Những vai trò không ai thay thế được

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016.10.01
ut_tra_on.jpg Nghệ sĩ Út Trà Ôn.
Youtube screenshot

Vai diễn “đo ni đóng giày”

Trong cải lương có những vai trò mà một khi soạn giả đã “đo ni đóng giày” cho một nghệ sĩ nào đó thì coi như vĩnh viễn, hay nói một cách khác là khi một nghệ sĩ đã nổi danh ở một vai trò nào rồi thì sau này người khác đóng rất khó mà được khán giả chấp nhận. Chữ “khán giả” nói ở đây là những người đã từng xem qua vai trò ấy, tuồng ấy ở thời gian trước đó mà về sau có dịp đi coi trở lại.

Thí dụ như soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp thời gian cộng tác với đoàn Dạ Lý Hương đã nhắm vào Út Trà Ôn để dựng lên vai trò “Ông Cò Quận 9” trong vở hát “Tuyệt Tình Ca” gây chấn động làng cải lương một dạo, và mãi cho đến bây giờ có ai thay thế được Út Trà Ôn đâu? Đôi khi cũng có những nghệ sĩ khác thủ vai ông cò Quận 9 khi cần diễn lại lớp tuồng trên, nhưng đều bị phê bình không ít thì nhiều, và sau lần đó thì không dám diễn trở lại.

Một trường hợp khác bên gánh Thanh Minh Thanh Nga, soạn giả Yên Ba đã nhắm vào khả năng của nghệ sĩ Thành Được để dựng lên vai trò “độc”. Vai tướng cướp Thy Đằng trong tuồng “Tiếng Hạc Trong Trăng”, dù rằng Thành Được là kép mùi. Thy Đằng là vai độc lẫn mùi mà Thành Được đã xuất sắc thủ vai và về sau chẳng nghệ sĩ nào dám thay thế, sợ rằng như ông cò Quận 9 chăng?

Thêm một trường hợp nữa, trước đó khoảng 5, 6 năm sau khi đoàn Thúy Nga rã gánh, cặp soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng đã về cộng tác với đoàn Thanh Minh (thời đó bảng hiệu chưa có chữ Thanh Nga đi kèm).

Vai trò không ai thay thế

Thuở ấy nghệ sĩ Hữu Phước còn rất trẻ đang đảm trách các vai trò kép chánh, kép mùi, thế mà do cái nhìn của cặp soạn giả tài hoa Hà Triều, Hoa Phượng lại nhắm vào kép ca Hữu Phước để dựng lên một “Cậu Tư Kiên” trong vở Con Gái Chị Hằng, và ai đã đi coi rồi thì rất khó quên Cậu Tư Kiên, một ông già miền Lục Tỉnh với bộ bà ba và đầu tóc của Hữu Phước.

Nghệ sĩ Năm Nghĩa.
Nghệ sĩ Năm Nghĩa.
Courtesy of cailuongso.com

Đồng thời cũng phải nhìn nhận rằng với vở tuồng này, vai trò “Cậu Văn” của Thành Được bị lu mờ, do bởi vai Cậu Tư Kiên của Hữu Phước quá xuất sắc.

Nhờ vở hát Con Gái Chị Hằng mà bà Bầu Thơ hốt bạc mệt nghỉ, khai trương hát liên tục cả tháng ở một rạp vẫn còn khán giả. Tuồng đang ăn khách ở sân khấu cải lương thì những nhà khai thác phim ảnh cũng không bỏ lỡ cơ hội, Con Gái Chị Hằng được quay phim vào khoảng 1962, và vai trò Cậu Tư Kiên vẫn là Hữu Phước, dù rằng vai chị Hằng được chuyển sang kỳ nữ Kim Cương.

Những vai trò được nêu lên trên đây đã xuất hiện thời cải lương cực thịnh của thập niên 1960. Và nếu như nhìn về trước đó nữa, thập niên 1940 – 1950 thì có tài tử Năm Nghĩa đóng vai Phạm Công trong tuồng cải lương Phạm Công Cúc Hoa, được vô dĩa hát Asia. Đến lúc đem vở tuồng này lên sân khấu Hậu Tấn, thì Năm Nghĩa vẫn trong vai Phạm Công. Thính giả sẵn hâm mộ giọng ca tài tử Năm Nghĩa trong dĩa hát, nay lại thấy điệu bộ, huê dạng của Năm Nghĩa trên sân khấu, lòng ái mộ càng tăng thêm. Khi xưa “tài tử” là người ca cổ nhạc, nên tiếng gọi “tài tử giai nhân” để chỉ người đờn ca tài tử. Đến khoảng 1956 thì nghệ thuật phim ảnh đã “chiếm đoạt” danh từ “tài tử” của cổ nhạc để gọi người đóng phim rồi xài luôn cho tới bây giờ.

Thời đó nhất định Phạm Công là vai tuồng bất hủ dành riêng cho nghệ sĩ Năm Nghĩa mà thôi, không ai thay thế được. Có lần Năm Nghĩa bị bệnh, vai Phạm Công do nghệ sĩ tài nghệ tương đương thay thế, nhưng khán giả cứ đòi cho được Năm Nghĩa đóng vai họ mới chịu.

Bộ dĩa Phạm Công Cúc Hoa phát hành bán khắp nơi, thính giả quen thuộc Phạm Công Năm Nghĩa. Về sau hãng Asia dẹp tiệm, thì hãng dĩa Hồng Hoa nhảy ra khai thác vở tuồng ăn khách nói trên và mời Út Trà Ôn đóng vai Phạm Công. Nhưng dù là đệ nhứt danh ca, Phạm Công Út Trà Ôn bị thính giả phê bình đủ mọi thứ mà toàn là bất lợi, và dĩa hát bán ra không đủ vốn.

Thông thường nghệ sĩ hữu danh, họ đại kỵ lãnh vai trò của nghệ sĩ tên tuổi khác, nhưng lúc này (sau Mậu Thân) cải lương xuống dốc, nghệ sĩ dù là gạo cội cũng thất nghiệp dài dài. Dẹp tự ái qua một bên, Út Trà Ôn nhận vai Phạm Công để có việc làm, còn hơn là thất nghiệp nằm chờ thời.

Mời quí vị nghe đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn với bài vọng cổ Sầu Vương Biên Ải thu thanh dĩa hát hồi đầu thập niên 1950.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.