Làm sạch môi trường bằng vỏ tràm
2011.09.19

Một công trình nghiên cứu theo hướng này đã mang lại giải thưởng trong nước cho các em và được đem đi giới thiệu với nước ngoài.
Sử dụng nguyên liệu có sẵn
Giải nhất cuộc thi quốc gia lần thứ 8 (2010-2011) về ‘Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước’ được trao cho công trình sử dụng vỏ tràm để hút dầu loang do ba học sinh Nguyễn Trí Hảy, Lý Công Hiển và Nguyễn Thanh Liêm, trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng thực hiện, dưới sự hướng dẫn của giáo viên sinh vật Nguyễn Ngọc Hải.
Lý do trao giải cho công trình thực nghiệm vừa nói của các em học sinh tỉnh vùng xa Sóc Trăng, được ông Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết như sau:
"Nhóm ba em học sinh trường An Lạc Thôn, đây là nơi có truyền thống tham dự cuộc thi ‘Cải thiện và bảo vệ nguồn nước’ trong những năm trứơc đây và có lần đạt giải nhất quốc gia rồi. Lần này ba em học sinh lớp 11 này tiếp tục truyền thống đó, tiếp tục theo hướng sử dụng các nguyên liệu có tại địa phương mình để xử lý các vấn đề môi trường trong phạm vi các em quan sát được.
Các em dùng nguyên liệu vỏ tràm để thu gom dầu từ sinh hoạt hay tàu bè gây ra trên mặt kênh mương trong vùng của các em. Đề tài nó không phải mới và thật xuất sắc nhưng đạt các tiêu chí của hội đồng thi, và cũng trội hơn 800 đề tài dự thi."
Ai đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long đều thấy rõ sự phổ biến của cây tràm. Tuy nhiên, người ta chủ yếu sử dụng cây tràm, còn vỏ của chúng chỉ sử dụng để nhóm lửa, phần nhiều bị vứt bỏ khắp nơi gây ô nhiễm cho môi trường.
"Trên đường đi học về, các em thấy vỏ tràm rơi vãi dưới sông. Chúng tôi tìm cách thu gom vỏ tràm mà không gây ô nhiễm môi trường. Chúng em thấy vỏ tràm nổi trên mặt nước nên biết chúng hấp thụ nước rất ít. Chúng em suy nghĩ vậy vỏ tràm có thể hút những vật liệu gì? Chúng em tiến hành những thí nghiệm với nước muối, cồn, dầu lửa và nhận ra vỏ tràm có thể hút dầu lửa rất tốt. Sau đó qua thí nghiệm cũng thấy chúng có thể thu dầu loang. Từ đó trình bày với thầy Hải và tiến hành làm thí nghiệm."
Ở Nam bộ người ta sử dụng ghe thuyền nhiều nên không thể tránh hiện tượng dầu rơi vãi trên sông. Mô hình này của các em với các tấm thảm tràm có thể thu gom 97% dầu vương vãi…
Giáo viên Nguyễn Ngọc Hải
Giáo viên Nguyễn Ngọc Hải, người hướng dẫn cho các em giải thích thêm về đề tài ‘Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm’ mà thầy hướng dẫn cho các em trong thời gian qua:
"Ở Nam bộ người ta sử dụng ghe thuyền nhiều nên không thể tránh hiện tượng dầu rơi vãi trên sông. Mô hình này của các em với các tấm thảm tràm có thể thu gom 97% dầu vương vãi…"
Đề tài ‘Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm’ của ba học sinh Nguyễn Trí Hảy, Lý Công Hiển và Nguyễn Thanh Liêm, sau khi nhận được giải nhất cuộc thi về Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ tám tại Việt Nam đã được cử đại diện cho Việt Nam trình bày tại Thụy Điển nhân ngày Thế giới nước năm nay.
Giáo viên Nguyễn Ngọc Hải cũng là người hướng dẫn cho ba em trong chuyến hành trình đến Thụy Điển. Thầy kể lại cuộc đi ra nước ngòai và việc giới thiệu đề tài của ba học sinh:
"So với những nước khác, mình cũng hơn nhiều nước như nhìn vào Poster của mình cũng hiểu. Cũng có mang theo một video clip. Mình có mang theo vỏ tràm để trình bày cho Ban giám khảo xem; chỉ có dầu lửa không thể mua lẻ ở Thụy Điển và đi máy bay thì không được mang theo."
Em Nguyễn Trí Hảy cũng nhớ lại chuyến đi và những điều thu lượm được:
"Các bạn ở Hoa Kỳ dùng sóng điện thoại để tính mức độ ô nhiễm nguồn nước, các bạn Nhật sử dụng vỏ sò, ốc. Chúng em cần suy nghĩ sâu hơn vì đề tài của các bạn nước khác hay và cao hơn."
Mong được áp dụng rộng rãi
Sau khi có dịp tận mắt chứng kiến những nghiên cứu của các bạn đồng trang lứa từ nhiều quốc gia khác đến trình bày tại Thụy Điển, bạn Nguyễn Trí Hảy, bày tỏ mong muốn:
"Đề tài chưa được phổ biến rộng rãi, chúng em mong có sự quan tâm của các ban ngành để đề tài có thể được nhiều người biết đến và áp dụng rộng rãi, tại những cơ sở bán xăng dầu và sửa chữa máy móc trong nước."
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải cũng có những đề xuất để đề tài nghiên cứu của ba em học sinh có thể được ứng dụng rộng rãi:
Có người bảo cần đăng ký bản quyền để đưa ra thị trường…; tuy nhiên tôi chỉ muốn mọi người hiểu được công trình của các em làm và ứng dụng vào thực tế. Thầy, trò chỉ mong muốn thế thôi.
"Cần sự lên tiếng của các ban ngành có chức năng. Trong phạm vi các học sinh và giáo viên thì làm sao để cho người ở trong vùng hiểu rất khó."
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh cho biết về vấn đề ứng dụng các đề tài nghiên cứu của các học sinh và ý nghĩa việc duy trì họat động đó dù có bao khó khăn:
Phía Nhà nước các đơn vị như bộ Giáo dục- Đào tạo, Tài nguyên- Môi trừơng, hay chừng mực nào đó bộ Khoa học- Công nghệ cũng khuyến khích, đồng tình, đồng hành với hội trong việc này.
Bộ GD- Đào tạo năm nào cũng có văn bản gửi cho các trường động viên học sinh tham gia với hằng chục ngàn mỗi năm. Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng cử người tham gia với hội. Để đạt được mong muốn trước hết phải duy trì cho được cuộc chơi này. Khuyến khích các em quan sát, tập điều tra nghiên cứu trình bày ý tưởng của các em.
Đề tài chưa được phổ biến rộng rãi, chúng em mong có sự quan tâm của các ban ngành để đề tài có thể được nhiều người biết đến và áp dụng rộng rãi, tại những cơ sở bán xăng dầu và sửa chữa máy móc trong nước.
Bạn Nguyễn Trí Hảy
Trong quá trình duy trì có thể tìm ra cách tiếp cận và giải quyết; có thể xuất hiện những sáng kiến độc đáo. Đây cũng là phong trào giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các em."
Đề tài ‘Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm’ của ba em học sinh trường THPT An Lạc Thôn cho thấy một điều là nếu để ý người ta có thể tận dụng được nhiều vật dụng tưởng chừng như bỏ đi để làm nên vật hữu dụng cho cuộc sống.
Ngoài ra, tâm lý phổ biến cho rằng nghiên cứu khoa học là phải thực hiện được những gì to tát có thể không đúng trong trường hợp của ba em học sinh tại trường THPT An Lạc Thôn tỉnh Sóc Trăng.
Nếu khắp mọi nơi tại 64 tỉnh, thành trên cả nước đều có những học sinh chuyên chú nghĩ đến cách giúp bảo vệ, cải thiện môi trường trước hiểm họa ô nhiễm tràn làn như hiện nay, chắc hẳn tình hình sẽ khác đi.