Sản phẩm nông nghiệp "sạch" ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn

0:00 / 0:00

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề ‘nóng’ được nhiều người dân trong nước bàn đến lâu nay. Truyền thông loan tin nhiều về những loại thực phẩm bẩn, những nơi chế biến ra các sản phẩm bẩn giá rẻ để trục lợi, biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng; cũng như các sản phẩm sạch được giới chuyên môn nghiên cứu, phát triển, chế biến và đưa ra thị trường bán cho người tiêu dùng…

Đến nay những sản phẩm sạch vẫn còn quá it ỏi chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Thực tế ra sao và tình hình đang được ngành chủ quản nông nghiệp tham gia giải quyết đến đâu?

Nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch

Có quá nhiều bài cảnh báo về nạn thực phẩm bẩn tràn lan tại Việt Nam được các báo nêu ra. Nhiều người tại Việt Nam than thở nay không biết ăn gì mà không độc hại.

Chính thực tế được báo động như thế là lý do khiến những người trẻ như hai anh Khánh Duy ở Dak Lak và Nhật Thành tại Sài Gòn tìm đến với việc nghiên cứu rồi sản xuất ra cà phê sạch và rau sạch.

Anh Nhật Thành trình bày:

“ Đầu tiên ý định của tôi xuất phát từ năm 2013 khi đang làm chương trình không bán hàng Trung Quốc mà trong hàng Trung Quốc có thực phẩm nhiều hóa chất.

Trước hết mình muốn ăn thực phẩm sạch để bảo đảm sức khỏe, và thứ hai để tránh hàng hóa Trung Quốc có hóa chất nên nghỉ đến giải pháp. Tôi tìm đến những hợp tác xã đang sản xuất sạch ở Việt Nam; thế nhưng theo tiêu chuẩn GAP ở Việt Nam vẫn không đảm bảo tiêu chí sạch như mình mong muốn. Họ vẫn còn sử dụng hóa chất và cây giống phần nhiều từ Trung Quốc. Sau khi tìm hiểu từ năm 2013, bắt đầu làm từ năm 2014 thì đến nay bắt đầu qui mô hơn về việc sản xuất rau sạch.”

Anh Khánh Duy cũng có nhận định tương tự:

“ Hằng ngày trên báo đài hiện nay, người dân có thể tiếp cận rất nhiều thông tin thực phẩm bẩn và giả tràn lan; đặc biệt là những thực phẩm chứa nhiều loại hóa chất nhất là chất bảo quản.

Người dân bây giờ hầu như mất niềm tin vào sự quản lý của cơ quan chức năng để có thể có sản phẩm được coi như sạch và an toàn. Việc này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều phía; thế nhưng cơ bản và xuất phát đầu tiên là sự quản lý của các cơ quan chức năng

Anh Khánh Duy

Người dân bây giờ hầu như mất niềm tin vào sự quản lý của cơ quan chức năng để có thể có sản phẩm được coi như sạch và an toàn. Việc này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều phía; thế nhưng cơ bản và xuất phát đầu tiên là sự quản lý của các cơ quan chức năng. Thứ hai nếu điều đó mà không bảo đảm được thì ít nhiều người ta cũng dựa vào lương tâm và ý thức của người sản xuất; nhưng đây là điều ngoài kiểm soát.

HIện nay ngay tại trong siêu thị vẫn có bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm giả có chứa hóa chất độc hại vẫn còn rất nhiều từ đó tôi tham gia. Trong lĩnh vực cà phê thì rất nhiều người mù mờ: họ cứ nghĩ là uống cà phê vậy thôi chứ không biết trong đó có cà phê hay không, vì họ không kiểm chứng được. Sự kiểm tra rất lỏng lẻo. Tôi làm cà phê xuất phát từ nhu cầu đó.”

Điều kiện và qui trình sản xuất sản phầm sạch

Vậy qui trình trồng và thu hoạch rau sạch của anh Nhật Thành thế nào? Chính anh này cho biết:

“ Về qui trình trồng thì thứ nhất là giống. Giống hiện nay nhập từ Trung Quốc còn hạt giống làm ở Việt Nam thì không đạt chất lượng như nông dân mong muốn. Nguồn hạt giống thứ hai từ Thái Lan. Loại ngày đảm bảo hơn; nguy cơ nhiễm hóa chất ít hơn. Do đó trước hết phải bảo đảm về giống và trong khi trồng tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Hóa chất nguy hiểm nhất là phân hóa học ure và các loại phân hóa học. Tiếp đến là hóa chất trừ sâu và hóa chất tăng trưởng. Cả ba rất nguy hại.

Qui trình chọn có nhiều qui chuẩn, qui chuẩn mà tôi đang tiến đến là hữu cơ; tức không sử dụng hóa chất, phân là phân tự nhiên như phân bò qua tái chế. Thuốc trừ sâu thì dùng các phương pháp sinh học, tỏi, ớt, cây tổng hợp để ngăn ngừa sâu.

Tại Lạc Dương (Lâm Đồng) “Làng Thần Kỳ” rau xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật với kết quả khả quan, và rau sạch "Làng Thần Kỳ" có thể ăn ngay tại ruộng (Ảnh: dantri.com)
Tại Lạc Dương (Lâm Đồng) “Làng Thần Kỳ” rau xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật với kết quả khả quan, và rau sạch "Làng Thần Kỳ" có thể ăn ngay tại ruộng (Ảnh: dantri.com)

Khi chuyển sang làm nông nghiệp tôi cũng phát hiện được điều lý thú là phải đa nguyên; tức đa dạng cây trồng đảm bảo cây và đất được mạnh. Tức trong một lứa đất không trồng một loại cây mà nhiều loại để phân tán sự tập trung của sâu.”

Và đối với sản phẩm cà phê sạch, anh Khánh Duy trình bày:

“ Đối với nhà sản xuất trước hết phải chọn nguồn nguyên liệu mà mình tin tưởng. Tuy nhiên ở Việt Nam bây giờ cũng còn bất cập: ngay cả từ đầu vào thuốc bảo vệ thực vật cũng không được kiểm soát một cách khoa học. Do vậy một nhà đầu tư cho sản phẩm sạch cũng mang tính tương đối và cố gắng hết sức mình thôi.

Chính tôi là người thu mua sản phẩm từ vườn cà phê thì cố gắng xác định đó là những sản phẩm tương đối tốt. Tiếp đó cũng mang đi kiểm nghiệm để xem có đạt yêu cầu hay không

Khi quảng bá ra thị trường, riêng trong ngành cà phê, lúc đầu để lấy được niềm tin của khách hàng vẫn có khó khăn vì ở Việt Nam hiện nay ‘thật, giả lẫn lộn’, không biết tin vào đâu. Phần mình phải cố gắng thuyết phục họ rồi cho dùng thử. Sauk hi thấy ngon họ giới thiệu cho người quen. Dần dần như vậy và đến nay thị trường bắt đầu có những phản hồi tốt. Cơ bản tạo được niềm tin nào đó với khách hàng.”

Chức trách của ngành chủ quản

Sau hơn hai năm sản xuất loại cà phê sạch và nhận được một số phản hồi tích cực từ người sử dụng, dù rằng số này vẫn còn hạn chế, anh Khánh Duy nêu rõ để duy trì thị trường cho loại sản phẩm sạch như cà phê mà anh đang sản xuất cần có vai trò của Nhà nước như trình bày của anh trong phần sau:

“ Điều kiện tiên quyết là sự quản lý về mặt nhà nước, các cơ quan chức năng phải quản lý một cách khoa học. Nếu chỉ dựa vào ý thức của người sản xuất, gọi là lương tâm, thì không có gì đảm bảo cả; vì ngay cả chế tài phạt những người sản xuất hàng giả hiện rất lỏng lẻo; từ đó chuyện người làm hàng giả mà quảng cáo là sạch vẫn xảy ra thường xuyên chứ không phải hiếm!”

Đối với nhà sản xuất trước hết phải chọn nguồn nguyên liệu mà mình tin tưởng. Tuy nhiên ở Việt Nam bây giờ cũng còn bất cập: ngay cả từ đầu vào thuốc bảo vệ thực vật cũng không được kiểm soát một cách khoa học. Do vậy một nhà đầu tư cho sản phẩm sạch cũng mang tính tương đối

anh Khánh Duy

Riêng anh Nhật Thành cũng sau khi đi vào lĩnh vực trồng rau sạch để cung cấp cho phân khúc thị trường những người có đủ khả năng mua rau sạch, anh thấy rõ vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực này; nếu không tương lai sẽ rất u ám cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi mà hầu hết nông dân vì cuộc sống hiện tại tăng cường sử dụng các loại phân bón để thúc cây dẫn đến tình trạng đất bị chai vì hóa chất. Anh Nhật Thành phân tích:

" Tại vì nhà nước nắm về vĩ mô, còn vi mô chỉ làm được phần nào đó thôi chứ không thể nào làm hết được. Nên điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho nông dân biết nguy hại của việc sử dụng hóa chất.

Có rất nhiều nguy hại nếu biết được thì thấy rất nguy hiểm: ví dụ sử dụng đất cũng như cơ thể sử dụng ma túy vậy. Đối với nông nghiệp không chỉ là giống cây mà còn là đất cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Qua thời gian quá lâu sử dụng hóa chất, đất trở nên chai lì, nay đất như một xác khô vậy. Tình thế bây giờ là chăm sóc cây phải bơm thuốc vào, còn không bơm vào thì cây không lên được.

Xét về lâu về dài nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất suy yếu nếu cứ tiếp tục sử dụng hóa chất. Mà khi đất quen hóa chất rồi thì phải sử dụng liều lượng mạnh hơn. Như hóa chất trừ sâu đợt này diệt được loại sâu này, đến đợt sau sâu kháng được nên phải sử dụng loại mạnh hơn. Do vậy các sản phẩm rau hiện nay trên thị trường phần nhiều là hóa chất, và người ta ăn hóa chất chứ không phải ăn rau.

Quan trọng nữa là đầu ra, cần có sự can thiệp mạnh của Nhà nước.

Nếu môi trường đất đai bị hư thì người dân phải lãnh chịu và phải mất thời gian lâu hơn để hồi phục lại. Một điều mà nhà nước làm được nữa là phải cho đất nghỉ; nếu canh tác liên tục thì đất bị kiệt quệ.

Tình trạng nguy hiểm là hiện nay đất của Việt Nam đã bị kiệt quệ và để sử dụng được thì phải dùng hóa chất; về lâu về dài sẽ tàn phá hết đất đai, sẽ khô cằn, khô cứng và không thể trồng trọt gì được.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp mà nếu nông nghiệp bị hủy hoại thì tất cả những ngành công nghiệp ‘mũi nhọn’ khác cũng không thể phát triển được,”

Cả hai bạn trẻ Khánh Duy và Nhật Thành đang tham sản xuất cà phê sạch và rau sạch đều thừa nhận còn vô vàn khó khăn cho giới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch như bản thân hai anh. Nếu ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì cách điều hành như bấy lâu nay thì nguy cơ được anh Nhật Thành vừa trình bày là nhãn tiền, gây hại trực tiếp không chỉ cho những người nông dân chân lấm tay bùn mà hầu như toàn xã hội khi sử dụng những sản phẩm không sạch được sản xuất ra.

Tương lai về lâu về dài, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng không thể cạnh tranh với những sản phẩm sạch được các nước lân cận cũng như khắp nơi trên thế giới làm ra.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.