Cô đào Lương Ngọc Yến và gánh hát Tàu ở Chợ Lớn
2013.12.07
Bảo tồn văn hóa
Từ thời xa xưa người Trung Hoa sang Việt Nam lập nghiệp, họ đã mang theo cả văn hóa, mà trong đó có nghệ thuật sân khấu được dàn dựng trên đất nước ta. Trải qua hằng bao thế hệ nghệ thuật kia vẫn có người tham gia ca hát, trình diễn vừa tiến thân trong sự nghiệp, lại vừa để bộ môn văn hóa được bảo tồn.
Cũng nhờ đi vào con đường ca hát với tính cách tài tử, mà cô gái người Hoa tên Lương Ngọc Yến đã có cơ hội trở thành cô đào chánh tài sắc nổi danh của đoàn hát Quảng Đông. Và nếu như tình trạng sân khấu vẫn hoạt động tốt đẹp như thời thập niên 1950 – 1960 thì cô cũng có thể là một Hồng Tuyến Nữ ở Chợ Lớn, phục vụ khán giả người Hoa trên đất nước Việt Nam. Hồng Tuyến Nữ là cô đào tài sắc ở Hồng Kông thời bấy giờ.
Những gánh hát Tàu hoạt động liên tục ở nước ta, mà phần đông bà con mọi giới đã rất ít lưu ý đến, có người còn chẳng biết gì hết, dù rằng ở cách xa khu vực của người Hoa tập trung chỉ trên dưới 10 cây số thôi. Nói như thế cũng không có gì quá đáng, thí dụ như có những người dân ở miệt Bà Quẹo, Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp họ chẳng hề biết ở Chợ Lớn có gánh hát Tàu trình diễn hằng đêm. Đó là do bởi các đoàn hát này chỉ hoạt động trong “lãnh địa” Chợ Lớn của họ mà thôi.
Thời Pháp thuộc, Chợ Lớn là một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ. Đến thời chính quyền Quốc Gia Việt Nam thì không còn tỉnh Chợ Lớn nữa, khu thị tứ Chợ Lớn nơi người Hoa tập trung đông đảo, cũng đồng thời là trung tâm thương mại của Việt Nam được sáp nhập vào Thủ Đô Sài Gòn, Có lúc những gánh hát Tàu cũng đi trình diễn ở các tỉnh nếu như được mua giàn, và thông thường là những nơi có cộng đồng người Hoa, có tổ chức Bang Hội, và địa điểm trình diễn là những hội trường sinh hoạt hoặc chùa chiềng của người Hoa ở địa phương, chớ không phải ở rạp hát. Những lần đi như vậy thì gánh hát thu hẹp lại với những diễn viên chính yếu của đoàn, và chỉ đi bằng người với trang phục hát mà thôi, chớ không có phong màn hay tranh cảnh gì cả. Thành thử ra bà con ta ở tỉnh cũng không hay biết là có gánh hát Tàu đến đó trình diễn. (Trong nhân gian thiên hạ gọi là người Hoa hoặc người Tàu, nhưng gánh hát thì “gánh hát Tàu” chớ không ai gọi là “gánh hát Hoa” bao giờ).
Lại nữa về phía người Việt chúng ta thì lại rất hiếm người chịu đi coi các gánh hát này, do bởi họ hát tiếng Tàu, và tuồng tích thì cũng trích ra từ trong các truyện Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây v.v... Những tuồng ấy thì các gánh cải lương, hồ quảng, hát bội của ta đều có hát. Do vậy mà thiên hạ đã thờ ơ với hát Tàu, để dành thì giờ đi coi các gánh hát tiếng Việt dễ hiểu, dễ thưởng thức hơn.
Vậy các gánh hát Tàu này tổ chức ra sao, diễn viên đào kép từ đâu đến, từ Hồng Kông, Thượng Hải hay là đào tạo ở Việt Nam? Nếu như không tìm hiểu sâu rộng thì rất khó mà nắm vững được vấn đề. Chúng tôi xin nêu lên trường hợp cô đào Lương Ngọc Yến nổi tiếng tài sắc ở đoàn Quảng Đông, để nói về tổ chức những gánh hát Tàu hoạt động ở vùng Chợ Lớn thời kỳ trước và sau 1975.
Đem lại không khí quê hương
Như trên đã nói từ lâu đời ở nước ta đã có những gánh hát Tàu, họ trình diễn đem lại không khí quê hương cho những người đồng hương rời bỏ xứ sở đi sang đây lập nghiệp. Và thời ấy gánh hát Tàu chỉ phục vụ cho số khán giả người Hoa mà hầu như chẳng mấy người biết nói và nghe được tiếng Việt.
Không biết chính xác họ có bao nhiêu đoàn hát, nhưng có gánh Quảng Đông Đại Phụng Minh được coi như gánh lớn, cỡ đại bang cải lương của ta. Do bởi đoàn đã quy tụ được nhiều đào kép tên tuổi nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa, đã trình diễn hằng đêm ở Chợ Lớn. Đây là gánh hát duy nhứt mà sau 1975 vẫn còn hoạt động, vì thế đã thu hút đông đảo khán giả, đêm nào cũng không đủ vé bán. Nhưng rồi không hiểu sao chỉ một năm là đoàn Đại Phụng Minh cũng ngưng hoạt động luôn.
Đến cuối 1976 thì đoàn Thống Nhứt được thành lập thay thế cho đoàn Đại Phụng Minh, và đoàn này lại chia thành hai đoàn nhỏ: Triều Châu và Quảng Đông, hai đoàn hoạt động song song với nhau ở hai rạp Sao Mai và Vàm Cỏ. Đào kép tên tuổi phần nhiều tập trung ở đoàn Quảng Đông như: Dương Ngọc Phấn, Dương Bội Linh, Dương Bội Thuyên, Lý Lệ Châu, Giang Phụng Bình, Giang Tử Thanh, Huỳnh Kiếm Minh, Viên Cẩm Hồng, Đào Chí Hoa, Lâm Chấn Oai, Lâm Giác Thanh, Lệ Thường...
Thế nhưng, đến năm 1979 thì biến động lớn về diễn viên, những diễn viên chánh của đoàn tự nhiên biến mất mà chẳng ai biết lý do. Tại sao vậy chớ? Lúc ấy theo sự đồn đãi trong giới người Hoa, thì năm ấy có cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, đồng thời cuộc chiến cũng diễn ra trên đất Miên. Trong lúc tình hình giao động ở những nơi có người Hoa sinh sống, thì số đào kép nòng cốt kia có thể đi về Tàu, hoặc vượt biên qua Miên rồi sang Thái Lan và đi định cư ở nước khác.
Để củng cố thành phần diễn viên của đoàn Quảng Đông bị mất đi nhiều diễn viên chánh, người ta đã phải tìm đến nguồn diễn viên ở các Bang Hội để thay thế. Cô Lương Ngọc Yến và một số diễn viên khác đã được chọn về đoàn chuyên nghiệp Quảng Đông, nhờ đó mà cô trở thành cô đào tài sắc nổi danh luôn.
Ở vùng Chợ Lớn ngày xưa có rất nhiều đội văn nghệ tài tử, nhưng các đội lớn đáng kể là: Sùng Chính, Tuệ Thành, Hạc Sơn là những đội ca cổ nhạc Quảng Đông. Các đào kép chánh biến mất như nói ở trên họ cũng xuất thân từ những đội văn nghệ của các bang hội này. Riêng đào Lương Ngọc Yến vốn là cô thợ may, nhưng từ nhỏ đã gia nhập đội văn nghệ Sùng Chính, tập ca cổ rồi đi ca hát khắp nơi, thỉnh thoảng cũng có ca ở đình chùa trong những dịp cúng lễ. Cô từng đóng vai chánh trong trích đoạn của vở “Nhất Đại Thiên Kiều” là vở hát rất nổi tiếng mà nữ nghệ sĩ Hồng Tuyến Nữ ở Hồng Kông từng đóng vai chánh. Ngoài ra Lương Ngọc Yến cũng ca những bài bản cổ rút ra từ trong các vở: Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Nàng Đậu Nga, Công Chúa Trường Bình v.v...
Đến năm 1972 Lương Ngọc Yến về tham gia ca hát ở câu lạc bộ Hội Đồng Hương Họ Lương. Nơi đây cô tập ca diễn nhiều hơn, đóng vai chánh trong nguyên vở hát, chớ ít khi hát trích đoạn như trước, và đã diễn qua các vở: Vân Long Vân Phụng, Trai Tài Gái Sắc, Kim Xuyên Long Phụng Phối... Cô cũng cùng với đoàn đi diễn gây quỹ cứu trợ nhiều nơi như Đà Nẵng, Rạch Giá, Thủ Đức, các đình chùa, và không nhận thù lao.
Sau 1975 Lương Ngọc Yến vì sinh kế đành rời sân khấu đi làm nhân viên bán hàng ở các cửa hàng tạp hóa để sinh sống và phụ giúp tài chánh cho gia đình. Tuy thế, nhưng dường như nghiệp cầm ca vẫn còn đeo đuổi bên mình, nên cô vừa đi làm vừa tham gia chương trình văn nghệ của Quận 5. Gặp lúc đoàn Quảng Đông đang khủng hoảng về diễn viên, đào kép chánh bỏ đi hết, lại là cơ hội cho đào Lương Ngọc Yến, cô được mời gia nhập đoàn đảm nhận vai chánh, thật là may mắn đưa đến trong nghề.
Trong suốt gần 10 năm Lương Ngọc Yến đã diễn qua trên 50 vở hát đủ loại, từ cổ tích dân gian, thần thoại, sử, đến những vở xã hội. Đặc biệt là có những tuồng Việt Nam được chuyển thể để hát trên sân khấu Quảng Đông. Khán giả người Hoa rất thích xem những vở hát này như là xem tuồng của Trung Hoa vậy. Nhưng rồi sau cái thời gian 10 năm tốt đẹp kia thì sân khấu đoàn Quảng Đông cũng giống như cải lương Việt Nam, số lượng khán giả đi xem không nhiều như xưa nữa. Tình hình ca hát của đoàn xuống dốc trầm trọng, cả hai đoàn Triều Châu và Quảng Đông đều được hai Ban Bảo Trợ giúp đỡ tận tình mới tồn tại.
Ở những nơi có đông đảo người Hoa như Song Mao, Sóc Trăng, Định Quán, Cần Thơ có yêu cầu đoàn Quảng Đông, Triều Châu đến hát nhưng không đoàn nào dám tự đi lưu diễn, mà phải có người bao giàn mới dám đi.
Từ ấy về sau ngày một xấu thêm, lâu lắm đoàn mới tổ chức hát mà cũng chẳng có bao nhiêu người đi coi. Do đó diễn viên không thể ngồi chờ, ai cũng phải tìm nghề khác để sinh sống. Giờ đây người ta hiểu rằng sân khấu cải lương Việt Nam trong tình trạng ngất ngư, nói theo soạn giả Yên Lang thì như là cái thi hài biết thở vậy. Và luôn cả sân khấu hát tuồng của người Hoa ở Chợ Lớn cũng tình trạng như nhau, chẳng khá hơn gì. Coi như cái thời kỳ vàng son của sân khấu đã thật sự đi qua rồi. Cả hai nền nghệ thuật cùng chung một Tổ nghiệp chăng?