Vua Tao Đàn Thanh Hải

Thưa quý thính giả, các nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương trước năm 1975 đều tạo được cho mình mỗi người một nghệ thuật ca, diễn độc đáo, một bản sắc riêng khiến cho khán, thính giả và các ký giả kịch trường khi có dịp nghe giọng ca mà không cần thấy mặt cũng đều nhận ra được chính danh của người nghệ sĩ đó.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2008.11.09

Hồi đó dân ghiền xem hát cải lương tặng những mỹ hiệu cho nghệ sĩ thần tượng của mình. Những mỹ từ như vua vọng cổ, vua vọng cổ hài, hoàng đế dĩa nhựa, vua xàng xê, nữ hoàng sân khấu, sầu nữ, kỳ nữ, kiều nữ,… đến nay hơn nữa thế kỷ đã qua nhưng khi nhắc lại những mỹ từ đó thì khán giả ái mộ cải lương lập tức nhớ lại những hình ảnh và tài năng đặc biệt của người nghệ sĩ thần tượng và giữ mãi tình cảm thương yêu đối với thần tượng nghệ thuật của mình. Nghệ sĩ Thanh Hải lúc đó cũng được tặng danh hiệu Vua Tao Đàn.

Năm 1958, nghệ sĩ Thanh Hải hát chánh cho đoàn hát Kim Hoàng - Như Mai, được báo chí kịch trường ngợi khen qua vai Trần Minh tuồng Quán Gấm Đầu Làng của Hà Triều Hoa Phượng. Vở Quán Gấm Đầu Làng sau nầy được viết thành tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, kể chuyện Trần Minh khố chuối, được Quỳnh Nga, con gái của quan huyện yêu thương, nàng dệt lụa bán gấm để nuôi Trần Minh ăn học và sau Trần Minh thi đậu trạng nguyên. Vở Quán Gấm Đầu Làng có những câu thơ thất ngôn tứ cú ngâm hậu trường để giới thiệu màn sắp diễn, đó là kỷ thuật soạn tuồng trong những năm giữa thập niên 50. Nghệ sĩ Thanh Hải đã học ngâm thơ theo lối Tao Đàn, một kỷ thuật ngâm thơ độc đáo đang được phổ biến qua giọng ngâm thơ của nữ sĩ Hồ Điệp trên đài Phát Thanh Saigon.

Khởi đầu từ đoàn hát Thủ Đô Ba Bản

Cuối năm 1959, nghệ sĩ Thanh Hải được mời về hát cho đoàn hát Thủ Đô Ba Bản trong đợt khai trương bảng hiệu của đoàn hát nầy. Nghệ sĩ Thanh Hải, là kép nhì đứng sau vua vọng cổ Út Trà Ôn. Thành phần nghệ sĩ tài danh của đoàn Thủ Đô Ba Bản có Út Trà Ôn, Thanh Hải, Hoàng Giang, Ba Vân, Nam Hùng, Bảy Xê, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Thanh Hoàng…Nghệ sĩ Thanh Hải có mặt trong hầu hết các vở tuồng của đoàn hát Thủ Đô: Tiếng Trống Sang Canh, Sầu Quan Ải, Cây Quạt Lụa Hồng, Nhạc Nữ Quý Xuyên, Cát Dung Phương Tử, Trăng Lên Ngoài Cửa Ngục, Chiếc Lá Mùa Thu…

Đầu năm 1961, nghệ sĩ Út Trà Ôn và Hoàng Giang rời Thủ Đô để lập gánh hát Thống Nhứt - Út Trà Ôn, nghệ sĩ Thanh Hải đóng thế các vai chánh trước đây của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Thanh Hải thành công qua vai Đào Cam Mộc, tuồng Tiếng Trống Sang Canh, vai Hoàng Tử trong tuồng Trăng Lên Ngoài Cửa Ngục, vai Châu Vũ Đào tuồng Chiếc Lá Mùa Thu, vai Kim Bình tuồng Sầu Quan Ải…Vài tháng sau đó thì ông bầu Ba Bản mời nghệ sĩ danh ca Tấn Tài và nữ nghệ sĩ đệ nhất đào lẵng Như Ngọc về cộng tác, Thanh Hải và Tấn Tài chia nhau hát các vai chánh của đoàn Thủ Đô.

Nghệ sĩ Thanh Hải cao ráo, là một kép đẹp qua các vai tuồng mặc y phục cổ trang trên sân khấu. Trong thời kỳ hoàng kim của đại ban Thủ Đô Ba Bản, Thanh Hải được ghi nhận là anh có một giọng ngâm Tao Đàn rất truyền cảm, làm tăng thêm hiệu quả sân khấu cho các vở tuồng của soạn giả Thu An. Tuy nhiên trong thập niên 60, khán thính giả rất thích nghe những giọng ca vọng cổ có làn hơi êm dịu hoặc sung mản và thích các nghệ sĩ có kỷ thuật ca vọng cổ luyến láy với bản sắc riêng nên các danh ca Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Hùng Cường, Út Hiền, Út Hậu đều chiếm những vị trí cao trong làng cải lương. Nghệ sĩ Thanh Hải chịu ảnh hưởng lối ca chân phương của nghệ sĩ Út Trà Ôn nên anh dầu cố gắng cũng không thoát ra khỏi cái bóng của vua vọng cổ Út Trà Ôn. Đó là lý do giải thích tại sao nghệ sĩ Thanh Hải thế được các vai của nghệ sĩ Út Trà Ôn mà ông bầu Ba Bản vẫn phải mời danh ca Tấn Tài về hát chánh cho đoàn Thủ Đô.

Thu dĩa hát cho hãng dĩa Hoành Sơn

Thời gian hát trên sân khấu đoàn Thủ Đô, nghệ sĩ Thanh Hải đã thu dĩa hát cho hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản. Sau đó anh được mời ca thu thanh cho các hãng dĩa Tứ Hải, Việt Hải, Hồng Hoa, Asia, Việt Nam. Anh đã ca thu dĩa trên 100 vở tuồng và khoản hai trăm bài ca vọng cổ, được thính giả nhắc đến là những dĩa tuồng Sầu Quan Ải, Tiếng Trống Sang Canh, Chiếc Lá Mùa Thu, Hai Chiều Ly Biệt, Nửa Bản Tình Ca, Cô Gái Sông Đà, Thuyền Ra Cửa Biển, Tống Tữu Ô Hắc Lợi, Hán Đế Biệt Chiêu Quân, Hằng Nga Hậu Nghệ, và các bài ca độc chiếc Tần Quỳnh Khóc Bạn, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Gánh Bưởi Biên Hòa, Chén Cơm Cúng Mẹ…

Minh họa giọng ca vọng cổ của nghệ sĩ Thanh Hải( Tần Quỳnh khóc bạn )

Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng hát của nghệ sĩ Thanh Hải.

Cuối năm 1961, hai nghệ sĩ Thanh Hải và Ngọc Hương rời đoàn hát Thủ Đô, gia nhập đoàn hát Kim Chưởng, hình thành một cặp đào kép ăn khách nhất của đoàn Kim Chưởng, một đoàn được báo chí kịch trường tặng cho danh hiệu là Đệ Nhất Anh Hùng Lưu diễn. Đoàn Kim Chưởng lúc đó có một lực lượng diễn viên mạnh, gồm có Thanh Hải, Ngọc Hương, Hùng Cường, Mộng Thu, Kim Nên, Diệp Lang, Trường Xuân, Hề Minh…

Nghệ sĩ Thanh Hải có các vai tuồng gọi là để đời như vai Ai Bình Cơ tuồng Hai Chiều Ly Biệt, vai Hải Bằng tuồng Cô Gái Sông Đà, vai Trần Tử Lang tuồng Nắng Chiều Trên Sông Dịch, vai Điền Sơn tuồng Thuyền Ra Cửa Biển, vai Lý Kim Tùng tuồng Nửa Bản Tình Ca…

Tết Nguyên Đán năm 1964, nghệ sĩ Thanh Hải hát cho sân khấu Kim Chung 3. Thanh Hải cộng tác với công ty Kim Chung trên 4 năm, anh hát với nhiều nghệ sĩ tài danh Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Kim Chung, Bích Hợp, Diệu Hiền, Tô Kim Hồng, Út Hậu, Phước Hậu, Út Hiền, Văn Hường, hề Ốc…

Ở sân khấu Kim Chung. nghệ sĩ Thanh Hải có những vai diễn được khán giả ưa thích như vai Quách Tỉnh vở Lưới Tình, vai Hàn Vũ Lang vở Manh Áo Quê Nghèo, vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa vở Mạnh Lệ Quân, vai Lý Quảng vở Hoa Mộc Lan, vai Hoàng Kiếm Phi vở Bão Biển, vai Cổ Tây Phong tuồng Đào Hoa Khách - Tuyệt Tình Nương.

Cuối năm 1968, nghệ sĩ Thanh Hải hết hợp đồng với công ty Kim Chung, anh đi hát chầu cho các đoàn hát tỉnh ở Hậu Giang.

Lập gánh hát Thanh Hải - Văn Hường

Năm 1970, Thanh Hải và hề Văn Hường hùn vốn, lập gánh hát Thanh Hải - Văn Hường. Đoàn hát quy tụ nhiều diễn viên tên tuổi như Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Thanh Hải, Tô Kim Hồng, Đức Lợi, Đức Minh, Hề Văn Hường, khai trương vở tuồng mới Đường Gươm Nguyên Bá của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Lúc đầu đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường có thu nhập khá nhưng sau đó vì chiến cuộc ngày càng tăng, ở một số thành phố bị giới nghiêm ban đêm, các gánh hát cải lương bị thất thu, đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường cũng bị thua lổ nên phải giải tán.

Năm 1972, nghệ sĩ Thanh Hải được bà bầu Tiêu Thị Mai mời về cộng tác với đoàn hát Thái Dương, hát chung với các nghệ sĩ Thành Được, Phượng Liên, Mỹ Châu, Diệp Lang, Hoàng Long, Kim Ngọc, hề Tư Rọm, Văn Chung đến năm 1975, đoàn Thái Dương cũng như các đoàn hát tư nhân đều bị giải tán. Thanh Hải nằm nhà vài tháng trông ngóng tình hình, sau đó anh chạy xuống tỉnh, đi hát cho các đoàn hát chui, những đoàn hát tạm thời được các tỉnh cho phép lập để hát trong tỉnh như đoàn Thanh Tú - Trang Bích Liễu, đoàn hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, đoàn hát Thống Nhất của tỉnh Tây Ninh.

Năm 1979, Thanh Hải về thành phố, cộng tác với đoàn hát Phước Chung và một đoàn hát lớn của thành phố, cùng hát chung với các nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu, Trang Bích Liễu, Thanh Tú, Hoàng Giang, Kim Giác, Diệp Lang, Khả Năng, Phi Thoàn…

Cuối năm 1988, nghệ sĩ Thanh Hải giải nghệ, ở nhà trông coi nhà cửa, chăm sóc cho con cái trong việc ăn học. Vợ của anh là trụ cột trong kinh tế gia đình nên Thanh Hải không còn bận tâm bươn chải kiếm sống như trong thời trai trẻ đã qua.

Thanh Hải quá nhớ nghề nên thỉnh thoảng anh tham gia hát các trích đoạn cải lương trong chương trình Những Dấu Ấn không phai dành cho các nghệ sĩ dưới 50, dưới 60 tuổi, tổ chức tại rạp Hưng Đạo Saigon vào các tối chúa nhựt hàng tuần.

Gần 40 năm đi hát, được nhiều lúc thăng hoa thời trai trẻ lúc Thanh Hải hát trên sân khấu Thủ Đô, Kim Chưởng, Kim Chung, giờ đây trong tuổi xế chiều, tuy nhờ có bà vợ biết kinh doanh khéo léo, nghệ sĩ Thanh Hải không gặp khó khăn trong cuộc sống kinh tế nhưng anh rất buồn vì sân khấu cải lương sa sút trầm trọng. Anh luyến thương các bạn diễn và ánh đèn sân khấu mà băn khoăn mãi không biết làm sao để góp phần hồi sinh nền kịch nghệ quý báo của dân tộc.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.