Tác dụng và các thế mạnh của cây dừa

0:00 / 0:00

Trong quá trình ứng phó với hiện tượng ấm nóng toàn cầu khiến khí hậu Trái đất thay đổi, nước biển dâng lên dẫn đến những bất lợi trong sinh hoạt và sản xuất, con người đang tận dụng những loại thực vật trong tự nhiên giúp giảm thiểu những tác động bất lợi như thế.
Một trong những loại cây được đề cập đến là cây dừa tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này mời quí thính giả cùng theo dõi một số thông tin liên quan tác dụng đó của cây dừa cũng như các thế mạnh khác của nó đang được khai thác ở Việt Nam thế nào.

Dừa trong tình hình biến đổi khí hậu

Những quốc gia ven biển như Việt Nam được cảnh báo khi nước biển dâng lên thì nhiều vùng đất thấp sẽ bị ngập. Ngoài những biện pháp công trình như xây đê biển, người ta nói nhiều đến biện pháp phi công trình là trồng những loại cây chắn sóng, giữ đất như đước, phi lao.
Dừa cũng là một trong những loại cây được đánh giá có thể góp phần chống chịu khi xảy ra những hiện tượng thay đổi bất lợi như thế. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết sơ lược về chủ trương và chính sách của Việt Nam trong vấn đề này:

“Hiện nay chúng ta đang lo về vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt trong những cây trồng khác như cây lúa. Chúng ta cũng xem năng suất và sản lượng gắn kết với tăng cường sự chống chịu đối với độ mặn, độ ngập… Tuy nhiên cây dừa có được lợi thế nằm được ở các vùng ven biển và chịu được độ mặn khá cao dưới 8 phần ngàn… Tôi nghĩ những tỉnh ở vùng ven biển và đặc biệt chính sách của Nhà Nước cũng chú trọng đến việc phát triển ngành dừa.

Cây dừa là một trong những cây mà một trong những điều mà chúng ta cũng nhắm đến là an ninh lương thực, thứ hai nữa cây dừa là cây có thể chống chịu với biến đổi khí hậu rất tốt

TS Phạm Văn Dư

“Cây dừa là một trong những cây mà một trong những điều mà chúng ta cũng nhắm đến là an ninh lương thực, thứ hai nữa cây dừa là cây có thể chống chịu với biến đổi khí hậu rất tốt. Đặc biệt trong thời gian gần đây các nước trong khu vực có đụng chạm đến vấn đề này, đặc biệt là Việt Nam. Thứ ba, cây dừa cũng là cây góp phần xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập thêm cho bà con nông dân, đặc biệt là những cây dừa trồng xen những cây trồng khác mang lại lợi nhuận tương đối khá tốt.

Từ cái mộng dừa đó sẽ mọc ra những cây con. Files photos
Từ cái mộng dừa đó sẽ mọc ra những cây con. Files photos (Files photos)

Một nông dân trồng dừa ở Bến Tre suốt gần cả đời người, ông Đỗ Thành Thưởng, nói đến việc được thông tin cho biết về tình hình biến đổi khí hậu và giá trị của cây dừa trong lĩnh vực này; tuy nhiên ông đưa ra so sánh giữa Việt Nam với một số nước khác:
Nói chung người ta biết nhưng khó thế này: các nước người ta trồng dừa ở đồi cao, còn Đồng bằng Sông Cửu Long nếu không đắp đê ngăn mặn mà nước dâng lên một thước sẽ ngập làm dừa chết sao sống nổi. Ở các nước, người ta nâng những đồi gần biển, nhưng cao nên họ trồng tốt vì nước không ngập được. Còn Đồng bằng Sông Cửu Long nếu không đắp đê bên ngoài thì dừa chết chứ làm sao sống!

Từ Phú Yên, một tỉnh trung bộ Việt Nam, doanh nhân Phạm Hồng Bảo chuyên sản xuất những sản phẩm từ cây dừa nói đến tác dụng của loại cây này khi trồng ở vùng ven biển:

Trồng dừa ở vùng biển có những lợi thế giữ được đất tránh bị bồi hay lở; gió bão cũng ngăn được phần nào đó. Nói chung dừa trồng ven biển rất tốt

Ông Phạm Hồng Bảo

Trồng dừa ở vùng biển có những lợi thế giữ được đất tránh bị bồi hay lở; gió bão cũng ngăn được phần nào đó. Nói chung dừa trồng ven biển rất tốt.

Dừa- ‘Cây sự sống’

Ngoài một số khả năng chống chịu được độ mặn, xâm thực như vừa nêu, cây dừa lâu nay còn cung cấp cho con người nguồn nước uống đặc biệt cũng như cơm dừa giàu chất dinh dưỡng.
Tiến sĩ Phạm Văn Dư hồi cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa rồi đến Bangkok dự hội thảo ba ngày về cây dừa khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, phát biểu về loại cây này tại Việt nam lâu nay như sau:
Các giống dừa tại Việt Nam trong thời gian gần đây nhìn chung có 2 nhóm giống: một là nhóm giống cây cao và một là nhóm giống dừa lùn. Gần đây bà con nông dân và thị trường ưa chuộng giống dừa lùn vì cho năng suất cao. Hiện nay mình đang nhắm tới thừa hưởng một số giống dừa nội hiện phát triển tốt. Bên cạnh đó mình cũng có một số giống dừa sáp, dừa dứa… Đó là những giống mà tôi cho rằng cần phải phát triển khá mạnh để mang lại thu nhập lớn trong tương lai.

Thu hoạch dừa ở Bến Tre. Courtesy xaluan.com
Thu hoạch dừa ở Bến Tre. Courtesy xaluan.com (Courtesy xaluan.com)

Thực tế cây dừa tại Việt Nam

Dù được đánh giá cao như trong phát biểu của tiến sĩ Phạm Văn Dư, nhưng theo người nông dân gắn bó với cây dừa suốt cả cuộc đời như ông Đỗ Thành Thưởng thì cây dừa tại Việt Nam vẫn chưa được công nhận xứng tầm giá trị của nó. Ông trình bày:
Về khoa học- kỹ thuật phát triển nhiều; nhưng đối với ngành dừa chưa được phát triển lắm. Tại sao như thế? Lý do vì nó chưa được Nhà nước công nhận là cây công nghiệp, rồi có hỗ trợ…Ví dụ hiện nay cây tiêu, cây điều là cây công nghiệp quốc gia, còn cây dừa chưa được. Dừa được người ta nói là 'cây sự sống' mà chưa được Nhà nước công nhận là cây quốc gia, chưa đưa vào danh mục 'cây quốc gia' nên cây dừa bị thiệt thòi nhiều lắm!

Hiện nay cây tiêu, cây điều là cây công nghiệp quốc gia, còn cây dừa chưa được. Dừa được người ta nói là 'cây sự sống' mà chưa được Nhà nước công nhận là cây quốc gia, chưa đưa vào danh mục 'cây quốc gia' nên cây dừa bị thiệt thòi nhiều lắm!

ông Đỗ Thành Thưởng

Tiến sĩ Phạm Văn Dư tỏ ra lạc quan hơn khi ông cho rằng mọi sản phẩm làm từ cây dừa của Việt Nam lâu nay đều được tiêu thụ trong nước và dành xuất khẩu:

Hiện có những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu tốt là sản phẩm xơ dừa, thứ hai là sản phẩm cơm dừa, thứ ba là cơm sấy khô… Đó là những sản phẩm mà Việt Nam có thị trường tương đối khá tốt. Nhìn chung tất cả những sản phẩm còn lại kể cả chế biến thủ công mà bà con nông dân và nghệ nhân khéo tay có thể chế biến ra những sản phẩm từ cây dừa, ngành này cũng phát triển rất tốt. Hiện nay trong những ngành trồng trọt khác mà chất nền từ cây dừa phải nói hiện nay rất hiếm hoi, hầu như không đủ để cung cấp cho các ngành như trồng lan, trồng nấm, trồng rau màu sạch. Việc chế biến là sử dụng hết cây dừa. Đây là điều cần học các nước trong khu vực, đặt biệt là những tỉnh có lợi thế như những tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và ven biển miền Trung. Đây là những nơi thường bị xâm nhập mặn và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên chúng ta phải nhắm đến để giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân trong thời gian tới.”

Dừa nước Cà Mau. Courtesy vtvbcantho
Dừa nước Cà Mau. Courtesy vtvbcantho (Courtesy vtvbcantho)

Doanh nhân Phạm Hồng Bảo ở Phú Yên thì cho hay do tình hình kinh tế thế giới khó khăn trong thời gian qua, hoạt động của doanh nghiệp phải giảm một nửa và vì thế việc thu mua sản phẩm cho nông dân cũng bị giảm theo.
Ông nói:
Mình giảm 50% thì nông dân cũng phải giảm; tuy nhiên giá trị vẫn giữ, chỉ giảm số lượng thôi. Ví dụ trước đây thua 100 trái thì nay còn 50-60 trái. Các phụ phẩm của dừa đều thu mua hết: tàu dừa, thân dừa, xơ trái dừa sau khi lột ra dùng làm dây dừa. Nói chung tất cả cây dừa đều sử dụng hết. Nếu nền kinh tế phát triển mạnh, mình phát triển tốt thì người nông dân sẽ trồng thêm.
Cũng như lúa hay những loại cây trái khác, giá cả sản phẩm do nông dân Việt Nam làm ra hiện nay không đem lại lợi nhuận tương thích cho họ khiến nhiều người phải lao đao mỗi khi được mùa. Vào thời điểm hiện nay, theo ông Đỗ Thành Thưởng, mỗi quày dừa xiêm 20 trái ông bán chỉ chừng 20 ngàn đồng mà thôi.

Tuy vậy, có thể nói toàn bộ cây dừa đều có thể tận dụng phục vụ cho con người.
Ông Đỗ Thành Thưởng cho biết giá trị thương phẩm của thân những cây dừa già cỗi không còn cho ra trái nữa:
Cây cũ mà cao thẳng thì bán làm 'sào đáy', còn cây khác không được thế thì bán làm việc khác, vì không phải cây nào cũng có thể bán làm 'sào đáy' được. Mỗi cây đắt khoảng từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng. Cây khô cũng có thể chụm.
Doanh nhân Phạm Hồng Bảo cũng thông tin về sản phẩm thân dừa:
Cây 40 năm trở nên rất cứng.

Thái Lan, Indonesia là những nước có ngành dừa phát triển rất mạnh: đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa, cũng như tập trung kỹ thuật trồng cho năng suất, sản lượng cao…phối hợp với nghiên cứu sâu chuỗi giá trị đưa ra giá trị gia tăng. Tất cả những điều đó chúng ta cần phải học tập

TS Phạm Văn Dư

Hướng ra

Với tư cách một nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực trồng trọt, tiến sĩ Phạm Văn Dư đưa ra ý kiến về hướng phát triển cây dừa tại Việt Nam như sau:
Định hướng trong tương lai, chúng ta cũng tiến đến phát triển dừa sạch, dừa hữu cơ… gắn với các doanh nghiệp. Tôi cho rằng việc gắn với các doanh nghiệp từ đây và trong tương lai phải gắn chặt chẽ với bà con nông dân, ví dụ như làm 'cánh đồng dừa mẫu lớn'… để có vùng nguyên liệu lớn giúp cho sản xuất tương đối ổn định; như vậy bà con nông dân sẽ được thu lợi; và doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với bà con nông dân. Theo tôi đó là mô hình phát triển khá bền vững đối với cây dừa trong tương lai mà chúng ta nhắm đến, phải tổ chức cho thật tốt.
Cách đây vài năm khả năng tận dụng đặc biệt sản phẩm từ cây dừa làm chất liệu sử dụng cho phân bón, chất nền cho những cây trồng khác thường chúng ta bỏ hay đổ… Gần đây thị trường thế giới đã nhắm tới, đặc biệt cho xuất khẩu nên tôi cho rằng không có sản phẩm nào từ cây dừa mà bị hủy bỏ cả. Do vậy đây là hướng tốt để tận dụng, đặc biệt là củng cố thêm những trang thiết bị chế biến cây dừa, đồng thời có chính sách phù hợp để đẩy mạnh cây dừa.

Hiện nay Bến Tre là một trong những vùng mà chúng ta phát triển dừa rất mạnh với chừng 50 ngàn héc ta trên 1500 ngàn héc ta của cả nước. Trong 10 năm qua chúng ta trồng được từ 18 đến 20 ngàn héc ta. Những tỉnh ven biển nên chú ý xây dựng những vùng dừa chuyên canh, năng suất cao và cần sự hỗ trợ của ACPP- Hiệp hội Dừa Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương để tranh thủ kể cả giống, kỹ thuật kể cả nguồn tài trợ để có thể phát triển cây dừa của VN song song với sự phát triển của quốc tế.
Đặc biệt, tôi thấy Thái Lan, Indonesia là những nước có ngành dừa phát triển rất mạnh: đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa, cũng như tập trung kỹ thuật trồng cho năng suất, sản lượng cao… phối hợp với nghiên cứu sâu chuỗi giá trị đưa ra giá trị gia tăng. Tất cả những điều đó chúng ta cần phải học tập.

Thống kê cho thấy khu vực Châu Á- Thái Bình Dương chiếm đến gần 85% sản lượng dừa toàn thế giới. Tuy nhiên cây dừa ở khu vực này quá già cỗi không thể có đủ năng suất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh chóng của thị trường thế giới. Số dừa già cỗi này cần phải được thay thế bằng cây mới.

Quan chức chính phủ và chuyên gia ngành dừa đều đồng ý cần phải có biện pháp chung trong khu vực để giúp vực dậy ngành phát triển dừa nhằm vừa mang lại giá trị kinh tế cho các nước, vừa giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Mục Khoa học Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Gia Minh chào tạm biệt.