Vì không có máy đèn đoàn Hương Mùa Thu gặp nạn

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015.11.07
phungha04-305.jpg Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Ảnh tư liệu gia đình

Khi thăng lúc trầm

Sau 1975 Thu An – Ngọc Hương thành lập trở lại đoàn Hương Mùa Thu, và nhờ là đoàn hát có tiếng từ năm 1964 nên lưu diễn ở đâu cũng được khán giả ủng hộ. Lúc bấy giờ mỗi đêm hát có trên cả ngàn khán giả, nhưng không hiểu sao Thu An – Ngọc Hương lại không khá mà lại luôn mắc nợ. Có lẽ ở thời này gánh hát trình diễn ở sân bãi, tiền bán vé rất thấp, cũng như vé mời nhiều, và người coi cọp cũng đông, nên thấy vậy chớ tiền thu vô cũng chẳng bao nhiêu so với lúc trước hát ở rạp.

Do vậy mà đoàn Hương Mùa Thu cũng chẳng hơn gì ai, cũng khi thăng lúc trầm, chết đi sống lại mấy lần. Và câu chuyện “khổ vì điện” dưới đây của đoàn Hương Mùa Thu, thì người ta thấy rằng cái thế yếu của Thu An – Ngọc Hương, dù rằng đoàn Hương Mùa Thu rất nổi tiếng:

Năm 1992 đoàn lưu diễn miền Trung và vùng Cao Nguyên, từ Kontum dọn xuống tỉnh Pleiku, Thu An hợp đồng với Nhà Văn Hóa trình diễn 3 đêm. Cũng nên biết là thời này sân bãi hay rạp hát đều do cơ quan Văn Hóa Thông Tin quản lý, các đoàn hát tập thể như Hương Mùa Thu phải liên lạc hợp tác với cơ quan nầy mới được hát ở địa phương.

Đêm đầu tiên, vé bán gần hết từ lúc chiều, đã cho thấy đoàn vẫn còn thu hút khán giả khá mạnh. Trước giờ mở màn người đi coi hát đã vào cửa đứng ngồi tràn ngập sân bãi của thị trấn. Thế nhưng, đèn đuốc thì lại lờ mờ quá yếu, và âm thanh thì do điện yếu nên không phát được, mà tiếng người đi coi hát nói chuyện thì vang rền.

Người ta cứ tưởng tượng như vầy, nếu như một sân vận động có sức chứa vài ngàn khán giả, chỉ cần thiên hạ gặp mặt rồi hỏi thăm lẫn nhau thôi, mỗi người một tiếng, cũng tạo nên âm thanh hỗn tạp, lấn áp lời ca tiếng hát của đào kép trên sân khấu. Muốn át được tiếng ồn trò chuyện của khán giả thì phải có âm thanh thật lớn phát ra, mà nguồn cung cấp cho âm thanh lớn phải là điện mạnh, máy đèn công suất mạnh.

Hơn 7 giờ rưỡi tối, đoàn vẫn chưa thấy Nhà Văn Hóa Pleiku chở máy điện tới, bởi theo hợp đồng thì Nhà Văn Hóa phải có máy điện lớn phục vụ âm thanh, ánh sáng cho đêm diễn. Gần 8 giờ mà cả một sân bãi rộng lại chỉ có vài bóng đèn lu mờ, và âm thanh ở loa thì chẳng phát ra được tiếng.

Khán giả bắt đầu nhốn nháo, vài phía la hét, sự ầm ỉ bắt đầu lan rộng. Tiếng yêu cầu mở màn, yêu cầu trả vé vang lên gần như náo loạn. Trước tình thế đó, ban giám đốc đoàn có gặp ban chủ nhiệm Nhà Văn Hóa để yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng về điện. Rồi thì ban chủ nhiệm Nhà Văn Hóa loan báo đến khán giả là hủy bỏ đêm hát, đề nghị quý khán giả giữ vé để đêm mai đến xem.

Nghe vậy khán giả bất mãn, một số la ầm lên, một số khác trèo lấn lên giàn đờn và sân khấu. Sau đó thì sự quậy phá đã xảy ra, nhiều phông màn bị xé, đèn sân khấu bị đập vỡ, bàn ghế cũng “xụm” luôn. Đào kép chỉ biết lo bảo vệ cái gì còn bảo vệ được và năn nỉ... Lúc đó, nhân viên Nhà Văn Hóa Pleiku đã “lặn” hết chẳng còn một ai, khiến cho anh em đoàn hát phải đối phó sự kiện rất là vất vả, đau xót... Cơ quan an ninh tức tốc đến can thiệp từ 8 giờ cho đến 12 giờ khuya mới vãn hồi được trật tự sân bãi.

Rạp Nguyễn Văn Hảo được coi như lớn nhứt ở Sài Gòn, từng được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có đến 3 từng lầu với trên 800 chỗ ngồi.
Rạp Nguyễn Văn Hảo được coi như lớn nhứt ở Sài Gòn, từng được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có đến 3 từng lầu với trên 800 chỗ ngồi.
Files photos

Sáng hôm sau một buổi họp khẩn giữa sở Văn Hóa Thông Tin, Nhà Văn Hóa Pleiku và ban giám đốc đoàn để quy trách nhiệm... Theo lời Thu An thì Nhà Văn Hóa Pleiku có lỗi hoàn toàn, do không chịu thuê máy điện lớn, mà chỉ móc điện của bệnh viện gần đó, nên không đủ ánh sáng thực hiện được đêm hát. Nhà Văn Hóa có hứa là đền bù thiệt hại cho đoàn bằng cách không lấy tiền sân bãi trong 3 xuất hát.

Đêm thứ hai buổi diễn có điện đầy đủ, số khán giả có vé hôm trước được vào xem, thậm chí ai mất vé mà cự nự với nhân viên gác cửa rằng mình có vé nhưng bị mất, rồi cũng được vào xem luôn. Số vé bán thêm đêm đó chỉ có một ít.

Đêm thứ ba Nhà Văn Hóa bắt đầu đặt lại vấn đề “tiền sân bãi”.

Đoàn không đồng ý, vì chưa hát đủ ba đêm. Hôm đó, nhân viên Nhà Văn Hóa có nhiệm vụ bảo vệ sân bãi, đã bỏ ngõ tứ phía, giúp cho người vào xem thả giàn không ít, bằng cách leo rào mà chẳng bị ai ngăn cản. Đêm thứ tư đoàn quyết định ngưng diễn, và chuyển đi bến khác, tạm biệt người anh em “Nhà Văn Hóa Pleiku”.

Điện là vấn đề “sanh tử”

Trước sự kiện trên có người nói rằng, Thu An gần nửa thế kỷ làm sân khấu, chẳng lẽ không biết điện là vấn đề “sanh tử” của đoàn cải lương hay sao, mà lại để cho tình trạng xấu như thế chứ!

Hoạt động cải lương bắt buộc phải có chiếc máy đèn riêng, không thể trông cậy vào một nguồn điện nào hết, phải có máy đèn dự phòng thì mới an tâm hoạt động nghệ thuật. Trên đường lưu diễn phải mang theo chiếc máy đèn, dù rằng cả tháng máy để nằm không.

Khi xưa ông Bầu Long là chủ nhân của 6 đoàn Kim Chung, và đoàn nào cũng được ông trang bị cho một chiếc máy phát điện, và cứ mỗi buổi chiều là cho máy chạy thử. Có nghĩa là chiếc máy luôn trong tình trạng tốt, và người chuyên viên trông coi máy đèn phải túc trực tại chỗ, để khi bị cúp điện thì cho máy chạy ngay liền.

Riêng về Thu An thì có lẽ thời điểm 1992 nầy thực lực đã suy rồi, đã mang nợ nần nhiều rồi, thì đâu mua sắm nổi chiếc máy đèn để sẵn nên mới xảy ra tình trạng trên. Chớ nếu như thời vàng son thời thập niên 1960 tiền bạc dồi dào, thì chiếc máy đèn dự phòng là “chuyện nhỏ” thôi.

Thưa quí vị nếu như Út Trà Ôn được người đời phong tặng “đệ nhứt danh ca vọng cổ”. Nghệ sĩ Minh Chí được mệnh danh “Vua Xang Xê” thì đào Ngọc Hương lại nổi tiếng ở bản Đảo Ngũ Cung. Và sau đây là một đoạn trong tuồng cải lương của đoàn Hương Mùa Thu, đào Ngọc Hương ca bài Đảo Ngũ Cung và làn hơi ca êm như ru của Út Hiền.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.