Ethanol tại Việt Nam
Xăng sinh học hiểu một cách đơn giản là hỗn hợp của loại xăng thường, tức xăng lâu nay mọi người sử dụng, và cồn sinh học (bio-ethanol). Như ở Việt Nam đó là hổn hợp gồm 95% xăng A92 không chì với 5% ethanol. Người ta sử dụng ký hiệu Ex cho xăng sinh học, theo đó x là phần trăm ethanol nhiên liệu biến tính trong công thức pha xăng sinh học.
Ethanol là nhiên liệu dạng cồn. Nó được sản xuất theo phương pháp lên men và chưng cất các lọai nguyên liệu như nước mía, mật rỉ hay các lọai ngũ cốc chứa tinh bột như sắn, bắp… Lọai cồn này thường được sử dụng cho các lọai động cơ đốt trong, như xe gắn máy, xe ô tô…
Ethanol có trị số octan cao đến 109, nên khi pha vào xăng truyền thống sẽ giúp gia tăng trị số octan cho hỗn hợp nhiên liệu và nâng cao hiệu suất cháy, tỷ số nén cao hơn giúp tiết kiệm nhiên liệu, công suất và moment xoắn tốt hơn, giúp động cơ phương tiện sử dụng lọai nhiên liệu đó vận hành êm hơn.
Tại Việt Nam, Tập đòan Dầu khí Quốc gia giới thiệu xăng sinh học E5 với thị trường hồi tháng 9 năm 2008. Tuy nhiên đến cuối tháng 7 năm ngóai mới đuợc chính thức lưu hành trở lại, vì sau lần giới thiệu đầu tiên, Bộ Công Thương Việt Nam ra lệnh tạm đình chỉ với lý do chưa có qui chuẩn về mặt hàng đó.

Lần đưa sản phẩm xăng sinh học trở lại hồi tháng bảy năm ngóai, Petro Vietnam cho biết khởi sự có 20 điểm bán lọai xăng này tại năm thành phố lớn là Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Hải Phòng và Hải Dương. Dự kiến vào sang năm Petro Vietnam sẽ mở rộng bán xăng sinh học ra cả nước.
Một trong những họat động nhằm quảng bá cho lọai xăng sinh học E5, nhân dịp ra mắt sản phẩm này tại Hà Nội hồi năm ngóai, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí ký với Hiệp hội Taxi Hà Nội thỏa thuận cung cấp lọai xăng này cho 50 xe taxi của Hiệp hội.
Điều này được tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên Nhiên Việt Nam, ghi nhận. Tuy nhiên gần một năm sau khi lọai xăng sinh học được đưa vào lưu thông phân phối, ông này vẫn thừa nhận chưa có nhiều thông tin để có thể nói về lọai nhiên liệu giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giúp tiết kiệm phần nào cho người tiêu dùng này. Ngòai ra, là một nguời tham gia công tác bảo vệ môi sinh tại Việt Nam nên ông đi xe búyt thay vì sử dụng xe cá nhân. Ông chia sẻ:"Ở Hà Nội, theo tôi biết thì tất cả các xe ô tô của Petro Vietnam đều dùng xăng sinh học. Đôi khi tôi bắt gặp người ta quảng cáo như một thương hiệu, thế thôi. Chúng tôi chủ động muốn thực hiện ngày không khói xe. Ở Việt Nam chưa thấy gì cả, chỉ theo kinh nghiệm bên ngòai thôi. Tôi đi xe búyt chứ không đi xe riêng, nói chung mọi phương thức thân thiện môi trường đều nên khuyến khích, nên ủng hộ cả"
Xúc tiến sản xuất
Sau một thời gian sản phẩm xăng sinh học được đưa vào lưu thông, người tiêu dùng vẫn chưa đón nhận một cách tích cực. Tíến sĩ Hồ Sơn Lâm, giám đốc Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng , thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu ra lý do:"Nói chung nhân dân không được giáo dục cẩn thận cho lắm về việc sử dụng nhiên liệu xăng sinh học; cho nên sự hồ hởi tiếp nhận không được như ý. Điều thứ hai nữa giá vẫn còn cao so với đồng lương của nguời Việt Nam. Giá chỉ thấp hơn so với xăng thường 500 đồng thôi. Từ đó nguời ta chưa quan tâm cho lắm"
Một người tiêu dùng ở khu vực Sài Gòn cũng có nhận xét tương tự:
"Xăng đó được bán nhưng không thông dụng, phổ biến lắm. Do thấp hơn xăng thường khỏang 600 đồng nên không ai quan tâm, ít xài. Thường nguời ta quen xài xăng thường rồi"
Cùng với họat động đưa sản phẩm xăng sinh học trở lại thị trường, cuối tháng 8 năm ngóai đã diễn ra buổi ký kết hợp đồng trọn gói thiết kế và cung cấp thiết bị (EPC) trị giá 60 triệu đô là Mỹ cho nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol tại khu Kinh tế Dung Quất.
Các đối tác gồm Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là tổng thầu hợp tác, liên danh với Công ty Alfa Lavral của Ấn Độ mời nhà thầu phụ Delta-T của Hoa Kỳ cung cấp bản quyền, công nghệ, thiết kế, mua sắm, xây dựng, chạy thử và bàn giao nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất.
Theo kế họach, nhà máy được xây dựng trên diện tích 24 héc ta, công suất thiết kế 100 triệu lít cồn nhiên liệu một năm. Ngòai ra nhà máy còn sản xuất ra những sản phẩm phụ khác như cồn công nghiệp, chất độn thức ăn gia súc. Nguyên liệu chính của nhà máy là sắn lát, với nhu cầu dự tóan chừng 240 ngàn tấn một năm.
Tại tỉnh Phú Thọ ở miền Bắc, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí cũng có nhà máy sản xuất cồn sinh học đầu tiên cho khu vực phía bắc. Công suất của nhà máy được cho biết là 100 ngàn mét khối ethanol một năm, và nguyên liệu chính cũng là sắn và mía đường.
Ông Đỗ Huy Định, giám đốc Công ty Cổ phần Phụ gia và Sản phẩm Dầu Khí, cho biết một số thông tin về các nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học ở Việt Nam, đồng thời đánh giá về lọai sản phẩm xăng sinh học E5 được đưa ra lưu hành trên thị trường trong nước:"Petro Vietnam đầu tư ba nhà máy làm cồn xăng từ sắn với tổng công suất khỏang 300 ngàn tấn/năm. Có thể đến năm 2012 có cồn xăng, tuy nhiên hiện nay đã pha E5, gồm 5% cồn xăng đã chạy thử rồi và Nhà Nuớc đã chính thức cho Petro Vietnam bán thử nghiệm ở một số đô thị miền Trung, Nam, Bắc, với mục đích để tiếp tục theo dõi. Theo tôi về vấn đề kỹ thuật không có vấn đề gì, chỉ có khó khăn là nguồn nguyên liệu để làm cồn: nếu đi từ sắn, tinh bột nhiều quá cũng không hay. Còn từ các lọai biomass thì có một dự án nhập từ nước ngòai về để làm bhutanol chứ không phải ethanol. Theo tôi đánh giá làm ethanol tại Việt Nam không có gì khó, chỉ có làm biodiesel thì có khó khăn vì nguyên liệu phân tán. Tôi có đề xuất sử dụng tảo để làm ethanol vì có thể dùng tảo biển hay công nghiệp và CO2… Đây liên quan đến công nghệ mới không dùng các nguyên liệu làm lương thực thực phẩm"
Tiềm năng và hạn chế
Giới làm khoa học tại Việt Nam đều thừa nhận tiềm năng lớn cho việc phát triển lọai xăng sinh học tại Việt Nam, Tuy nhiên cần phải khắc phục các hạn chế ở trong nước như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Thị Bình, thuộc khoa hóa dầu, Đại học Bách Khoa Hà Nội sau đây:"Đó là một lĩnh vực rất có triển vọng. Bây giờ trên thế giới cũng như ở Việt Nam phát triển nó rất cần thiết. Vấn đề là người sử dụng phải có ý thức, hiểu được xăng sinh học. Còn người kinh doanh phải có sự giám sát của các ban ngành có trách nhiệm. Lý do là xăng sinh học mà dính một chút nước thôi sẽ không được như mong muốn rồi. Trong khi đó Việt Nam ở vùng nhiệt đới, không khí ẩm nhiều, mưa nhiều, bất thường. Ethanol pha vào phải khan hòan tòan, và bảo quản không để hơi nước lẫn vào"
Tíến sĩ Hồ Sơn Lâm, giám đốc Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng , thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng đưa ra những nhận định về họat động sản xuất, tiềm năng của họat động này tại Việt Nam: "Khả năng sản xuất cồn trong nuớc đã dư cho công tác pha trong nước rồi. Vì chủ trương chưa đồng bộ, mới pha

thử nghiệm thôi, nên sản xuất thừa, mang đi xuất khẩu. Việc sản xuất cồn từ sắn, bã mía hay mía người ta vẫn đang làm . Hiện Nhà Nước cũng cho sản xuất ethanol từ các lọai cellulose nên trong tương lai dự kiến sẽ có một vài dây chuyền nhập từ nước ngòai vào. Tôi nghĩ việc sản xuất xăng sinh học tại Việt Nam không có khó khăn gì. Vấn đề hiện nay là chưa có chủ trương cụ thể, chưa đẩy mạnh nên chưa được ứng dụng một cách rộng rãi thôi. Chậm vì người ta có kế họach chậm như thế rồi. Giờ không biết làm thế nào.
Viện Chính sách Môi trường Châu Âu, IEEP, hồi năm ngóai đưa ra đánh giá gây ngạc nhiên cho những nguời cổ xúy cho xăng sinh học trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. IEEP đưa ra báo cáo nói nhiên liệu sinh học không giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà ngược lại.
Theo phân tích của IEEP, thì Châu Âu phải phát quang từ 4,1 đến 6,9 triệu héc ta đất để trồng các lọai cây cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học; lúc đó mới đủ đáp ứng nhu cầu. Khi các khu rừng bị đốn hạ, các đồng cỏ bị cày lên và khí carbon thải ra bị giữ lại trong đất và cây cỏ. Nếu làm thế thì lượng khí carbon thải ra sẽ gấp đôi lượng khí do các xe chạy xăng thải ra"
Ngòai ra còn có cảnh báo lâu nay cho rằng do sử dụng các lọai ngũ cốc có tinh bột để làm nguyên liệu sản xuất ethanol nên giá cả của chúng gia tăng. Điều đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực trên tòan thế giới; nhất là ở các quốc gia đang phát triển.
Quyết định tiến hành
Tại Việt Nam, 'Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn năm 2025' đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt hồi tháng 11 năm 2007. Một thành viên của Văn phòng Ban điều hành đề án vừa nói là tiến sĩ Lê Việt Nga từng cho biết các tỉnh miền Trung của Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các lọai cây sản xuất nhiên liệu sinh học. Ts Lê Việt Nga nói rằng các tỉnh miền Trung, đặc biệt Phú Yên, còn một số lớn diện tích đất nông nghiệp đồi núi cằn cỗi có thể phát triển những lọai cây như cao lương ngọt, cây Jatropha… để làm nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Tuy nhiên có ý kiến nhắc nhở cần phải cân đối giữa các yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rồi việc phát triển vùng nguyên liệu phải bảo đảm đầu ra cho người nông dân… Quy trình sản xuất cũng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi sinh.
Theo đánh giá lâu nay Việt Nam chủ yếu sản xuất cồn sinh học ethanol từ rỉ mía đường. Công suất chừng từ 15000 đến 30 ngàn lít mỗi ngày do phần lớn là các nhà máy đường cùng hằng trăm cơ sở sản xuất có qui mô nhỏ lẻ làm ra. Công nghệ sản xuất cũ lạc hậu, nguyên liệu thiếu ổn định.
Mục tiêu Việt Nam đề ra là đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật sản xuất ra đạt 250 ngàn tấn, Lượng này có thể pha đuợc 5 triệu tấn xăng sinh học E5 và B5; đáp ứng 1% nhu cầu xăng pha dầu. Đến năm 2025 sản lượng ethanol và dầu thực vật lên đến 1,8 triệu tấn, đáp ứng 5% nhu cầu.
Chính phủ Việt Nam có những biện pháp khuyến khích sản xuất xăng sinh học với chính sách như kể từ đầu năm tới trừ ethanol, các lọai xăng, phải chịu mức thuế bảo vệ môi trường từ 1000 đến 4000 đồng một lít. Đây là qui định trong Luật Thuế Bảo vệ Môi truờng do Quốc hội VN thông qua hồi tháng 11 năm ngóai.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.