Vở cải lương pha thoại kịch “Tình Cô Gái Huế”
2014.10.04
Nghệ sĩ tên tuổi
Căn cứ vào thành phần nghệ sĩ được hãng dĩa chọn thu thanh bộ dĩa “Tình Cô Gái Huế”, người ta thấy rằng hãng dĩa đã có nhiều kinh nghiệm của nhà làm thương mại, nắm vững thị trường, nên đã không ngại tốn kém mời đến 2 thành phần nghệ sĩ toàn là tên tuổi đang ăn khách. Hãng dĩa đã quá rõ biết người ưa thích cải lương nghe tiếng ca là bỏ tiền ra mua dĩa, nếu đúng người ca mình mến mộ.
Cũng nên hiểu rằng người nông dân rất cân nhắc trước khi bỏ tiền ra mua sắm, nhưng đã đúng sở thích rồi thì họ cũng dám bỏ tiền ra mua cho bằng được. Hãng dĩa đã đánh đúng tâm lý của người dân thôn quê, đặc biệt là vùng sông nước miền Tây. Tôi còn nhớ một nhà buôn tap hóa ở Cai Lậy, cũng đồng thời là đại lý hãng dĩa hát. Mặt sau tiệm là đường sông, rất thuận lợi cho việc mua bán ở vùng đất trù phú này.
Khi dĩa hát từ Sài Gòn mới mang về, tức thì chủ tiệm mang dĩa cho hát hướng ra ngoài sông. Tiếng ca Thanh Hương trong dĩa “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” được phát ra, thì nhiều chiếc ghe xuồng chạy ngang đã tấp vào để mua dĩa. Có người vét sạch tiền trong túi mà còn mượn thêm của người đồng hành để đủ tiền mua cho được dĩa hát tiếng ca Thanh Hương. Và không nói người ta cũng biết là tối hôm ấy, bà con lối xóm sẽ hội tụ tại nhà có dĩa hát để cùng nghe giọng ca vàng mà họ chưa một lần thấy mặt người ca.
Vai nam chánh trong dĩa hát “Tình Cô Gái Huế” do nghệ sĩ Hữu Phước đảm trách. Kép Hữu Phước với làn hơi ca vọng cổ ru hồn làm rung cảm người nghe, được giới mộ điệu mến mộ còn hơn Út Trà Ôn, dù rằng Cậu Mười vẫn còn ở ngôi vị đệ nhứt danh ca, nhưng có lẽ lớn tuổi nên hãng dĩa đã không mời. Thời điểm này kép Thành Được chỉ mới xuất hiện ở sân khấu chưa nổi tiếng nhiều, các hãng dĩa chưa ngó tới chàng ta, do đó mà Hữu Phước tung hoành ở địa hạt dĩa hát.
Về phía kịch thì hãng dĩa mời ban Dân Nam, các kịch sĩ quen thuộc với thính giả đài phát thanh Sài Gòn, gồm Anh Lân, Túy Hoa, Túy Phượng. Thời cuối thập niên 1950 này, về thoại kịch hình như chỉ có ban Dân Nam có chương trình trên làn sóng phát thanh của đài Sài Gòn. Ngoài ra tôi không nghe thấy ban kịch nào nữa, hoặc nếu có chăng thì cũng không hoạt động thường xuyên, ít người biết.
Đến khoảng 1967 Việt Nam có truyền hình thì rất nhiều ban thoại kịch xuất hiện đếm không hết, dù vậy cái tên Anh Lân, Túy Hoa, Túy Phượng đã quá quen thuộc với khán thính giả từng ủng hộ ban này, và ban Dân Nam cũng đổi tên là “Tân Dân Nam”. Đặc biệt Túy Phượng mấy năm trước đó đã đoạt giải Hoa Hậu Hội Chợ Quang Trung. Hãng dĩa chọn ban kịch Dân Nam là nhắm vào số người thích xem kịch, cũng như mến mộ người đẹp Túy Phượng, để tiêu thụ dĩa hát mà trong đó có cả thành phần trí thức.
Tình tiết vở “Tình Cô Gái Huế”
Về tình tiết vở “Tình Cô Gái Huế”, soạn giả Quy Sắc đã dựng lên các nhân vật thật thích đáng, thương thì thương lắm, mà ghét thì ghét đậm. Người ta thương cho cô gái Huế đã yêu phải Hoàng, chàng trai ở Sài Gòn ra Huế ăn học (hai vai chánh này do Út Bạch Lan và Hữu Phước đóng). Họ chung sống với nhau và cô gái Huế có thai, chàng xem như vợ. Theo lệnh gọi của cha mẹ Hoàng, chàng dẫn cô gái Huế về ra mắt thân phụ thân mẫu. Thế nhưng, cha mẹ Hoàng (do kép lão Ba Túy và Túy Hoa thủ vai) gọi chàng về là để... cưới vợ, một cô gái thuộc đợt sống mới,
con của quan Phủ nhà giàu. Thế rồi mẹ Hoàng đã không bằng lòng, đuổi cô gái Huế ra khỏi nhà.
Hoàng vâng lời song thân cưới cô vợ thuộc đợt sống mới ấy (Túy Phượng đóng vai). Trớ trêu thay cô này về nhà chồng lại đang bụng mang dạ chửa, do đó xảy ra cuộc cãi vã giữa sui gia. Cha cô gái vốn là nhà quan, hâm dọa sẽ kiện ra tòa. Cuối cùng thì có gái đợt sống mới gây gỗ lớn tiếng với cha mẹ chồng, và cô theo cha ruột trở về nhà mình.
Giờ đây thì mẹ của Hoàng mới hối hận, cùng Hoàng đáp xe lửa đi Huế để nhận con dâu và cháu nội. Nhưng rồi đâu có được như ý muốn, đã muộn màng lắm rồi! Kết cuộc vở hát rất bi thương, giống như người ta đi coi phim Áo Người Trinh Nữ của Nhựt trước đó vậy.