Hội nghị về biến đổi khí hậu trái đất ở Đan Mạch

Chỉ còn một tuần nữa, hội nghị về tình hình biến đổi khí hậu trái đất sẽ khai mạc tại Copenhagen, Đan Mạch.

0:00 / 0:00

Kể từ tháng chín qua, cho đến nay nhiều cuộc gặp giữa các quốc gia, tổ chức đã diễn ra nhằm có thể đạt được đồng thuận cho một thỏa ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto mà sẽ hết hạn vào năm 2012 tới đây.

Vậy các quốc gia đang phát ra lượng khí thải khí gây hiệu ứng trên thế giới có những động thái gì trước cuộc gặp quan trọng tại Copenhagen, Đan Mạch từ ngày 7 đến 18 tháng 12 tới đây?

Đó là đề tài của chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Hoa Kỳ và TQ tiên phong cắt giảm khí thải

Vào ngày thứ năm tuần rồi Trung Quốc chính thức đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide của họ ở mức từ 40 đến 45 % vào năm 2020 so với lượng thải ra hồi năm 2005.

Cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện chiếm đến 40% lượng khí thải carbonic trên toàn cầu, và cam kết mà hai nước đưa ra được giới khoa học môi trường theo dõi rất chặt chẽ.

Công bố vừa nói được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ cũng chính thức cho biết đến năm 2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Hoa Kỳ sẽ được giảm 17% so với mức năm 2005.

Cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện chiếm đến 40% lượng khí thải carbonic trên toàn cầu, và cam kết mà hai nước đưa ra được giới khoa học môi trường theo dõi rất chặt chẽ. Bởi nếu hai quốc gia này không hợp tác tích cực giảm thiểu các loại khí thải như lâu này thì hội nghị Copenhagen vào tháng 12 tới đây khó có thể đạt được thành công như mong đợi.

Viên chức phụ trách Ban thư ký về tình hình biến đổi khí hậu trái đất của Liên Hiệp Quốc, ông Yvo de Boer, cho biết cam kết về mục tiêu cắt giảm khí thải mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra có thể giúp mở ra hai cánh cửa cuối cùng cho một thỏa ước toàn diện mà nhiều người mong đợi thay thế cho Nghị định thư Kyoto về những giới hạn phát thải đối với các quốc gia công nghiệp phát triển mà sẽ hết thời hạn hiệu lực vào năm 2012 tới đây.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen hoan nghênh quyết định của Trung Quốc cho rằng đó là một biện pháp rất tích cực và mang tính xây dựng.

Liên minh Châu Âu, EU, cũng cho rằng công bố về chỉ tiêu cắt giảm khí thải của Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2020 là cần thiết giúp thượng đỉnh Copenhagen tại Đan Mạch có thể tiến triển.

Cam kết về mục tiêu cắt giảm khí thải mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra có thể giúp mở ra hai cánh cửa cuối cùng cho một thỏa ước toàn diện mà nhiều người mong đợi thay thế cho Nghị định thư Kyoto về những giới hạn phát thải đối với các quốc gia công nghiệp phát triển

Ô.Yvo de Boer

Nhiều ý kiến đến lúc này cho rằng đại biểu các quốc gia tham dự hội nghị Copenhagen sẽ có thể đưa ra được khung cho một thỏa thuận vào cuối năm tới.

Kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, IEA, ông Fatih Birol, cho rằng cam lết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hâm nóng trái đất của Trung Quốc đáp ứng đến một phần tư yêu cầu cần thiết để của cả thế giới. Theo ông Fatih Birol thì với cam kết của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đưa ra vào hai ngày thứ tư và thứ năm vừa qua sẽ giúp làm thay đổi toàn bộ tinh thần và cấu trúc thảo luận tại hội nghị Copenhagen từ ngày 7 đến 18 tháng 12 tới đây.

Ông này đưa ra nhận định là Bắc Kinh bắn được ba con chim ngay một lúc với quyết định công bố hôm thứ năm vừa qua cho cắt giảm khí thải CO2 đến mức từ 40- 45 % vào năm 2020 so với năm 2005 là trước hết Hoa Lục giảm được lượng khí thải này, thứ hai cải thiện được an ninh và hạ tầng năng lượng, thứ ba đưa Trung Quốc trở thành một thủ lĩnh trong nền công nghiệp xanh.

Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng mức cắt giảm mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đưa ra vẫn chưa đủ, mà cần phải cắt giảm thêm nữa.

Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ đưa ra cam kết về mức giảm phát thải mà chính lãnh đạo của hai quốc gia này cũng chính thức cho biết sẽ trực tiếp tham dự hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch vào tháng tới.

Hôm thứ tư tuần rồi, Nhà Trắng loan tin là tổng thống Barack Obama sẽ đưa chỉ tiêu của Hoa Kỳ ra đàm phán khi ông đến Copenhagen vào ngày 9 tháng 12 tới đây.

Thủ tướng nước chủ nhà Đan Mạch cho rằng sự tham dự của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho thấy mong muốn đóng góp của bản thân người đứng đầu nước Mỹ cho một thỏa ước toàn cầu đầy tham vọng trong việc cứu trái đất trước nạn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ đưa ra cam kết về mức giảm phát thải mà chính lãnh đạo của hai quốc gia này cũng chính thức cho biết sẽ trực tiếp tham dự hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch vào tháng tới.

Người phụ trách vấn đề thay đổi khí hậu tại Liên hiệp Quốc, Yvo de Boer thì cho rằng cả thế giới trông chờ vào nước Mỹ trong việc đi tiên phong cắt giảm khí thải, và tiếp đó là đóng góp tài chính hổ trợ các quốc gia đang phát triển trong công tác giảm phát thải.

Cố vấn phụ trách chính sách khí hậu của tổ chức Hòa Bình Xanh Hoa Kỳ, Kyle Ash, thì cho rằng thượng đỉnh Copenhagen không phải là dịp để các vị nguyên thủ đến để chụp hình mà là dịp để đi đến đạt cho được một thỏa ước chấm dứt tình trạng rối loạn khí hậu lâu nay, do vậy tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cần phải có mặt để bàn thảo cùng lãnh đạo của những quốc gia khác.

Phía Trung Quốc thì ông thủ tướng Ôn Gia Bảo là người đại diện quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất sẽ tham dự hội nghị Copenhagen.

Thế giới hửng ứng

Trước khi Hoa Kỳ và Trung Quốc công bố chỉ tiêu cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính của họ thì hôm 18 tháng 11 vừa rồi Ủy ban Châu Âu cho biết tổng thống Nga Dmitri Medvedev đưa ra cam kết cắt giảm 25% lượng khí thải của nước Nga vào năm 2020 so với mức năm 1990. Cam kết mới này cao hơn mức chỉ từ 10- 15% được Mátxcơva đưa ra trước đó.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jose Manuel Barroso lên tiếng hoan nghênh quyết định của Nga cho rằng điều đó rất đáng khích lệ vì Nga là quốc gia đứng hàng thứ ba phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Dù lượng khí thải của Nga ít hơn của Trung Quốc và Hoa Kỳ nhiều thế nhưng thái độ của Nga trước hội nghị Copenhagen sắp tới cũng có ý nghĩa quan trọng.

Hôm 18 tháng 11 vừa rồi Ủy ban Châu Âu cho biết tổng thống Nga Dmitri Medvedev đưa ra cam kết cắt giảm 25% lượng khí thải của nước Nga vào năm 2020 so với mức năm 1990. Cam kết mới này cao hơn mức chỉ từ 10- 15% được Mátxcơva đưa ra trước đó.

Liên Minh Châu Âu, EU, đưa ra mức cắt giảm 20% vào năm 2020 so với mức năm 1990; và khối này cũng đề nghị là sẽ tăng lên mức 30% nếu như các quốc gia công nhiệp phát triển khác cùng theo mức đó.

Nhật bản thì đề ra chỉ tiêu giảm 25% vào năm 2020 so với mức năm 1990; Canada đưa ra mức 20% cho cùng thời điểm 2020 nhưng so với mức năm 2006.

Những quốc gia được xếp vào nhóm đang phát triển, ngoài Trung Quốc đưa ra mức như vừa nêu trong phần đầu của chương trình, thì các nước khác như Brazil cho hay tự nguyện giảm từ 36 đến 39% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020. Đối với Brazil thì chủ yếu là giải quyết nạn phá rừng ở Amazon.

Indonesia cũng quan tâm đến biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng ở xứ họ, và đề ra chỉ tiêu giảm khí thải 26% vào thời điểm 2020. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng nếu có sự hổ trợ của quốc tế thì quốc gia ông có thể giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến 41%.

Ấn độ, một quốc gia cũng có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà khí nhiều trên thế giới, hôm thứ bảy vừa qua lên tiếng cho biết mong muốn tham gia ký kết cắt giảm khí thải một cách có điều kiện. Đây cũng là lần đầu tiên thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lên tiếng về vấn đề này tuy nhiên không đưa ra con số cụ thể.

Việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không phải là một hoạt động dễ dàng, vì cần phải thay thế những loại nhiên liệu cũ, đầu tư công nghệ mới… Do đó cần phải có nguồn kinh phí dồi dào để đầu tư vào những lĩnh vực mới; ngoài ra còn cần kinh phí để giải quyết những tác động do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên lâu nay.

Ông Yvo de Boer, viên chức đứng đầu ban thư ký về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc hồi trung tuần tháng này lên tiếng kêu gọi các nước giàu trong vòng ba năm tới cần đóng góp mỗi năm 10 tỷ đô la để giúp cho các nước nghèo giải quyết các hậu quả do tình trạng thay đổi khí hậu gây nên. Theo ông này thì đó mới chỉ cho ngắn hạn, còn cho thời điểm từ 10 đến 20 năm tới thì cần hằng trăm tỷ mỗi năm để giải quyết tác động của tình trạng thay đổi khí hậu trái đất.

Khoản kinh phí 10 tỷ đô la vừa nói được ông Yvo de Boer cho là một trong ba mục tiêu của ông tại Hội nghị Copenhagen sắp tới.

Theo những dữ liệu khoa học mới đây của tổ chức theo dõi về môi trường tại Hoa Kỳ có tên Clean Air-Cool Planet, thì tình trạng tan băng nhanh đang xảy ra ở Greenland và vùng Nam Cực sẽ khiến mực nước biển dâng nhanh hơn nhiều so với những dự báo đưa ra trước đây.

Tác hại của hiệu ứng nhà kính

Những tác động do tình trạng trái đất ấm lên do khí thải gây hiệu ứng nhà kính được giới khoa học nêu ra khá nhiều lâu nay. Mới hôm thứ ba tuần rồi, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo là nhiệt độ trái đất có thể tăng lên 7 độ C và mực nước biển sẽ dâng lên hơn một mét vào năm 2100. Đây là những kịch bản mà chỉ mới hai năm trước đây người ta cho là không thể xảy ra.

Cảnh báo mới hoàn toàn đáng quan tâm vì theo phúc trình của Ủy ban Liên chính phủ về biến đối khí hậu, IPCC ,đưa ra hồi năm 2007 thì đến năm 2100 mực nước biển chỉ tăng chừng từ 18 đến 59 centimét mà thôi.

Theo những dữ liệu khoa học mới đây của tổ chức theo dõi về môi trường tại Hoa Kỳ có tên Clean Air-Cool Planet, thì tình trạng tan băng nhanh đang xảy ra ở Greenland và vùng Nam Cực sẽ khiến mực nước biển dâng nhanh hơn nhiều so với những dự báo đưa ra trước đây.

Phó Giáo sư Gordon Hamilton tại Đại học Maine Hoa Kỳ cho biết những dữ liệu lấy được từ vệ tinh cho thấy rõ băng của Greenland đang tan vỡ với mức độ gia tăng.

Các nhà khoa học về băng của Australia hôm thứ hai vừa rồi cho biết là có hơn 100 và có thể hằng trăm tảng băng từ Nam Cực đang trôi về phía New Zealand. Một số tảng băng có chiều rộng đến 200 mét. Hiện tượng băng trôi về phía New Zealand xuất hiện lần đầu hồi năm 1931; nhưng vào năm 2006 thì ghi nhận có số lượng trôi từng cụm như hiện nay.

Đối với Việt Nam sức tàn phá của tình trạng biến đổi khí hậu sẽ rất lớn, và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. cảnh báo vừa nói được Quỹ Bảo Vệ Thiên nhiên WWF đưa ra tại Diễn Đàn Biến đổi Khí hậu Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ nhất được tổ chức vào hai ngày 12 và 13 tháng 11 vừa rồi ở thành phố Cần Thơ.

Theo cảnh báo nếu nhiệt độ trái đất tăng 7 độ C vào năm 2100 khiến nước biển dâng lên chừng một mét thì theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, lúc ấy khoảng hai triệu héc ta tại cả hai vùng đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long sẽ bị ngập nặng.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.