WWF cảnh báo động vật hoang dã trên thế giới giảm hơn phân nửa
2014.10.07
Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế World Wide Fund- WWF hôm cuối tháng 9 công bố phúc trình cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2010, số lượng các loài động vật hoang dã trên thế giới giảm hơn phân nửa.
Gia minh trình bày những điểm chính của báo cáo vừa nêu trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Đánh giá nêu ra trong báo cáo
Báo cáo có tên tiếng Anh Living Planet, tạm dịch Hành tinh Sống, nêu rõ tốc độ suy giảm các loài động vật hoang dã trong khoảng bốn thập niên vừa qua nhanh hơn nhiều so với những dự báo trước đó. Theo đó nhu cầu của con người gấp 50% khả năng của thiên nhiên. Cụ thể cây rừng bị đốn chặt, nguồn nước ngầm bị khai thác mạnh, khí thải CO2 cũng nhiều hơn khả năng mà Trái Đất có thể hấp thụ.
Theo báo cáo của WWF tỉ lệ bình quân 52% về mức suy giảm của các loài động vật hoang dã trên khắp thế giới trong khoảng thời gian 4 thập niên từ năm 1970 đến năm 2010 là cao so với những con số được đưa ra trước đây là vì những nghiên cứu trước kia dựa nhiều hơn vào các thông tin có sẵn ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Báo cáo của WWF đưa ra hai năm trước đây nêu lên tỷ lệ chỉ ở mức suy giảm 28% trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2008.
Theo WWF thì các loài cá nước ngọt bị suy giảm nhiều nhất với tỷ lệ 76% trong khoảng thời gian 4 thập niên như vừa nêu. Số lượng động vật hoang dã có xương sống giảm nhiều nhất là ở tại các khu vực nhiệt đới, đặc biệt là tại Mỹ La tinh.
Báo cáo phân loại cụ thể những loài sống trên cạn suy giảm chừng 39 % và xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại. Những loài sống dưới biển cũng có mức suy giảm 39%. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 1970 cho đến giữa thập niên 80, những loài sống dưới biển có mức suy giảm cao nhất về số lượng sau đó tình hình trở nên ổn định đôi chút và lại rơi vào tình trạng suy thoái gần đây.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy giảm các loài động vật hoang dã được báo cáo của WWF nêu ra là vì nơi cư trú tự nhiên của chúng bị mất đi, bên cạnh đó là hoạt động săn bắn, đánh bắt cũng như do biến đối khí hậu gây nên.
WWF tiến hành nghiên cứu hơn 10 ngàn nhóm tiêu biểu của hơn 3 ngàn các loài động vật có vú, các loài chim, các loài bò sát, lưỡng cư, và cá. Những loài động vật này được đánh giá giúp tạo nên cấu trúc hệ sinh thái duy trì sự sống trên hành tinh Trái Đất.
Tuy nhiên con người đã không để ý gì đến sự suy giảm của những loài đó, trong khi ấy tình trạng đó lại có hại đến chính cuộc sống của bản thân con người.
WWF cho rằng con người đang sử dụng các ‘quà tặng’ mà thiên nhiên ban cho họ trên Trái Đất như thể họ có không chỉ một hành tinh duy nhất này mà thôi.
Theo đánh giá của WWF thì nếu mức tiêu thụ và phí phạm năng lượng tính theo mỗi đầu người mà từ năm 1995 đến nay được gọi là ‘dấu chân sinh thái’ thì Kuwait là quốc gia đứng hàng đầu, tiếp đến là các nước Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Báo cáo năm 2014 của WWF nói rõ rằng nếu tất cả mọi con người trên hành tinh Trái Đất cùng có ‘dấu chân sinh thái’ như một người dân xứ Qatar bình thường thì phải cần đến 4,8 hành tinh như Trái Đất mới đủ cho họ. Còn nếu tất cả sống như cách thức mà một cư dân tiêu biểu của Hoa Kỳ đang sống thì phải cần gần 4 quả địa cầu mới đủ.
Hiện những quốc gia nằm trong số được cho là nghèo so với những quốc gia dầu mỏ mới kể như Ấn Độ, Indonesia, Congo… ‘dấu chân sinh thái’ của họ nằm trong mức mà khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng cho họ Trái Đất vẫn có thể đảm đương được.
‘Dấu chân sinh thái’ được xem như một phép miêu tả ẩn dụ về nhu cầu diện tích đất và nước cần thiết cho năng suất sinh học để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người; cung cấp nơi để xây dựng cơ sở hạ tầng và hấp thụ CO2, chứa đựng và đồng hóa chất thải.
Báo cáo của WWF mới nhất cũng xem xét mức độ tiệm cận với những giới hạn được gọi là ‘giới hạn hành tinh’; đó là những ngưỡng mà sẽ có thể dẫn đến những thay đổi thảm họa cho cuộc sống con người.
Giới chuyên môn đưa ra 9 ngưỡng mà có những ngưỡng đã bị vượt qua như ngưỡng về đa dạng sinh học, ngưỡng mức khí thải carbon dioxide, ngưỡng ô nhiễm nitrogen do các loại phân bón gây ra.
Hai ngưỡng đang có nguy cơ bị phá đó là acid hóa đại dương và mức phosphor trong nước ngọt.
Một cảnh báo được nêu ra trong báo cáo của WWF năm nay là xét về tốc độ và qui mô của tình trạng thay đổi, thì con người không còn có thể loại trừ khả năng đạt điểm tới hạn dẫn đến khả năng thay đổi điều kiện sinh sống trên Trái Đất một cách bất thình lình và không cách nào đảo ngược lại được.
Báo cáo Hành tinh Sống
Báo cáo Hành tinh Sống là một báo cáo hàng đầu trên thế giới với những phân tích khoa học về tình trạng của hành tinh Trái Đất và tác động của nó đối với hoạt động con người.
Một chuyên gia trong ngành môi trường, tiến sĩ Vũ Văn Triệu, nguyên trưởng đại diện của tổ chức bảo vệ môi trường IUCN, nói về báo cáo Hành tinh Sống của WWF mới công bố như sau:
Nói chung họ cho rằng việc chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên quá nhiều hơn so với tiềm năng của Trái Đất. Họ cho rằng Trái Đất không thể kham nổi việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như hiện nay. Tôi cho rằng đó là cảnh báo cho tất cả các nhà quản lý, các nhà khoa học và tất cả mọi người dân sống có trách nhiệm hơn, không lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ví dụ nhiều tổ chức dự báo tuy hành tinh nước nhiều hơn đất liền nhưng nước ngọt trong tương lai có thể không còn đủ dùng mà có thể đắt hơn dầu.
Báo cáo của họ tương đối là sự thật. Chỉ hy vọng vài năm nữa hay đến năm 2030 khoa học công nghệ sẽ tốt hơn lên thì sẽ có hướng giải quyết tích cực hơn một chút chăng. Tuy nhiên, báo cáo của họ cũng đáng để mọi người biết và suy nghĩ để có cách hành xử đúng hơn.
Xin phép được nhắc lại Chỉ số Hành tinh Sống, tiếng Anh Living Planet Index- LPI, là dấu chỉ về tình trạng đa dạng sinh học toàn cầu. Chỉ số này dựa vào khuynh hướng phát triển của những nhóm động vật có xương sống thuộc các loài khác nhau trên khắp Trái Đất.
Chỉ số này giúp cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cả công chúng những thông tin liên quan về nơi cư trú hoặc hệ sinh thái của những loài đang bị suy giảm. Những thông tin này giúp định ra tác động đối với con người nhằm có thể có những biện pháp phù hợp.
Đầu tiên WWF hợp tác với cơ quan đánh giá đa dạng sinh học và thực hiện chính sách thuộc Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc để nghiên cứu đưa ra Chỉ số Hành tinh Sống LPI. Từ năm 1997, WWF hợp tác cùng Viện Động Vật học thuộc Hội Động Vật học London phát triển tiếp dự án này. Sau đó có thêm Mạng lưới Dấu Chân (Sinh Thái) Toàn cầu tham gia.
Cứ mỗi hai năm một lần WWF công bố báo cáo Hành tinh Sống với những chỉ số như vừa nêu.
Chỉ số Hành tinh Sống LPI là một trong những chỉ số nhằm đánh giá theo qui định của Công ước Liên hiệp quốc về Đa dạng Sinh học. Hồi tháng 4 năm 2002, 188 quốc gia cam kết sẽ hành động theo Công ước này để đến năm 2010 có thể giảm đáng kể tỉ lệ suy giảm đa dạng sinh học vào lúc đó trên qui mô toàn cầu, từng vùng hay mỗi quốc gia.
Việt Nam cũng là quốc gia tham gia ký kết công ước này vào ngày 16 tháng 11 năm 1994.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam cho biết một số kết quả về việc thực thi Công ước Liên hiệp quốc Bảo vệ Đa dạng sinh học tại Việt Nam:
Nói một cách tổng quá thì Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước Đa Dạng Sinh học năm 1992, đến nay là hơn 20 năm rồi. Ngay sau đó có những vấn đề một đằng là thực hiện công ước chung, một đằng là có những tham chiếu để có thể ban hành các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Đến năm 2008, Việt Nam đã thông qua luật Đa dạng Sinh học. Đó cũng là một luật rất đầy đủ bám sát các mục tiêu chính của Công ước Đa dạng Sinh học.
Thực hiện luật đó thì đến nay cũng có những tiến bộ nhất định về mặt thiết chế tổ chức, về mặt luật pháp và cũng đạt được một số kết quả như tăng độ che phủ rừng lên, rồi vấn đề cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học càng ngày càng phát triển với những mô hình gắn kết những hoạt động đó với mục tiêu gắn kết với ứng phó biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.
Gần đây nhất Việt Nam cũng là một trong những nước ký kết Nghị định thư Nagoya ở Nhật Bản về tiếp cận nguồn gien và chia xẻ lợi ích. Đây cũng là một điểm tồn tại và rất khó của Công ước Đa dạng Sinh học nhưng chúng tôi cũng cùng cộng đồng thế giới nổ lực trong thời gian qua để mà đi đến Nghị định Nagoya đó; xem như đây là thành quả bước đầu. Tất nhiên cũng như bất kể văn bản nào khác, việc thực hiện chắc chắn còn phải đòi hỏi nỗ lưng chung rất nhiều.
Tuy nhiên còn không ít tồn tại vì đây là vấn đề quá khó trong một xã hội đang phải phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời với việc an toàn sinh học… Đâu đó vẫn còn những chuyện phải giải quyết kể cả những chuyện liên quan đến như buôn bán động vật hoang dã trái phép… 3.47
Thông điệp
WWF trấn an mọi người rằng báo cáo Hành tinh Sống mới nhất mà tổ chức này công bố hồi cuối tháng 9 vừa qua không phải là để người ta lo lắng, bi quan.
WWF nhắc lại việc bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững phải luôn song hành với nhau. Đó chính là hoạt động bảo vệ tương lai sống còn của con người.
Thực tế cho thấy ở những nơi con người phải chịu cảnh nghèo khổ thì việc bảo tồn thiên nhiên dường như là một điều xa xỉ vì người dân cần phải có cái ăn để tồn tại. Trách nhiệm là của toàn thể nhân loại phải gánh vác. Chính con người đã gây ra những thảm họa về môi trường như hiện nay, nên tất cả phải cùng chung tay để bảo đảm thế hệ con cháu tương lai có thể nắm bắt cơ hội mà thế hệ hiện nay và trước đây đã bỏ lỡ, đã không đóng lại được chương mà mọi người cho là hủy diệt trong lịch sử nhân loại,
Trách nhiệm của mọi người là phải cùng nhau xây dựng một tương lai khi mà con người và thiên nhiên cùng chung sống và phát triển.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.