Tạp Chí Phụ Nữ kỳ này giới thiệu đến quý vị 3 gương mặt nữ khoa học gia trẻ này cùng với những đề tài nghiên cứu của họ.
L’OREAL UNESCO PRIZE vốn là một giải thưởng quốc tế được trao hàng năm cho những phụ nữ đại diện cho 5 châu lục có các công trình nghiên cứu xuất sắc, đóng góp cho sự tiến bộ của toàn cầu. Để được đề cử cho giải thưởng này, các nữ khoa học gia phải có học vị tiến sĩ trở lên và công trình nghiên cứu của họ phải được xét duyệt, đánh giá bởi một hội đồng các nhà khoa học và được các viện đại học danh tiếng công nhận.
Ngoài giải thưởng trên, còn có chương trình học bổng L’OREAL UNESCO quốc tế. Để mở rộng chương trình này, các quốc gia có đại diện của L’OREAL tổ chức thêm chương trình học bổng L’OREAL UNESCO cấp quốc gia.
Đây là lần đầu tiên học bổng L’OREAL UNESCO cấp quốc gia được tổ chức trao giải tại Việt Nam. Năm nay, học bổng được trao có trị giá 100 triệu đồng mỗi giải, nhưng sang năm sau, giải sẽ được tăng lên thành 150 triệu đồng. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, giám đốc truyền thông và đối ngoại của công ty L’oreal Việt Nam, cho biết về tiêu chí để đánh giá đề tài như sau:
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh: Bắt đầu từ năm 2010 thì cái học bổng này sẽ được tăng lên 150 triệu đồng cho một cái đề án nghiên cứu khoa học và vẫn chọn ra là 3 phụ nữ, là 3 tiến sĩ khoa học trẻ có các đề án nghiên cứu khoa học tốt, không có liên quan tới mỹ phẩm, không có thử nghiệm trên động vật, và 3 đề án khoa học này được Hội Đồng Khoa Học L'OREAL UNESCO đánh giá là 3 đề án khoa học mà có tiềm năng và có những triển vọng trong việc ứng dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học này để phục vụ cho con người.
Điều kiện ứng cử
Tuy đây là lần đầu tiên tổ chức, hội đồng khoa học đã nhận được khá nhiều đề án nghiên cứu có giá trị, mặc dù điều kiện để ứng cử khá “gay go”.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh: Điều kiện ứng cử là vị đó phải có cái học vị từ tiến sĩ trở lên, có cái tuổi đời không quá 40 tuổi, có những công trình nghiên cứu khoa học, những bài viết về khoa học được đăng trên các tạp chí của thế giới và tạp chí trong nước. Họ cũng là những người đồng tác giả hoặc là tác giả của những cái đề tài khoa học. Thì mình dựa trên những tiêu chí đó và khi mà chị ấy làm cái đề án nghiên cứu khoa học thì chị có một cái thư đề cử của một nhà khoa học, thì Hội Đồng Khoa Học của L'OREAL UNESCO sẽ xét dựa trên các yếu tố đó và xét dựa trên các yếu tố về đề tài khoa học.
3 đề án khoa học này được Hội Đồng Khoa Học L'OREAL UNESCO đánh giá là 3 đề án khoa học mà có tiềm năng và có những triển vọng trong việc ứng dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học này để phục vụ cho con người.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh
Hội Đồng Khoa Học năm nay gồm có các cây đại thụ trong làng khoa học như Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Châu Văn Minh, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thị Trân Châu, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Niếu, Tiến sĩ Lê Đình Tiến, Tiến sĩ Phạm Sanh Châu.
Sau hai tháng nghiên cứu, đánh giá, hội đồng khoa học đã quyết định trao giải cho ba gương mặt nữ tiến sĩ trẻ. Đó là Tiến sĩ Đặng Thị Phương Thảo với đề tài "Sử dụng mô hình ruồi giấm Drosophila để nghiên cứu vai trò của Protein UCL-L1 đối với bệnh Parkinson", Tiến sĩ Nghiêm Thị Hà Liên với đề án "Chế tạo và nghiên cứu các đặc trưng quang học của hạt vàng gắn kết kháng thể tái tổ hợp đặc hiệu HER2 nhằm ứng dụng trong việc là băng thử phát hiện nhanh bệnh ung thư vú", và Tiến sĩ Lê Thị Phương Quỳnh với đề án "Nghiên cứu những biến đối toàn cầu dựa trên mô hình địa phương, lưu vực sông Hồng ở Việt Nam".
Có một điều thú vị là cả ba nữ tiến sĩ tài năng ở ngang độ tuổi với nhau, từ 33 đến 35 tuổi, và ở họ có một niềm say mê bất tận dành cho khoa học – lĩnh vực vốn được xem là “khu vực ưu tiên” dành cho các đấng mày râu.
Cơ chế phát sinh bệnh Parkinson
Trước hết, mời quý vị làm quen với gương mặt đầu tiên là nữ TS Đặng Thị Phương Thảo. Chị là ứng viên duy nhất đại diện cho TP.HCM tham dự giải lần này. TS Đặng Thị Phương Thảo hiện là giảng viên, Trưởng Bộ Môn Công Nghệ Sinh Học Phân Tử và Môi Trường, thuộc Khoa Sinh - Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh - Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Phương Thảo được giữ lại trường để nghiên cứu. Sau đó, cô nhận được học bổng là một khóa đào tạo sau đại học của UNESCO tại Nhật Bản trong vòng một năm. Trở về trường, cô thực hiện thêm một vài công trình nghiên cứu nho nhỏ khác và hoàn thành học vị thạc sĩ. Sau đó, Phương Thảo quay trở lại Nhật để tiếp tục các nghiên cứu của mình và hoàn thành học vị tiến sĩ vào năm 2008. Giải thích về đề tài nghiên cứu khoa học của mình, TS Phương Thảo nói:
Đề tài của mình đó thì là bây giờ mới đang tiến hành, tức là mới bắt đầu tiến hành thôi, thì cái mục tiêu của nó là sử dụng cái mô hình ruồi giấm này để biết được cái cơ chế phát sinh bệnh Parkinson.
TS Đặng Thị Phương Thảo
TS Đặng Thị Phương Thảo: Đề tài của mình đó thì là bây giờ mới đang tiến hành, tức là mới bắt đầu tiến hành thôi, thì cái mục tiêu của nó là sử dụng cái mô hình ruồi giấm này để biết được cái cơ chế phát sinh bệnh Parkinson. Khi mà mình biết được cơ chế phát sinh bệnh như vậy đó thì là mình sẽ cung cấp thêm những dữ liệu để có thể có các nghiên cứu tiếp theo, tìm ra những thứ thuốc trị bệnh một cách có định hướng đó.
Ngoài đề tài nghiên cứu đoạt giải, TS Đặng Thị Phương Thảo cũng là chủ nhân của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khác, chẳng hạn như "Nghiên cứu và thử ứng dụng thử nghiệm Ames để phát hiện các tác nhân gây đột biến, ung thư", "Áp dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men trong xử lý môi trường", "Nuôi trồng thủy sản", "Sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử nhằm chẩn đoán bệnh trong gia súc, gia cầm". . .
Chuẩn đoán bệnh ung thư ngực
Gương mặt thứ hai trong số 3 người nhận Giải L’OREAL UNESCO là TS Nghiêm Thị Hà Liên. Chị hiện đang công tác tại Viện Vật Lý thuộc Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam. Đề tài đoạt giải của chị tập trung vào việc nghiên cứu chế tạo hạt vàng nano nhằm ứng dụng vào việc thử phát hiện nhanh bệnh ung thư vú.
Theo TS Hà Liên, hạt nano vàng thường phải nhập về từ các nước với giá thành rất cao, chưa kể quá trình vận chuyển phải thật kỹ lưỡng để sản phẩm gửi về không bị hư hỏng. Vì vậy, công trình của chị thực chất không phải là một khám phá mới nhưng lại mang tính thực tiễn rất cao, nhất là đối với điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam. Chị nói:
TS Nghiêm Thị Hà Liên: Thật ra là nghiên cứu của chị là chế tạo ra cái hạt nano ấy. Vì sao có hạt nano vàng, thì ở Việt Nam cái đấy thì nói đến mua thì đắt, so với giá tiền thế giới thì rất là đắt, tại vì mình mua về trong điều kiện vận chuyển từ thế giới về, chẳng hạn mua từ Anh, vận chuyển về tới Việt Nam là có khi trên đường đi thì nó đã hỏng rồi. Tất nhiên là mình không nói là có thể coi điều kiện người ta vận chuyển, nhất là hạt nano vàng, cái điều kiện vào khoảng rất là khắt khe, thì mình thấy là "thôi, mình chế tạo lấy". Thời gian mới đầu thì cũng không đương nhiên thành công đâu nhưng về sau thấy làm rồi dần dần thấy ham, cũng không khó như người ta nghĩ.
Hạt nano có rất nhiều ứng dụng hữu ích cho việc nghiên cứu khoa học và đời sống thường nhật, chẳng hạn như dùng làm chất xúc tác cho các phản ứng hữu cơ, phân tích kim loại nặng, ứng dụng trong công nghệ điện tử… Riêng hạt nano vàng thường được sử dụng trong y học để phát hiện sớm bệnh ung thư. Ý tưởng nghiên cứu của TS Nghiêm Thị Hà Liên cũng xuất phát từ một ứng dụng rất quen thuộc và rất “phụ nữ”. Chị cho biết:
Việc sử dụng hạt nano vàng làm que thử, nhất là que thử bệnh ung thư thì cũng như là que thử thai sớm thì nó cũng dùng hạt nano vàng để mà làm cái chất kỳ thị màu đấy.
TS Nghiêm Thị Hà Liên
TS Nghiêm Thị Hà Liên: Việc sử dụng hạt nano vàng làm que thử, nhất là que thử bệnh ung thư thì cũng như là que thử thai sớm thì nó cũng dùng hạt nano vàng để mà làm cái chất kỳ thị màu đấy. Khi mà thử que thử thai sớm mà dùng thì khi nào có bệnh và không có bệnh thì mình dùng hai vệt màu mà hiện lên là biết ngay là có thai hay không có thai, thì mình cũng với nguyên tắc đấy - nhưng mà cũng chỉ với ý tưởng thôi chứ chưa làm ra được cái que thử ung thư sớm đâu - thì mình dùng nguyên tắc đấy để ứng dụng trong việc chẩn đoán bệnh nhanh và sớm.
Môi trường sông Hồng
Khác với hai nhà nghiên cứu trên, đề tài của TS Lê Thị Phương Quỳnh tập trung vào một trong những vấn đề “nóng hổi”, rất thời sự của Việt Nam nói riêng và của toàn cầu nói chung. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu.
Tốt nghiệp tiến sĩ của trường Đại Học Pierre & Marie Curie (Pháp) vào năm 2005 khi mới 29 tuổi, TS Lê Thị Phương Quỳnh trở về với nhiều hoài bão đóng góp cho nền khoa học Việt Nam. Đề tài nghiên cứu của chị là sử dụng mô hình hóa, công cụ toán học cho phép biểu diễn mối liên hệ giữa chất lượng nước của hệ thống sông với tác động của con người và điều kiện tự nhiên trong lưu vực sông Hồng ở thời điểm hiện tại. Đề tài này đã trở thành một nghiên cứu điển hình cho việc nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đối với hệ thống sông ngòi ở Việt Nam và trong khu vực Châu Á.
Đề tài của TS Lê Thị Phương Quỳnh tập trung vào một trong những vấn đề "nóng hổi", rất thời sự của Việt Nam nói riêng và của toàn cầu nói chung. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp Hội Phụ Nữ Hoạt Động Trong Ngành Khoa Học (AWIS) cho biết mặc dù cùng tốt nghiệp với thứ hạng cao như nhau, nhưng tỉ lệ nữ nghiên cứu sinh của các ngành khoa học được chọn ở lại trường làm trợ giảng chỉ đạt hơn 7% so với hơn 18% ở nam giới. Chưa kể, họ gặp rất nhiều thiệt thòi khi phải một vai gánh vác chuyện đời, vai kia lại gánh vác chuyện nhà. Điều đó cho thấy, để đeo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học, phụ nữ thường phải cần nhiều nghị lực và sự hỗ trợ từ phía gia đình hơn so với nam giới, giống như chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Thị Phương Thảo:
TS Đặng Thị Phương Thảo: Mình nghĩ mình cũng rất là may mắn đó cho nên là mình có được sự ủng hộ của gia đình rất là lớn, cho nên tới bây giờ cũng chưa thấy nhiều áp lực giống như là mọi người thường tưởng tượng.
Nói tóm lại, đối với cả ba nữ tiến sĩ, gia đình của họ đã hoàn tất rất tốt vai trò là một bệ phóng lý tưởng cho họ - những nhà khoa học trẻ - sải cánh bay vào bầu trời rộng lớn của những tiến bộ khoa học.
Khánh An xin chào tạm biệt. Xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình Tạp Chí Phụ Nữ kỳ sau.