Nạn trai thừa gái thiếu ở châu Á, và Việt Nam

Châu Á đang thiếu 117 triệu phụ nữ do hậu quả của việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến giúp xác định giới tính thai nhi trước khi sinh. Nước nào phải chịu những hậu quả theo sau việc thiếu hụt này, và hậu quả là gì?

Vì “kỹ thuật cao”

Ế vợ có lẽ là câu mà chắc nhiều người đàn ông Việt Nam nghe cũng đã quen dù câu này có áp dụng cho họ hay không. Và có lẽ đối với nhiều người thì câu này nghe cũng chả có gì đáng sợ cho lắm vì từ trước đến nay ông bà mình cứ hay lo con gái ế chồng nhiều hơn là con trai ế vợ. Thế nhưng mọi sự đang thay đổi vì Liên Hiệp Quốc mới đây đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt phụ nữ trầm trọng ở châu Á, nhất là các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Một cuộc hội thảo do Liên Hiệp Quốc phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam tổ chức vào hồi đầu tháng 10 ở Hà Nội cho thấy châu Á hiện đang thiếu đến 117 triệu phụ nữ. Còn Việt Nam thì chỉ trong vòng khoảng 15 đến 20 năm nữa sẽ có khoảng từ 2 đến 4 triệu đàn ông không thể lấy vợ vì không đủ phụ nữ cho họ kết hôn.

Hôn nhân và hạnh phúc- RFA photo
Hôn nhân và hạnh phúc- RFA photo (RFA photo)

Nguyên nhân được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa ra là do việc tiếp cận dễ dàng với kỹ thuật siêu âm hiện đại giúp xác định giới tính thai nhi trước khi sinh, và do truyền thống trọng nam khinh nữ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội tại Hà Nội cho biết:

Nguyễn Đình Cử: Bây giờ người ta siêu âm, phát hiện sớm giới tính thai nhi, người ta nạo phá thai an toàn, nếu giới tính không theo nguyện vọng của cha mẹ thì người ta nạo phá đi.

Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, các gia đình ở Việt Nam theo truyền thống thì thường thích sinh con trai hơn con gái vì cho rằng con trai mới có thể nối dõi tông đường, mới có thể thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Nguyễn Đình Cử: Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Thế kỷ thứ 15 Việt Nam lấy Nho giáo làm quốc giáo, mà Nho giáo thì trọng nam khinh nữ. Theo Nho giáo thì phải có con nối dõi tông đường. Theo quan niệm của Nho giáo, một trong những trọng tội là tội bất hiếu, trong đó tội lớn nhất là không có con trai nối dõi tông đường. Còn yếu tố nữa là yếu tố thờ cúng tổ tiên. Chỉ có con trai mới thờ cúng, con gái đi về nhà chồng rồi.

Việc nạo phá thai nhi phái nữ đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính thai nhi nghiêm trọng ở nhiều nước châu Á. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy khi sinh ở Trung Quốc tỷ lệ trẻ trai trên 100 trẻ gái là 118, ở Ấn Độ là 110 và Việt Nam là 111. Trong khi đó tỷ lệ được coi bình thường trên thế giới nằm ở mức 106 trẻ trai trên 100 trẻ gái.

Một điểm đáng chú ý khác nữa là phần lớn các trường hợp lựa chọn giới tính trước khi sinh ở các nước châu Á lại thường bắt đầu ở các thành phố lớn, ở tầng lớp dân cư có học vấn và thu nhập khá. Tác giả một cuốn sách mới xuất bản về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi, cô Mara Hvistendahl, giải thích:

Mara Hvistendahl: khi nhìn vào số liệu thống kê chúng ta thấy phần lớn trường hợp lựa chọn giới tính xảy ra với các phụ nữ có học vấn nhiều hơn ở Ấn Độ. Tại Trung Quốc và Nam Hàn và Azerbaizan thì việc lựa chọn giới tính cũng bắt đầu tại khu vực thành thị, ở tầng lớp người có học vấn và bắt đầu lan xuống tầng lớp trung lưu và thấp hơn…. Tầng lớp khá giả, có tiền và có học thức thường là những người đầu tiên được tiếp cận với công nghệ mới và thường có tỷ lệ sinh thấp hơn tầng lớp dưới.

“Kế hoạch hoá” và nạo phá dễ dàng

Đôi tình nhân trẻ-AFP photo
Đôi tình nhân trẻ-AFP photo (AFP photo)

Theo cô Mara Hvistendahl thì việc giảm tỷ lệ sinh cũng thúc đẩy các gia đình xác định giới tính thai nhi trước khi sinh và đi đến quyết định phá thai dễ dàng hơn. Chính sách một con ở Trung Quốc và kế hoạch hóa gia đình ở các nước khác là những yếu tố khiến cơ hội có con trai của các gia đình càng ngày càng thấp.

Mara Hvistendahl: khi nhìn vào Trung quốc, với chính sách một con thì tỷ lệ sinh đã giảm từ 6 con vào khoảng đầu những năm 1970 xuống còn 1,5 con một phụ nữ. Còn đối với Nam Hàn thì tỷ lệ giảm từ 6 con một phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn khoảng 1,1 hay 1,2 con một phụ nữ. Điều này cũng tương tự như ở Đông Âu và các nước thuộc vùng Cáp-Ca (Caucasus), tỷ lệ rất thấp và ít cơ hội có con trai hơn cho các phụ nữ. Đây là một nhân tố quan trọng.

Việc tiếp cận với các dịch vụ nạo phá thai dễ dàng cũng khiến tỷ lệ các phụ nữ chọn biện pháp nạo phá thai ngày một tăng ở nhiều nước. Trong cuốn sách có tựa ‘sự lựa chọn không tự nhiên: chọn con trai hơn con gái và hậu quả của một thế giới đầy đàn ông’, cô Mara Hvistendahl đã đưa ra những số liệu dẫn chứng về vấn đề này. Cụ thể là tại Nam Hàn, vào khoảng cuối những năm 1970, khi việc lựa chọn giới tính bắt đầu thì một phụ nữ ở Seoul trung bình có 3 lần nạo phá thai trong đời.

Trong báo cáo hồi đầu tháng 10, Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc cảnh báo nếu tình hình này vẫn tiếp tục thì sẽ gây ảnh hưởng đến các nước trong khu vực trong vòng 50 năm và nhiều hơn thế, đặc biệt là đối với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ nơi đàn ông sẽ không thể tìm được các cô dâu cho mình.

Gây nạn buôn bán phụ nữ

Những nước châu Á đầu tiên đã phải trải qua hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh chính là các nước Nam Hàn, Trung Quốc và Đài Loan. Đàn ông các nước này đã bắt đầu phải đi tìm vợ ở các quốc gia khác ngay từ những năm đầu 1990 và kéo dài cho đến bây giờ. Một trong những quốc gia hiện xuất khẩu nhiều cô dâu sang các nước này chính là Việt Nam. Cô Mara Hvistendahl giải thích:

Mara Hvistendahl: Nam Hàn và Đài Loan bắt đầu xu hướng lựa chọn giới tính sớm hơn các nước khác một vài năm và xu hướng này lan rộng vầo đầu những năm 1980. Còn ở Trung Quốc và Ấn Độ thì xu hướng này bắt đầu vào giữa những năm 1980 và đầu 1990. Những người đàn ông tại các nước này phải đi xa hơn để tìm kiếm vợ. Họ tham gia các tour cưới vợ. Trong nhiều trường hợp họ phải trả khoảng 10,000 đô la, bay đến Việt Nam để tìm vợ. Có nhiều phụ nữ bị mua bán, và tất nhiên là cuối cùng thì cũng chẳng có nhiều phụ nữ để mua bán khắp nơi, ở một vài vùng Trung Quốc có hiện tượng tỷ lệ tội phạm lên cao.

Các con số thống kê của phía Hàn Quốc đưa ra cho thấy chỉ có 50% các cặp kết hôn này (trong 35 ngàn cô dâu Việt Nam) thực sự có hạnh phúc.

Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng buôn bán phụ nữ nhất là qua biên giới với Trung Quốc. Thống kê của Cục cảnh sát hình sự Bộ Công An cho biết trong vòng 5 năm từ năm 2005 đến 2010, cả nước đã xảy ra gần 1,600 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em với gần 4,000 nạn nhân, trong đó 3,500 người là phụ nữ. 60% các trường hợp được đưa sang Trung Quốc.

Việt Nam cũng nổi tiếng là nước xuất khẩu cô dâu sang các nước phát triển khác trong khu vực là Đài Loan và Hàn Quốc vốn là các nước đã phải trải qua tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vào những năm 1980.

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tính đến tháng 12 năm 2010, đã có hơn 35,000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Thế nhưng các con số thống kê của phía Hàn Quốc đưa ra cho thấy chỉ có 50% các cặp kết hôn này thực sự có hạnh phúc.

Phần lớn những cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan đến từ các vùng quê nơi đời sống khó khăn. Họ hy vọng lấy chồng nước ngòai để cải thiện cuộc sống cho cả gia đình cha mẹ anh chị em, và một tương lai tốt đẹp hơn cho mình hay con cái mình. Đã có những trường hợp không may mắn, các cô dâu Việt bị chồng sát hại.

Nạn nhân buôn người gặp PV Thanh Trúc ở Băng Kốc-RFA photo
Nạn nhân buôn người gặp PV Thanh Trúc ở Băng Kốc-RFA photo (RFA photo)

“Ăn cỏ đồng xa”

Việc những phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng ngoại ồ ạt tại một số địa phương cũng kéo theo tình trạng nam giới ở những vùng này bị ế vợ thực sự, chứ chưa cần chờ đến khi chuyện mất cân bằng giới tính khi sinh sản gây hậu quả.

Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông không tìm được vợ.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Năm 2009, báo chí Việt Nam đã rộ lên chuyện một số ông bố bà mẹ kéo nhau đi kiện một chủ tịch xã ở thành phố Hải phòng vì đã để phụ nữ xã này đi lấy chồng ngoại khiến con trai họ không lấy được vợ. Cả xã có 2,500 nhân khẩu thì có đến 700 phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài, khiến 50% đàn ông xã có nguy cơ ế vợ nếu không ‘ăn cỏ đồng xa’. Những ông bố bà mẹ kiện chủ tịch xã đã ‘nối giáo cho giặc’ và yêu cầu xã phải ra lệnh cấm con gái trong xã đi lấy chồng nước ngoài.

Tất nhiên là việc cấm cản kết hôn bây giờ là điều không thể làm vì đã có pháp luật bảo vệ, nhưng chính phủ Việt Nam cũng đã phải thừa nhận việc thừa nam thiếu nữ là vấn đề cần phải sớm giải quyết. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từ năm 2009 đã nói là vào năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông không tìm được vợ.

Để giảm thiểu việc mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam từ lâu đã cấm việc siêu âm xác định giới tính thai nhi, mặc dù trên thực tế còn khó kiểm soát. Ngoài ra, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam cũng đang thực hiện chương trình thí điểm để thay đổi tỷ lệ này ở 20 tỉnh.
Tỷ lệ giới tính khi sinh cũng được Việt Nam coi là một trong những trọng tâm trong chiến lược quốc gia về dân số và sức khỏe sinh sản từ năm 2011 đến 2020.

Việt Hà thân ái tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org