Tác hại của đập Xayaburi lên ĐBSCL
2012.12.09
Các nước ở hạ nguồn như Việt Nam, Kampuchia và nhiều nhà môi trường đều bày tỏ quan ngại về những tác động bất lợi lớn lao do con đập đó gây nên.
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện của Việt Nam nêu ra những bất lợi đó trong cuộc nói chuyện với Gia Minh. Trước hết ông trình bày lại những tác động của đập thủy điện Xayaburi đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ở cuối nguồn dòng Mê kong:
Ảnh hưởng đến nghành nông nghiệp, thủy sản
Nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện: Đập Xayaburi cần được đặt trong bối cảnh tổng thể vì có đến 11 đập. Xayaburi là đập đầu tiên sẽ tạo nên một ví dụ rất tồi tệ cho tất cả các đập khác đi theo. Thứ nhất Đập Xayaburi còn gây tranh cãi. Thứ hai đánh giá tác động môi trường do công ty Thái Lan, Tin Consulting Company làm. Họ chỉ xét 10 cây số trên đập và 10 cây số dưới đập; như vậy họ không đánh giá được xa. Ngoài ra cho đến nay chưa có đánh giá tác động xuyên biên giới nào. Nếu đập Xayaburi làm ví dụ để cho các đập khác đi theo, thì sẽ làm cho các nước ở cuối nguồn như Việt Nam rất lo ngại về những tác động.
Tác động đối với sông Cửu Long có hai tác động chính là cá và phù sa. Khi nói đến cá, không chỉ cá nước ngọt không thôi mà còn cá biển nữa. Cả vùng biển ở Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng bị ảnh hưởng vì năng suất cá ở vùng biển đó lệ thuộc vào nguồn phù sa của dòng sông Mê kong đưa ra hằng năm. Việc mất phù sa cũng làm ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hai trụ cột kinh tế chính của vùng này là nông nghiệp và thủy sản.
Kinh nghiệm đã có ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long là nếu trồng lúa trong đê từ 6-10 năm, nếu không tiếp tục cung cấp phù sa thì năng suất giảm, cho dù có bón phân tăng lên. Việc giảm cá nước ngọt làm giảm nguồn dinh dưỡng của người dân, nhất là người nghèo ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hai nữa toàn bộ sự đa dạng sinh học của đồng bằng Sông Cửu Long phụ thuộc vào cá. Thứ ba nữa cá này được dùng để nuôi thủy sản, như cá catfish ngoài biển cũng dùng để nuôi thủy sản. Ngành thủy sản nuôi không thể nào thay thế được cho nguồn thủy sản tự nhiên; vì thủy sản nuôi lợi nhuận thấp và lệ thuộc vào nguồn thức ăn là cá tự nhiên. Nếu mất đi nguồn cá tự nhiên thì ngành thủy sản sẽ có khó khăn hơn.
Gia Minh: Việt Nam có thấy những tác động bất lợi nhiều như thế đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; nhưng phía Lào khi khởi công họ cũng có những lập luận bảo vệ. Đối với lập luận Lào đã thay đổi thiết kế và như vậy không gây ảnh hưởng nhiều, Việt Nam có phản bác thế nào?
Tác động đối với sông Cửu Long có hai tác động chính là cá và phù sa. Việc mất phù sa cũng làm ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp của vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhà STH Nguyễn Hữu Thiện
Nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện: Gần đây Lào có nói họ đã giải quyết được các mối lo ngại của các quốc gia láng giềng, nhưng thực sự điều đó không đúng. Có thể thấy là những mối lo ngại chính của Việt Nam chưa được giải quyết gì cả. Ví dụ như nói thay đổi thiết kế, chúng ta có thấy sửa đổi ra làm sao đâu, kể cả MRC (Ủy hội Sông Mê kong) cũng chưa thấy sửa đổi. Còn Lào công bố có đưa ra những thiết kế để phù hợp hơn, đó là họ dựa vào hai báo cáo chính của Poyry và CNR. Mà báo cáo của Poyry và CNR được thực hiện bởi những kỹ sư. Đặc biệt những kỹ sư của Poyry thì họ không hiểu biết gì về sinh thái dòng sông Mê kong, họ chỉ là những kỹ sư mà thôi.
Những công nghệ họ đưa ra để sửa đổi nhằm trấn an dư luận thì những công nghệ đó dựa vào kinh nghiệm của Châu Âu là chủ yếu, và những công nghệ đó chưa được chứng minh ở những vùng nhiệt đới. Đối với những dòng sông có độ lớn như Sông Mê kong thì đó chỉ là những lý thuyết mà thôi. Còn Công ty CNR có ra một thông cáo báo chí nói rất rõ về những điều họ đưa ra chỉ là lý thyết, cần phải phát triển thêm và chi phí của 'những cái' đưa ra chưa được tính toán, cần phải tính toán.
Việt Nam luôn xem Lào là anh em. Bây giờ Lào khởi công xây dựng đập Xayaburi, thì Việt Nam nói với 'anh em' rất khó. Tuy nhiên lo lắng vẫn còn đó.
Gia Minh: Các ý kiến mà ông vừa nêu có được đưa ra cho Ủy hội Sông Mê kong là cơ chế giúp giải quyết các vấn đề liên quan việc khai thác dòng sông Mê kong này?
Nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện: Việc Lào thuê công ty Poyry, công ty CNR và việc Lào trao đổi thông tin với các quốc gia gần đây về câu chuyện Xayaburi thì không nằm trong khuôn khổ của MRC. Trong hiệp định 1995, có một qui trình là qui trình PNCPA; tức là qui trình thông báo trước, tham vấn và đồng thuận. Qui trình này cũng còn nhiều kẻ hở. Có nhiều vấn đề được đặt ra về qui trinh đó ví dụ như những việc xảy ra bên ngoài khung MRC có được xem có giá trị hay không; hoặc ví dụ như khi nào nên xem qui trình PNCPA kết thúc. Phía Lào nói PNCPA kết thúc rồi nhưng điều kiện nào để kết thúc và tham vấn phải bao lâu, và trong trường hợp mà các nước chưa đồng thuận trong việc kết thúc tham vấn thì ai có quyền quyết định kéo dài và ai có quyền ra quyết định kết thúc. Thành ra PNCPA cũng lỏng lẻo và Hiệp định 1995 cũng lỏng lẻo.
Thủy điện không rẻ
Gia Minh: Vậy theo ông phương thức tốt nhất cho vấn đề hiện nay là gì?
Nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện: Thứ nhất phải nên thấy những tác động này rất to lớn và vươn xa; thứ hai nữa sẽ dài trong thời gian mấy thế hệ về sau, và điều quan trọng là một khi có tác động thì những tác động đó là vĩnh viễn, không thể phục hồi được.
Đây là dòng sông quốc tế, mang ý nghĩa to lớn về mặt sinh thái, về mặt xã hội, về mặt văn hóa, về mặt kết nối các dân tộc trong vùng này. Với một tài sản lớn như vậy và đứng trước những tác động có khả năng vĩnh viễn và khó phục hồi; thì cách tốt nhất là sử dụng nguyên tắc cẩn trọng.
Theo nguyên tắc này thì khi có tác động quá lớn thì phải hoạt động từ từ, để hiểu biết tất cả các tác động đã. Hiện nay chưa có kiến thức, hiểu biết về tác động, về hệ tự nhiên, hệ dòng sông ... Chỉ biết tác động rất lớn nhưng cụ thể thì chưa; vì vậy nên áp dụng nguyên tắc cẩn trọng và hoãn việc ra quyết định đến khi nào hiểu rõ hơn hãy ra quyết định. Còn quyết định sớm, quyết định vội vàng như vậy, sau này tất cả chúng ta cùng hối tiếc mà thôi.
Thực ra người ta nói giá thủy điện rẻ, đó chỉ rẻ với nhà đầu tư, còn đối với toàn xã hội, đứng trên bình diện quốc gia để nhìn, thì các chi phí kể cả tài chính, môi trường, xã hội; những chi phí thấy được và những chi phí không thấy được; những chi phí tại chỗ và những chi phí ở xa thì thủy điện không rẻ.
Nhà STH Nguyễn Hữu Thiện
Tôi không tin những đập sẽ mang lại lợi ích cho đất nước Lào, với tư cách là một đất nước. Bởi vì đây là đập của các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng trên đất Lào, và theo kiểu BOT. Tức trong vòng 25 năm đầu, nước chủ nhà chỉ được 31% thu nhập thôi; nhà đầu tư 69%. Việc xây dựng mất 8 năm; như vậy phải mất 33 năm, mới giao cho nước chủ nhà. Nhưng lúc giao tuổi thọ phải khấu hao rồi.
Gia Minh: Lào triển khai rồi và vừa qua chính quyền Việt Nam không lên tiếng mạnh mẽ lắm?
Nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện: Chính phủ Việt Nam không ủng hộ nhưng Lào là anh em nên không thể 'lớn tiếng' được. Chỉ mong Lào sẽ nhìn lại vì ảnh hưởng đối với Việt Nam rất lớn.
Gia Minh: Nhân tiện này cũng nói về những tác động của thủy điện tại Việt Nam?
Nhà sinh thái học Nguyễn Hữu Thiện: Việc này bắt nguồn từ 'xa xưa'. Cách đây chừng 20 năm, ai cũng quan niệm thủy điện là nguồn sạch, tái tạo được, không có ảnh hưởng gì. Do vậy người ta ùn ùn đổ xô vào xây dựng thủy điện. Đến bây giờ nhận ra thì đã quá muộn.
Thực ra người ta nói giá thủy điện rẻ, đó chỉ rẻ với nhà đầu tư, còn đối với toàn xã hội, đứng trên bình diện quốc gia để nhìn, thì các chi phí kể cả tài chính, môi trường, xã hội; những chi phí thấy được và những chi phí không thấy được; những chi phí tại chỗ và những chi phí ở xa thì thủy điện không rẻ. Khi làm việc gì mà tự tàn phá chính mình, thì khi có tiền nhiều thêm là đang tự tàn phá chính mình.
Gia Minh: Cám ơn ông.
Mời các bạn tìm hiểu cội nguồn sông Mekong qua video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.
- Xayaburi – Một ngày ảm đạm trên sông Mekong
- Ai sẽ chịu trách nhiệm thiệt hại nếu đập Xayaburi gây ra? (phần1)
- Ai sẽ chịu trách nhiệm thiệt hại nếu đập Xayaburi gây ra? (phần 2)
- Các nước láng giềng phản đối Lào xây đập Xayaburi
- Các dự án xây đập thủy điện đe dọa sông MeKong
- Nỗi lo sợ từ thủy điện
- Lào xây đập thủy điện Xayaburi bất chấp ý kiến quốc tế?
- Việt Nam không phản đối việc xây đập Xayaburi?
- Thủy điện bức hại sông MeKong
- Dân cư bảy tỉnh Thái Lan chống xây đập Xayaburi