu. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc nói rõ là hơn 53% nguồn hải sản toàn cầu đã bị khai thác hết.

Những sinh cảnh như các rạn san hô, rừng ngập mặn ven biển bị biến mất ở mức độ báo động. Chỉ riêng trong một thập niên qua, ít nhất 40% các rạn san hô và 35% rừng ngập mặn bị phá hủy hay xuống cấp.

Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay với hiện tượng ấm nóng toàn cầu thì chất lượng nước ven bờ cũng bị suy thoái, và mức độ acid trong nước đại dương tăng cao tác động mạnh đến các loài sinh vật biển.

Trên cạn thì những khu vực đất ngập nước đang bị mất dần hay suy thoái do tình hình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và nông nghiệp không bền vững. Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế, IUCN, cho biết sự gia tăng dân số dẫn đến tình trạng hủy hoại sáu triệu héc ta rừng nguyên sinh mỗi năm kể từ năm 2006 đến nay.

Tình hình suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam được chuyên gia Nguyễn Huỳnh Thuật hiện làm việc tại Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết như sau:

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và các nhà khoa học đến nghiên cứu Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 01-06-2011. Hình do ông cung cấp.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và các nhà khoa học đến nghiên cứu Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 01-06-2011. Hình do ông cung cấp.
“Ở tại Cát Tiên việc tê giác ra đi, rồi việc một đàn voi hồi năm 2009 khi ở Nhật tôi về nước quay phim, chụp ảnh được 13 con, thì nay 7 con đã ra đi vĩnh viễn, tức chết rồi. Đó là một sự thật rất đau lòng.

Rất nhiều vấn đề… ví dụ vừa rồi bò tót cũng bị giết hại tại Cát Tiên. Vấn đề đa dạng sinh học có đa dạng hệ sinh thái, đa đạng về loài và đa dạng về nguồn gien. Như vậy, đa dạng hệ sinh thái tại Cát Tiên sắp tới đây bị hai thủy điện hủy diệt. Bởi vì hệ sinh thái gọi là rừng nghèo kiệt trong biên bản thẩm định. Thực sự rừng nghèo kiệt là một trong năm hệ sinh thái rừng - rừng kín, rừng xanh, rừng nửa rụng lá, rừng tre nứa, lồ ô. Đó là đa dạng sinh học, nhưng trong biên bản thẩm định đó thì  người ta làm theo sự chỉ đạo của chủ đầu tư, tức theo ý của chủ đầu tư. Họ ghi là rừng nghèo kiệt những trong thực tế không phải như vậy.

Nếu chúng ta bỏ đi bước đa dạng sinh học, bỏ đi bước mà không đánh giá tác động của thủy điện đối với đa dạng sinh học thì đây là một điều rất sai lầm. Đa dạng nguồn gien do trí tuệ hữu hạn đâu có thể nghiên cứu kịp thời và biết hết những giá trị của các nguồn gien quí hiếm; nhất là có một số động vật với nguy cơ tuyệt chủng như tê giác, cá sấu Xiêm, bò tót, voi Châu Á, gà sa cổ hung, ngan cánh trắng, chà vá chân nâu.”

Kinh  phí?

Cũng như những hoạt động khác, một trong những điều kiện cần là phải có kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn như mong muốn.

Tại hội nghị Hyderabad, các quốc gia vẫn còn có những bất đồng về nguồn tài trợ để thực thi Nghị định thư Nagoya. Các nước đang phát triển yêu cầu không được lấy lý do khủng hoảng kinh tế thế giới để ngưng đóng góp cho nguồn quĩ cần có. Lập luận của họ ngân sách cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học là nguồn đầu tư cho tương lai.


Các bộ, ngành nhất là Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn họ còn tư duy chưa phù hợp với việc bảo vệ môi trường trong tình hình mới, nhất là vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học.

Ô. Nguyễn Huỳnh Thuật

Các nhà kinh tế môi trường cho rằng phải tính toán cụ thể giá trị của nguồn tài sản tự nhiên ra bằng tiền với hy vọng các chính phủ sẽ đưa chúng vào trong kế hoạch lâu dài cũng như khi cấp phép khai thác tài nguyên.

Hồi năm 1997, các nhà nghiên cứu đã cố gắng đưa ra một con số cụ thể về giá trị sinh quyển trái đất; họ cho rằng hệ sinh thái có những đóng góp vô hình hằng năm chừng 33 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là ai phải chi trả và trả bằng cách nào cho những khoản kinh phí lớn lao để bảo tồn đa dạng sinh học trái đất? Một số vấn đề được đặt ra là có nên đánh thuế hay không? Có phí bảo tồn? Có phải chi trả cho những dịch vụ mà thiên nhiên đến lúc này vẫn cho không con người? Có cần phải có một thị trường đa dạng sinh học như là thị trường về chứng chỉ carbon nhằm có những biện pháp giúp giảm thiểu hoạt động phát thải gây hại cho môi trường?

Có ý kiến cho rằng dù theo cách thức nào đi nữa, cũng cần phải có những qui định là hiệu lực thi hành để đạt được hiệu quả có ý nghĩa.

Thông tin cho biết, tại hội nghị Hyderabad đạt được đồng thuận trong việc xác định mục tiêu tài trợ. Theo đó thì từ đây đến năm 2015 sẽ tăng gấp đôi các hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại những quốc gia đang phát triển.

Thực tế Việt Nam

Một chuyên gia về môi trường từng làm việc cho tổ chức WWF tại Việt Nam, ông Lê Khắc Côi cho biết bước thực hiện cần có để có thể đạt được những yêu cầu trong bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam:

“Ví dụ Bộ Tiêu chuẩn của IFC quốc tế nói rất rõ tại nguyên tắc sáu bảo vệ môi trường và nguyên tắc 9 bảo vệ rừng có giá trị cao. Thực chất đó là bảo vệ đa dạng sinh học. Nhưng để làm được việc này thì đầu tiên phải làm cái đánh giá đa dạng sinh học và đánh giá tác động môi trường và đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao. Có nghĩa là những tổ chức, những chủ rừng mà được chứng chỉ thực chất họ phải làm nghiêm chỉnh thì mới được. Bởi vì họ phải qua một tổ chức quốc tế đến đánh giá như Smart Wood, Woodmart, ví dụ GF3 của Đức… Đối với những chủ rừng được chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì bắt buộc phải đảm bảo những yêu cầu về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.”

Ở Việt Nam, chủ trương đường lối trong hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học đều đã có; nhưng giữa chính sách và thực thi vẫn còn khoảng cách như nhận định của chuyên gia Nguyễn Huỳnh Thuật sau đây:

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật hướng dẫn các bạn trẻ tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 16-01-2011. Hình do ông cung cấp.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật hướng dẫn các bạn trẻ tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 16-01-2011. Hình do ông cung cấp.
“Thực sự Bộ Chính trị của Việt Nam có nghị quyết bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới. Tuy Bộ Chính trị có chỉ đạo như vậy nhưng thực tế diễn ra không được như vậy. Các bộ, ngành nhất là Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn họ còn tư duy chưa phù hợp với việc bảo vệ môi trường trong tình hình mới, nhất là vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học. Ví dụ như công văn 228, ngày 26 tháng 2 năm 2012 để nghị thủ tướng chuyển đổi 137 héc ta rừng đặc dụng. Thứ nhất công văn đó vi phạm Luật Đa Dạng Sinh học; thứ hai nó vượt thẩm quyền theo nghị quyết 49 Quốc hội. Một bộ chủ quản như Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn mà làm việc đó là hết sức nguy hiểm. Do đó tôi có đề nghị trong thời gian tới sẽ tham mưu cho chính phủ, quốc hội để điều chính những luật chưa phù hợp và có những chính sách quyết liệt hơn với đề nghị ban thanh tra quốc hội kiểm tra, kiểm điểm những đơn vị tham mưu chưa chuẩn cho chính phủ - nhà nước.

Tôi muốn khẳng định, tại Việt Nam Bộ Chính trị đã có quyết tâm mạnh rồi nhưng chính sách thực thế, điều luật và con người thực hiện thực tế vẫn chưa quan tâm và triệt để; nên cần phải có quyết tâm cao hơn nữa và trong nhận thức của cán bộ.”

Có thể nói Việt Nam là một quốc gia có đa dạng sinh học phong phú với nhiều loài động, thực vật khác nhau trên những địa hình cũng đa dạng. Chuyên gia Nguyễn Huỳnh Thuật, người từng làm việc với các đoàn chuyên gia nước ngoài đến tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên nhắc lại những đánh giá của đồng nghiệp ngoại quốc như sau:


Để làm được việc này thì đầu tiên phải làm cái đánh giá đa dạng sinh học và đánh giá tác động môi trường và đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao.

Ô. Lê Khắc Côi

“Mức độ đa dạng sinh học hiện nay của Việt Nam theo các chuyên gia mà tôi cùng làm việc với của IUCN, UNESCO, SIFOR- Trung tâm Nghiên cứu Lâm Nghiệp Thế giới, họ đánh giá Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới; đặc biệt Việt Nam là một nước trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ đa dạng sinh học rất cao. Cụ thể có một số loài đặc hữu mà chỉ có xuất hiện ở Việt Nam. Ví dụ như loài chà vá-con chà và chân nâu hoặc là chà vá chân trắng, rồi bò tót, bò xám, voi Châu Á, hổ, tê giác Việt Nam, gà sa cổ hung, cá sấu xiêm. Những loài đó chỉ có duy nhất ở Việt Nam và tại khu vực đông nam bộ của Vườn Quốc gia Cát Tiên mới có, không nơi nào có. Chính vì điều đó mà mà họ đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm nóng đa dạng sinh học. Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong 200 lá phổi - 200 khu dự trữ sinh quyển trên thế giới.”

Chính sự đa dạng sinh học của Việt Nam đã thu hút nhiều đơn vị nghiên cứu của các nước khác đến hợp tác trong lĩnh vực môi trường và cụ thể tại Vườn Quốc gia Cát Tiên qua lời trình bày của chuyên gia Nguyễn Huỳnh Thuật sau đây:

“Họ có phối hợp với vườn quốc gia Cát Tiên, có những nghiên cứu ví dụ như phối hợp các chuyên gia Đại học Darwin bên Úc, cùng với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Thế giới có dự án gọi là ‘Trade-off’- nghịa là chúng ta tính mô hình đưa những dữ liệu ban đầu vào để đưa ra những mô hình phát triển bền vững lâu dài chẳng hạn việc làm thủy điện có lợi hay không, vì sao không nên làm thủy điện, và làm thủy điện có lợi kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài mất mát đa dạng sinh học, hại về môi trường. Mô hình cho thấy biểu đồ đi xuống; tức trước mắt thấy lợi ích kinh tế nhưng về lâu dài thì những mất mát khác đi kèm theo rất lớn, đô thị và phát triển sẽ đi xuống. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên làm thủy điện, chúng ta không nên phát triển những cơ sở hạ tầng bên trong vùng lõi của rừng quốc gia Cát Tiên hay trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Như vậy chúng tôi có những mô hình tính toán cụ thể.”

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.