Tại Việt nam, khoảng 10 năm trở lại đây, môn học này đã dần được đưa vào chương trình học phổ thông từ cấp hai đến cấp 3, mặc dù vẫn còn một số ý kiến phản đối.
Được dạy ở VN ra sao?
Giáo dục giới tính là một khái niệm dù không mới nhưng không phải ai cũng hiểu về nó một cách đúng đắn và đầy đủ. Ở Việt nam, giáo dục giới tính cho học sinh phổ thông đã được tiến hành từ khoảng 10 năm trở lại đây nhưng mức độ giảng dạy khác nhau tuỳ từng trường, từng nơi, và do đó dẫn đến các ảnh hưởng khác nhau đến nhận thức của học sinh và phụ huynh về môn học này.
Mỗi người có một cách nghĩ khác nhau, người ta không thể áp đặt là các cháu phải nghĩ thế này phải nghĩ thế kia được. <br/>
Chị Nguyễn Thuý Hạnh
Giáo dục giới tính thường được hiểu là môn học về giải phẫu sinh học bộ phận sinh dục của người, quan hệ tình dục và sức khoẻ sinh sản. Theo từ điển bách khoa Việt nam thì môn học này giúp cho người ta có ý thức và biết đánh giá đúng đắn hành vi của mình và của người khác trong mối quan hệ với người khác giới; xây dựng đúng đắn tình bạn, tình yêu chân chính, chuẩn bị về mặt tâm lý và thực tiễn cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, tư cách làm cha, làm mẹ trong tương lai.
Nói vậy để thấy tầm quan trọng đến mức độ nào của giáo dục giới tính trong cuộc sống của con người, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống gấp gáp và cách sống cũng cởi mở hơn xưa.
Khi môn học này được đưa vào các trường phổ thông ở Việt nam, đã có nhiều ý kiến trái ngược về việc có nên dạy hay không môn học này cho học sinh và nếu dạy thì nên bắt đầu ở độ tuổi bao nhiêu. Các nhà tâm lý và chuyên gia giáo dục cho rằng môn học là cần thiết để trang bị kiến thức vào đời cho các em. Nhưng có không ít cha mẹ học sinh và thậm chí cả giáo viên thì cho rằng không cần thiết bởi vì dạy như vậy chả khác gì vẽ đường cho hươu chạy.
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng thì môn học này cũng được đưa vào giảng dạy, và được chia làm nhiều phần tách biệt. Phần giới thiệu về cấu tạo sinh dục và sức khoẻ sinh sản được dành cho môn sinh vật. Còn phần giáo dục về sức khoẻ tình dục được phân vào môn giáo dục giới tính.
Em Nguyễn Thanh Huyền, 19 tuổi, ở Hà nội nói rằng các em chỉ được làm quen với giáo dục giới tính qua sách giáo khoa ở trường cấp 2. "Lên cấp 3 thì không còn học các môn đó nữa. Mình được học một số bài: Một bài về cơ quan sinh dục, một bài về tình dục an toàn, một bài nói về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục."

Huyền nói có một số giáo viên trong trường em cứ đến tiết học này thường chỉ dạy qua hoặc bỏ vì ngại nói đến vấn đề vốn được coi là tế nhị trong văn hoá người Việt từ ngàn đời này: "Nó phụ thuộc vào cô giáo, vì nhiều cô giáo còn ngại dạy về vấn đề đó. May lớp cháu học cô cũng dạy. Cô bắt con gái đứng lên nói về con trai. Nhưng cháu hỏi các bạn thì các cô ở lớp khác còn bỏ qua bài đấy, không dạy bài đấy. Cô giáo trẻ giờ cởi mở hơn."
Em Nguyễn Thuý Hạnh, 22 tuổi, ở Hà nội thì cho biết ở trường cấp 2 và cấp 3 em được học khá kỹ vì môn này được "lồng ghép vào môn giáo dục công dân hoặc sinh vật học. Hồi đó bọn cháu học mấy tháng liền về vấn đề đấy, mỗi tuần cháu học 2 hay 3 buổi. Nó dạy về phụ nữ, nó dạy tại sao có kinh nguyệt. Còn phần thứ hai là nói về quan hệ, cách làm sao quan hệ an toàn, rồi một phần nói về phong tục Việt nam hồi trước với bây giờ."
Hạnh cho biết trường em còn chiếu phim tài liệu cho học sinh tìm hiểu, và cách dạy thì khá cởi mở. Các em được "xem đoạn băng về sự phát triển của phụ nữ, của con trai. Sau đó nói về vấn đề quan hệ. Mỗi người có một cách nghĩ khác nhau, người ta không thể áp đặt là các cháu phải nghĩ thế này phải nghĩ thế kia được."
Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình về môn học này, phần lớn những học sinh đã học qua cấp 3 và vào đại học đều cho rằng môn học này là bổ ích nhưng lại không chú ý mấy khi được học. Nhiều bạn gái thì ngượng khi phải học môn học này cùng các bạn trai. Có bạn thì thấy môn học như chuyện đùa. Nguyễn Thúy Hạnh nhớ lại "hồi trước thấy hơi ngại khi học các môn học đấy. Còn bây giờ lớn lên thì thấy khá bổ ích."
Có bạn thì hầu như không nhớ là đã được học cái gì, chỉ nhớ mang máng là hình như có một buổi học về giáo dục giới tính gì đó và thấy vui vui thì đặt câu hỏi. Bạn Lê Văn Long, 21 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh nhớ rằng "có một cuộc hội thảo. Nó gọi là một buổi hội thảo riêng. Thì có đứa nghe nó thấy khoái khoái thì nó đặt câu hỏi cho người ta.
Chỉ học trong trường chưa đủ
Phần lớn các bạn đã qua tuổi teen đều cho rằng những kiến thức của môn học này trong trường dù rất bổ ích nhưng lại chưa đủ. Vì thế các bạn thường phải tự tìm hiểu thêm bằng cách vào internet hoặc đọc sách báo. Bạn Nguyễn Thanh Huyền giải thích"ở trường thì dạy đại khái thôi, chứ muốn chi tiết phải qua sách báo, mạng. Bây giờ xã hội quá phức tạp, với lượng kiến thức nhỏ bé học ở trường thì không đủ cho mình ra đời, để mình có thể đối phó lại với các tình huống".
Thanh thiếu niên họ tự đi tìm thông tin qua bạn bè, qua internet. Nó dẫn đến việc là họ có thể có thông tin đúng, mà có thể là có thông tin sai lệch vì không có sự định hướng, không có sự chỉ bảo của những người đi trước.
TS. Khuất Thu Hồng
Hiện ở Việt nam, việc tìm các thông tin về giáo dục giới tính trên mạng cũng không phải là khó khăn. Chỉ cần bấm các chữ như ‘giáo dục giới tính’ hay ‘tình dục’ là người ta có thể thấy vô vàn các trang thông tin, diễn đàn về chủ đề này. Thêm vào đó các sách y học trong và ngoài nước dạy về vấn đề này cũng có thể tìm thấy rất nhiều ở các hiệu sách trên phố.
Ngoài ra ở Việt nam hiện cũng có các tổng đài chuyên tư vấn về sức khoẻ, giới tính cho mọi người, nổi tiếng nhất là tổng đài 1080 của Tổng công ty Bưu chính viễn thông. Nguyễn Thanh Huyền cho biết bạn thường vào các trang báo mạng được nhiều người đọc trong nước như vietnam net hay dân trí, bởi vì các trang này cũng có các mục sức khoẻ và xã hội đề cập đến vấn đề về giới tính mà bạn quan tâm.
Một nguồn thông tin nữa mà các bạn trẻ, nhất là các bạn gái có thể sử dụng để tìm hiểu thêm là từ bạn bè và cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nói chuyện này với mẹ mình và không phải bà mẹ nào cũng cảm thấy dễ dàng khi đề cập đến vấn đề này với con gái.
Nguyễn Thanh Huyền nói, bạn thường chỉ tâm sự với bạn bè chứ không nói với mẹ về những vấn đề giới tính và tình dục:"Những điều cháu muốn biết thì cháu tự tìm hiểu chứ mẹ cháu vẫn không nói gì về vấn đề đấy. Cháu ngại, cái đấy nói với bạn bè thì không sao nhưng nói với bố mẹ nó không được hay lắm."
Chị Lê Thị Vân, mẹ của Huyền thì nói chị cho rằng ở trường đã dạy đủ rồi nên chị không cần phải nói thêm, chỉ trừ khi Huyền có bạn trai thì mới tính. Chị nói: tại vì nó chưa có bạn trai cho nên mình chưa nói với nó về chuyện đấy. Mình tìm hiểu biết là trường học có dạy thì chắc là nó tự tìm hiểu. Mình chỉ dạy nó nhìn bạn tốt xấu để chơi thôi.
Ở trường thì dạy đại khái thôi, chứ muốn chi tiết phải qua sách báo, mạng. Bây giờ xã hội quá phức tạp, với lượng kiến thức nhỏ bé học ở trường thì không đủ cho mình ra đời, để mình có thể đối phó lại với các tình huống. <br/>
Chị Nguyễn Thuý Hạnh
Đây chính là vấn đề mà tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển xã hội, cho là đáng lo ngại vì giữa nhà trường và gia đình chưa có một sự phối hợp đồng bộ để giáo dục con trẻ về các vấn đề giới tính. Điều này dẫn đến sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về tình dục và sức khoẻ sinh sản của nhiều phụ nữ Việt nam.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, "người Việt nam mình không được dạy dỗ giáo dục gì về tình dục cả. Mọi người tự khám phá mình. Trong việc tự khám phá mình về tình dục, người ta gặp nhiều khó khăn. Có thể người ta sẽ đi đúng, có thể người ta sẽ đi sai. Không ai hướng dẫn, không ai chỉ bảo. Xã hội im lặng, gia đình và nhà trường đổ trách nhiệm cho nhau, chẳng ai dám nhận trách nhiệm họ là nơi giáo dục tình dục cho thế hệ trẻ.
Thanh thiếu niên họ thiếu các thông tin đó và họ tự đi tìm thông tin qua bạn bè, qua internet. Nó dẫn đến việc là họ có thể có thông tin đúng, mà có thể là có thông tin sai lệch vì không có sự định hướng, không có sự chỉ bảo của những người đi trước.”
Năm ngoái hãng Kotex đã công bố kết quả điều tra của phụ nữ châu Á về những hiểu biết của họ liên quan đến cơ thể mình. Cuộc điều tra tiến hành trên 2,000 phụ nữ từ độ tuổi 16 đên 24 ở 6 quốc gia châu Á. Riêng tại Việt nam, 91% phụ nữ không hiểu hoặc hiểu biết sai lệch về chính cơ thể mình. Có đến 71% bạn gái được hỏi cho rằng mặc áo ngực có thể gây bệnh ung thư, 62% không biết màng trinh là gì, 77% không thể trả lời các câu hỏi về thai nghén, sức khoẻ sinh sản, giới tính…
Thậm chí có bạn trẻ học cấp ba vẫn còn tin vào những quan niệm truyền thống sai lệch như ăn nhiều dứa và dưa hấu sẽ bị sẩy thai, phụ nữ trong chu kỳ thường bị chó mèo tấn công nhiều hơn, hoặc xuống hồ bơi chung với đàn ông sẽ dính bầu…

Thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, và sức khoẻ sinh sản cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn ở các bạn trẻ và việc nạo phá thai tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo thống kê của Hội kế hoạch hoá gia đình, Việt nam là một trong 3 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới từ 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca mỗi năm, trong đó 20% thuộc lứa tuổi vị thành niên. Đó là chưa kể những ca nạo phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân không kiểm soát và thống kê được mặc dù rất nguy hiểm.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tìm hiểu và tự khẳng định mình của con người ngày một lớn. Ngày nay, trong giáo dục giới tính, người ta không chỉ bó gọn trong các vấn đề như sức khỏe sinh sản, tình dục khác giới, mà còn nói đến đồng tính luyến ái, một vấn đề còn khá nhạy cảm ở Việt nam. Chính vì thế môn giáo dục giới tính trong các trường phổ thông cũng cần phải được cập nhật để theo kịp thời đại, đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ.