Chuyện về vở hát Tây Thi gái nước Việt

Ngành Mai, thông tính viên RFA
2013.12.21
POSTER-305 Bìa đĩa vở hát Tây Thi gái nước Việt.
File photo

 

Câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn “nằm gai nếm mật” được soạn giả Năm Châu viết thành tuồng cải lương với tên tựa “Tây Thi gái nước Việt” đưa lên sân khấu từ đầu thập niên 1950, gồm các nhân vật chính như: Ngô Phù Sai, Tây Thi, Việt Vương Câu Tiễn, Phạm Lãi, Ngũ Tử Tư...

Khán giả chật rạp

Đây là vở tuồng màu sắc khá ăn khách, hát liên tục cả tháng tại rạp Aristo mà đêm nào cũng chật rạp, thậm chí vé bán trước cả tuần. Vở hát lúc mới khai trương, vai Ngô Phù Sai do nghệ sĩ Năm Châu đóng; Má Bảy Phùng Há đảm nhận vai Phạm Lãi; nghệ sĩ Bảy Nhiêu vai Ngũ Tử Tư; ba nghệ sĩ hề là Ba Vân, Văn Lâu, Tám Vân vai Bá Hỉ. Hai cô đào Kim Cúc – Kim Lan trước sau thay nhau đóng vai Tây Thi. Nghe nói với vai nữ chánh này, hai cô đào phải đi học 72 đường kiếm thuật với ông thầy Tàu ở Chợ Lớn.

Vậy tuồng Tây Thi gái nước Việt hay đến cỡ nào mà khán giả cải lương lại đông đảo như thế? Tình tiết câu chuyện khá dài, tôi sẽ trở lại ở các kỳ sau. Giờ đây tôi trình bày diễn tiến trong việc viết vở tuồng này, cũng như ai là người đã sáng tác lên câu chuyện đã làm say mê khán giả khi nó được chuyển thể thành tuồng cải lương.

Số là kể từ lúc tuồng được ra mắt cho đến mấy thập niên sau, rất hiếm người biết rằng, soạn giả Năm Châu đã dựa vào vở kịch thơ “Tây Thi gái nước Việt” của Hoàng Mai, được nhà xuất bản Sống Chung phát hành giữa năm 1949. Hoàng Mai, tức Mai Văn Bộ, cán bộ kháng chiến Hội Liên Việt của Thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Về sau ông Mai Văn Bộ được điều động đến khu kháng chiến Nam Bộ và soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang tìm đến đây, để rồi sau đó vở hát “Tây Thi gái nước Việt” được ra đời, đóng góp một cành bông tươi đẹp vào vườn hoa nghệ thuật cải lương. (Lúc có Hòa Đàm Ba Lê ông Mai Văn Bộ làm Đại Sứ Bắc Việt tại Ba Lê).

Đầu năm 1950 Đoàn Việt Kịch Năm Châu trên đà mất khán giả vì thiếu tuồng mới, tuồng cũ diễn đi diễn lại nhiều lần không còn ăn khách nửa, nên soạn giả Tư Trang (em bà con với Năm Châu) đã lặn lội vào tận khu kháng chiến Nam Bộ (Khu 9) để gặp tác giả vở kịch thơ Hoàng Mai, xin được chuyển thể vở kịch thơ thành tuồng cải lương. Ông Bộ chấp thuận (không đòi hỏi tiền bản quyền).

Vở tuồng “Tây Thi gái nước Việt” với nguyên tác là vở kịch thơ đã sẵn mang tính văn chương và nghệ thuật, nhiều kịch tính với nội dung truyền cảm. Việc chuyển thể từ kịch thơ qua tuồng cải lương đòi hỏi soạn giả một trình độ cao về kỹ thuật và kinh nghiệm sân khấu, nếu không phải là Năm Châu, thì khó có ai dám mạo muội làm chuyện này. Người ta cho rằng, chính công sức, thông minh và thiện chí, với kinh nghiệm nghề nghiệp đã khiến cho ông Năm Châu vượt qua được cái khó khăn nhất là đặt bài ca cổ nhạc đúng chỗ, hợp lý để không làm gián đoạn đường dây xuyên suốt của kịch bản. Vở tuồng còn có sự đóng góp của nhạc sĩ Lê Thương viết nhạc, và ba ca khúc hát bè, điều đó cho thấy sân khấu cải lương từ thời xa xưa đã có áp dụng ca tân nhạc vào tuồng cải lương.

Đường lối “mua tuồng cũ”

Bìa đĩa hát cải lương Kim Vân Kiều trước đây.
Bìa đĩa hát cải lương Kim Vân Kiều trước đây.
File photo

Khoảng giữa thập niên 1950 thỉnh thoảng khán giả cũng có đi coi vở Tây Thi gái nước Việt diễn trên sân khấu Phụng Hảo. Thập niên 1960 cải lương lên cao điểm, nhưng hai đoàn Năm Châu và Phụng Hảo lại bị rã gánh nên khán giả đã không còn thấy nàng Tây Thi xuất hiện ở đâu hết.

Rồi đến năm 1974 thì đoàn Kim Chung cũng cho diễn tuồng “Tây Thi” của soạn giả Yên Lang, mà không phải tuồng của Năm Châu trước đó, khiến cho nhiều người thắc mắc rằng không biết Tây Thi này có phải là Tây Thi gái nước Việt mà nhiều năm trước đó khán giả cải lương đã đi coi? Và câu giải đáp như sau:

Lúc cao điểm khai thác nghệ thuật cải lương của những năm giữa thập niên 1960, bảng hiệu Kim Chung có đến 6 đoàn hát, hoạt động luân chuyển đều đặn từ Thủ Đô Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung. Chỉ trừ những lúc đoàn đang đi chuyển thì không có hát chớ đêm nào các gánh cũng mở màn, do đó ông Bầu Long rất cần nhiều soạn giả cộng tác để cung cấp tuồng mới cho các đoàn.

Ngoài mấy soạn giả thường trực người miền Bắc, đa số là các soạn giả miền Nam đã tập trung dưới trướng của Bầu Long (báo chí gọi là Bầu Rồng). Lúc bấy giờ soạn giả Yên Lang giữ một vai trò quan trọng về tuồng tích cho đoàn Kim Chung, nhưng sau cơn bão lốc Mậu Thân cuốn đi hết mấy đoàn, chỉ còn lại 2 đoàn hoạt động cầm chừng.

Tình hình đen tối như vậy nên Kim Chung không thể nào “nuôi” hết một “tiểu đội” soạn giả để phải trả lương tháng nữa. Đường lối của Bầu Long lúc ấy là mua đứt một số tuồng cũ rồi đổi tựa mới để cho 2 đoàn còn lại “hát cho có hát” mà thôi. Như vậy đỡ tốn tiền tuồng, và cũng để nuôi sống những đào kép công nhân từng trung thành với bảng hiệu Kim Chung, nhứt là những người đã theo đoàn từ Bắc vô Nam. Do đường lối “mua tuồng cũ” ấy nên soạn giả Yên Lang đương nhiên không còn chỗ đứng ở Kim Chung nữa, đã phải chạy lung tung qua mấy đoàn Việt Nam, Du Sỹ Ca Quốc Trầm...

Mãi đến 1974 thì Yên Lang “phản hồi cố quận” được Bầu Long mời cộng tác trở lại cùng lúc với soạn giả Thiếu Linh. Trở về với Kim Chung thì soạn giả nào lại chẳng mừng, bởi viết xong tuồng là có tiền ngay, chớ không như các gánh khác, tuồng hát rồi chưa chắc có tiền. Do vậy mà soạn giả cần đến những câu chuyện ăn khách để cộng tác lâu dài với Bầu Long, và chiêu đầu tiên mà soạn giả Yên Lang tung ra tại rạp Olympic mang tựa đề là Tây Thi.

Có lẽ biết rõ câu chuyện “nằm gai nếm mật” của Việt Vương Câu Tiễn ăn khách, hát đi hát lại nhiều lần vẫn có đông đảo khán giả đi coi, nên soạn giả Yên Lang đã đưa nàng Tây Thi và các nhân vật trong câu chuyện lên sân khấu Kim Chung.

Thế nhưng, lấy tên tựa gì đây? “Tây Thi gái nước Việt” thì Năm Châu đã đặt tựa rồi, không lẽ giờ đây đề tựa Tây Thi... gái nước Tàu? Dù rằng câu chuyện này là của Trung Hoa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Ngô nước Việt là chư hầu của Nhà Chu (có nhiều người lầm lẫn nước Việt ở đây là Việt Nam).

Thật ra thì sử sách chính thống của Tàu ghi chép rất ít về nàng Tây Thi, mà phần lớn hình ảnh đẹp của Tây Thi là do nhân gian sáng tạo, gần như là chuyện xưa tích cũ vậy. Chẳng hạn như tuồng cải lương của Năm Châu đã dựng lên một nàng Tây Thi vừa đẹp tuyệt trần, vừa yêu nước mến dân, lại vẹn tình vẹn nghĩa...

Do cốt truyện gần như chuyện nhân gian của Tàu, thì soạn giả cải lương Việt Nam ai viết được thì viết, chứ đâu phải tác quyền của Năm Châu. Thành thử ra soạn giả Yên Lang viết thoải mái, tạo nên nàng Tây Thi thế nào tùy ý, chỉ có cái khó là đặt tựa làm sao cho khán giả hiểu được Tây Thi này cũng là Tây Thi của Năm Châu mới ăn khách. Cái tựa là cả một vấn đề, và soạn giả nhà ta đã đặt tựa là “Tây Thi”... khơi khơi vậy thôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Đến hôm đăng bảng trình diễn, các ký giả kịch trường phỏng vấn ông Bầu Long:

- Sao lại chỉ có hai chữ “Tây Thi” thôi, còn “gái nước Việt” bỏ đi

đâu?

Bầu Long trả lời:

- Mấy anh cứ hỏi thẳng soạn giả Yên Lang.

- Ông là bầu gánh phải biết chớ!

Là người Bắc di cư, ông Bầu Long dùng từ ngữ Bắc rặt:

- Tớ chả cần biết làm gì, miễn tuồng ăn khách là tốt rồi.

- Vậy có phải Tây Thi gái nước Việt như tuồng của Năm Châu hay là... gái nước Tàu?

Bầu Long nói:

- Gái nước Tàu, nước Nhựt, Miên, Lèo, Ấn Độ, Chà Và hay gái nước nào cũng được, tớ chả cần quan tâm làm chi.

- Thế là huề! Đối với Bầu Long thì báo chí có khen cũng vậy, mà chê thì cũng thế thôi!

Như vậy tuồng “Tây Thi gái nước Việt” đã có 2 người viết: Năm Châu và Yên Lang.

Một điều cũng cần nói thêm, năm 1969 lúc Hòa Đàm Ba Lê đang diễn ra, cả hai miền Nam, Bắc đã đưa các đoàn văn nghệ sang nước Pháp làm công tác văn hóa, thu phục kiều bào. Riêng miền Nam thì trước tiên là đoàn Thanh Minh Thanh Nga như tôi đã từng trình bày với thính giả trên làn sóng phát thanh này. Kế đó thì các đoàn văn nghệ khác cũng được đưa sang, trong số có đoàn của Năm Châu, Phùng Há.

Thời gian công tác cho đoàn văn nghệ miền Nam tại Ba Lê, hai nghê sĩ Năm Châu, Phùng Há đã bí mật gặp ông Đại Sứ Mai Văn Bộ của miền Bắc. Giáo sư Trần Văn Khê dùng xe riêng đưa 2 người đến gặp ông Bộ tại nhà của Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Hà. Dù là tác giả câu chuyện, nhưng ông Mai Văn Bộ vì ở trong khu kháng chiến, đã không có dịp nào được coi vở hát nói trên. Cuộc gặp gỡ này ông Bộ yêu cầu nghệ sĩ Phùng Há diễn lại một lớp trong tuồng Tây Thi gái nước Việt (Má Bảy diễn lớp Phạm Lãi gặp Tây Thi ở Cô Tô Đài).

Vấn đề trên về sau ông Mai Văn Bộ kể lại với báo chí rằng: “Năm phút diễn xuất kỳ diệu của chị Bảy trong vai Phạm Lãi, đã giúp tôi hình dung được toàn bộ vở kịch hoành tráng và lộng lẫy Tây Thi gái nước Việt trên sân khấu của Đoàn Việt Kịch Năm Châu năm nào. Chuyện đời kể ra cũng lạ, trong khi hằng bao khán giả thì được coi nguyên vở tuồng. Còn tác giả câu chuyện thì chỉ được xem một đoạn với thời gian 5 phút ngắn ngủi. Sau 1975 vở Tây Thi được diễn trở lại, không biết ông Mai Văn Bộ có dịp đi coi không?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.