Khán giả cải lương thích coi phim Việt Nam

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016.01.02
h-cuong-k-chinh-305.jpg Kiều Chinh và Hùng Cường trong phim Chiếc Bóng Bên Ðường.
File photo

Nếu như nói rằng khán giả cải lương không thích xem hát bóng, và ngược lại khán giả xi nê không thích vào rạp coi cải lương, thì nhận xét đó có thể đúng hoặc không. Tại sao vậy chớ! Do bởi cái đúng ở đây là đối với khán giả thích coi loại phim Âu Mỹ có phụ đề Việt ngữ. Còn không đúng là đối với khán giả coi phim Việt Nam, và phim ngoại quốc được chuyển âm tiếng Việt.

Ủng hộ phim Việt Nam

Trong quá khứ, thời thập niên 1950 khán giả cải lương là thành phần ủng hộ phim Việt Nam nhiều nhứt, phim “lô canh” rẻ tiền thì lại thu tiền nhiều nhờ dạng khán giả này. Chỉ có phim Âu Mỹ nói tiếng ngoại quốc là không bán vé được ở dạng khán giả trên, chớ như phim Nhựt, Phi Luật Tân, Ấn Độ có chuyển âm tiếng Việt thì vẫn đông đảo khán giả cải lương mua vé vào xem.

Ngược giòng thời gian trở về những năm đầu thập niên 1950 thì ai cũng nhìn nhận phim “Kiếp Hoa” chiếu ở rạp Thanh Bình, khán giả bình dân đi coi quá đông, không xuất hát nào còn ghế trống. Phim mang đi các tỉnh miền Tây từ Mỹ Tho đến Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá ở đâu cũng luôn treo bảng “hết vé”. Theo lời ông Bầu Long thì phim “Kiếp Hoa” lời trên 10 triệu tiền Đông Dương, chính nhờ tiền lời của phim “Kiếp Hoa” mà về sau ông nuôi được các gánh Kim Chung.

Đến năm 1956 nghệ sĩ Năm Châu hợp tác với hãng Mỹ Vân cho ra đời cuốn phim “Quan Âm Thị Kính”. Thời đó ai đi coi phim cũng đều nhận thấy rất nhiều chị đàn bà ẳm con đứng đầy trước rạp chờ mua vé, nhiều bà già tay xách giỏ trầu cũng theo dòng người lũ lượt vào rạp. Các chị, các cô buôn bán trong chợ cũng thu xếp công việc sớm để đi coi phim. Những thành phần này là khán giả cải lương đó! Họ chẳng bao giờ đến rạp Eden hay rạp Casino Sài Gòn để coi phim Tây, phim Mỹ.

Chúng ta thử hình dung lại những phim “lô canh” của nước nhà được khán giả cải lương đi coi đông đảo, mà tiếc cho thời kỳ vàng son của phim Việt, đồng thời tiếc cho những người làm phim, khai thác điện ảnh thời đó, đã không “thừa thắng xông lên” mà để cho ngày một yếu dần.

Ngoài phim “Kiếp Hoa” và “Quan Âm Thị Kính”, trước hết phải nói đến phim “Vì Đâu Nên Nỗi” của hãng Mỹ Phương, phóng tác theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Phim được thực hiện tại Pháp, kỹ thuật cũng của Pháp, được quay cùng thời kỳ với phim “Kiếp Hoa” nhưng phát hành sau khá lâu. Phim thu hái rực rỡ về tài chánh, bởi lúc ấy thuế điện ảnh không cao, và rạp cũng thuê mướn dễ dàng theo tỷ lệ chia chác phải chăng. Nhờ tiền lời của phim “Vì Đâu Nên Nỗi” mà về sau hãng Mỹ Phương thực hiện được nhiều phim khác, trong đó có phim “Tiếng Súng Đêm Mưa” phóng tác theo tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Phú Đức.

Thấy sự thành công của phim Việt lúc đó, dù là kỹ thuật kém cỏi vẫn hốt bạc, nên giới người Tàu ở Chợ Lớn chen vào bỏ tiền ra quay phim, họ làm cho lấy có những chuyện cổ tích Việt Nam như: Thạch Sanh Lý Thông, Chàng Nhái Kiển Tiên, Ngọc Cam Ngọc Khổ, Trương Chi Mỵ Nương tung ra thị trường đãi ngộ giới bình dân và kiếm lời mau chóng. Sự thể khiến cho những tay sản xuất cũ của ta cũng nổi máu anh hùng, cũng làm mau, làm nhiều như họ, trong số phải kể đến hãng Mai Kha với phim “Bè Thị Hương”; hãng Mỹ Vân với phim “Người Đẹp Bình Dương”; hãng Alpha Film với “Dẹp Loạn Miền Tây” đưa cả hình ảnh những Năm Lửa, Ba Cụt lên màn ảnh.

Hãng Mỹ Phương sau khi cố gắng với phim “Tiếng Súng Đêm Mưa” lại rơi xuống lối làm phim dễ dãi, đã thực hiện những “Huyền Trân Công Chúa” rồi đến “Phụng Nghi Đình” và “Quan Âm Diệu Thiện”. Thật đáng chán cho phim Việt lúc ấy, và đó là nguyên nhân phim Việt làm mất khán giả, giới bình dân không còn muốn đi coi chiếu bóng.

Thực trạng này có lần đạo diễn Bùi Sơn Duân đã nói rằng: “Giới làm phim đã phụ lòng khán giả, chớ khán giả thì luôn ủng hộ phim Việt Nam”. Thời gian khá lâu không thấy một phim Việt nào được trình chiếu, và các hãng thì xoay sang chuyển âm phim ngoại quốc rẻ tiền ra tiếng Việt để sống, chắc ăn hơn là làm phim vậy.

Đào kép cải lương đóng phim

Nghệ sĩ Mộng Tuyền, ảnh sưu tập chụp trước đây.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền, ảnh sưu tập chụp trước đây.
File photo

Mãi cho đến năm 1969 phim Việt Nam sống trở lại, vùng lên mạnh mẽ, và thời này đa số khán giả coi phim cũng vẫn là khán giả cải lương. Do bởi tài tử đóng phim là đào kép cải lương như Thanh Nga, Thanh Tú, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền... Thực trạng trên đã gây bất mãn cho một số tài tử điện ảnh chuyên nghiệp, và trong lúc cuốn phim còn đang quay thì họ tung tin rằng đào kép cải lương đóng phim “rất ư là cải lương”, hoặc loan truyền rằng ai đó cho biết cải lương bị chết đứng rồi, giờ đây chạy sang điện ảnh làm sao khá nổi.

Thẩm Thúy Hằng trong lúc đang quay cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm”, kịch bản của Năm Châu và tài tử chánh là kép Thanh Tú, thì có người hỏi ngay rằng:

- Tại sao lại chọn kép cải lương cho đóng phim mà lại là vai chánh nữa, bộ không sợ mất tiếng hãng phim hay sao?

Người đẹp Bình Dương trả lời gọn:

- Lấy tiếng cũng phải lấy tiền chớ!

Thẩm Thúy Hằng là chủ hãng Việt Nam Film, đã mời kép Thanh Tú đóng cặp với cô trong cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm”. Cô còn nói thêm rằng đào kép cải lương tên tuổi đương nhiên họ có một số khán giả, giờ đây họ đóng phim, tức nhiên số khán giả từng ái mộ hộ sẽ mua vé đi coi. Sản xuất phim là làm thương mại rồi, cái tiếng rất cần nhưng tiền cần hơn. Thế là người hỏi đành chịu thua thôi!

Đào kép bên cải lương ào ạt nhảy vào lãnh vực điện ảnh, thao túng sàn quay, khiến cho một số tài tử bên điện ảnh chịu thất nghiệp, bởi các vai nòng cốt bị cải lương nắm hết. Những người bỏ tiền ra làm phim như Thẩm Thúy Hằng mời Thanh Tú cộng tác, cũng như Cosunam mời Thanh Nga, là họ đã nhắm vào con số khán giả cải lương đông đảo, từng ủng hộ thần tượng của họ.

Người ta nói làm nghệ thuật điện ảnh không nên lầm lẫn với cải lương, ai mà không đồng ý như vậy chớ, nhưng đâu có ai bỏ tiền ra làm nghệ thuật mà lại chẳng muốn có lợi vào. Lấy tiếng đã đành nhưng cũng phải lấy tiền nữa, vì lẽ đó nên Thẩm Thúy Hằng không thể bỏ qua được Thanh Tú, Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, dầu những người này lên màn ảnh sự thật như người ta đã xem qua phim “Chiều Kỷ Niệm”. Ấy thế mà phim này Thẩm Thúy Hằng đã lời trên 10 triệu bạc trong vòng tuần lễ đầu trình chiếu tại hai rạp ở Thủ Đô Sài Gòn. Tại sao? Vì phim “lô canh” mà không được khán giả bình dân ủng hộ thì chết đi một cửa tứ. Phim của Thẩm Thúy Hằng mà lời được là do phần lớn khán giả cải lương ào tới xem coi thần tượng sân khấu của họ lên màn ảnh ra sao. Họ chẳng cần biết tên của Huy Cường, của Tony Hiếu là ai cả!

Và đến Kim Cương cũng thế, quay cuốn phim “Mưa Trong Bình Minh” kỳ nữ đã mời cải lương chi bảo Bạch Tuyết về giao vai chánh, và hãng phim thì lấy tên Kim Cương, như vậy khán giả thoại kịch, cải lương, truyền hình và điện ảnh cùng đi coi phim chớ không hề phân biệt là bên nào, phía nào. Kỳ nữ xuất thân từ cải lương nên biết rõ khán giả của môn nghệ thuật này đông đảo hơn bất cứ môn nào, do đó mà làm ăn khá, tậu khách sạn ở Vĩnh Long, mua xe hơi, biệt thự...

Nhờ các đào kép cải lương thủ vai trò chánh mà các phim hốt bạc, một cuốn phim chỉ chiếu vài tuần là lời trên cả chục triệu, đó là các phim Chân Trời Tím (với Hùng Cường – Kim Vui), phim Loan Mắt Nhung (với Thanh Nga – Huỳnh Thanh Trà), phim Chiều Kỷ Niệm (với Thanh Tú – Thẩm Thúy Hằng), phim Như Hạt Mưa Sa (với Bạch Tuyết – Trần Quang), phim Biển Động và Mưa Trong Bình Minh (với Kim Cương – Bạch Tuyết – Thanh Thúy). Tóm lại các phim trên, khán giả thuần túy cải lương, họ đã đi coi hát bóng còn nhiều hơn khán giả xi nê “thứ thiệt”.

Thời này chỉ có phim “Người Tình Không Chân Dung” của Kiều Chinh là chẳng có mấy khán giả cải lương đi coi. Chuyện đó rất dễ hiểu, bởi phim “Người Tình Không Chân Dung”, tài tử đóng phim không có ai là đào kép cải lương. Người ta nói do Kiều Chinh có “mặc cảm” với kép cải lương nên chẳng mời, thành thử ra cuốn phim dù rằng đoạt giải Điện Ảnh ở Đài Loan nhưng bị lỗ vốn, thị trường trong nước không thành công về tài chánh.

Thẩm Thúy Hằng thành lập hãng Việt Nam Film, còn hãng phim của Kiều Chinh lấy tên Giao Chỉ Film. Việt Nam và Giao Chỉ có khác chi nào? Nhưng cái khác ở đây là Thẩm cô nương có cái nhìn chiến lược của nhà làm thương mại, đã mời đào kép cải lương tham gia. Khán giả cải lương ủng hộ nên Thẩm Thúy Hằng làm giàu, có điều kiện hợp tác với các hãng phim ngoại quốc, làm ăn lớn hơn.

Còn Kiều Chinh thì không “chơi” với cải lương nên cuốn phim “Người Tình Không Chân Dung”, mất số đông khán giả của bộ môn nghệ thuật này. Nghe nói bị lỗ lã và không thể tiếp tục ra thêm cuốn phim nào nữa. Kiều Chinh đành đi đóng phim cho hãng Trùng Dương của đạo diễn Lưu Bạch Đàn, quay cuốn phim Bão Tình. Trớ trêu thay phim này lại cũng có kép cải lương Hùng Cường vai chánh. Vậy là nàng Kiều chạy trời cũng không khỏi... cải lương vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.