Bất bình đẳng giới trong nền kinh tế

Cơ hội được tham gia vào nền kinh tế giữa nam và nữ vẫn còn những cách biệt lớn. Đó là kết luận được đưa ra trong một báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.11.08
000_Nic6020838-305.jpg Những vị khách nữ trò chuyện trên sân thượng trung tâm hội nghị, nơi diễn ra các cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Amman, ngày 23 tháng 10 năm 2011.
AFP photo

Những rào cản nào ngăn trở phụ nữ tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế và đâu là những tiến bộ trong bình đẳng giới mà các nước đã đạt được trong các năm qua? Để tìm hiểu về vấn đề này, Việt Hà phỏng vấn bà Saadia Zahidi, Giám đốc chương trình bình đẳng giới và các lãnh đạo nữ của Diễn đàn kinh tế thế giới, đồng tác giả bản báo cáo.

Thu ngắn cách biệt

Báo cáo về bình đẳng giới năm 2011 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy một bức tranh khá khả quan về những tiến bộ mà các nước đã đạt được trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới giữa nam và nữ. Tuy nhiên, các chuyên gia của tổ chức này cho rằng vẫn còn sự chênh lệnh trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm sự tham gia vào nền kinh tế, chính trị, cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế và giáo dục.

Bà Saadia Zahidi, Giám đốc chương trình Bình đẳng giới và các lãnh đạo nữ của diễn đàn kinh tế, đồng tác giả của báo cáo cho biết:

"Nếu xét trên bình diện cả thế giới thì tiến bộ rõ rệt nhất là sự tham gia vào chính trị của phụ nữ, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì đó là lĩnh vực trì trệ từ lâu trên thế giới, cho nên nếu xét trung bình thì mức tăng từ 17% đến khoảng 19% cũng là một thay đổi lớn, và nhất là nếu xem xét ở cả 135 nước thì đây rõ ràng là một tiến bộ rõ rệt.

Đây là lĩnh vực mà phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều nhất, tức là những phụ nữ nắm quyền lãnh đạo trong bộ máy chính quyền, đây là lĩnh vực mà chúng ta đang thấy những thay đổi. Tham gia kinh tế của phụ nữ đã không có tiến bộ gì trong những năm qua, năm ngoái 60% các nước đã đóng được phần nào những cách biệt về kinh tế giữa nam và nữ, và năm nay chúng ta cũng chỉ có con số tương tự.

Y tế và giáo dục vẫn ở mức từ 93% đến 96% nhưng đây là những lĩnh vực khá tốt của thế giới từ trước đến nay nên sự thay đổi không còn quá nhanh nữa."
Đây đã là năm thứ 6, Diễn đàn kinh tế thế giới tìm hiểu những tiến bộ đạt được trong bình đẳng giới ở các nước. Từ 114 nước điều tra ban đầu, đến nay đã có 135 nước được bao gồm trong bản báo cáo. Điều này tạo cơ hội thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu có được bức tranh hoàn chỉnh hơn về những tiến bộ mà thế giới đã đạt được. Trong số 114 nước được điều tra từ ban đầu, tính đến nay đã có 85% số nước thu hẹp được các cách biệt giới.  Tuy nhiên vẫn có 15% số nước hoặc dậm chân tại chỗ hoặc bị thụt lùi. Các nước nằm gần cuối hay cuối bảng ngay từ những năm đầu tiên tiếp tục bị thụt hạng trong năm nay, điển hình là Mali.

000_Par6363006-250.jpg
TT Phần Lan Tarja Halonen (P) nói chuyện với bà Saadia Zahidi, Giám đốc chương trình bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Vilnius hôm 30/6/2011. Ảnh minh họa. AFP
TT Phần Lan Tarja Halonen (P) nói chuyện với bà Saadia Zahidi, Giám đốc chương trình bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Vilnius hôm 30/6/2011. Ảnh minh họa. AFP
Các nước Bắc Âu tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng xếp hạng trong báo cáo năm nay. Các nước này liên tục thu hẹp các cách biệt giới trong suốt 6 năm qua. Điển hình là Iceland đã thu hẹp được 85% khoảng cách, 3 nước Bắc Âu khác là Na uy, Phần Lan và Thụy điển đã đóng được hơn 80% cách biệt giới.
Các chuyên gia của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp các nước này vào nhóm nước đã đầu tư tích cực vào giáo dục và y tế cho phụ nữ, đồng thời cũng thu được lợi từ nguồn đầu tư này, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định. Bà Saadia Zahidi giải thích."

"Họ đầu tư vào giáo dục và y tế, và cũng đảm bảo dỡ bỏ những rào cản cho phụ nữ khi tham gia vào kinh tế để đảm bảo đất nước thu được lợi từ những đầu tư mà họ bỏ ra trước đó vào giáo dục và y tế. đây là các nước bắc Âu, Mỹ và Anh.

Các nước này làm khá tốt trong việc đóng lại khoảng cách giới, tất nhiên họ cũng còn những cách biệt trong việc bổ nhiệm nữ vào hàng ngũ lãnh đạo các công ty và chính phủ. Họ vẫn cần những cải thiện hơn nữa trong vấn đề này nhưng nhìn chung họ làm tốt hơn các nước khác và vì vậy họ ở đầu bảng xếp hạng."

Nếu xét trên bình diện cả thế giới thì tiến bộ rõ rệt nhất là sự tham gia vào chính trị của phụ nữ. Đây là lĩnh vực mà phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều nhất...

Bà Saadia Zahidi

Diễn đàn kinh tế thế giới xếp những nước cuối bảng như Pakistan hay Yemen vào nhóm các nước đầu tư rất ít hoặc gần như không đầu tư vào các vấn đề cơ bản trong y tế và giáo dục cho phụ nữ. Và vì vậy cũng không thấy có sự tham gia đáng kể của phụ nữ vào kinh tế và chính trị.

Có hai nhóm nước đáng chú ý khác mà các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói đến trong các báo cáo qua các năm là các nhóm có đầu tư vào y tế và giáo dục cho phụ nữ, nhưng vẫn không thu được lợi đáng kể từ các nguồn đầu tư này. Bà Saadia Zahidi giải thích:

"Các nước có đầu tư vào giáo dục và y tế cơ bản cho phụ nữ nhưng những rào cản, quan niệm về văn hóa đã ngăn cản phụ nữ tham gia vào kinh tế, vào chính trị, nhất là ở các nước nông nghiệp. Họ cũng có thể đưa ra biện pháp như quota số phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, các nước điển hình như là Ấn Độ, đây là nước đưa ra quota này.

Nhóm nước khác đã có đầu tư vào y tế và giáo dục cho phụ nữ nhưng lại chưa bỏ được các rào cản ngăn cản phụ nữ tham gia vào kinh tế, đặc biệt là cho những phụ nữ có thể kết hợp việc xã hội với việc nhà, nước điển hình là Nhật bản.

Nước này trong khoảng 1 thập kỷ trước đã đóng được khoảng cách về giáo dục nhưng lại không đóng được khoảng cách về tham gia kinh tế cho phụ nữ, vì phụ nữ nước này thấy khó có thể kết hợp cả việc nhà lẫn việc xã hội."

Rào cản về văn hóa

Châu Á là châu lục với sự đa dạng lớn thể hiện trong báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới qua các năm. Philippines trong hai năm liên tiếp được xếp vào danh sách 10 nước đầu bảng vì đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các ngành kinh tế và lãnh đạo chính trị. Mặc dù vậy, châu Á cũng có những nước đã có đầu tư đáng kể vào giáo dục và y tế cho phụ nữ nhưng lại bị xếp gần cuối bảng ví dụ như Ấn Độ ở hạng 113. Đây là quốc gia có thứ hạng thấp nhất trong số 4 quốc gia thuộc nhóm kinh tế BRIC là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

050_ONLY_0111287-250.jpg
Phụ nữ Nhật trong trang phục truyền thống. Photononstop
Phụ nữ Nhật trong trang phục truyền thống. Photononstop
Cũng trong nhóm BRIC, Trung Quốc mặc dù có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động khá cao là 74% nhưng lại bị xếp hạng 133 trong chỉ số về sức khỏe. Nguyên nhân là do sự mất cân đối tỷ lệ giới khi sinh quá cao giữa trẻ trai và trẻ gái.

Việt Nam năm nay xếp hạng 79 trong số 135 nước, tụt 7 hạng so với năm ngoái. Bà Saadia Zahidi giải thích về nguyên nhân khiến Việt Nam bị thụt hạng trong năm nay như sau:

"Số liệu thống kê 6 năm cho chúng ta thấy là những thay đổi về thứ hạng của Việt Nam chủ yếu là do 2 yếu tố. thứ nhất là việc tham gia vào đội ngũ lao động của phụ nữ, từ năm 2007 tỷ lệ nữ tham gia lao động là khoảng 77%, hiện nay là 74%. Và đây là một nghiên cứu liên tục qua các năm cho nên có thể kết luận là một xu hướng giảm dần theo các năm. Yếu tố thứ hai là lương và thu nhập cho phụ nữ, chúng tôi sử dụng hai thước đo về bình đẳng lương.

Nhật bản trong khoảng 1 thập kỷ trước đã đóng được khoảng cách về giáo dục nhưng lại không đóng được khoảng cách về tham gia kinh tế cho phụ nữ, vì phụ nữ nước này thấy khó có thể kết hợp cả việc nhà lẫn việc xã hội.

Bà Saadia Zahidi

Thứ nhất chúng tôi muốn biết là sự khác biệt chung giữa lương của nam và nữ là gì, thứ hai là chúng tôi muốn biết là phụ nữ và nam giới có được trả lương như nhau trong cùng một công việc không. Dù ước tính thu nhập giữa hai giới không có khác biệt rõ rệt, nhưng lại có khác biệt rõ nét trong bình đẳng lương của cùng một công việc. Vào năm 2007, yếu tố lãnh đạo nữ trong doanh nghiệp ở Việt Nam là 5,3 còn bây giờ là 4,7, tính theo thang từ 1 đến 7. Đây là một nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy sự sụt giảm dần dần qua các năm."

giảm sự cách biệt giới. Theo bà Saadia Zahidi, có ba chính sách được nghiên cứu chủ yếu trong báo cáo lần này là chính sách về chăm sóc con, đánh thuế và cơ hội bình đẳng tại chỗ làm. Các nước bắc Âu là các nước điển hình trong việc tạo cơ hội bình đẳng tại chỗ làm cho phụ nữ và đảm bảo cho phụ nữ có thai có thời gian chăm sóc con trong khi vẫn có thể có cơ hội trở lại với công việc.

Rất tiếc, báo cáo lần này của Diễn đàn kinh tế thế giới không có phần nghiên cứu cụ thể về chính sách tại Việt Nam, nhưng các chuyên gia của tổ chức này cho rằng Việt Nam có thể học được kinh nghiệm từ các nước khác nhằm giảm bất bình đẳng giới.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.