Do đâu có hiện tượng đào kép cải lương nhảy sang đóng phim
2014.11.01

Lịch sử điện ảnh Việt Nam khởi đầu từ năm 1930 với những bước đi chập chững, cũng đã cho ra đời được vài cuốn phim. Thế nhưng, có điều là mấy cuốn phim đầu tiên đó giờ đây biết có còn hay không, nếu còn thì đang nằm ở đâu, hoặc nếu như mất mát hay thất lạc thì còn lưu lại vết tích gì cho các thế hệ làm phim ảnh sau này? Thật khó mà có câu trả lời vậy.
Do lạm phát hãng phim?
Thời đó lâu lâu mới có một phim Việt Nam được ra đời thì đâu có đủ như cầu giải trí của bà con, nên khán giả đành phải đi xem phim ngoại quốc vậy. Như thế thì rõ ràng là diện ảnh Việt Nam không đáp ứng nhu cầu chớ chẳng phải là không có thị trường, bởi gần cả chục năm mà con số phim “lô canh” chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, mà tài tử đóng phim chuyên nghiệp thì vẫn những khuôn mặt quen thuộc như La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Vân Hùng, Trang Thiên Kim...
Thời này chỉ có tài tử chiếu bóng chuyên nghiệp, chẳng một ai nghĩ rằng sẽ có lúc đào kép cải lương bước sang thao túng sàn quay.
Thập niên 1960 lúc thịnh thời của cải lương, thì phía bên điện ảnh chết lịm, chỉ có một số cuốn phim dựa vào chuyện cổ tích dân gian: Con Tấm Con Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Trương Chi Mỵ Nương... hầu hết là của Chú Ba ở Chợ Lớn bỏ tiền ra làm ăn chụp giựt, chẳng phim nào ra hồn, do đó mà người ta gọi là thời kỳ của phim “lô canh” hát bóng rẻ tiền cũng chẳng có gì quá đáng.
Sang đầu thập niên 1970 có một dạo một số đào kép cải lương được các hãng phim mời đóng phim, và tình trạng đã gây nên khủng hoảng cho nhiều đoàn hát, có một số đoàn phải chịu rã gánh, do bởi đào kép chánh rời khỏi đoàn. Ngay cả các anh hề của sân khấu cải lương và thoại kịch, chưa một kinh nghiệm nào trong lãnh vực điện ảnh, bỗng phút chốc trở thành tài tử đứng trên sàn quay. Vậy hiện tượng trên do đâu mà có? Người ta tìm hiểu và đi đến kết luận: Do lạm phát hãng phim!
Thật vậy, khoảng đầu thập niên 1970, nhận thấy làm phim kiếm ăn được, nên có nhiều tay chẳng biết gì về điện ảnh cũng nhảy ra lập hang phim để hốt bạc, và cũng vì lạm phát hãng phim nên đào kép cải lương cũng được “khiêng” ra làm tài tử màn bạc.
Lúc bấy giờ nhà sản xuất phim quá thừa, trong khi tài tử lại hiếm và lãnh “cát sê” quá thấp, đó là những điều ghi nhận được về tình trạng của nền điện ảnh Việt Nam lúc ấy. Sau một thời gian vắng bóng, phim Việt Nam bắt đầu xuất hiện trên màn bạc, và sự thành công của các phim Loan Mắt Nhung với đào Thanh Nga, và Chân Trời Tím với Hùng Cường - Kim Vui thì phim Việt Nam đã bắt đầu có giá trị phần nào về cả nghệ thuật lẫn nội dung.
Nhu cầu xem phim Việt Nam, dưới thời Pháp thuộc nền điện ảnh Việt Nam bị “chèn ép” quá đáng, nhưng từ năm 1954 hòa bình được vãn hồi thì điện ảnh Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Các đề tài được khai thác lúc bấy giờ thuộc phạm vi xã hội, tình cảm hoặc chuyện cổ tích.
Thời cực thịnh của điện ảnh
Năm 1958 đánh dấu một sự cực thịnh của điện ảnh Việt Nam với 28 phim, mà đáng kể nhứt là các phim Lòng Nhân Đạo, phim Tình Hận, phim Chúng Tôi Muốn Sống và phim Quan Âm Thị Kính. Sự phồn thịnh này kéo đến hết 1959 thì điện ảnh Việt Nam từ từ thu hẹp phạm vi hoạt động, ngay cả số phim nhập cảng cũng giảm xuống quá thấp là 300 phim, so với 1 ngàn phim nhập cảng mỗi năm lúc trước.
Tuy vậy đến đầu năm 1970 vì người Việt Nam cũng muốn xem phim Việt Nam, điện ảnh nước nhà đã phục hưng với các phim Xin Nhận Nơi Đây Làm Quê Hương, phim Chiều Kỷ Niệm v.v... và tính đến thời điểm 1971 thì đã có 28 hãng phim có giấy phép, trong số đã có 20 hãng đã chính thức hoạt động. Lúc bấy giờ theo lời ông Thái Thúc Nha chủ hãng Alpha thì số lời to tát vài chục triệu của phim Loan Mắt Nhung đã thúc đẩy những người không hiểu gì về điện ảnh cũng mở hãng phim.
Do lời quá nhiều nên lúc ấy có những tay chẳng hề có một kinh nghiệm nào về điện ảnh cũng nhảy ra làm phim, xin giấy phép đàng hoàng. Lúc ấy ngoài 28 hãng phim có giấy phép, còn có tất cả 50 người khác nộp đơn xin. Tình trạng lạm phát hãng phim nói trên sở dĩ xuất hiện vì nhiều người có óc thương mại thấy lời là nhào vô không cần biết gì nữa. Tình trạng này đã làm cho nền điện ảnh nước nhà đi xuống, vì chủ hãng phim chỉ biết khai thác những gì có lợi cho họ. Ngoài ra, họ không cố gắng cải thiện phim Việt Nam. Tuy vậy theo ông Tôn Thất Cảnh, quản đốc Nha Điện Ảnh lúc bấy giờ thì sự lạm phát về nhà sản xuất phim cũng hứa hẹn một ngày mai tươi đẹp cho nền điện ảnh nước nhà. Ông Cảnh cho rằng theo luật đào thải của tạo hóa, các chủ hãng phim thuộc loại trên dần dần nhường chỗ cho những người thực sự muốn phát triển nền điện ảnh Việt Nam.
Chính sự lạm phát nhà sản xuất đã đưa đến việc tài tử cải lương nhảy sang điện ảnh, trong số khoảng chừng 40 tài tử lúc đó so với 23 hãng phim, như vậy cứ mỗi hãng phim chưa có đến hai tài tử. Do đó các nhà sản xuất phim bắt buộc phải mượn “đỡ” đào kép cải lương qua điện ảnh, rất có lợi trong phạm vi tài chánh của cuốn phim, người ta có thể lợi dụng ngay tên tuổi của đào kép đó như Hùng Cường, Thanh Nga…
Thật ra từ ngày đào cải lương Thanh Nga được điện ảnh mời đóng phim “Loan Mắt Nhung”. Phim quá ăn khách, nghe nói hãng phim lời cả chục triệu, và cũng từ đó, tức khoảng năm 1969 thì coi như Thanh Nga không còn trở lại sân khấu cải lương nữa. Do bởi vừa đóng xong phim này, thì được 2, 3 hãng phim cùng mời ký hợp đồng với tiền thù lao cao hơn. Dĩ nhiên là cô chấp nhận, bởi lúc đó sân khấu cải lương đang khủng hoảng. Thôi thì ở luôn bên lãnh vực điện ảnh vậy.
Nhưng người am tường vấn đề đã nói rằng, Thanh Nga bước sang điện ảnh, cô vô tình kéo theo số khán giả hằng ái mộ. Họ đi coi hát bong có Thanh Nga hơn là đi coi cải lương mà không có cô, chỉ tiếc một điều là trên màn bạc Thanh Nga không có ca vọng cổ.