Vườn quốc gia Tràm Chim - Tam Nông
2013.02.24
Sau khi được công nhận danh hiệu Ramsar, Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông đang có những nỗ lực thế nào để giữ được những tiêu chí của một khu đất ngập nước như thế tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long?
Sếu đầu đỏ
Một trong những nét đặc trưng của Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông tại tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam đó là một trong những nơi loài sếu đầu đỏ quí hiếm tụ về.
Nhiều người mong được đến khu này để ngắm nhìn loài sếu đầu đỏ đó cũng như các loài chim khác như một người dân sinh sống tại khu vực tiếp giáp với vườn cho biết sinh hoạt thường xuyên của bản thân như sau:
“Quê em mà, rất đẹp. Chiều sếu đầu đỏ đi ăn xong bay về đó, ngày nào cũng có hết. Nhà ở gần đó nên tới mùa nước chạy lên gặt lúa ma về ăn…”
Tuy vậy có đánh giá là trong thời gian gần đây sếu đầu đỏ bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim ít hẳn đi. Thống kê nói hồi năm 1988, chừng 70% trong số chừng 1500 sếu đầu đỏ trên thế giới bay về đó; nhưng gần đây chỉ còn chừng 50 - 60 con mà thôi.
Đối với hiện tượng sếu đầu đỏ giảm, ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Vườn Quốc gia Tràm chim Tam Nông, Đồng Tháp giải thích:
Quê em mà, rất đẹp. Chiều sếu đầu đỏ đi ăn xong bay về đó, ngày nào cũng có hết.
Một người dân
“Có nhiều nguyên nhân chứ không phải một nguyên nhân đâu. Một nguyên nhân mà ‘mắt thấy tai nghe được’ ví dụ như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho lượng nước năm 2011 vừa rồi cao bất thường hơn nhiều năm, từ đó khiến một số loài thực vật chết đi như cây cỏ năng. Đây là thức ăn của chim sếu, cỏ năng ít đi thì sếu về ít.”
Điều này cũng được một chuyên gia nghiên cứu về các loài chim ở Việt Nam là thạc sĩ Phùng Bá Thịnh, Viện Sinh học Nhiệt đới chia sẻ:
“Cái đó có liên quan đến yếu tố môi trường, ví dụ năm 2011 mực nước cao so với những năm khác nên đó cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến chim di cư. Rõ nhất tại Đồng Tháp, vào tháng 1 tháng 2, thành phần loài chim di cư về ít, như thế lũ ảnh hưởng đến sự di cư của chim.”
Theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Hùng, trong khi loài sếu đầu đỏ về ít đi do những yếu tố khách quan như vừa nêu, thì có một số loài khác lại về nhiều hơn trong thời gian qua, ông cho biết:
“Trong những năm gần đây thì có một số loài cò về nhiều, như con cò ốc. Loài này trước đây trong vùng này không có nhưng nay lên cả một vài ngàn con thuộc loại quí hiếm này. Hay là một loài chim khác mà trước đây cũng không nhiều… Cho nên theo tôi thì chuyện chim tăng giảm là bình thường thôi.”
Du Lịch Sinh Thái
Vườn Quốc gia Tràm Chim lâu nay tiến hành một hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân là được đến xem các loài chim, nhất là sếu đầu đỏ, cũng như được sống trong môi trường sông nước tự nhiên của vườn, đó là du lịch sinh thái.
Hẳn nhiên sinh hoạt này của con người cũng có tác động nhất định đến vườn. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thực tế của hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Tràm Chim và cách thức giúp giảm thiểu tác động đến môi trường:
“Tất cả mọi hoạt động của con người đều có ảnh hưởng đến thiên nhiên; tuy nhiên tùy theo mức độ nhiều hay ít thôi. Chúng tôi có những biện pháp hạn chế việc du khách làm hại đến thiên nhiên. Cụ thể chỉ cho đi tham quan ở những khu nào ít tác động nhất, chứ không phải cho đi tràn lan, muốn đi đâu thì đi.
Một số loài chim lúc đầu nghe tiếng động, tiếng con người chúng cũng ngại nhưng sau một thời gian thì chúng quen đi chứ không có gì nguy hiểm lắm.
Sợ nhất là ô nhiễm bên trong, người ta làm xáo động môi trường như xả rác, thuốc trừ sâu làm chết sinh vật mới đáng ngại.”
Người dân sống gần vườn cho biết tổ chức của vườn để khách đến xem chim, cũng như lực lựơng sống chính trong vườn quốc gia Tràm Chim:
“Vô đó coi chim, muốn ăn cá cũng có. Họ bán đủ đồ hết. Chỉ có cán bộ công nhân viên trực ở tại đó thôi, dân chỉ ở ngoài thôi.”
Vô đó coi chim, muốn ăn cá cũng có. Họ bán đủ đồ hết.
Một người dân
Khách du lịch đến tham quan Tràm Chim, và người dân sống quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng tìm vào vườn để kiếm sống. Nếu không có những biện pháp giúp họ ổn định cuộc sống và hướng dẫn cách khai thác không gây hại cho hệ sinh thái động - thực vật của vườn thì công tác bảo tồn gặp khó khăn và đó là nhiệm vụ của cơ quan chứa năng.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết công tác hỗ trợ cuộc sống người dân sống trong vùng đệm, tức tiếp giáp với Vườn Quốc gia Tràm Chim, để họ có thể cùng chung tay trong hoạt động bảo vệ:
“Mấy năm vừa qua, được sự đồng ý của tỉnh Đồng Tháp, cho chúng tôi thí điểm sử dụng tài nguyên một cách hợp lý. Từ hợp lý ở đây có nghĩa nôm na là làm sao sử dụng mà tài nguyên có thể tái tạo được. Ví dụ cỏ lấy đi thì cỏ khác mọc lại được, rau lấy đi một số rau khác tái tạo lại được. Như thế có nghĩa sử dụng tài nguyên bền vững.
Hiệu quả thứ nhất là người dân có thu nhập tương đối thỏa mãn điều kiện sống tại chỗ, thu nhập đầu người chừng 50 - 70 ngàn mỗi ngày. Chúng tôi đã thành công trong ba năm, sau này có chủ trương nhà nước làm lâu hơn 5 năm. Từng bước như thế, không lẽ chúng tôi lo cho họ mà họ làm hại vườn.
Giúp họ có cuộc sống ổn định. Một khi họ có cuộc sống ổn định rồi thì vận động bảo tồn dễ hơn.”
Ông nói đến qui trình được gọi tên là ‘màng phủ nông nghiệp’ tức sử dụng các loài cỏ dồi dào, có thể tái tạo được tại khu vực để nuôi trâu bò, cũng như phủ đất để trồng các loại cây như kiệu, dưa hấu… Dân chúng cũng được cho phép sử dụng các loại ngư cụ cổ truyền để khai thác các loài thủy sản trong vườn.
Kế hoạch bảo tồn
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, từ khi Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông được công nhận là khu Ramsar với chín tiêu chí đề ra, đơn vị này đã nhận được sự chỉ đạo của tỉnh Đồng Tháp để xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển khu vực. Là người phụ trách ông nhận thấy có những thuận lợi và công tác cần phải thực hiện như sau:
“Khi người ta biết là Ramsar thì sự quan tâm bảo tồn được nâng lên. Trước đây do ít biết nên có hay dở gì người ta cũng không quan tâm. Khi có Ramsar rồi thì người ta quan tâm hơn, chứng tỏ danh tiếng từng bước nâng lên. Cụ thể lãnh đạo chỉ đạo chúng tôi có kế hoạch tốt hơn. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng các dự án đầu tư, phát triển, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, mà ưu tiên là bảo tồn.”
Theo ông Hùng, trong lĩnh vực bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm Chim đang xây dựng dự án bảo tồn từ năm nay cho đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đây là kế hoạch căn cơ dựa trên đó mà thực hiện. Kế hoạch này được tư vấn bởi các chuyên gia về các loài chim.
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng các dự án đầu tư, phát triển, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, mà ưu tiên là bảo tồn.
Ô. Nguyễn Văn Hùng
Vườn quốc gia Tràm chim tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long có diện tích hơn 7300 héc ta. Đây là nơi được đánh giá có sinh cảnh độc đáo bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á, và là một trong 8 vùng chim quan trọng của Việt Nam.
Tại Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông tỉnh Đồng Tháp có hơn 230 loài chim, 130 loài cá, hơn 170 loài thực vật nổi, trên 110 loài động vật đáy và các loài bò sát, lưỡng cư…
Khu vực đuợc công nhận khu Ramsar là nơi đạt chín tiêu chí bảo tồn vùng đất ngập nước theo Công ước Ramsar. Đây là công ước quốc tế về bảo vệ và sử dụng hợp lý, thích đáng các vùng đất ngập nước; ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào vùng đất ngập nước.
Công ước này được lập ra và các nước phê chuẩn tại thành phố Ramsar của Iran hồi ngày 2 tháng 2 năm 1971. Công ước có hiệu lực từ ngày 21 tháng 12 năm 1975.
Tại Việt Nam đến nay có bốn khu được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đó là Vườn quốc gia Xuân Thủy ở tỉnh Nam Định, Bàu Sấu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn, và Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông, Đồng Tháp.