“Tiếng Hạc Trong Trăng”
Từ những năm đầu thập niên 1960, soạn giả Yên Ba đã có mặt trong làng cải lương nhưng lúc bấy giờ ít ai biết đến tên, báo chí cũng không nói tới, do bởi anh chỉ viết chung tuồng với soạn giả nào đó, mà tuồng lại không nổi tiếng, không ăn khách, thành thử ra cái tên của anh chẳng mấy người biết. Thế mà khi vở tuồng “Tiếng Hạc Trong Trăng” ra đời thì tên tuổi Yên Ba nổi như cồn, bắt đầu người ta đồn đại về anh, vắng anh ở hậu trường mấy rạp hát là người ta thắc mắc, hỏi han.
Năm Mậu Thân, Yên Ba về quê ăn Tết ở Phan Thiết. Do biến cố đường đi bị gián đoạn, không vào Sài Gòn được và giới cải lương cũng như báo chí kịch trường đã bắt đầu nói đến Yên Ba vì sao lại vắng mặt, có còn sống hay không mà không thấy lui tới Ngã Tư Quốc Tế? Trong khi đó thì tuồng của anh lại được chiếu trên truyền hình.
Về phía soạn giả Yên Ba thì sau thời gian gần 2 tháng bị kẹt lại ở tại Phan Thiết, đến chừng tình thế tương đối ổn định, anh lên xe đò đi Sài Gòn. Nhưng rủi thay hôm ấy một số xe đò, mà trong đó có chiếc xe của anh đi lại bị Cộng quân chận đường lùa tất cả hành khách vô Rừng Lá. Sau mấy tuần anh trốn được về Sài Gòn. Thế là Yên Ba thoát nạn! Mừng quá, có người nói “chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Rồi kể từ sau năm Mậu Thân cải lương khủng hoảng trầm trọng, giới mộ điệu không thấy Yên Ba cho ra đời thêm tuồng nào nữa. Chợt đến năm 1972 đoàn văn nghệ Việt Nam sang Lào trình diễn. Nhờ chương trình có diễn tuồng “Tiếng Hạc Trong Trăng” nên Yên Ba được đi theo đoàn. Do không có vai trò gì Yên Ba đóng vai quân sĩ chỉ ra sân khấu khi có quan tướng gọi, chỉ vâng dạ đứng yên chờ lịnh. Có lần Yên Ba làm quân Mông Cổ khi được kêu ra sân khấu khán giả cười ầm lên. Thì ra lúc Bạch Tuyết đến vai trò gởi Yên Ba chiếc bóp đầm và anh này lại mang ra sân khấu.
Khán giả la ó quân Mông Cổ mà sao mang bóp đầm!
Mời quí vị theo dõi tiếp trong phần âm thanh vở tuồng “Tiếng Hạc Trong Trăng” thu thanh dĩa hát thời thập niên 1960.